HOICHOTHUONGMAI

Hoạ sĩ Hùng “Rô”: “Tranh vẽ của tôi không thể “sạch sẽ” được”

Thứ sáu - 29/11/2019 21:57
(Dân trí) - “Tôi là người cảm xúc rất mạnh, thích sự “ồ ạt” của cảm xúc. Chính vì thế tranh vẽ của tôi không thể “sạch sẽ” được”, Hùng “Rô” chia sẻ.

Tôi thích sự ồ ạt của cảm xúc

Chọn một cốc cà phê nâu, bật tình ca nhạc rock mang tên “While your lips are still red”, hoạ sĩ Hùng “Rô” hứng khởi kể câu chuyện tưởng chừng không hồi kết về hội hoạ và âm nhạc.

Hoạ sĩ Hùng “Rô”: “Tranh vẽ của tôi không thể “sạch sẽ” được”

Hoạ sĩ “Hùng Rô”: “Tôi là người cảm xúc rất mạnh, thích sự nhanh nhẹn, “ồ ạt” của cảm xúc".

“Tranh vẽ nói lên tính cách con người. Người sống hào nhoáng, cởi mở thì tác phẩm sẽ khác những người sống cẩn trọng, tỉ mỉ...

Tôi là người cảm xúc rất mạnh, thích sự nhanh nhẹn, “ồ ạt” của cảm xúc. Chính vì thế tranh vẽ của tôi không thể “sạch sẽ” được”, hoạ sĩ Hùng Rô trải lòng.

Thoáng dừng lại một chút để ngắm nhìn phố xá lúc tan tầm, anh tiếp lời: “Tôi không thể mặc sơ mi trắng vẽ tranh”...

Có thể nói âm nhạc là suối nguồn bất tận, là cảm hứng chiếm đến 70% trong những sáng tác của anh, đặc biệt là những ca khúc về tình yêu và tuổi trẻ.

Hoạ sĩ Hùng “Rô”: “Tranh vẽ của tôi không thể “sạch sẽ” được” - Ảnh minh hoạ 2

Tác phẩm "Âm vực của cao độ" của hoạ sĩ Hùng "Rô" (kích thước 180x148cm, sáng tác năm 2019).

Sáng sớm, anh nghe nhạc thiên nhiên, tiếng suối chảy róc rách… Đó là dòng nhạc trong lành, yên tĩnh nhất để sáng tác. Buổi trưa thì nghe nhạc trẻ. Chiều về, anh bật những bản nhạc bốc lửa để có thêm năng lượng sau một ngày dài. Khi màn đêm buông xuống, anh nghe nhạc không lời.

“Đôi khi, tôi xách balo đi núi, đi rừng chỉ để nghe một bài hát, lấy cảm xúc sáng tác rồi đi về. Tôi thích nhất trong ngày là bình minh và hoàng hôn rồi chìm đắm vào âm nhạc”, hoạ sĩ tâm sự.

Hoạ sĩ Hùng “Rô” tên thật là Nguyễn Mạnh Hùng. Anh được biết là một nghệ sĩ đầy cá tính của dòng tranh trừu tượng.

Hoạ sĩ Hùng “Rô”: “Tranh vẽ của tôi không thể “sạch sẽ” được” - Ảnh minh hoạ 3

Hoạ sĩ Hùng “Rô” là một nghệ sĩ đầy cá tính của dòng tranh trừu tượng.

Yêu thích vẽ tranh từ thuở bé, lớn lên, dù gia đình không có ai ủng hộ theo nghiệp hội hoạ nhưng anh vẫn quyết chí theo đuổi và tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc hoạ Trung ương vào năm 2008.

Sau đó anh tiếp tục ghi danh vào Đại học Mỹ thuật Việt Nam và trúng tuyển trong sự bất ngờ của người thân. Anh học ngành sư phạm và tốt nghiệp vào năm 2012.

“Ngày đó, tôi bị phản đối rất nhiều bởi gia đình, anh em ai cũng hiểu có nhiều nghệ sĩ “lăn lê bò toài” 10-20 năm cũng không có được chỗ đứng, cuộc sống khổ sở, nheo nhóc. Ai cũng bảo rằng, làm nghệ thuật như đổ nước vào cái thùng không đáy. Nhưng chính câu nói đó trở thành động lực khiến tôi phấn đấu bằng mọi giá để phản biện”, Hùng “Rô” kể.

Với tài lẻ đàn guitar và hát, anh đi làm ở các phòng trà để nuôi hoài bão. Số tiền tích cóp được anh mua những tuýp sơn, tấm toan rẻ tiền “hoạ” ước mơ, bỏ ngoài tai tất cả những lời xì xào, bàn tán.

“Không muốn lẫn vào đám đông”

Đến năm 2015, anh bán được bức tranh đầu tiên với mức giá 15 triệu đồng trong sự ngỡ ngàng của gia đình và đập tan mọi sự hoài nghi.

Dần dần tên tuổi của anh được mọi người biết đến, các tác phẩm được đi Mỹ, Anh, Thuỵ Sĩ, Singapore…

Anh bảo, đến giờ, không nhớ đã vẽ bao nhiêu bức tranh bởi: “Bức tranh hôm nay mình cứ lưu luyến thì không thể vẽ được tiếp”.

Hoạ sĩ Hùng “Rô”: “Tranh vẽ của tôi không thể “sạch sẽ” được” - Ảnh minh hoạ 4

Tác phẩm "Mưa phố mùa đông" (Kích thước 150x100cm, sáng tác năm 2016).

“Quan điểm của tôi là đi con đường khó, ít người lựa chọn, không lẫn vào đám đông. Muốn vẽ trừu tượng ngay thì cũng không phải là dễ. Tôi đã trải qua phong cách hiện thực, vẽ những bức tranh thuận mắt rồi dần dần bằng độ phiêu, chuyển sang bán trừu tượng và hiện thực biến mất đi, phong cách trừu tượng đến tự nhiên như hơi thở”.

Nói đến tranh trừu tượng, người ta sẽ mường tượng ngay đến dòng tranh kén công chúng, nhưng tranh của Hùng “Rô” ngược lại. Anh đặc biệt thích vẽ chân dung của mình, những nội tâm cảm xúc mà đời thường không nói ra được.

“Tôi đã có quá trình hoạt động lâu dài, đi qua nhiều phong cách, đủ để người xem cảm và hiểu phong cách, con người mình.

Thường những nhà sưu tập cá tính sẽ chọn các bức tranh “khùng khoằm”, “gào thét” của tôi. Họ cảm từ những bức tự hoạ rồi xâu chuỗi câu chuyện, cảm xúc của chính mình”, anh kể.

Hoạ sĩ Hùng “Rô”: “Tranh vẽ của tôi không thể “sạch sẽ” được” - Ảnh minh hoạ 5

Tác phẩm "Tự hoạ" (Kích thước 155x135cm, sáng tác năm 2019).

“Trong tranh trừu tượng, lý trí rất ít, cảm xúc phải lấn át thì bức tranh mới có sức nặng. Chủ thể là một chiều nhưng người xem lại quyết định một chiều khác. Cái hay của tranh trừu tượng là mỗi người xem tranh sẽ có một cảm xúc khác nhau”, anh nói.

Xem tranh cũng như để 10 cô gái đẹp đứng ra xếp hàng

Một điều lạ lùng trong tranh của Hùng “Rô” là cảm giác đến trước hiện thực. Có những mảnh đất anh chưa từng đặt chân đến nhưng vẫn tự tưởng tượng và tư duy.

“Vẽ về những nơi mình chưa đến giống như việc khao khát yêu một cô gái chưa hề gặp họ, sự khao khát đó mới tạo ra sự mơ mộng. Ví dụ như một series tôi vẽ về đại ngàn khá thành công ở thị trường nước ngoài. Tôi chưa từng đi Tây Nguyên, chưa từng đến những cánh rừng già nhưng vẽ bằng cảm giác. Vẽ gần xong, tôi mới đi để xem thực tế nó như thế nào”, anh kể.

Hoạ sĩ Hùng “Rô”: “Tranh vẽ của tôi không thể “sạch sẽ” được” - Ảnh minh hoạ 6

Tác phẩm "Giai điệu ballad" (Kích thước 155x135cm, sáng tác năm 2019).

Anh bảo rằng: “Xem tranh cũng như 10 cô gái xếp hàng cho mình ngắm. Chỉ cần liếc mắt cũng biết cô gái nào mình thích nhất, mặc dù không biết cá tính cô ấy ra sao, có đẹp tự nhiên không hay do trang điểm. Xem tranh cũng vậy, chỉ cần xem đúng một lần, ấn tượng bức nào, người ta sẽ dừng lại ở bức đó”.

Và chính sự khó tính của các nhà sưu tập thôi thúc anh phải chỉn chu với tác phẩm của mình. Anh đề cao cảm xúc của chính mình. Người ta có thể trả một khoản tiền rất lớn, yêu cầu sửa tranh nhưng anh từ chối vì với anh như vậy không còn là mình. Anh bảo có thể “chưa có duyên với nhau”.

Khi hỏi anh về hiện tượng “chép tranh” tràn lan trên thị trường, anh bày tỏ: “Tôi không biết người khác thế nào nhưng tôi không sợ hay buồn điều này. Cái gì thật vẫn là thật. Bức tranh thật vẫn rất đắt, người hoạ sĩ nên lấy làm tự hào. Thị trường mỹ thuật cũng có sự phân cấp. Từ những bức tranh vài triệu đồng đến bức vài trăm nghìn đô la Mỹ.

Sao chép là tín hiệu chứng tỏ tranh của họa sĩ bán được thì người ta mới chép”.

Hoạ sĩ Hùng “Rô”: “Tranh vẽ của tôi không thể “sạch sẽ” được” - Ảnh minh hoạ 7

Tác phẩm "Chợt chiều đông" (Kích thước 150x100cm, sáng tác năm 2012).

“Vào năm 2016, tôi có một dòng tranh hiện thực, vẽ về khu tập thể Hà Nội bán khá chạy nên dễ bị sao chép. Người mua tranh hầu hết từng sống trong những khu nhà chung cư thời bao cấp, nay về nhà mới, họ treo như một sự hoài niệm.

Tranh hiện thực còn dễ chép chứ tranh trừu tượng thì khó chép lắm. Người xem đơn thuần có thể không hiểu nhiều về hội hoạ nhưng những nhà sưu tập lại khác, họ có hiểu biết sâu sắc. Họ dành thời gian nghiên cứu, đào sâu về phong cách của nghệ sĩ, thậm chí có cái nhìn tinh tế, nhạy cảm hơn cả hoạ sĩ”.

Anh bảo, độ “chín” của một nghệ sĩ là từ 35 - 45 tuổi. Trong 10 năm đó, phải bằng mọi cách bứt phá để tạo ra sự khác biệt và lao động tích cực.

2 năm trở lại đây, anh “gom góp” toàn bộ trí lực, vật lực chuẩn bị cho triển lãm cá nhân đặc biệt về chân dung vào năm 2020. Dự kiến triển lãm sẽ trưng bày 19 bức. Sau đó anh ấp ủ thực hiện triển lãm cá nhân tại New York, Mỹ.

“Cuộc triển lãm 2020, trên tinh thần chung về chân dung của mình, tôi gieo vào đó cảm xúc của âm nhạc, cảm xúc của đời sống, của mùa thu, mùa đông, mùa xuân và đặc biệt là mùa hạ - mùa tôi yêu nhất. Sắc màu thay đổi theo cảm xúc của mình”, anh tâm sự.

Hoạ sĩ Hùng “Rô”: “Tranh vẽ của tôi không thể “sạch sẽ” được” - Ảnh minh hoạ 8

Tác phẩm "An nhiên" (Kích thước 100x80cm, sáng tác năm 2019).

Đi qua những ngày tháng khốn khó “lửa thử vàng gian nan thử sức”, giờ là lúc anh: “Vẽ tranh với phong thái làm cuộc chơi của chính mình, không quá quan tâm đến chuyện mua bán. Nghệ thuật là không bao giờ dừng lại, luôn phải tiếp diễn, phải làm sao để bản thân mình “hay” lên.

Làm nghệ thuật đi đường dài là cố gắng không bị chi phối về tiền bạc kinh tế, làm mất đi tâm hồn của mình. Tất nhiên là rất khó, nhưng khi vượt qua được rồi sẽ rất hạnh phúc”.

Hoạ sĩ Hùng “Rô” từng tham gia: Triển lãm chân dung tự họa năm 2012 tại Hà Nội, Triển lãm “Mặt đối mặt” năm 2015, Triển lãm quốc tế tại Lào vào năm 2016, Triển lãm cá nhân “Nghiêng đêm” 2017, Triển lãm “Song âm” cùng hoạ sĩ Lê Thị Minh Tâm năm 2018. Triển lãm mang tên “Đa diện” vào năm 2019.

Phương Nhung

Ảnh: NVCC

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập457
  • Máy chủ tìm kiếm65
  • Khách viếng thăm392
  • Hôm nay106,793
  • Tháng hiện tại3,988,638
  • Tổng lượt truy cập151,709,114
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây