HOICHOTHUONGMAI

Livestream, cười cợt gây hỗn loạn trong đám tang: Tàn nhẫn và thiếu văn hóa?

Thứ năm - 11/04/2019 19:35
(Dân trí) - Còn gì đau lòng hơn khi người thân nghệ sĩ Anh Vũ phải chứng kiến cảnh không ít người livestream, chụp ảnh “câu like”, cười đùa, níu áo nghệ sĩ gây hỗn loạn trong đám tang? Hình ảnh chướng mắt này từng xuất hiện nhiều lần trong lễ viếng nghệ sĩ Minh Thuận, ca sĩ Wanbi Tuấn Anh… >>

“Cười cợt, trục lợi trên nỗi đau của người khác là quá tàn nhẫn”

Sự ra đi đột ngột của diễn viên hài Anh Vũ không chỉ khiến người thân và đồng nghiệp bàng hoàng mà còn thu hút sự quan tâm, trông ngóng từ dư luận. Chính vì thế, đông đảo người dân, khán giả hâm mộ đã có mặt trong lễ viếng nam nghệ sĩ mới đây tại TP.HCM.

Tuy nhiên, bên cạnh không khí tang thương, nỗi đau quá lớn của người thân, bạn bè nghệ sĩ thì có quá nhiều kẻ lợi dụng sự đau buồn để trục lợi. Các phóng viên, nghệ sĩ và người dân bức xúc phản ánh khi nhìn thấy nhiều youtuber chân lấn để livestream, réo tên nghệ sĩ, bình luận nhằm trục lợi bằng cách “câu like” thu tiền quảng cáo.

Livestream, cười cợt gây hỗn loạn trong đám tang: Tàn nhẫn và thiếu văn hóa?
Không ít người đã cố livestream tại đám tang Anh Vũ nhằm câu like tạo nên một đám đông khá hỗn loạn và khiến bầu không khí tang lễ ồn ào và không trang nghiêm. Người nhà vì tránh ồn ào, lộn xộn đã nhờ lực lượng bảo vệ hỗ trợ nhưng cũng không ngăn cản được dòng người cố livestream đám tang Anh Vũ.

Bên cạnh đó, cũng không ít người đến dự lễ tang chỉ để cười cợt, chỉ chỏ, níu áo nghệ sĩ xin chữ ký, xin chụp ảnh, rồi tạo dáng đủ kiểu gây hỗn loạn trong đám tang. Trước hình ảnh phản cảm này, cực chẳng đã, gia đình nghệ sĩ Anh Vũ phải nhờ đến sự can thiệp, bảo vệ của lực lượng an ninh.

Hàng loạt các nghệ sĩ như người đẹp Ái Châu, diễn viên Ngọc Lan, diễn viên Tiến Luật, Pha Lê, Ngọc Trai... thẳng thắn cho rằng đây là hành động tàn nhẫn, vô văn hóa với người đã mất và người thân của họ. "Quá tàn nhẫn. Đôi khi phải chấp nhận nhưng nó khắc nghiệt quá", diễn viên Tiến Luật bức xúc lên tiếng.

Từ đám tang nghệ sĩ Anh Vũ, không ít người chạnh lòng nhớ đến lễ  viếng của nghệ sĩ Minh Thuận, ca sĩ Wanbi Tuấn Anh trước đây…Tại buổi tiễn biệt các nghệ sĩ, cũng xảy ra tình trạng nhiều người cười đùa khi thấy các nghệ sĩ, xin chụp ảnh... gây tình trạng lộn xộn, khiến nhiều người phẫn nộ.

Sự việc lặp lại nhiều lần cho thấy đây không còn đơn thuần là sự hiếu kỳ mà nó phản ánh rất rõ ý thức và văn hóa của một bộ phận khán giả. “Mỗi lần có đám tang nghệ sĩ là kéo tới chụp hình, quay clip, trục lợi từ nỗi đau của người khác, thật là vô cảm, thiếu ý thức”, “Lại thêm một sự việc thể hiện đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng”... là những lời bình luận của độc giả dưới những cảnh nhốn nháo trong lễ tang các nghệ sĩ.

“Người có hành vi phản cảm nơi lễ tang phải bị tẩy chay”

Chia sẻ với phóng viên , TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) bày tỏ sự phản đối trước những hình ảnh livestream, chụp ảnh, cười cợt gây nhốn nháo, hỗn loạn trong đám tang.

“Cá nhân tôi chưa từng chứng kiến những cảnh tượng như thế này trong đám tang nhưng tôi nghĩ nếu gặp phải cảnh đó, tôi sẽ phản đối. Đây là những hành vi thiếu văn hóa, phản cảm”, TS Khuất Thu Hồng khẳng định.

Livestream, cười cợt gây hỗn loạn trong đám tang: Tàn nhẫn và thiếu văn hóa? - Ảnh minh hoạ 2

Có những người hồn nhiên cười, tạo dáng tại chùa Ấn Quang, nơi diễn ra lễ viếng nghệ sĩ Anh Vũ.

TS Khuất Thu Hồng cũng chia sẻ thêm:  “Đây là những hành vi thiếu văn hóa, phản cảm, nhưng rất tiếc là không nằm trong phạm vi điều chỉnh của bất kỳ quy định pháp luật nào. Tuy nhiên, dù có nhiều đến đâu luật pháp cũng không thể bao quát mọi ngóc ngách của cuộc sống, và không bao giờ theo kịp cuộc sống vì cuộc sống không ngừng biến đổi.

Hiện tượng này chưa từng có tiền lệ nên luật chưa theo kịp là điều dễ hiểu.  

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta bất lực trước hiện tượng phản văn hoá, phản xã hội này. Song song với cơ chế luật pháp luôn có cơ chế kiểm soát tự thân của xã hội thông qua các quy ước đạo đức”.

Theo TS Khuất Thu Hồng, dư luận, cộng đồng lên phản ứng mạnh mẽ trước những hành vi thiếu văn hóa này. “Những hiện tượng như thế này phải bị lên án, những con người có các hành vi phản cảm đó phải bị tẩy chay. Cộng đồng cần phải học cách tự bảo vệ mình bằng những quy tắc ứng xử văn minh, lịch sự, hoà nhã, dù ở đời thực hay khi sống ảo”, TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.

Liên quan đến cảnh náo loạn, ứng xử không phù hợp trong các đám tang, trả lời báo chí, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, GĐ Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt cũng cho rằng đây là “hành vi phản cảm khó chấp nhận, thể hiện sự hạn chế về ứng xử xã hội và nhận thức xã hội”.

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, để chấm dứt những hành vi phản cảm này cần có sự giáo dục, định hướng ngay từ nhỏ từ phía gia đình. Nhà trường cũng cần quan tâm đến vấn đề này khi thực hiện các bài dạy giáo dục lối sống. Bên cạnh đó, phản ứng, sự quan tâm của cộng đồng cũng giúp uốn nắn các hành vi chưa chuẩn mực trong cuộc sống.

Nguyễn Hằng

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập311
  • Máy chủ tìm kiếm41
  • Khách viếng thăm270
  • Hôm nay106,793
  • Tháng hiện tại3,994,609
  • Tổng lượt truy cập151,715,085
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây