Trang thông tin điện tử Công an Bắc Kạn

https://conganbackan.vn


Báo cáo chuyên đề tuần thứ 39/2022

BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ Tuần 39/2022
Tài liệu tham khảo phục vụ Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC CỦA UỶ BAN QUỐC GIA VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ
 
 
BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ
Tuần 39/2022
Tài liệu tham khảo phục vụ Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số
 
Số: 17/BC-UBQGCĐS Ngày 30 tháng 9  năm 2022 LƯU HÀNH NỘI BỘ
 
Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số gửi báo cáo chuyên đề tham khảo phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều phối của Ủy ban Quốc gia và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương như sau:
​​
NÂNG CAO NHẬN THỨC, PHỔ CẬP KỸ NĂNG VÀ
PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHUYỂN ĐỔI SỐ
Thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào yếu tố con người. Con người là chủ thể và có vai trò quyết định trong thực hiện chuyển đổi số. Ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (sau đây gọi tắt là Đề án) trong đó xác định rõ các nhóm nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Mặc dù việc triển khai Đề án tại các bộ, ngành và địa phương bước đầu có kết quả nhất định nhưng nhìn chung việc triển khai Đề án còn tương đối chậm so với yêu cầu đặt ra. Còn nhiều bộ, ngành và địa phương chưa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án. Một số hoạt động triển khai Đề án mới dừng ở việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi số nói chung, nội dung về phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số chưa được các bộ, ngành và địa phương chú trọng triển khai.
Nhằm thống nhất nhận thức để cùng hành động triển khai chuyển đổi số quốc gia, từ tháng 4/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khai trương Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) của Bộ và tổ chức khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số đầu tiên cho đội ngũ Lãnh đạo đơn vị chuyên trách CNTT của các bộ, ngành và địa phương[1]. Từ tháng 9/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông bắt đầu tổ chức phổ cập kỹ năng số cho Tổ công nghệ số cộng đồng và người dân tại 63 địa phương và bồi dưỡng về chuyển đổi số cho lãnh đạo UBND cấp xã theo Kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số của Bộ trong năm 2022. Đến nay, đã có gần 6 triệu lượt truy cập vào nền tảng.
Cần xác định việc nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số cho người dân và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục, song song với việc thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số của các bộ, ngành và địa phương. Để thực hiện thành công các nhiệm vụ của Đề án, qua đó góp phần quan trọng vào việc phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, các bộ, ngành và địa phương cần phải:
(1) Đối với các bộ, ngành, địa phương chưa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án, cần sớm xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai Đề án phù hợp với Chương trình, Kế hoạch chuyển đổi số và điều kiện đặc thù của cơ quan, địa phương.
(2) Tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Trước mắt, ngay trong tháng 10/2022 tập trung vào các hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
(3) Xây dựng và tổ chức các chương trình bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho các đối tượng phù hợp. Trong đó ưu tiên hình thức bồi dưỡng, tập huấn qua Nền tảng học trực tuyến mở đại trà để cán bộ, công chức, viên chức có thể truy cập và học mọi lúc, mọi nơi, không làm gián đoạn thực hiện công việc hàng ngày.
(4) Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo đột phá về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
1. Số liệu thống kê[2]    
1.1 Về ban hành Kế hoạch triển khai Đề án
- 05/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ[3]41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương[4] đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án.
1.2 Về nâng cao nhận thức về chuyển đổi số
- 08/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức và 43/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức hội nghị, hội thảo, chương trình, sự kiện nhằm truyền thông, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
- 09/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức và 40/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thiết lập chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số trên Cổng Thông tin điện tử của cơ quan.
- 11/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 32/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 09 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã gửi đề xuất các bài toán lớn cần giải quyết để thực hiện chuyển đổi số.
- Tổng hợp và công bố 21 câu chuyện chuyển đổi số Việt Nam từ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để lan toả những sáng kiến, cách làm, kinh nghiệm, bài học, mô hình tham khảo về chuyển đổi số tại địa chỉ: https://t63.mic.gov.vn.
- 334 hồ sơ dự thi Cuộc thi sáng tác Biểu trưng (Logo) "Chuyển đổi số
quốc gia".
- 509 hồ sơ dự thi Cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp Chuyển đổi số Quốc gia – Viet Solutions” năm 2022.
- Gần 500 tập phim của Chương trình “Quốc gia số” đã được sản xuất và phát sóng trên kênh VTV1 do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) thực hiện với nội dung chuyên biệt về tiềm năng, thế mạnh và các thành tựu của Việt Nam trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số như công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, thành phố, đô thị thông minh…
- 101.659 người theo dõi Kênh truyền thông "Chuyển đổi số quốc gia" trên Zalo (tính đến ngày 30/9/2022).
1.3. Phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số
Tổng cộng 117.158 lượt cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương được bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số. Trong đó:
- Số lượt cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số của các bộ, ngành:
TT Tên cơ quan Tổng số
1 Bộ Thông tin và Truyền thông 524
2 Bộ Giao thông vận tải 32
3 Bộ Giáo dục và Đào tạo 28
4 Bộ Tài chính 18
5 Bộ Nội vụ 18
6 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 18
7 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 16
8 Đài Tiếng nói Việt Nam 16
9 Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh 14
10 Bộ Tư pháp 12
11 Bộ Tài nguyên và Môi trường 12
12 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 12
13 Bộ Kế hoạch và Đầu tư 10
14 Văn phòng Chính phủ 10
15 Bộ Quốc phòng 8
16 Bộ Xây dựng 8
17 Bộ Khoa học và Công nghệ 8
18 Đài Truyền hình Việt Nam 8
19 Bộ Công Thương 6
20 Bộ Công an 4
21 Bộ Ngoại giao 4
22 Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội
Việt Nam
4
23 Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam 4
24 Thông tấn xã Việt Nam 4
25 Bảo hiểm Xã hội Việt Nam 4
26 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội 2
27 Thanh tra Chính phủ 2
28 Ủy ban Dân tộc 2
29 Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại
doanh nghiệp
2
30 Bộ Y tế 0
Tổng cộng 810
- Số lượt cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
TT Địa phương Địa phương tự tổ chức bồi dưỡng Bồi dưỡng trên Nền tảng One Touch Tổng số
1 Quảng Ngãi 14.464 216 14.680
2 Hà Giang 6.641 586 7.227
3 Bình Phước 200 6.591 6.791
4 Hưng Yên 6.050 361 6.411
5 Lạng Sơn 5.600 450 6.050
6 Hà Tĩnh 5.000 290 5.290
7 Quảng Ninh 428 4.565 4.993
8 Thái Nguyên 3.602 1.019 4.621
9 Yên Bái 3.452 646 4.098
10 Nam Định 3.800 245 4.045
11 Bắc Ninh 3.300 211 3.511
12 Tuyên Quang 2.758 521 3.279
13 Đồng Nai 2.080 956 3.036
14 Vĩnh Phúc 2.296 354 2.650
15 An Giang 1.690 873 2.563
16 Sóc Trăng 2.040 433 2.473
17 Phú Thọ 1.820 537 2.357
18 TP. Hồ Chí Minh 1.431 557 1.988
19 Khánh Hòa 1.157 777 1.934
20 Hải Dương 600 1.097 1.697
21 Bến Tre 1.050 466 1.516
22 Thái Bình 286 1.216 1.502
23 TP. Hải Phòng   1.304 1.304
24 Nghệ An   1.128 1.128
25 Lâm Đồng 694 384 1.078
26 Đắk Lắk 720 280 1.000
27 Sơn La 600 376 976
28 Bắc Giang   883 883
29 TP. Hà Nội   822 822
30 Thanh Hóa   766 766
31 TP. Cần Thơ 500 244 744
32 Lào Cai   737 737
33 Gia Lai 248 481 729
34 Hà Nam   725 725
35 Bà Rịa - Vũng Tàu 200 522 722
36 Tiền Giang   698 698
37 Bình Thuận 306 370 676
38 Tây Ninh 290 343 633
39 Ninh Thuận 400 216 616
40 Kiên Giang   576 576
41 Đồng Tháp 120 445 565
42 Thừa Thiên - Huế   530 530
43 Hậu Giang 300 218 518
44 Cà Mau   489 489
45 Lai Châu   478 478
46 Long An   453 453
47 Kon Tum 216 236 452
48 Hòa Bình   450 450
49 Bắc Kạn   439 439
50 Đắk Nông 173 254 427
51 Quảng Nam   397 397
52 Quảng Trị   361 361
53 Bình Dương   349 349
54 Bạc Liêu   341 341
55 TP. Đà Nẵng   338 338
56 Điện Biên   335 335
57 Quảng Bình   312 312
58 Ninh Bình   307 307
59 Bình Định   290 290
60 Cao Bằng   281 281
61 Vĩnh Long   259 259
62 Trà Vinh   233 233
63 Phú Yên   219 219
Tổng cộng 116.348
- Tập huấn cho Tổ công nghệ số cộng đồng và phổ cập kỹ năng số cho người dân (tính đến ngày 30/9/2022):
+ 61/63 địa phương đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Còn 02 tỉnh chưa thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng[5]. Tổng số 61.063 Tổ với 277.881 thành viên.
+ Phổ cập kỹ năng số cho Tổ công nghệ số cộng đồng trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà với tổng cộng 159.132 lượt truy cập và tham gia khóa tập huấn.
+ Tổ chức bồi dưỡng trực tiếp cho Tổ công nghệ số cộng đồng tại 55/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Kinh nghiệm triển khai
2.1. Quảng Ninh
a) Về truyền thông, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số:
Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của tỉnh được thực hiện quyết liệt với nhiều hình thức bao gồm trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, qua 03 kênh Zalo "Chuyển đổi số Quảng Ninh", "Chính quyền điện tử Quảng Ninh" và của Sở Thông tin và Truyền thông. Các tin, bài được cập nhật thường xuyên, trung bình 20 tin, bài/tuần. Ngoài ra, tỉnh đã tích hợp kênh Zalo "Chuyển đổi số quốc gia" của Bộ Thông tin và Truyền thông vào kênh Zalo "Chính quyền điện tử Quảng Ninh" để thuận tiện cho người dân tiếp cận thông tin. Biên tập bộ Flashcard với 30 hình ảnh cung cấp các thông tin, kiến thức về chuyển đổi số đến người dân trên địa bàn tỉnh. Về thực hiện truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, đến tháng 9/2022 đã thực hiện 834 bài thời sự, 26 chuyên đề, 67 clip và tờ rơi hướng dẫn kỹ năng số từ cơ bản đến chuyên sâu cho từng đối tượng. Việc triển khai tích cực và quyết liệt của tỉnh đã làm cho nhận thức của người dân, doanh nghiệp ngày càng nâng cao, tích cực tham gia, hưởng ứng và ủng hộ các chương trình, kế hoạch, nội dung triển khai chuyển đổi số của tỉnh.
b) Về bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số: Là một trong những địa phương đầu tiên ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 146, đến nay, tỉnh đã chủ động triển khai được một số nội dung bồi dưỡng, tập huấn cụ thể bao gồm:
- Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số tại Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Hạ Long, Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Đầm Hà, Ba Chẽ, Vân Đồn... Trường Đào tạo Cán bộ Nguyễn Văn Cừ tỉnh Quảng Ninh tổ chức bồi dưỡng chuyên đề về chuyển đổi số cho 123 đồng chí Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã.
- Tổ chức 11 lớp tập huấn, hướng dẫn triển khai số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho toàn bộ các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên tham gia trong quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.
- Tổ chức 03 Hội nghị tập huấn bao gồm trực tiếp và trực tuyến cho các sở, ngành, thành viên Tổ công tác, Tổ giúp việc thực hiện Đề án 06 từ tỉnh đến xã cho khoảng 250 cán bộ của tỉnh.
- Trong năm 2022, tỉnh đã chủ động đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ Nền tảng học trực tuyến mở đại trà của Bộ để tổ chức 02 khóa học trên Nền tảng (Chuyển đổi số cơ bản và Chương trình bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số) cho cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh, dự kiến hoàn thành triển khai bồi dưỡng cho khoảng 31.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức trong năm 2022.
Ngoài ra các khóa bồi dưỡng, tập huấn do tỉnh chủ động tổ chức thực hiện nêu trên, tỉnh cũng đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để cử cán bộ tham gia các khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số do Bộ tổ chức:
- 27 cán bộ chuyên trách CNTT của Sở Thông tin và Truyền thông tham gia Chương trình bồi dưỡng về chuyển đổi số cho đơn vị chuyên trách CNTT và khóa cho đội ngũ nòng cốt về chuyển đổi số.
- 240 cán bộ bao gồm các người đứng đầu và đội ngũ nòng cốt về chuyển đổi số tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện tham gia khóa bồi dưỡng "Cách tiếp cận nền tảng trong chuyển đổi số".
- 55 cán bộ tham gia khóa bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dùng cuối.
- 192 cán bộ Lãnh đạo UBND cấp xã tham gia khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số cho đối tượng Lãnh đạo UBND cấp xã.
c) Về tập huấn cho Tổ công nghệ số cộng đồng:
 Tính đến ngày 21/9/2022, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh đã thành lập 1.473 Tổ công nghệ số cộng đồng (1.462 Tổ công nghệ số cộng đồng địa phương, 11 Tổ công nghệ số cộng đồng của doanh nghiệp) bao phủ 177/177 xã, phường, thị trấn, 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố với sự tham gia của 11.255 thành viên đã hoạt động. Tổ công nghệ số cộng đồng được giao các nhiệm vụ hết sức cụ thể gắn với các chỉ tiêu cần hoàn thành trong năm 2022, bảo đảm có thể đo lường được, tránh hình thức. Cụ thể:
- 100% công dân từ 14 tuổi trở lên trên địa bàn được cấp mã định danh điện tử cá nhân và sử dụng mã định danh cá nhân hiệu quả trong giao dịch thủ tục hành chính và các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục…
- 100% công dân trưởng thành biết và hiểu địa chỉ truy cập Cổng dịch vụ công tỉnh Quảng Ninh và có kỹ năng cơ bản khi có nhu cầu sử dụng.
- 100% hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh có sản phẩm OCOP được đưa lên 3 sàn thương mại điện tử gồm Voso, Posmart, Sendo; 100% hộ gia đình sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực biết mở gian hàng số để giao dịch trực tuyến.
- 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh: Có tài khoản mobile money hoặc tài khoản giao dịch tại ngân hàng, có điện thoại di động thông minh và cài đặt, sử dụng các ứng dụng thiết yếu như VNEID, sổ sức khỏe điện tử, VssID...; tham gia, tương tác với chính quyền thông qua nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân.
- 100% hộ gia đình có kỹ năng số, biết sử dụng Internet an toàn.
- Vận động người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng dịch vụ bưu chính công ích khi có thủ tục hành chính cần giải quyết.
Để Tổ công nghệ số cộng đồng có tài liệu hoạt động, tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh cùng các ngành và Trung tâm truyền thông tỉnh thống nhất xây dựng 8 tài liệu để triển khai trong cộng đồng dân cư năm 2022 tương ứng với những chỉ tiêu nói trên. Các tài liệu được biên soạn, xây dựng dưới dạng các clip ngắn, Infographic đảm bảo trực quan, sinh động, dễ tiếp cận để chuyển tới người dân thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng trên nền tảng miễn phí, thông dụng (Zalo).
Một số địa phương trong tỉnh đã có cách làm sáng tạo để khuyến khích, động viên Tổ công nghệ số cộng đồng như huyện Vân Đồn tặng mỗi Tổ một máy điện thoại di động thông minh có gắn sẵn SIM đã được kích hoạt. Mặc dù mới được thành lập và đi vào hoạt động nhưng bước đầu có thể khẳng định Tổ công nghệ số cộng đồng đã có đóng góp tích cực trong triển khai chuyển đổi số của tỉnh. Điển hình có thể kể đến tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận và giải quyết trực tuyến của tỉnh đến hết tháng 9/2022 đã đạt 76,1%.
2.1. Thành phố Hải Phòng
a) Về truyền thông, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số:
Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 30/3/2022 về triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 05/4/2022 về Truyền thông chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Hải Phòng năm 2022 và khoảng 20 văn bản chỉ đạo, định hướng tuyên truyền về chuyển đổi số, cung cấp 20 tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, các cơ quan báo chí của Thành phố đã đăng tải khoảng 1.300 tin, bài tuyên truyền về chuyển đổi số, công tác cải cách hành chính trên địa bàn. Hệ thống truyền thanh quận, huyện, xã, phường, thị trấn ưu tiên thời lượng phát sóng, tiếp sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng về chuyển đổi số, đồng thời tập trung tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết 03-NQ/TU, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022, hướng dẫn thực hiện mục tiêu chuyển đổi số năm 2022, tuyên truyền về sàn thương mại giao dịch điện tử (trung bình 2-3 lượt/tuần).
Thành phố đã phối hợp các doanh nghiệp BKAV, Savis, Viettel,.. tổ chức được 05 Hội thảo lớn trong Thành phố với các chủ đề: “Chữ ký số, lưu trữ điện tử tập trung - Nền tảng xây dựng Chính quyền số và Công dân số”, “An toàn thông tin cho Chuyển đổi số”, "Ứng dụng chữ ký số, lưu trữ và liên thông điện tử trong chuyển đổi số lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo", "Ứng dụng chữ ký số, lưu trữ và liên thông điện tử trong chuyển đổi số lĩnh vực Y tế", "Phương pháp luận về chuyển đổi số" cho tổng số khoảng 1.000 công chức, viên chức của Thành phố.
b) Một số kết quả nổi bật về bồi dưỡng, tập huấn chuyển đổi số và triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng:
- Đến tháng 9/2022, Hải Phòng đã thành lập 2.656 Tổ công nghệ số cộng đồng tại toàn bộ 217 xã, phường, thị trấn và 2.439 thôn, bản, khu phố với sự tham gia của gần 20.000 thành viên.
- Tổ chức Hội nghị tập huấn, hướng dẫn sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố bằng hình thức trực tuyến tới 217 điểm cầu của các xã, phường, thị trấn và 2.439 Tổ công nghệ số cộng đồng thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố.
- Tổ chức 17 lớp tập huấn, hướng dẫn cho hơn 700 cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước thành phố về sử dụng chức năng thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công, ký số cá nhân khi nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công và ký số kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm Một cửa điện tử; triển khai mã QR-Code truy cập Cổng dịch vụ công trực tuyến Thành phố tới 100% các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện để giúp người dân, doanh nghiệp truy cập nhanh.
- Tổ chức Chương trình tập huấn, hướng dẫn vận hành phần mềm Thông tin phản ánh hiện trường thuộc hệ thống Giám sát, điều hành đô thị thông minh thành phố Hải Phòng.
- Từ tháng 8/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hỗ trợ Hải Phòng triển khai sử dụng Nền tảng học trực tuyến mở đại trà của Bộ để phục vụ bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố, đến nay Thành phố đã tổ chức khóa bồi dưỡng “Chuyển đổi số cơ bản” – Haiphong.onetouch.edu.vn: đã tạo tài khoản học đợt 01 cho gồm 7.892 cán bộ, công chức, viên chức tại các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương và tổ chức chính trị, xã hội. Dự kiến trong năm 2022 sẽ hoàn thành bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho 30.000 cán bộ trong toàn Thành phố. Ngoài ra, theo kế hoạch, Thành phố sẽ tổ chức bồi dưỡng trực tuyến về chuyển đổi số cho khoảng 5.000 doanh nghiệp.
Ngoài ra, Thành phố cũng cử cán bộ tham gia các khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, cụ thể:
- 30 cán bộ chuyên trách CNTT của Sở Thông tin và Truyền thông tham gia Chương trình bồi dưỡng về chuyển đổi số cho đơn vị chuyên trách CNTT, khóa cho đội ngũ nòng cốt về chuyển đổi số và cách tiếp cận nền tảng trong chuyển đổi số.
- 1.204 cán bộ Lãnh đạo UBND cấp xã tham gia khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số cho đối tượng Lãnh đạo UBND cấp xã.
III. Đề xuất, kiến nghị
Bộ Thông tin và Truyền thông kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nội dung liên quan đến hoạt động nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số để đạt được các mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án 146 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể:
(1) Đề nghị các bộ, ngành, địa phương chưa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 146 sớm xây dựng và ban hành Kế hoạch, bảo đảm phù hợp với Kế hoạch triển khai Chuyển đổi số của cơ quan, địa phương.
(2) Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu mở các chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số trên Cổng thông tin điện tử chính thức của các bộ, ngành, địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, định hướng và các nội dung, hoạt động chuyển đổi số của cơ quan, địa phương mình có tác động, ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp.
(3) Xây dựng, triển khai các hoạt động tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về chuyển đổi số.
(4) Các địa phương nhanh chóng triển khai, tổ chức hoạt động hiệu quả các Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng cấp thôn, xóm, tổ để hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số.
(5) Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chuẩn kỹ năng số quốc gia cập nhật các nội dung mới phù hợp với các chuẩn của các quốc gia phát triển trên cơ sở chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.
(6) Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số và lựa chọn 05 thí điểm mô hình tại 05 trường đại học trong năm 2022.
(7) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung vào việc phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, các ngành nghề chuyên về công nghệ thông tin, công nghệ số phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
(8) Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học, sau đại học ở các lĩnh vực, ngành, nghề mở thêm chuyên ngành đào tạo hoặc cập nhật, bổ sung nội dung đào tạo về chuyển đổi số trong lĩnh vực, ngành, nghề của mình. Đổi mới chương trình đào tạo và tăng chỉ tiêu đào tạo đối với các ngành công nghệ, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ. Chuẩn hóa các chuyên ngành đào tạo gắn với nghề nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bộ Thông tin và Truyền thông kính báo cáo./.
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
 
[1] Nền tảng học trực tuyến mở đại trà của Bộ Thông tin và Truyền thông với tên gọi One Touch tại địa chỉ https://onetouch.mic.gov.vn chính thức hoạt động từ tháng 4/2022.
[2] Số liệu thống kê được tổng hợp từ báo cáo của 11 bộ, ngành và 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
[3] Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
[4] Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Cao Bằng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Điện Biên, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Nam, TP. Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hưng Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang, Kon Tum, Lai Châu, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Long An, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, TP. Hồ Chí Minh, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc.
[5] TP. Hà Nội, Hà Tĩnh.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây