Trang thông tin điện tử Công an Bắc Kạn

https://conganbackan.vn


Sa thải cố vấn "diều hâu", ông Trump sẽ chọn ai vào "ghế nóng" cố vấn an ninh?

(Dân trí) - Sau khi Tổng thống Trump sa thải Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, người thường bất đồng với ông chủ Nhà Trắng, giới quan sát cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ chọn một nhân vật "dễ bảo" hơn và "hợp gu" với Ngoại trưởng Mike Pompeo. >> >> >>
Sa thải cố vấn

Tổng thống Trump đã sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia hôm 10/9 (Ảnh: Getty)

Chọn người "dễ bảo"?

Theo Bloomberg, hơn hai chục cái tên có thể được lựa chọn để thay thế ông John Bolton vào ghế Cố vấn an ninh quốc gia - từ các đại sứ tới các quan chức quân đội và lãnh đạo doanh nghiệp.

Một số người ít được biết đến, nhưng một số người khác là những cái tên mà nhóm thân cận với Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã đề cập. Nhìn chung, tất cả được tin là có quan điểm bảo thủ và một số đã đưa ra các quan điểm công khai trên kênh truyền hình Fox News.

Cố vấn an ninh quốc gia là một cố vấn cấp cao trong Văn phòng Điều hành Tổng thống, đặt tại Cánh Tây của Nhà Trắng. Nhân vật này là cố vấn trưởng cho tổng thống Mỹ về các vấn đề an ninh quốc gia.

Vị trí này được tổng thống trực tiếp bổ nhiệm mà không cần qua Thượng viện phê chuẩn. Cố vấn an ninh quốc gia thường tham gia các cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) và thường chủ trì các cuộc họp giữa NSC với Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ.

Một số nhân vật có liên hệ với ông Bolton - gương mặt cứng rắn có cách tiếp cận thường mâu thuẫn với Tổng thống, và một số người từng phục vụ trong chính quyền Bush “con”. Hầu hết họ làm nam giới.

Giới quan sát nhận định, rất có khả năng Tổng thống Trump sẽ tìm kiếm người đứng đầu Hội đồng an ninh quốc gia kín tiếng, sẵn sàng làm việc theo nhóm hơn là ông Bolton, người đã mâu thuẫn với nhiều phụ tá trong lĩnh vực an ninh quốc gia.

Ông chủ Nhà Trắng được dự đoán sẽ chọn một nhân vật được Ngoại trưởng Mike Pompeo, người vẫn có quan hệ rất tốt với Tổng thống, ủng hộ.

Sự lựa chọn - mà ông Trump nói sẽ tiết lộ trong tuần tới - có thể báo hiệu đường hướng mà ông hi vọng sẽ thực hiện về chính sách ngoại giao trong năm bầu cử sắp tới, trong đó có việc liệu ông có tiếp tục gây sức ép về các thỏa thuận với Iran, Triều Tiên và Taliban hay không.

“Ông ấy chắc chắn một một người “dễ bảo”, Thomas Wright, một nhà phân tích về chính sách ngoại giao tại Viện Brookings và đã quan sát chặt chẽ các động thái an ninh quốc gia của ông Trump, nhận định. “Ông ấy không muốn ai nói với ông ấy rằng “tôi không thể làm điều ông muốn”.

Có 2 cái tên mà một người thân cận với Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ đã nhắc tới trong tuần này. Đó là 2 cố vấn hàng đầu của Ngoại trưởng Pompeo: ông Brian Hook, người chuyên về vấn đề Iran, và ông Stephen Biegun, người chuyên về Triều Tiên.

Hai người khác là ông Fred Fleitz, cựu quan chức tình báo và một cố vấn của ông Bolton “được lòng” ông Trump, và bà Paula Dobriansky, người có nhiều năm kinh nghiệm tại cả Hội đồng An ninh quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ trong các chính quyền Cộng hòa trước đây.

Ông Trump hôm 11/9 nói ông có “5 người mà tôi xem là rất có đủ khả năng, những người tuyệt vời mà tôi đã biết trong 3 năm qua”.

Nguồn tin thân cận với Nhà Trắng cho hay ông Trump sẽ không muốn tỏ ra vội vàng trong việc lựa chọn bất kỳ ai, dù ông có kế hoạch tiết lộ tên ứng viên được chọn vào tuần tới. Và ông Trump nói rõ rằng ông muốn lựa chọn người mà ông cảm thấy thoải mái.

“Ông ấy đang tìm kiếm một ứng viên trung thành, ông ấy đã biết rõ, người đã có kinh nghiệm và không phải qua đào tạo”, nguồn tin trên cho hay, nói thêm rằng ông Tổng thống thiên về ứng viên đã có hoặc dễ dàng nhận được quyền miễn trừ an ninh.

Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên là ứng viên sáng giá

Sa thải cố vấn

Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun (phải) được xem là ứng viên sáng giá (Ảnh: AFP)

Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun được đánh giá cao tại Washington, dù ông gặp khó khăn nhằm đạt tiến triển trong việc thuyết phục Triều Tiên đàm phán tích cực về chương trình hạt nhân. Ông Biegun có kinh nghiệm cả trong lĩnh vực tư và công và từng phục vụ trong Hội đồng an ninh quốc gia dưới chính quyền Bush “con”.

Ông Hook đã trở thành một nhân vật quan trọng nhờ vai trò thúc đẩy các chính sách cứng rắn của chính quyền Mỹ đối với Iran, dù ông Trump được cho là từng không biết tới ông này trong một thời gian dài. Ông Hood cũng là ứng viên nhận được sự ủng hộ từ Jared Kushner, con rể kiêm cố vấn của Tổng thống.

Tuy nhiên, ông Hook đang trở thành một đối tượng trong một cuộc điều tra của tổng thanh tra nhằm vào các cáo buộc rằng ông từng tham gia vào một cuộc trả đũa chính trị nhằm vào các nhân viên chính phủ tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Báo cáo của tổng thanh tra dự kiến sắp được công bố và sẽ xác định các hành động của ông Hook.

Bà Dobriansky hiện không phục vụ trong chính quyền nhưng đã thảo luận các vị trí khác nhau trong quá khứ. Bà được đánh giá cao tại Washington nhưng nhiều khả năng sẽ kín tiếng hơn ông Bolton nếu được lựa chọn.

Ông Fleitz có thể mang kinh nghiệm tình báo cho vị trí cố vấn an ninh quốc gia - nhưng cũng là một nhân vật thân cận với ông Bolton. Từng là nhà phân tích của CIA, ông Fleitz đã có thời gian ngắn là chánh văn phòng của ông Bolton cho tới mùa thu năm 2018, khi ông rời chính quyền để nhận chức chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Trung tâm chính sách an ninh, một tổ chức nghiên cứu.

Sa thải cố vấn

Ông Brian Hook, trợ lý hàng đầu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về Iran, được cho là có tên trong danh sách những người được cân nhắc (Ảnh: EPA)

Cũng còn những cái tên khác mà những người trong giới chính trị tại Washington đã đồn đoán kể từ khi ông Bolton từ chức.

Trong số đó có Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell, Robert O’Brien - một cố vấn của Ngoại trưởng Pompeo chuyên về các vấn đề con tin, Keith Kellogg - cố vấn an ninh quốc gia của Phó tổng thống Mike Pence, Ricky Waddell - một cựu phó cố vấn an ninh quốc gia thời Trump. Jack Keane và Douglas Macgregor, đều là các quan chức quân đội về hưu và thường xuyên xuất hiện trên kênh Fox News, cũng được nhắc tên.

Pete Hoekstra, một cựu chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện và hiện là đại sứ Mỹ tại Hà Lan, và Robert Kimmit, một cựu quan chức Bộ Tài chính, được cho là có thể được cân nhắc. Hai quan chức chính quyền khác được đề cập là Rob Blair - một thành viên an ninh quốc gia hàng đầu của quyền chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney, và một quan chức cấp cao khác thuộc Hội đồng an ninh quốc gia, Matt Pottinger, người chuyên về mảng châu Á.

Một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, người biết vài nhân viên đang được cân nhắc thay thế ông Bolton, cho biết mặc dù nhiều ứng viên tiềm năng từng phục vụ trong quân đội nhưng nhấn mạnh rằng điều đó không có nghĩa là họ đồng tình với ông Trump về mọi vấn đề.

Tổng thống Trump nổi tiếng là người “lập dị” cả về chính sách và tính cách. Nhưng trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, ông nhiều lần nhấn mạnh rằng ông thiên về ủng hộ đối thoại đối với các xung đột quân sự và rằng ông muốn giảm sự hiện diện của binh sĩ tại các quốc gia như Afghanistan.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống 2020 đang tới gần, ông Trump không có nhiều thách tựu trong lĩnh vực ngoại giao và dường như ông muốn thay đổi điều đó. Ông muốn khởi động các cuộc đàm phán với Iran và Triều Tiên - mà ông Bolton đều phản đối. Và mặc dù ông Trump đã tuyên bố các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban giờ đây đã “chết” nhưng ông có thể cũng cố gắng nối lại nó.

Ngoại trưởng Pompeo có thể kiêm nhiệm?

Các cựu quan chức an ninh quốc gia cho rằng nhiều khả năng ông Trump sẽ lựa chọn một nhân vật phối hợp tốt với Ngoại trưởng Pompeo, như Đặc phái viên Triều Tiên Biegun hay một quan chức Bộ Ngoại giao khác. Hoặc nếu không, ông Trump sẽ muốn một nhân vật có các khả năng chính trị nổi bật để hỗ trợ chiến dịch tái tranh cử tổng thống 2020.

Những người biết về ông Trump cho hay ông “không có vấn đề gì” nếu các cố vấn đưa ra quan điểm trái ngược. Nhưng sau gần 3 năm tại vị tại Nhà Trắng, ông Trump tỏ ra đánh giá cao tầm quan trọng của một nhóm trợ lý đoàn kết ủng hộ ông mỗi khi ông đưa ra quyết định.

Sự giận dữ của ông Trump đối với ông Bolton dường như phần lớn xuất phát từ suy nghĩ rằng ông Bolton sử dụng truyền thông và các cách thức khác để làm suy yếu tổng thống mỗi khi ông không đồng tình với các quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ, một nguồn tin thân với Nhà Trắng tiết lộ.

Ngoại trưởng Pompeo lại hoàn toàn khác. Ông Pompeo có thể không đồng tình với Tổng thống nhưng không bao giờ thể hiện ở chỗ công cộng, do đó được lòng ông Trump.

Cũng có một số đồn đoán rằng ông Trump có thể cân nhắc bổ nhiệm ông Pompeo vừa làm cố vấn an ninh quốc gia, vừa làm ngoại trưởng. Nhưng điều này cũng không phải là chưa từng xảy ra. Ông Henry Kissinger từng giữa cả hai chức vụ này đồng thời.

An Bình

Tổng hợp

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây