HOICHOTHUONGMAI

Tìm lại ý nghĩa, giá trị sống khi bên ngoài đảo lộn

Thứ tư - 25/03/2020 07:23
(Dân trí) - Trong thời buổi nhiều khó khăn và hoang mang, cuốn sách “Quẳng gánh lo đi để vui sống” là tác phẩm kinh điển về tự lực và phát triển bản thân của tác giả Dale Carnegie lại càng phát huy giá trị.

Có câu nói nổi tiếng: “Đọc sách là để tìm lại ý nghĩa, giá trị cuộc sống - Khi bên ngoài đảo lộn”. Trong thời buổi nhiều khó khăn và hoang mang, cuốn sách “Quẳng gánh lo đi để vui sống” là tác phẩm kinh điển về tự lực và phát triển bản thân của tác giả Dale Carnegie lại càng phát huy giá trị như một lời động viên tinh thần giúp người đọc luôn giữ vững niềm tin khi đối mặt với mọi giông bão.

Tham dự cuộc thi Văn Hoá Đọc 2019, bài cảm nhận về cuốn sách “Quẳng Gánh Lo Đi và Vui Sống” của Châu Bảo Gia Hân học sinh lớp 10.1 Trường Phổ Thông Thái Bình Dương (Cần Thơ) được đánh giá là sâu sắc và thú vị qua góc nhìn một người trẻ. Bài viết đã truyền cảm hứng, lay động và lời động viên chân thành tới nhiều người đọc – trong đó là những người trưởng thành như chính chúng ta. Dưới đây là nguyên văn bài viết của Châu Bảo Gia:

Tìm lại ý nghĩa, giá trị sống khi bên ngoài đảo lộn

Quẳng gánh lo đi và vui sống

Trong cuộc sống chắc chắn ai cũng có đôi lần gặp khó khăn, đôi lần vấp ngã. Nhưng những lúc như vậy liệu chúng ta có thể đứng dậy, đánh gục tất cả và tiếp tục đối mặt với tương lai hay không? Nếu ai cũng tưởng tượng cuộc sống nhẹ nhàng, những nỗi lo không còn xuất hiện trên cuộc đời này nữa thì cuộc sống sẽ thanh thản biết bao nhiêu. Đó là những điều mà cuốn sách Quẳng gánh lo đi và vui sống của tác giả Dale Carnegie đã chia sẻ cho chúng ta.

Dale Carnegie là một nhà văn và nhà thuyết trình Mỹ. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Nhưng đến năm 1909, chỉ sau một thời gian ngắn, bằng những nổ lực vượt bậc của mình, ông đã được hàng triệu người trên thế giới biết đến và ngưỡng mộ nhờ tài năng xuất chúng trong nghệ thuật hùng biện và khả năng thuyết phục người khác. Năm 1912 ông đã xây dựng một hệ thống huấn luyện mang tên Dale Carnegie. Ông cũng chính là tác giả của cuốn sách Đắc Nhân Tâm một cuốn sách thuộc bán chạy nhất và được biết đến nhất cho đến tận nay.

Bên cạnh đó ông còn sáng tác được vô vàn cuốn sách. Một trong những ý tưởng chủ chốt của những cuốn sách của ông là “Có thể thay đổi thái độ của người khác khi ta thay đổi sự đối xử của ta với họ”. Trong đó ngoài cuốn sách Đắc Nhân Tâm thì một tác phẩm khác khi nói đến cũng không ít người biết đến đó là Quẳng gánh lo đi và vui sống. Cuốn sách này được viết năm 1945, gồm 6 phần chính, được coi như là một cẩm nang về cách làm việc và vui sống không lo âu. Bản thân ông lúc đó cũng vì lo lắng quá nhiều nên đã sinh ra bệnh. Chính vì vậy, ông đã thay đổi bản thân và việc đầu tiên ông làm là xóa bỏ những lo lắng tiêu cực của mình.

Ông đã mất nhiều năm để tìm hiểu tất cả các tài liệu có khả năng liên quan đến đề tài này, đồng thời ông trực tiếp phỏng vấn, nói chuyện với vô số người trong nhiều lĩnh vực, hoàn cảnh khác nhau, để tìm hiểu thêm về suy tư lo lắng trong họ. Tác giả đã gởi gắm những triết lí để ta sống vui hơn. Nhờ các phương pháp của ông hàng triệu người đọc đã thay đổi được suy nghĩ của mình, hạnh phúc những gì ở hiện tại và gạt bỏ tất cả những phiền muộn ra khỏi tâm trí, thay vào đó là sống vui vẻ, lạc quan hơn rất nhiều lần.

Tôi vô tình đọc được cuốn sách Quẳng gánh lo đi và vui sống. Cuộc sống của tôi hầu như đã thay đổi rất nhiều từ khi đọc được cuốn sách này. Tôi đã suy nghĩ và thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình về cuộc sống, nó đẹp hơn, thú vị hơn và đó chính là lúc tôi dám gạt bỏ đi hết tất cả những cái xấu trong quá khứ, cái quá khứ đó đã qua rồi, đã chết rồi. Sau đó, tôi tìm được nhiều niềm vui hơn khi gặp phải những chuyện tiêu cực tôi luôn suy nghĩ theo những hướng tích cực nhất.

Tìm lại ý nghĩa, giá trị sống khi bên ngoài đảo lộn - Ảnh minh hoạ 2

Cơ hội đến với tôi mỗi ngày mỗi nhiều hơn và điều tôi hạnh phúc nhất là tôi thật sự vui vẻ hơn vì tôi đã nhận biết được cuộc sống còn rất nhiều điều hay đang chờ đợi tôi ở phía trước. Tôi phải nắm bắt nó và nên sống thật tốt để không phải hối hận về những chuyện xảy ra.

Có rất nhiều cách để gạt bỏ những lo lắng trong đầu mình. Thay vì lo lắng bận tâm về quá khứ thì nên suy nghĩ tích cực hơn cho tương lai, chúng ta không thể để cho những nỗi lo âu cứ mãi luôn bám theo mình. Phải tự làm chủ bản thân. Một người luôn lo lắng buồn phiền sẽ không bao giờ thanh thản.

Dale Carnegie đã kết luận một điều đơn giản và đúng đắn nhất: “Không phải hoàn cảnh làm cho chúng ta hạnh phúc hay bất hạnh, mà chính là cách phản ứng của chúng ta với hoàn cảnh ấy mới quyết định cảm xúc vui buồn”. Nếu nỗ lực cải thiện tình trạng xấu nhất, hợp tác với những điều không thể tránh khỏi. Tôi thật sự tin rằng sự thanh thản và niềm vui trong cuộc sống của chúng ta không phụ thuộc vào thái độ của chúng ta, không phụ thuộc vào việc chúng ta ở đâu, làm gì hay là ai. Mà chỉ phụ thuộc vào thái độ của chúng ta. Như ba trăm năm trước, trong cảnh mù lòa Milion cũng từng phát hiện ra chân lí đó;

“ Chỉ tâm hồn là nơi duy nhất

Có thể biến tâm thiên đường thành địa ngục, và địa ngục hóa thiên đường”

Đúng vậy, nếu biết suy nghĩ, bình tĩnh và can đảm thì chúng ta vẫn có thể nhìn ngắm cảnh đẹp, vẫn có thể ca hát rộn vang dù trong bất kì nghịch cảnh nào. Hẳn một điều tôi có thể rút ra sau khi đọc cuốn sách này là: “Không gì có thể mang lại sự bình yên cho bạn ngoại trừ bản thân bạn”.

Nếu lo lắng là một thói quen, thì chúng ta nên giữ cho mình bận rộn, khi làm việc đến quên mình thì chúng ta sẽ quên đi mọi lo lắng. Đừng quan tâm quá nhiều đến những chuyện vặt vãnh, hãy nhớ là cuộc đời quá ngắn ngủi để có thời gian xét nét những điều vụn vặt. Ông nhận ra không có gì giết chết chúng ta nhanh bằng những nỗi lo lắng. Nhưng những lúc đó chúng ta mới có được cơ hội để nhận ra sức mạnh nghịch cảnh của bản thân. Hãy đầu tư năng lực của mình vào ngay thời điểm hiện tại. Cách đối diện và giải quyết những điều đó mới làm nên thành bại trong cuộc đời của mỗi con người.

Cuộc đời đâu còn mấy lần mười năm nữa. Bạn nên lập một kế hoạch cho ngày hôm nay, chúng ta nên suy nghĩ và hành động một cách vui tươi. Vì vậy, con đường hiệu quả nhất để tìm lại sự vui tươi là hãy hoạt bát lên, hãy nói và hãy hành động như niềm vui vẫn cứ đang ngập tràn trong tim. Hãy nở một nụ cười thật tươi để đón chào ngày mới. Khi đó bạn sẽ nhận ra rằng khi thay đổi suy nghĩ về con người và sự việc xung quanh thì tất cả cũng sẽ thay đổi với bạn.

Song hãy chấm dứt việc trả đũa lại! Có thể chúng ta không ai đủ thánh thiện để yêu thương kẻ thù nhưng ít nhất hãy vì sức khỏe và hạnh phúc của bản thân mà tha thứ và bỏ qua cho họ. Một cách để tha thứ cho kẻ thù đó chính là ngừng quan tâm đến những việc họ làm và ngừng suy nghĩ cách để hại họ. Thay vào đó chúng ta nên đặt mục tiêu cao cả cho chính bản thân mình. Lúc đó sẽ không còn thời gian để chú ý đến họ. Khi đó những thù hằn sẽ không còn quan trọng nữa bởi chúng ta sẽ chẳng chú ý đến việc gì ngoài những mục tiêu chính mình đặt ra.

Đừng bao giờ quan tâm đến kẻ thù của mình, vì những lúc đó chúng ta sẽ làm tổn thương họ. Khi đó chúng ta đang cho người khác khả năng chi phối chúng ta. Những người chúng ta ghét chắc chắn sẽ rất vui sướng khi biết họ đang làm chúng ta lo lắng, suy nghĩ ngày đêm như thế nào. Cuộc sống quá ngắn để tốn thời gian căm ghét bất cứ ai, chớ ghét bỏ ai. Hãy tha thứ cho họ, bạn sẽ dễ chịu hơn rất nhiều.

Chúng ta nên hài lòng về những thứ mình đang có và cho đó là sự may mắn lớn nhất của đời mình. Đừng bắt chước người khác, hãy luôn là chính mình và nỗ lực cho dù bạn có là ai. Có những việc lớn và cũng có những việc không lớn bằng, chúng ta hãy làm hết khả năng của mình, lúc ấy tâm trí của ta sẽ cảm thấy thật nhẹ nhõm và ít ra cũng không hối tiếc nếu sau này có nhìn lại. Trong cuộc sống muôn màu thì mỗi người một vẻ, không ai giống ai cả. Rồi đến một lúc nào đó ta sẽ nhận ra rằng ghen tỵ, bắt chước người khác là ngu dốt. Louglas Malloch đã diễn đạt theo cách của một nhà thơ:

“Nếu bạn không thể là một con đường lớn, vậy hãy là một con đường mòn.

Nếu bạn không thể là mặt trời, hãy là một ngôi sao

Lớn hay nhỏ không làm nên thắng bại

Hãy luôn là chính mình và nỗ lực

Cho dù bạn là ai!”

Đừng so sánh cuộc đời mình với cuộc đời của những người khác, vì bạn sẽ không bao giờ biết hành trình của họ như thế nào đâu nên chấp nhận và biến khó khăn thành cơ hội. Hãy quên đi những lo lắng của bản thân và mang lại niềm vui hạnh phúc cho người khác. Dành thời gian nhiều hơn cho những người xung quanh mình, hãy thăm hỏi thường xuyên gia đình mình. Quan tâm mọi người chính là cách yêu thương nhiều hơn, vì biết đâu mai này dù bạn muốn chăm sóc thì những người chúng ta yêu quý nhất đã đi thật xa.

Đừng nên quan tâm quá những lời người khác nói về bạn, gạt bỏ nỗi lo bị chỉ trích đi! Không ai soi mói một kẻ tầm thường cả. Khi bạn đã làm được những gì tốt nhất có thể thì lời chỉ trích ấy chẳng qua chỉ là một lời khen ngợi bị xuyên tạc bởi lòng ganh tị mà thôi. Hãy nhìn ra những điểm yếu của bản thân và dần hoàn thiện chúng sẽ giúp bạn dễ dàng chấp nhận những lời chỉ trích ấy.

Chúng ta nên thiết lập một khoảng thời gian riêng để tự xem xét, đánh giá những chuyện đã xảy ra trong tuần. Khi ấy, cuộc sống của tôi hầu như đã thay đổi rất nhiều từ khi đọc được cuốn sách này và bài học cho bản thân để những lúc nhìn lại khi biết đường tránh cho tương lai.

Hãy xua tan đi những nỗi buồn chán, lo lắng và mệt nhọc trong cuộc sống hằng ngày. Tìm ra được nguyên nhân và khắc phục trạng thái mệt mỏi của bản thân. Dù làm việc gì chúng ta cũng không nên “căng thẳng cực độ” vì lúc đó sức khỏe sẽ giảm xuống trầm trọng chỉ sau một đêm. Hãy học cách thư giãn trong khi đang làm việc hay học tập. Điều đó sẽ giúp bạn làm việc có hiệu quả hơn rất nhiều.

Tìm lại ý nghĩa, giá trị sống khi bên ngoài đảo lộn - Ảnh minh hoạ 3

Bạn cần phải hiểu rằng, tác giả đã khuyên chúng ta “đừng lo” chứ không phải  “đừng nghỉ”. Tất nhiên phải nghĩ đến cho tương lai. Tôi như nhiều người vẫn hay nói: “Tôi phải nghĩ cho tương lai. Tôi phải chắc chắn bao bọc được cho gia đình. Tôi phải dành dụm tiền cho tuổi già. Tôi nhất định phải tìm ra kế hoạch và sự chuẩn bị để vươn lên. “Đúng như vậy, chúng ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về tương lai của mình và lên kế hoạch cho cuộc đời của mình một cách chu đáo.

Nhưng ta hoàn toàn không cần phải lo lắng. Dù thời xưa hay thời nay, sự khác biệt cơ bản giữa lối tư duy tốt và lối tư duy tồi chính là: “Một lối tư duy tốt thường xem xét mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả, từ đó đưa ra những kế hoạch hợp lí và tích cực, còn lối tư duy tồi thường dẫn mình đến tình trạng căng thẳng và suy sụp về tinh thần”.

Sau cả chục năm, những lời khuyên thiết thực và sâu sắc của Dale Carnegie vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Tôi cho rằng cuốn sách này rất đáng đọc bởi nó không chỉ trình bày các vấn đề rất đúng, rất thực tế với mỗi người mà còn đưa ra các giải pháp rất dễ hiểu và dễ áp dụng.

Bên cạnh đó, những kinh nghiệm và những bài học được rút ra, chắt lọc từ tác giả hoặc những người mà họ đã có cơ hội gặp gỡ khiến cho chúng ta khi đọc được những câu chuyện như thế này, sẽ có được sự đồng cảm với họ. Và bằng một cách nào đó, tìm ra cách giải quyết cho những vấn đề gây ra lo lắng của chính mình. Thậm chí, những nỗi lo lắng của tôi còn tan biến hết đi vì tôi nhận ra là chúng quá nhỏ bé so với những con người kia.

Châu Bảo Gia Hân (HS lớp 10.1 Trường Phổ Thông Thái Bình Dương - Cần Thơ)

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập422
  • Máy chủ tìm kiếm51
  • Khách viếng thăm371
  • Hôm nay71,531
  • Tháng hiện tại3,929,638
  • Tổng lượt truy cập151,650,114
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây