Cuộc sống của cô gái 31 tuổi đã thay đổi đáng kể vào tháng Một, khi một chứng bệnh bí ẩn đã khiến cô “mất giọng” hoàn toàn suốt 2 tháng.
2 tuần trước khi mất tiếng, tông giọng của cô trầm hơn và cô bị đau đầu liên tục. Các đồng nghiệp của cô nhận thấy sếp của mình phát âm chậm dần và rồi rơi vào tình trạng đột quỵ khi đang nói chuyện với mọi người.
Khi được đưa đến viện, Emily đã mất giọng hoàn toàn. Sau khi được đưa đi làm các xét nghiệm, cô được các bác sĩ xác nhận rằng không hề đột quỵ và cho rằng việc mất giọng của cô có thể do chấn thương sọ não.
Sau 3 tuần ở trong bệnh viện, Emily Egan vẫn không thể nói, chỉ có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu cơ bản mà cô vẫn thực hiện trong công việc và sử dụng một ứng dụng “viết chuyển thành lời” trên điện thoại.
Bác sĩ thần kinh khuyến khích Emily đi nghỉ ở Thái Lan để thư giãn nhiều nhất có thể. Và quả thực, chỉ sau vài ngày nghỉ ngơi ở Thái Lan cùng bạn đời Bradleigh, cô đã bắt đầu nói trở lại.
“Tôi là một cô gái Essex bình thường. Âm vực của tôi rất mạnh và cao nên giọng của tôi rất dễ nhận ra khi tôi gọi điện. Trong kỳ nghỉ, tôi bắt đầu phát ra những âm thanh như người điếc học nói - báo hiệu các dây thần kinh hoạt động trở lại khi cơ thể tôi được thư giãn hoàn toàn. Vào đúng thời điểm trở về nhà, tôi phát ra những tiếng như ngoại ngữ”, Emily nói với giọng Nga.
Emily lúc đầu đã bị sốc khi thấy mình có ngữ âm kiểu Đông Âu, rồi có lúc còn nói cả tiếng Ba Lan, tiếng Ý và thậm chí là tiếng Pháp. Mặc dù cô không biết lý do tại sao điều này xảy ra nhưng cô nhận thấy nó liên quan với tình trạng mệt mỏi của cô. Vào tháng 3/2020, cô được chẩn đoán mắc 1 bệnh hiếm là Hội chứng Giọng nước ngoài.
“Tôi rất vui mừng khi giọng nói của tôi bắt đầu trở lại nhưng tôi thậm chí không nhận ra những âm thanh phát ra từ chính miệng mình. Dường như không phải là tôi nói”, Egan chia sẻ trên tờ SWNS.
Kể từ khi được chẩn đoán mắc Hội chứng Giọng nước ngoài, Emily đã đến gặp nhà trị liệu ngôn ngữ nhưng cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ thay đổi nào. Các bác sĩ nói rằng ngữ âm mới sẽ theo cô lâu dài, thậm chí có thể mãi mãi.
Kể từ khi nói trở lại, cô cũng phải chung sống với sự đối xử phân biệt từ những người nghĩ rằng cô là người nhập cư. Cô cũng đã phải nghỉ làm vì sự căng thẳng trong công việc chỉ làm tình trạng bệnh của cô thêm tồi tệ.
“Tôi mới 31 tuổi và rất sốc khi cuộc sống của mình thay đổi chỉ trong vài tháng qua. Điều khó khăn nhất đối với tôi là học cách chung sống với ngữ âm mới”.
Nhân Hà
Theo ODC
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn