HOICHOTHUONGMAI

NÂNG CAO HIỆU LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

Thứ tư - 02/10/2019 23:45
Quản lý Nhà nước về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, là một trong các lĩnh vực Nhà nước giao cho Bộ Công an trực tiếp quản lý, chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Thực hiện tốt quản lý Nhà nước về PCCC nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, góp phần đảm bảo an toàn tính mạng của con người, an toàn tài sản của Nhà nước, của doanh nghiệp, cá nhân, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội. Thời gian qua, quản lý Nhà nước về PCCC trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã được Công an tỉnh, các cấp, các ngành quan tâm và tổ chức triển khai thực hiện tốt. Tuy nhiên, cùng với của sự phát triển của kinh tế, xã hội....kèm theo đó xuất hiện nhiều nguy cơ tiềm ẩn phát sinh và sự gia tăng cũng như mức độ nghiêm trọng của các vụ việc cháy, nổ.
Công an tỉnh Bắc Kạn tổ chức tọa đàm về công tác PCCC
Công an tỉnh Bắc Kạn tổ chức tọa đàm về công tác PCCC
Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, trong giai đoạn 5 năm từ 2014 đến 2018 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 171 vụ cháy (trong đó 128 vụ cháy nhà dân; 08 vụ cháy cơ sở kinh doanh; 12 vụ cháy phương tiện giao thông cơ giới; 17 vụ cháy rừng; 06 vụ cháy cơ quan, doanh nghiệp), làm 01 người chết, 06 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 16,5 tỷ đồng. Có thể thấy, giai đoạn 2014-2018 số vụ cháy bằng tổng số vụ cháy và thiệt hại về tài sản gấp khoảng 04 lần của giai đoạn 10 năm từ 2001 đến 2011. Riêng 9 tháng đầu năm 2019 đã xảy ra 14 vụ cháy với thiệt hại gần 1,5 tỉ đồng.
Dự báo, trong những năm tới, kinh tế - xã hội trên toàn tỉnh tiếp tục phát triển....kéo theo nguy cơ cháy, nổ cũng như thiệt hại do cháy, nổ gây ra cũng ngày một diễn biến phức tạp, khó lường hơn. Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội đang có diễn biến phức tạp gây ra những ảnh hưởng không nhỏ trong việc thực hiện các mặt công tác PCCC. Từ đó, đặt ra cho công tác PCCC không ít những khó khăn, thách thức và có nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC, các cấp chính quyền, ngành, đoàn thể cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC tới các cấp ủy đảng và toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người dân. Tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC, trong đó chú trọng các chế tài xử phạt mang tính răn đe đối với những vi phạm quy định an toàn PCCC, đề xuất tăng mức phạt đối với hình thức phạt tiền; xây dựng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam về PCCC phù hợp yêu cầu thực tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC.
Hai là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ đối với các cơ sở theo quy định, tăng cường kiểm tra đột xuất khi phát hiện các dấu hiệu không đảm bảo an toàn về PCCC nhất là đối với các chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư, cơ sở tập trung đông người, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có nguy cơ cháy, nổ cao...Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về PCCC, những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có nguy cơ trực tiếp gây ra cháy kiên quyết đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động.
Ba là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC. Chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí tăng cường và đa dạng hình thức tuyên truyền PCCC, nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền, giúp người đứng đầu, người lao động và người dân nâng cao ý thức thực thi pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC. Phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền về PCCC trực tiếp tại cơ sở, nhất là đối với các thôn, bản, tổ dân phố thông qua các buổi họp tổ, họp thôn để người dân nắm và chấp hành tốt các quy định của pháp luật về PCCC. Chuyển biến nhận thức về vai trò của các cấp, các ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong tổ chức thực hiện công tác PCCC tiến tới mục tiêu xã hội hóa công tác này.
Bốn là, tham mưu cấp ủy, chính quyền văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp trong việc thực thi các biện pháp quản lý Nhà nước về PCCC theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh hướng dẫn để cơ sở, khu dân cư tổ chức thực hiện tốt công tác PCCC, làm tốt việc tự kiểm tra an toàn PCCC; kịp thời phát hiện và khắc phục các sơ hở, thiếu sót về đảm bảo an toàn PCCC; xây dựng, kiện toàn, củng cố lực lượng PCCC cơ sở và lực lượng dân phòng, định kỳ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao ý thức, kiến thức nghiệp vụ PCCC; quan tâm bố trí nguồn kinh phí và duy trì lực lượng PCCC tại chỗ hoạt động thực sự có hiệu quả, phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác PCCC.
Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ Cảnh sát PCCC&CNCH và CBCS thực hiện nhiệm vụ PCCC tại Công an các đơn vị, địa phương vững về chuyên môn, nghiệp vụ, có trình độ pháp luật và kiến thức quản lý Nhà nước về PCCC. Định kỳ hàng năm tổ chức mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ PCCC cho CBCS và tổ chức thi kiểm tra nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra, nghiệp vụ tuyên truyền, nghiệp vụ cơ bản về PCCC./.

Tác giả: Đinh Quang Huy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập413
  • Máy chủ tìm kiếm69
  • Khách viếng thăm344
  • Hôm nay105,484
  • Tháng hiện tại3,963,591
  • Tổng lượt truy cập151,684,067
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây