HOICHOTHUONGMAI

Chuyện thức tỉnh mầm thiện trong người lỗi lầm

Thứ bảy - 29/02/2020 03:06
Công việc của cán bộ quản giáo không chỉ đơn thuần là quản lý, giam giữ các phạm nhân mà còn phải giáo dục, làm thức tỉnh tính thiện trong mỗi con người từng một thời lầm lỗi... Với cán bộ làm công tác quản giáo tại các trại tạm giam thì công việc còn đòi hỏi những áp lực riêng.


Phạm nhân vào trại tạm giam là những bị can đang ở giai đoạn tạm giữ, tạm giam luôn có sự hoang mang về tâm lý; các đối tượng mang trong mình bản án tử hình, chẳng còn gì để mất. Vượt qua những khó khăn, trở ngại, trong những năm qua cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Lào Cai đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, giúp các bị can nhìn nhận được sai lầm, từ đó hướng thiện, trở thành người có ích cho xã hội.

Chuyện thức tỉnh mầm thiện trong người lỗi lầm
Trại tạm giam Công an tỉnh Lào Cai giáo dục, cải tạo phạm nhân

1. Nhiều ngày, Thượng úy Đỗ Đức Mão, cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Lào Cai tìm cách tiếp cận nhưng Hoàng Tiến Dũng (SN 1974, ở tại thôn Tả Hà, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) vẫn tỏ thái độ bất hợp tác. Anh ta co mình, không tiếp xúc với những người xung quanh...

Gắn bó với công tác quản lý, giam giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh Lào Cai nhiều năm nay, Thượng úy Đỗ Đức Mão có không ít kỷ niệm vui, buồn với nghề. Với anh, trại tạm giam như một thế giới thu nhỏ với muôn hình vạn trạng... 

Phạm nhân có thể là những đối tượng mang trong người nhiều tiền án, tiền sự, song cũng có người phạm tội lần đầu..., mỗi đối tượng lại có những đặc điểm tâm lý riêng. Nếu đối tượng từng nhiều lần ra tù, vào tội luôn tìm cách chống đối thì tâm lý chung của những người phạm tội lần đầu thường là lo lắng, bất an. 

Nhiệm vụ của anh và đồng đội là phải nắm bắt được tư tưởng, tránh việc họ không hiểu rõ được hành vi phạm tội mà nghĩ quẩn, có những hành động tiêu cực ảnh hưởng đến quy định của trại tạm giam.

Với trường hợp của Dũng, Thượng úy Mão không vội vàng tiếp cận ngay. Mỗi ngày, vào bữa ăn cơm, anh lặng lẽ cho thêm khẩu phần ăn cho Dũng. Sau đó thì thăm hỏi về tình hình sức khỏe. Đồng thời, trong thời gian này, qua cán bộ thụ lý vụ án, anh tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình và nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của Dũng. 

Trước khi bị bắt giữ về tội giết người, Dũng từng có 2 tiền án, một về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, TAND TP Lào Cai xử phạt 5 năm 6 tháng tù giam; một về tội đánh bạc. Sau khi ra tù, Dũng và chị Nguyễn Thị Lệ Thủy (SN 1977), nạn nhân của vụ án, đăng ký kết hôn với nhau. 

Trong quá trình sinh sống, hai bên nảy sinh những mâu thuẫn về tiền bạc và tình cảm. Vì thế, trong lúc tức giận, Dũng đã ra tay tước đoạt mạng sống của người vợ. Sau khi tìm hiểu về hoàn cảnh của Dũng, Thượng úy Mão thường dành thời gian để gặp gỡ... Mưa dầm thấm lâu, sau gần nửa tháng, Dũng đã bắt đầu mở lòng mình, bộc lộ những cảm xúc, chia sẻ với Thượng úy Mão như hai người đàn ông với nhau.

2. Thượng úy Đỗ Đức Mão chia sẻ: “Ở Trại tạm giam Công an tỉnh Lào Cai có một đặc thù đó là phạm nhân phạm tội lần đầu chủ yếu là đối tượng trong các đường dây mua bán trái phép chất ma túy, với khung hình phạt từ 20 năm, chung thân đến tử hình”... Trong trường hợp này, anh và đồng đội phải cùng lúc đối mặt với rất nhiều áp lực, trước hết là việc bố trí các buồng giam. 

Một vụ án về ma túy thường có đông đối tượng, ngoài việc phải bố trí buồng giam làm sao để các bị can không thông cung thì phải nắm bắt được tâm lý của đối tượng, tránh trường hợp có suy nghĩ tiêu cực rơi vào hoảng loạn hoặc tìm cách kết liễu đời mình. Cùng với đó là việc đối phó với các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng. Nhiều trường hợp sau khi tìm cách tự tử bất thành thì có thủ đoạn giả điên để trốn tránh pháp luật.

Chuyện thức tỉnh mầm thiện trong người lỗi lầm - Ảnh minh hoạ 2
Trại tạm giam Công an tỉnh Lào Cai trao quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện cho các phạm nhân.

Bằng cái tâm của người quản giáo, Thượng úy Mão và đồng đội đã cảm hóa, giáo dục được không ít bị can; giúp họ nhận thức rõ được hành vi phạm tội đã gây ra, phối hợp với cơ quan điều tra mở rộng vụ án. Trường hợp của Lù Thị Mỷ và Lù Thị Vang là hai chị em ruột tham gia vào một đường dây mua bán trái phép chất ma túy, bị Công an tỉnh Lào Cai phát hiện và bắt giữ là một ví dụ. 

Vào thời điểm bị bắt giữ, Vang đã có một tiền án về tội mua bán trái phép chất ma túy nhưng cô em gái mới phạm tội lần đầu. Cũng như các phạm nhân khác những ngày đầu Mỷ suy sụp, hoang mang về hành vi phạm tội của mình. Mỷ tâm sự với những người bạn tù rằng muốn tự sát, muốn chết vì đằng nào cũng phải đối mặt với bản án tử hình... Nắm bắt được điều này, Thượng úy Mão đã báo cáo lãnh đạo, từ đó có những biện pháp thích hợp để giáo dục, cảm hóa  Mỷ.

“Song vất vả nhất có lẽ là việc canh giữ tử tù. Trong những năm qua, lượng người có án tử hình trong Trại tạm giam Công an tỉnh Lào Cai tăng nhanh, trong số đó có đến 80-90% là đối tượng phạm tội về ma túy. Nhiều tử tù sau một thời gian dài chờ thi hành án đã bị chính gia đình của họ chối bỏ nên bất mãn”, Thượng úy Mão cho biết. 

Rồi anh kể cho chúng tôi nghe về trường hợp của Tẩn Ông Nải (trú tại Bát Xát, Lào Cai), đối tượng từng gây ra vụ thảm án gây xôn xao dư luận nhiều năm trước; hay trường hợp của đối tượng Khuê giết 2 vợ chồng ở phường Pom Hán (TP Lào Cai)... Khuê là đối tượng chống đối quyết liệt. Những trang cấp như chăn, màn cứ vài ngày anh ta lại xé tung, vứt khắp buồng giam. Khi cán bộ vào gặp gỡ thì anh ta chửi bới, đập phá đồ đạc…

Những chia sẻ của Thượng úy Mão giúp chúng tôi phần nào hiểu được công việc thường nhật của các anh. Cán bộ làm công tác quản giáo ở Trại tạm giam Công an tỉnh Lào Cai sau một thời gian làm nghề đều mắc bệnh nghề nghiệp. Nửa đêm, nghe tiếng động mạnh hoặc chuông điện thoại là bật dậy. Rồi đi đâu cũng kè kè chiếc chìa khóa bên người... Ngày bình thường, sáng làm việc như giờ hành chính, những hôm nào trực buổi tối thì chẳng bao giờ chợp được mắt. Anh lính nào mới về trại, ngày đầu nằm ngủ cũng lo sợ phạm trốn trại rồi giật mình rằng chưa khóa cửa buồng.

Trung úy Bàn Quốc Minh, cán bộ phụ trách buồng tử hình cũng chia sẻ nhiều câu chuyện đáng phải suy ngẫm. Anh tâm sự: “Muốn quản lý tốt các bị can thì phải nắm được nhân thân của người bị kết án và các mối quan hệ của họ... Quản lý một bị can đã khó, nắm bắt được nội tâm của một đối tượng có án tử hình với những diễn biến phức tạp về tâm lý còn khó hơn nhiều”. 

Câu chuyện của chúng tôi với Trung úy Minh bị ngắt quãng... Anh vội phải chạy xuống buồng giam để xử lý công việc. Bị can là Giàng Thị Dớ (SN 1987, trú tại Vân Hồ, Sơn La) bị bắt giữ về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Chồng mang án chung thân về tội mua bán trái phép chất ma túy, đối tương Dớ ở bên ngoài xã hội lại tiếp tục sa chân vào con đường phạm tội cũ. 

Khi vào trại, Dớ thương 5 đứa con thơ nheo nhóc, không người chăm sóc nên thường xuyên day dứt vì thương nhớ con. Khi bản án tử hình được tuyên thì chị ta hoàn toàn suy sụp... Cả ngày lẫn đêm, chị ta thường khóc lóc vật vã.

Ngoài việc quản lý, giáo dục phạm nhân, quản giáo Minh và đồng đội còn phải thường xuyên quan tâm đến những sinh hoạt thường nhật của các phạm nhân đơn giản là một bữa ăn đến tình hình sức khỏe... Vất vả nhất là vào lúc nửa đêm, bị án tử hình cấp cứu. Mở các buồng giam tử hình rất phức tạp, đặc biệt là vào ban đêm. Các trường hợp này đều phải báo cáo lãnh đạo và phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình di chuyển... 

Một ngày chứng kiến công việc của các anh, tôi thêm hiểu về nhiệm vụ của những người trông tử tù. Nếu không có cái tâm và trách nhiệm với công việc, chắc khó lòng có thể vượt qua.  Song vượt qua những khó khăn, trong những năm qua, bằng lương tâm và trách nhiệm của mình, Trung úy Bàn Quốc Minh và đồng đội đã cảm hóa thành công nhiều trường hợp, giúp họ yên tâm cải tạo.

3. Thượng tá Đặng Văn Đông, Phó giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Lào Cai chia sẻ: Trong những năm qua, các vụ trọng án, án ma túy và cướp tài sản trên địa bàn Lào Cai có chiều hướng gia tăng. Cùng với đó là số phạm nhân người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam bị bắt giam giữ, với phần lớn là người Lào, Trung Quốc... Ngoài những khó khăn về con người, còn là sự khác biệt về phong tục tập quán và ngôn ngữ. Công việc đè nặng nhưng bằng chữ tâm và trách nhiệm với công việc, họ đã giúp cho nhiều phạm nhân nhận thức rõ hành vi phạm tội, từ đó phối hợp với cơ quan điều tra mở rộng vụ án... 

Xuân Mai

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập416
  • Máy chủ tìm kiếm68
  • Khách viếng thăm348
  • Hôm nay71,232
  • Tháng hiện tại3,929,339
  • Tổng lượt truy cập151,649,815
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây