Muốn toả sáng thì hãy cháy lên!

Thứ ba - 22/01/2019 09:36
(Dân trí) - Ngày 24/1/2019, tại Nhà hát Lớn - Hà Nội, tác phẩm Những mảnh ghép quân vương (Nhà Xuất bản Thông tin & Truyền thông, 2018) của TS, nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Bích Yến, đứa con tinh thần mà tác giả ấp ủ, mong chờ bấy lâu nay được giới thiệu.

Tối 16/1 có liền 2 cặp đấu nghẹt thở Giải bóng đá Asian Cup 2019 - liên quan đến đội tuyển Việt Nam, mà tôi cũng là một fan hâm một cuồng nhiệt, coi như mất trắng đêm 16/1.

Tôi dành trọn cả ngày và đêm 17/1 đọc một mạch 676 trang sách Những mảnh ghép Quân vương - không phải để giải trí mà đọc để rút ra những cảm nhận cần thiết. 86 câu chuyện - mảnh đời của 86 nhân vật, chia làm 3 phần: Văn hóa - nghệ thuật; Chính trị - xã hội và báo chí - truyền thông; Kinh tế - kinh doanh.

Muốn toả sáng thì hãy cháy lên!

 

Bích Yến được diện kiến Tổng thống Áo Heinz Fischer (trái) va chuyên gia người Áo.

Quả là lúc đầu hơi bị ngán, nhưng càng đọc càng cuốn hút và tôi đã đọc xong toàn bộ tác phẩm, ghi chép tóm tắt hơn chục trang thu hoạch - từ những trang viết của một cây bút nữ, một đồng nghiệp, tiến sĩ báo chí, có thể coi là trẻ.

Một trong những cảm nhận xuyên suốt thể hiện trong các chân dung, nhân vật, điều mà tôi có thể rút ra: Muốn tỏa sáng thì hãy cháy lên! Nguyễn Thị Trường Giang, một trong những nữ phó giáo sư, tiến sĩ báo chí trẻ tuổi nhất ở Việt Nam hiện nay đã thốt lên như vậy.

Sau khi chị được cử tham dự Liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 19, do Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới tổ chức tại Shochi, Liên bang nga, Bích Yến đã phỏng vấn và viết về nữ phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang (trang 543, sách đã dẫn), rằng Đam mê và khát vọng đã chắp cánh cho nữ giảng viên báo chí này vươn tới tầm cao.

Trong 86 câu chuyện - nhân vật đã tận hiến cho các lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật bao gồm điện ảnh, âm nhạc, hội họa, văn chương; các học giả, chính khách, các nguyên thủ quốc gia - những nhà hoạt động chính trị, xã hội; các nhà hoạt động trên lĩnh vực báo chí - truyền thông; hơn một chục doanh nhân người Việt ở trong và ngoài nước, người nước ngoài ở Việt Nam.

Với Nguyễn Thị Bích Yến, 86 câu chuyện - 86 nhân vật, tùy từng mức độ khác nhau, nhưng tất cả đều hòa chung một tâm niệm: Muốn tỏa sáng thì hãy cháy lên niềm đam mê và khát vọng, để đi đến thành công trong sự nghiệp, bắt đầu từ những công việc thường ngày, những phận sự dù nhỏ nhất. Và chính tác giả Nguyễn Thị Bích Yến cũng là hiện thân của niềm đam mê và khát vọng vươn lên, góp phần sức nhỏ của mình xây dựng quê hương - Tổ quốc Việt.

Nhà báo, tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Yến là ai? Chị bộc bạch: “Suốt thời gian thơ ấu, cứ vào ngày 23 tháng Chạp và ngày mùng một Tết Âm lịch, tôi lại được theo bà và mẹ lên chùa, vào miếu “Đức vua Bà” để dâng hương. Đó là một ngôi miếu nhỏ, nằm cạnh chùa làng, bên dòng sông Văn Úc, là nơi thờ bà Tổ Nguyễn Ngọc Nương của dòng tộc Nguyễn (chính) chúng tôi, con gái của một dòng tộc nhiều đời đỗ đạt, làm quan, vinh hiển, xinh đẹp nhất vùng. Bà là Đệ Tam cung phi của vua Lê Kính Tông (1618) …” (Sách đã dẫn, trang 649). Nguyễn Thị Bích Yến là hậu duệ dòng dõi một gia tộc trí thức, quyền quý.

Đam mê văn chương, võ thuật từ bé, nhưng khi lớn lên, Nguyễn Thị Bích Yến lại theo học ngành kinh tế và cuối cùng thì làm báo và nghiên cứu báo chí. Chị rất đam mê và giỏi võ nghệ. Có ai nghĩ rằng nữ nhà báo và nhà văn xinh đẹp này còn là một huấn luyện viên, trọng tài quốc gia môn Taekwondo. Ra trường, do đam mê văn chương, chị đầu quân làm chuyên văn hóa cho Trung tâm văn hóa Hội nhà văn Việt Nam, rồi đến Hãng Phim Hội nhà văn Việt Nam, làm việc với các nhà văn nổi tiếng Nguyễn Khắc Phục, nhà văn Hà Phạm Phú, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến...

Tư duy nghiên cứu khoa học của Nguyễn Thị Bích Yến đã bộc lộ ngay khi làm việc và tham vấn cho các vị này. Mỗi khi được giao đến Thư viện quốc gia chọn lọc tư liệu cho những bộ phim mà nhà văn Nguyễn Khắc Phục viết kịch bản, Nguyễn Thị Bích Yến thường phân loại tài liệu mục tiêu và tài liệu liên quan. Lúc đầu, ông tỏ chút ngạc nhiên, nhưng sau khi nghe trình bày, ông thường mỉm cười, lẩm bẩm: “con bé này được”.

Thời gian sau đó, Nguyễn Thị Bích Yến tự nghĩ: “Tại sao mình không làm báo nhỉ, cái nghề sẽ rèn dũa cho mình sự học hỏi và tích lũy kiến thức, bang giao xã hội và cứu được người dân nghèo”. Rồi chị viết bài cộng tác với báo Văn nghệ trẻ, Hội nhà văn Việt Nam. Và sau đó được phân công phụ trách trang web vanhocvadienanh (2002). Đến năm 2005 chị được điều chuyển đến báo Văn Nghệ làm kế toán nhưng do đam mê văn chương nên chị đã thuyết phục các cấp lãnh đạo cho theo học báo chí  và văn chương rồi trở thành phóng viên.

Khi chị chuyển sang báo Văn nghệ, nhà văn Hà Phạm Phú, do đã biết đam mê, năng khiếu của chị nên đã khuyên chị “đi để có tương lai”. Còn nhà văn Nguyễn Khắc Phục cũng không ngăn cản mà nhẹ nhàng bảo: “Đất bên ấy dữ lắm. Chú biết! Nếu cháu không không ở bên đấy được thì về lại Hãng, về với các chú cháu ạ”(Sách đã dẫn, trang 76). Chuyện “đất dữ” báo Văn Nghệ thời ấy là chuyện có thật, hầu như ai cũng biết. Một lần, một nhà văn đã cạnh khóe, khinh khỉnh nói với Bích Yến “mới ra trường mà đã dám ngồi mâm các cụ !”.

Muốn toả sáng thì hãy cháy lên! - Ảnh minh hoạ 2

Bích Yến kết nối đoàn các nhà khoa học Việt Nam với Tổng thống Áo Heinz Fischer vào năm 2014.

Đam mê và khát vọng, từ năm 2005 Bích Yến đã làm phóng viên, làm rồi yêu luôn nghề báo. Yêu nghề và tự học, học ngày học đêm, xin học các khóa sáng tác, lý luận phê bình ở TT Viết văn Nguyễn Du, Hội nhà văn Việt Nam. Ở đây, chị đã gặp gỡ, cảm nhận, và học được rất nhiều điều từ các nhà văn, nhà thơ lão luyện bậc thầy. Bính Yến đã viết về họ - những trang viết bay bổng, nhẹ nhàng, đầy cảm xúc, từ trái tim mình.

Năm 2008, Bích Yến đã đạt Giải tác giả trẻ, tập truyện ngắn Một nửa là người của Ủy Ban Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Cũng trong năm đó, Bích Yến đã đạt giải 5 Gương mặt do công chúng bình chọn, báo Lao động Thủ đô.

Sau đó, chị may mắn là một trong hai nhà văn nhà báo được Hội hữu nghị Áo-Việt, Liên đoàn lao động Công đoàn Cộng hòa Áo, mời tham gia chương trình giao lưu văn hóa. Lúc đó, chị cũng đã nhận được học bổng hỗ trợ của một Quỹ học bổng quốc tế cho chương trình Thạc sĩ. Và chị đã chọn báo Wiener Zeitung (một trong những tờ báo lâu đời nhất thế giới hiện đã trở thành tập đoàn), Cộng hòa Áo để thực tập.   

Duyên phận, từ năm 2011, Nguyễn Thị Bích Yến - sau khi lập gia đình, “vù” qua châu Âu sinh sống. Cơ hội mới, chị tiếp tục học hỏi, tìm tòi nghiên cứu và viết văn, viết báo, viết các chuyên đề nghiên cứu. Trong nước, chị làm phóng viên báo Văn nghệ; đến Cộng hóa Áo, chị vẫn tiếp tục làm đại diện cho báo Văn nghệ (Cộng tác viên của nhiều báo đài lớn của Việt Nam) tại Áo, EU và Liên hiệp quốc tại Vienna (chị được cấp thẻ nhà báo quốc tế).

Đồng thời, chị làm nghiên cứu chương trình thạc sĩ, tiến sĩ tại một số cơ quan báo chí lớn nhất tại Áo (và uy tín tại châu âu) - Wiener Zeitung, APA, ORF... Đắm mình trong môi trường báo chí hiện đại, Bích Yến vẫn đau đáu hướng về quê hương, đất nước - Tổ quốc Việt.

Từ năm 2009, Bích Yến đã cùng các thầy của mình đặt nền móng, kết nối, tổ chức các chương trình đào tạo, nghiên cứu báo chí, truyền thông và trao đổi đoàn giữa Việt Nam và Cộng hòa Áo, EU. Hàng trăm lượt nhà báo, nghiên cứu sinh, giảng viên, nhà khoa học, lãnh đạo báo chí, truyền thông của hai quốc gia đã được tham gia chương trình này. Hàng chục cuộc hội thảo khoa học quốc tế và công trình khoa học, chuyên san đã được xuất bản chung và được các nhà khoa học hai nước cũng như Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Tổng thống Áo Heinz Fischer... đánh giá cao. Có thể nói, Bích Yến là vị “đại sứ” thân thiện của tình hữu nghị, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với thế giới bên ngoài.   

Nguyễn Thị Bích yến tham dự nhiều sự kiện quốc tế, gặp gỡ nhiều nhân vật, từ tầng lớp bình dân đến giới trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng, chính khách, nguyên thủ của nhiều quốc gia. Cho đến khi đọc được cuốn Quân Vương (1513) của sử gia, chính trị gia, nhà ngoại giao, triết gia và nhà văn Ý thời phục hưng Niccolò Machiavelli, biết về những nguyên lý cơ bản của thuật trị quốc, cảm được tầm nhìn thấu suốt của một đấng Quân vương.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Yến nhận ra: Hầu hết những nhân vật từng gặp, đã tác nghiệp đều là những người có phẩm chất, đam mê và khát vọng, có những đóng góp nhất định cho xã hội. Và cuốn sách Những mảnh ghép quân vương đã ra đời như thế - 86 câu chuyện, chân dung của những con người mà tác giả đã gặp, trải nghiệm.

Dù viết ngắn hay dài, trong từng câu chuyện và nhân vật, ngòi bút của Bích Yến rất có chiều sâu, khắc họa tính cách, nội tâm nhân vật dung dị, dễ nhớ, dễ cảm nhận. Chỉ xin nêu vài ba dẫn chứng ngắn gọn, trong số 86 chân dung - nhân vật Những mảnh ghép Quân vương. Với nhà văn Tô Hoài, tác giả “Dế mèn phiêu lưu ký”, những trang viết của Bích Yến trân trọng mà rất đằm thắm. Điều chị rút ra ở nhà văn đại thụ này: Muốn thành công thì chăm chỉ tự học và phải chuyên sâu. Sự lười biếng, hời hợt, nông cạn sẽ tự giết chết sự nghiệp.

Với Phó Giám đốc Hãng phim truyện, nhà văn Nguyễn Khắc Phục, Bích Yến cảm nhận từ ông “Bóng dáng một nhà triết học, là con người của tài hoa, giàu lòng nhân ái. Với giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ Nguyễn Huy Hoàng, một hậu duệ của danh nhân Nguyễn Huy Tự, Bính Yến khắc họa sâu đậm một tấm lòng khắc khoải, niềm vui và nỗi buồn đan xen, yêu nhớ quê hương khôn cùng - Về cùng nước Việt của ta…

Đọc và tạm khép lại Những mảnh ghép Quân vương - những câu chuyện, số phận, cuộc đời nhân văn và trách nhiệm, nhiều bài học sinh động, sự trải nghiệm có thể rút ra từ một tác giả nữ nhà báo - tiến sĩ báo chí trẻ tâm huyết, đong đầy trách nhiệm.

Ngày 20/1/2019

Phạm Quốc Toàn

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập1,002
  • Máy chủ tìm kiếm93
  • Khách viếng thăm909
  • Hôm nay179,511
  • Tháng hiện tại1,191,243
  • Tổng lượt truy cập157,307,744
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây