Thêm một Di tích Quốc gia đặc biệt tại xứ Thanh

Thứ sáu - 28/12/2018 07:12
Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Lê Hoàn, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) mới được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Đây là 1 trong 11 di tích vinh dự trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt đợt này. Trước đó, tại Thanh Hóa đã có các Khu di tích Quốc gia đặc biệt như Lam Kinh, Đền Bà Triệu, Hang Con Moong...

Thêm một Di tích Quốc gia đặc biệt tại xứ Thanh

Đền Lê Hoàn được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Đền Lê Hoàn là công trình kiến trúc thế kỷ XVII còn được bảo tồn tương đối hoàn chỉnh. Đặc biệt trong đền còn giữ được nhiều hiện vật như: Đỉnh đồng; bình hương đồng màu đen có khắc chữ: “Thiên cổ”; những chiếc bình bằng sứ; 5 chén bạc, ống đựng đũa; một bức họa chân dung Lê Đại Hành; 14 đạo sắc phong của các đời vua từ 1674 - 1887 và một chiếc đĩa đá tương truyền là của vua Tống tặng Lê Hoàn.

Khu vực đền thờ có tổng diện tích gần 4 ha, rộng 13 gian, có sân rồng, các nhà tiền đường, trung đường và hậu cung. Đền có kiến trúc chữ “công”, trên nóc tiền đường có 10 con nghê bằng đất, được nung thành sành, màu đen, tựa đồng hun. Ở điểm chót của mỗi đầu đao đều gắn một con trong dáng ngồi thu gọn như đang chầu.

Hoàng đế Lê Đại Hành, húy là Lê Hoàn (sinh năm 941, tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, mất năm 1005, tại cố đô Hoa Lư, Ninh Bình).

Trong cuộc đời 64 năm với 10 năm làm Thập đạo tướng quân, 24 năm làm vua, Lê Đại Hành hoàng đế đã lãnh đạo quân dân Đại Cồ Việt phá Tống, bình Chiêm, mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước hưng thịnh.

Thêm một Di tích Quốc gia đặc biệt tại xứ Thanh - Ảnh minh hoạ 2

Hàng năm nhân dân địa phương thường tổ chức lễ hội tại ngôi đền cổ này.

Lê Đại Hành khi cai trị đã cho xây dựng nhiều công trình, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp để chấn hưng đất nước. Ông là vị vua mở đầu cho lễ tịch điền nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp dưới chế độ phong kiến Việt Nam.

Hoàng đế Lê Đại Hành cũng là vị vua đầu tiên tổ chức đào sông. Công trình đào sông Nhà Lê do Lê Hoàn khởi dựng là con đường giao thông thủy nội địa đầu tiên của Việt Nam. Vua Đại Hành là người anh minh, quả quyết, nhiều mưu trí, dụng binh khéo như thần.

Sau khi vua Lê Hoàn mất, nhân dân đã lập đền thờ tại thôn Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân. Năm 1990, Đền thờ Lê Hoàn được công nhận là di tích cấp Quốc gia.

Năm 2018, huyện Thọ Xuân đã lập hồ sơ đề nghị công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt. Hiện tại, tượng thờ vua Lê Hoàn tại di tích được làm bằng gỗ do nhân dân cung tiến vào năm 1994.

Thêm một Di tích Quốc gia đặc biệt tại xứ Thanh - Ảnh minh hoạ 3

Lễ đúc tượng đồng Đức vua Lê Hoàn.

Theo nguyện vọng của nhân dân được đúc tượng thờ vua Lê Hoàn bằng đồng thay thế tượng gỗ hiện có. Sau khi được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đồng ý, huyện Thọ Xuân đã phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, nhóm tác giả, nhà tài trợ thực hiện các bước theo quy trình, sáng tác mẫu tượng và chuẩn bị các điều kiện cho việc đúc tượng đồng vua Lê Hoàn.

Ngày 26/12, tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền thờ Lê Hoàn đã tổ chức Lễ đúc tượng đồng vua Lê Hoàn.

Lễ đúc tượng đồng Đức vua Lê Hoàn là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm tỏ lòng biết ơn sâu sắc Anh hùng dân tộc Lê Đại Hành hoàng đế, tôn vinh công lao to lớn của Đức vua và góp phần nâng cao giá trị của khu di tích Quốc gia Lê Hoàn, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của nhân dân và du khách thập phương.

Tác giả: Duy Tuyên

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập517
  • Máy chủ tìm kiếm125
  • Khách viếng thăm392
  • Hôm nay125,200
  • Tháng hiện tại3,808,550
  • Tổng lượt truy cập155,844,154
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây