HOICHOTHUONGMAI

Hiểu đúng về việc sử dụng pháo hoa trong dịp Tết

Thứ sáu - 21/01/2022 02:23
Là mặt hàng bị cấm lưu thông, mua bán, nhưng mỗi khi tết đến pháo vẫn luôn được nhiều người tìm mua và sử dụng. Nếu như trước đây các hoạt động mua bán pháo được công khai trên mạng xã hội thì khi Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ ra đời đã siết chặt công tác quản lý sử dụng pháo. Tuy vậy sau 1 năm thực hiện Nghị định, nhiều người vẫn chưa nắm rõ quy định về việc sử dụng pháo không tiếng nổ.
 
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh làm việc với Đỗ Xuân Vĩnh  
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh làm việc với Đỗ Xuân Vĩnh  
Nghị định với nhiều điểm mới đã tạo ra sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là việc được sử dụng pháo hoa. Có rất nhiều người ủng hộ vì cho rằng đây là nhu cầu thực tế của người dân, nhưng cũng có ý kiến lo ngại về nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm, an ninh trật tự. Đáng chú ý, có không ít người đang hiểu lầm là sẽ được đốt tất cả các loại pháo hoa, trong dịp lễ, tết. Cùng với đó, nhiều người còn băn khoăn muốn đốt pháo hoa trong dịp sinh nhật có phải đăng ký với chính quyền. Vì vậy chúng ta cần hiểu đúng về việc sử dụng pháo hoa trong dịp Tết để đảm bảo sử dụng pháo đúng quy định.
 
Nghị định 137 quy định về các trường hợp được sử dụng pháo hoa có thể được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, dưới tác động của xung kích thích cơ nhiệt hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, mầu sắc, ánh sáng trong không gian và không có tiếng nổ, loại pháo hoa này tuyệt đối không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Còn loại pháo hoa nổ trước kia gọi là pháo hoa, nay gọi là pháo hoa nổ hay pháo nổ thì dưới tác động của xung kích thích cơ nhiệt hoặc điện tạo ra tiếng rít, tiếng nổ và tạo hiệu ứng, ánh sáng mầu sắc trong không gian. Loại này hoàn toàn bị nghiêm cấm sử dụng, nếu sử dụng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghị định 137 quy định, người dân sử dụng pháo hoa phải “có đầy đủ năng lực hành vi dân sự”, có nghĩa là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị bệnh tâm thần, không bị tòa án tuyên mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Bên cạnh đó, chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa. Người dân chỉ được mua pháo hoa từ tổ chức, doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng bán ra. Khi đốt các loại pháo không được phép hoặc đốt pháo khi chưa đủ 18 tuổi, đốt pháo mua ở những nơi không được phép bán…người dân có thể bị phạt tiền. Về hình phạt bổ sung, người đốt pháo trái phép sẽ bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Ngoài ra, khi có pháo để đốt trái phép, hầu hết người mua sẽ vi phạm thêm quy định tàng trữ, mua pháo, thuốc pháo trái pháp luật. Ngày 31/12/2021, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ, phòng chống bạo lực gia đình thay thế Nghị định 167/2013/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022. Theo quy định tại Điểm i khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Mức phạt này cao gấp 5 lần so với mức phạt cũ. Nếu là tổ chức vi phạm quy định, thì mức phạt sẽ cao gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân.

Sau 1 năm thực hiện Nghị định số 137 lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 5 vụ, 7 đối tượng trong đó: Sản xuất pháo trái phép 2 vụ, 2 đối tượng, thu giữ 108 quả pháo, 0,3kg thuốc pháo; tàng trữ trái phép 1 vụ, thu giữ 9,4kg pháo; sử dụng trái phép 2 vụ, thu giữ 9 quả pháo, 1 ống pháo. Đã xử lý hình sự 2 vụ, 2 đối tượng. Gần đây nhất vào ngày 13/01/2022, tại xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới lực lượng công an đã bắt quả đối tượng Đỗ Xuân Vĩnh, trú tại địa chỉ trên tàng trữ trái phép 7kg pháo.
 
Khi Tết Nguyên đán đang cận kề, đây cũng là thời điểm các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ trái phép. Thời gian này lực lượng công an toàn tỉnh đã và đang ra sức cùng với các cấp chính quyền triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ, pháo nổ trái phép. Tránh lợi dụng việc cho phép sử dụng pháo hoa để buôn bán các loại pháo nổ khác. Kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm pháo hoa bán ra thị trường, đảm bảo đến tay người tiêu dùng là pháo hoa rõ nguồn gốc xuất xứ, an toàn khi sử dụng. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân và người dân cũng cần chủ động tìm hiểu nhận thức rõ thế nào là pháo hoa có tiếng nổ và không có tiếng nổ, loại pháo hoa được sử dụng và loại pháo hoa bị cấm; bảo đảm an toàn cháy, nổ khi sử dụng loại pháo hoa được cho phép... tránh tình trạng vi phạm đáng tiếc./.

Tác giả: Bình Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập435
  • Máy chủ tìm kiếm97
  • Khách viếng thăm338
  • Hôm nay83,364
  • Tháng hiện tại3,941,471
  • Tổng lượt truy cập151,661,947
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây