Trang thông tin điện tử Công an Bắc Kạn

https://conganbackan.vn


Sống là cho đi để nhận lại yêu thương

Một cặp vợ chồng già ở phường Long Trường, quận 9, TP HCM, đã bỏ thời gian, công sức lập mái ấm nuôi dưỡng cả trăm đứa trẻ bị bỏ rơi, tật nguyền. Hai ông bà cũng làm hợp đồng cho tặng khối tài sản nhà đất trị giá cả trăm tỷ đồng làm của hồi môn lo tương lai cho cả trăm đứa con nuôi ấy, Để mai này chúng có chốn trở về…

1. Mái ấm Thiên Thần có không gian khá rộng rãi. Căn nhà 3 tầng nơi nuôi dưỡng các trẻ tọa lạc giữa khu đất rộng hơn 2.500m², sân trước thênh thang. Khi chúng tôi đến, ông Bùi Công Hiệp, chủ nhân của cơ sở này đang bận nấu ăn cho các cháu.

 Chúng tôi tranh thủ dạo một vòng. Những đứa trẻ từ 1 đến 7 tuổi được chia ra nuôi dưỡng ở ba tầng của căn nhà đều tỏ ra khá hiếu động. Khách đến, dù lạ các cháu vẫn sà tới, quấn quýt và tỏ ý muốn được ôm bế. Chúng khát khao tình cảm!

Cô Võ Dung Hạnh, quản lý mái ấm này, cho biết hiện có tất cả  90 trẻ từ dưới 1 tuổi đến 7 tuổi. Các cô bảo mẫu ở đây khá vất vả. Cơ bản, các cháu đều ngoan nhưng hiếu động, luôn tò mò với thế giới xung quanh.

Khởi nghiệp, ông Hiệp cũng khá gian nan. Ông sinh năm 1958, là con thứ 7 trong 9 anh em. Khi ông lên 10 tuổi, gia đình ông chuyển từ Bình Dương lên TP HCM sinh sống đến giờ. "Ba mẹ tôi sinh 9 người con, nhưng hồi đó ở Sông Bé có một trận đại dịch, 5 anh chị của tôi đã mất. Tôi may mắn được cấp cứu kịp thời nên còn giữ được tính mạng", ông Hiệp chia sẻ.

Lớn lên, ông tham gia Thanh niên xung phong; sau đó nhập ngũ chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam. Xuất ngũ, ông Hiệp về đạp xích lô rồi đi phụ hồ, đến năm 1985 thì xin được vào Công ty Xuất nhập khẩu Bình Thạnh làm bốc xếp rồi bảo vệ. Sau đó, ông vươn lên làm cửa hàng phó cửa hàng kinh doanh của công ty này.

Làm được 6 năm, ông về mở cơ sở nhỏ, sửa chữa, xây dựng nhà cửa. Đến 1995, một người quen từ nước ngoài về đưa cho ông một chi tiết máy nhờ ông tìm nơi gia công cơ khí. Ông đã đi hỏi nhiều nơi nhưng được báo giá thành quá cao, không thể thực hiện được. Bí đường, ông cùng mấy anh em cơ khí ở xóm mua máy móc về mày mò làm thử.

"Cả năm trời tìm tòi, thử nghiệm, mẫu của chúng tôi mới được chấp nhận. Làm riết thì quen, tôi xây dựng cơ sở cơ khí này, hoạt động từ năm 1996 đến nay. Gia đình tôi trở nên khấm khá, có chút vốn liếng. Hai đứa con tôi (con gái đầu sinh năm 1988; con trai sinh năm 1993) được ăn học đàng hoàng. Xong phổ thông chúng đều được đi du học. Đến nay chúng đã có công việc ổn định. Cũng từ nguồn lợi của xưởng cơ khí mà tôi có điều kiện để chăm lo cho cơ sở mái ấm này", ông Hiệp kể lại với niềm vui ánh lên nét mặt.

Sống là cho đi để nhận lại yêu thương
Bà bảo mẫu với cháu bé trong mái ấm tình thương.

2.Về cơ duyên thành lập mái ấm Thiên Thần, ông Hiệp bảo chính những năm tháng phục vụ trong lực lượng Thanh niên xung phong và đi bộ đội chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam mà ông hình thành nên ý tưởng. Đây là hai môi trường mà từ những con người xa lạ chung một đơn vị, một mái nhà lại thương yêu nhau, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. "Những năm tháng đó rất quý giá, tạo nên tính cách, suy nghĩ của con người tôi. Tình cảm đồng chí, đồng đội thân thương thiêng liêng lắm. Khi đang ở chiến trường, tôi suy nghĩ nếu sau cuộc chiến tôi vẫn sống trở về sẽ báo hiếu cha mẹ, giúp đỡ người khác, nhất là giúp đỡ những anh em đồng đội trong đơn vị khó khăn - những người đã cùng vào sinh ra tử với tôi, giúp đỡ tôi, chia sẻ cùng tôi những năm tháng gian nan và nguy hiểm".

Đầu năm 2008, khi biết có Chỉ thị của Chính phủ trong việc cho phép thành lập các đơn vị bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng các em nhỏ mồ côi, cơ nhỡ, ông đã rất mừng, bàn với vợ ý tưởng thành lập cơ sở bảo trợ xã hội. Lúc đầu vợ ông không hoàn toàn tán thành. Nhưng thấy ông tha thiết, bà cũng xuôi lòng.

Ông đã dùng miếng đất mua ở quận 9 từ hồi còn sình lầy, xin chuyển mục đích sử dụng, đổ đất cao lên để xây dựng cơ sở hạ tầng Mái ấm Thiên Thần. Đến năm 2010, cơ sở hình thành, được quận ra quyết định chính thức công nhận. "Ý muốn của tôi là sẽ nhận nuôi các bé từ lúc mới được sinh ra, cho đến khi lớn lên trưởng thành trong một môi trường tốt với sự thương yêu và đùm bọc lẫn nhau. Ở cơ sở này, chắc chắn không có chuyện cho nhận con nuôi", ông bộc bạch.

Tháng 10-2012, có hai người mẹ trẻ lỡ mang thai ngoài ý muốn nhưng không có nơi nào nhận nuôi hai đứa trẻ (một trai, một gái). Từ  sự giới thiệu của bác sĩ trong bệnh viện họ đã liên hệ với ông. Ông đồng ý nhận, đảm bảo sẽ nuôi dưỡng cẩn thận. Nếu sau này muốn nhận lại thì cứ quay lại ông sẵn sàng trao lại con cho họ.

Khi thấy ông đưa hai đứa bé chỉ hai, ba ngày tuổi về, vợ ông đã bị sốc. Bà nghĩ chồng mình sẽ nhận những đứa trẻ lớn hơn. Nhưng rồi bà cũng đồng ý. Ông phải chăm sóc hai bé vào ban đêm, còn ban ngày thì bà và mấy người em lo cho chúng. Vậy là cứ 4h chiều, ông lại gác bỏ công việc ở xưởng cơ khí để về với hai đứa, chăm chúng cho đến sáng.

"Mấy đêm đầu, chúng quần tôi tơi tả. Tôi phải thức cả đêm pha sữa, dỗ cho chúng bú sữa rồi thay tã, lau rửa cho chúng. Dù bảo chỉ chăm lo ban ngày nhưng thực ra ban đêm bà xã tôi vẫn theo dõi, điều gì tôi quên là nhắc… Hai tháng đầu, tôi bù đầu bù cổ, nhưng nhờ đó tôi có kinh nghiệm chăm nuôi trẻ. Lúc đó tôi mới  cảm nhận và thấu hiểu được sự vất vả mà bà xã khi đã nuôi dưỡng hai đứa con tôi. Trước đó tôi gần như phó thác hết cho bà ấy, chỉ biết đi làm rồi đi nhậu. Tôi cảm thấy có lỗi với vợ con mình" - Ông cười mà mắt rơm rớm.

Vợ ông cũng vừa chăm hai con nhỏ vừa phụ ông nuôi dưỡng hai cháu bé. Hai tháng sau, ông nhận thêm hai bé trai, cuối năm nhận thêm một bé gái nữa. Mẹ các cháu đích thân ẵm con tới gửi ông rồi không bao giờ quay lại nữa. Ông phải khai báo làm giấy tờ thủ tục là trẻ bị bỏ rơi...

Cứ thế, cơ sở của ông liên tục nhận các cháu bé. Đa số đều là trẻ sinh non, nhẹ ký. Mang thai ngoài ý muốn, những người mẹ hầu như không chăm lo bồi dưỡng sức khỏe bản thân nên đứa con thường yếu ớt, thiếu chất. Việc nuôi dưỡng, chăm sóc chúng vô cùng khó khăn.

Hiện mái ấm có 10 bảo mẫu, chia làm hai ca - ngày và đêm - cùng với 5 nhân lực trong gia đình ông Hiệp. Bản thân ông Hiệp cũng phải mua sách báo tìm hiểu kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh, đồng thời... học tập kinh nghiệm của nhiều bà mẹ khác. "Bệnh viện quận 2 và Bệnh viện Nhi đồng 2 là địa chỉ thường xuyên tôi và các bảo mẫu phải ghé đến mỗi khi có bé nào đó bị bệnh phải cấp cứu, chữa trị", ông giãi bày.

Có lúc quá khó khăn, vất vả, ông cũng đã từng muốn bỏ cuộc. Khi ông đã nhận nuôi tới 15 bé, xưởng cơ khí bị cắt nhiều hợp đồng, khiến kinh tế gia đình ông bị ảnh hưởng nặng nề. "Lúc đó tôi muốn bật khóc. Tình trạng quá khó khăn. Nhưng rồi đêm nhìn mấy bé ngủ, nằm bú sữa, tôi lại thấy quá xót xa. Chúng đã không có bố mẹ ở cạnh lúc mới lọt lòng; người mẹ cũng đã trao gửi niềm tin khi gửi lại con cho mình, tôi làm sao quay đi. Sau thời gian khá dài gắn bó với chúng, tôi không thể xa các con được", ông ngậm ngùi.

Ông quyết định xin mượn của vợ một căn nhà bán đi, lo cho lũ trẻ. Ông hứa sẽ trả lại nhà, vợ ông đành đồng ý. Ông cũng bán đi toàn bộ cổ phiếu chứng khoán đang sở hữu. Một phần gia tài mất đi, nhưng những đứa trẻ đã được ở lại.

May mắn là ba năm sau đó, xưởng cơ khí của ông lại tiếp tục nhận được nhiều hợp đồng, khởi sắc trở lại. Ông có đủ tiền để mua lại căn nhà trả lại cho vợ, còn dư một ít  để chăm lo cho mái ấm.

Sống là cho đi để nhận lại yêu thương - Ảnh minh hoạ 2
Những đứa con đặc biệt yêu thương của ông Hiệp.

3.Hàng ngày cứ 4h sáng là ông Hiệp dậy đi mua đồ rồi về nấu ăn cho các con. Các con ăn xong, ông lái xe đưa chúng đi học. Quay về là ông lại xuống bếp dọn rửa, nấu bữa trưa. Ròng rã như vậy cũng đã bảy, tám năm.

Ngoài mong muốn các con khỏe mạnh, ông Hiệp cũng quan tâm việc khi lớn lên, ra khỏi mái ấm các con phải biết bơi lội và đặc biệt là biết ngoại ngữ, tin học. "Tôi cũng muốn các con có đầy đủ phẩm chất của một người tử tế, đặc biệt là trái tim lúc nào cũng rộng mở và cuộc sống hạnh phúc".

Buổi tối, ông thích ngồi nhìn chúng ngủ ngon như những thiên thần. Ông cứ nghĩ cảnh khi lớn lên, ra ngoài bươn chải nếu gặp thất bại, không gia đình họ hàng thì chúng sẽ về đâu? Trăn trở mãi, ông quyết định hiến tặng khối tài sản gồm căn nhà và khu đất rộng hơn 2.500m2 trị giá tương đương hơn 100 tỷ đồng cho cơ sở mái ấm, cũng chính là cho các con nhỏ mà mình đang nuôi dưỡng. Lỡ mai sau ra đời gặp chuyện gì không như ý, chúng cũng còn có nơi để tìm về.

Đáng mừng là hai đứa con của ông càng ngày càng trưởng thành hơn, cũng đồng thuận với quyết định cho tặng khối tài sản của cha mẹ mình. Ông hồ hởi cho chúng tôi xem đoạn chat của con gái ông. Biết quyết định của ông, cô gái nhắn: "Con sẽ tiếp tục ước mơ này của bố và sẽ truyền lại ý nghĩa này cho những thế hệ sau. Bố yên tâm nha. Thương Bố và gia đình mình".

Ông bảo, ông đã bật khóc. Tâm nguyện đời ông, tương lai sẽ có người tiếp nối. "Chừng đó là đủ ấm lòng rồi, đâu cần gì hơn thế nữa", ông xúc động.

Ông Hiệp cũng không lên án những người mẹ bỏ con. "Đã mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày rồi lại phải bỏ con thì chẳng có nỗi đau nào hơn thế. Có lẽ vì hoàn cảnh, vì áp lực xã hội, gia đình, vì cùng đường. Tôi chỉ thương cảm những người mẹ này. Chỉ mong sao cuộc đời họ sẽ bớt khổ đau. Sau này nếu họ muốn tới nhận con, tôi vẫn sẵn lòng trao trả lại".

Cuộc trò chuyện của chúng tôi thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng. Bọn trẻ con gây lộn, khóc lóc, hoặc nghịch ngợm đập vào cửa phòng…, thỉnh thoảng lại chạy tới níu bố Hiệp đòi phân xử. Không thấy ông lên tiếng, có đứa lại nhảy  tót lên ngồi vào lòng bố. Nhìn cảnh quấn quýt của lũ trẻ và nụ cười ấm áp, cái nhìn trìu mến ông dành cho chúng, chúng tôi tin chắc ông Hiệp đang rất hạnh phúc. Niềm hạnh phúc của người cha khi có bầy con quấn quýt xung quanh... 

Tác giả: Phú Lữ

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây