Thời gian đầu, một số người khá hoài nghi về tay nghề của Madan, bởi nếu thiếu đi đôi tay thì không biết người đàn ông này sẽ may bằng cách nào. Anh chia sẻ: “Một vài người từng nói tôi có thể làm hỏng quần áo vì tôi dùng chân để may nhưng giờ ai nấy trong làng đều đến tiệm của tôi để may đồ... Tôi đã giành được lòng tin của mọi người”.
Theo Daily mall, Madan bị khiếm khuyết không có tay ngay từ khi chào đời. Nhưng anh đã cố gắng học làm các công việc cá nhân bằng chân. Và hiện giờ anh còn dùng những ngón chân linh hoạt của mình để tạo ra những bộ trang phục đẹp đẽ tại một tiệm may nơi mình sinh sống.
“Tôi cố gắng làm mọi việc bằng đôi chân của mình. Từ việc đo đạc, cắt vải cho tới sử dụng máy may”, anh chia sẻ.
Tuy nhiên để có được thành công như ngày hôm nay, anh Madan đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn bằng chính sự nỗ lực của bản thân.
Khi còn nhỏ, Madan gặp phải sự kỳ thị và và định kiến của những người xung quanh.
"Khi tôi còn nhỏ, hầu hết các trường học đều từ chối nhận tôi. Các giáo viên cũng không cho tôi tới lớp", Madan kể. "Tôi thất vọng và nghĩ rằng sẽ chứng minh cho họ thấy mình không vô dụng. Gia đình tôi không có tiền cho tôi đi học nên tôi sẽ phải làm gì đó để nuôi sống bản thân".
Đến năm 23 tuổi Madan quyết định học nghề may, dù biết con đường mình chọn không hề dễ dàng.
Madan đã đi rất nhiều nơi để xin học nghề nhưng hầu hết mọi người đều cười nhạo ý định của anh: “Họ nói rằng tôi không thể may quần áo mà không dùng tới tay”.
Không bỏ cuộc, một thời gian sau anh đã tìm được một thợ may ở Fatehabad và sẵn sàng dạy nghề cho mình.
"Ban đầu ông ấy từ chối tôi và hỏi tôi sẽ may vá bằng cách nào. Khi đó, tôi trả lời rằng hãy cho tôi một cơ hội. Ông ấy đồng ý và trong khoảng 10-15 ngày, giáo viên của tôi nói rằng tôi sẽ thành công. Điều đó khiến tôi rất vui", Madan chia sẻ.
Sau gần 1 năm với sự cố gẵng không ngừng nghỉ, Madan đã học thành thạo các kỹ thuật may vá. Sau đó, ông về ngôi làng nơi mình sinh sống mở một tiệm may riêng.
"Đó là ngày đẹp nhất trong đời tôi. Tôi chứng kiến mọi người tới cửa hàng để chúc mừng mình. Cả làng đều vui vẻ như thể họ là người nhà của tôi vậy", Madan hào hứng chia sẻ.
Những ngày đầu mở tiệm, một số khách hàng còn hoài nghi về "tay nghề" của Madan nhưng dần dần họ đã tin rằng người đàn ông không tay này có thể trở thành một thợ may thực thụ.
Tác giả: Theo Hà Linh Tuổi trẻ Thủ đô
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn