HOICHOTHUONGMAI

Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số

Thứ sáu - 25/10/2019 22:13
Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2015 - 2025”, từ năm 2016 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện đề án cùng với việc đổi mới trong công tác tuyên truyền nhằm góp phần làm giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2015 - 2025”, từ năm 2016 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện đề án cùng với việc đổi mới trong công tác tuyên truyền nhằm góp phần làm giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh.

Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số
Ban Dân tộc tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho đồng bào thôn Nà Mặn, xã Công Bằng (Pác Nặm)

Xác định rõ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống xảy ra tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnhsẽ làm giảm chất lượng dân số, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ năm 2016 đến nay, Ban Dân tộc đã phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương duy trì và triển khai thực hiện 11 mô hình điểm tại 10 xã và 01 trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã trên địa bàn 04 huyện: Pác Nặm, Ngân Sơn, Na Rỳ, Chợ Đồn. Trong đó 09 mô hình mới được triển khai thực hiện trong năm 2018.

Qua khảo sát, đây là những địa bàn hay xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống do ảnh hưởng của những quan niệm, thành kiến, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số tồn tại và ăn sâu trong nhận thức của người dân từ nhiều đời nay. Theo số liệu thống kê của các xã thực hiện mô hình, từ năm 2016 - 2018 đã có 48 trường hợp kết hôn sớm, trong đó có 03 cặp hôn nhân cận huyết thống; 07 trường hợp kết hôn sớm đã được ngăn chặn kịp thời; xử phạt hành chính 08 trường hợp.

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, việc kết hôn chỉ cần sự đồng ý của những người đứng đầu trong làng hoặc của cha, mẹ hai bên nam nữ và sự chứng kiến của gia đình, họ hàng, làng xóm. Quan niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy; quan niệm kết hôn trong họ tộc để lưu giữ tài sản trong gia đình không mang của cải sang họ khác hay như tục lệ bắt vợ, tục “nối dây”, cưỡng ép hôn nhân vẫn còn tồn tại. Ngoài ra, người dân nơi đây chưa nhận thức đầy đủ về hậu quả, tác động tiêu cực của tảo hôn và hôn nhân cận huyết, là hành vi bị cấm theo Luật Hôn nhân gia đình và sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Từ năm 2016 đến nay, Ban Dân tộc đã tổ chức 06 cuộc tập huấn thực hiện đối với 02 mô hình điểm là xã Bộc Bố và trường tiểu học và THCS xã Giáo Hiệu (Pác Nặm) cho 132 lượt người trong Ban Chỉ đạo cấp xã và các đối tượng là trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức tuyên truyền tại 02 mô hình điểm nói trên được 13 cuộc với 724 lượt người tham dự bao gồm: Cha mẹ của nam nữ thanh niên trong độ tuổi vị thành niên, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở thôn bản. Tổ chức tập huấn và tuyên truyền tại 09 mô hình mới thành lập năm 2018 cho gần 900 lượt người thuộc đối tượng. Tại các buổi tuyên truyền các đối tượng được nghe, xem trực tiếp một số phóng sự có nội dung liên quan đến các quy định của pháp luật về Luật Hôn nhân và Gia đình, thực trạng và hệ lụy của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, những giải pháp nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Năm 2018, Ban Dân tộc phối hợp với Ban chỉ đạo (BCĐ) mô hình trường Tiểu học và THCS xã Giáo Hiệu huyện Pác Nặm tổ chức ngoại khóa cho các em học sinh khối THCS “Cuộc thi tìm hiểu về Luật Hôn nhân và Gia đình”. Qua cuộc thi đã giúp các em học sinh có thêm những kiến thức về Luật Hôn nhân và Gia đình, đặc biệt vấn đề về nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường; trang bị cho học sinh kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ như bị dụ dỗ, bị xâm hại, thấy được tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, từ đó tránh những trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Ngoài ra còn phối hợp với thành viên BCĐ mô hình thực hiện công tác tuyên truyền, tư vấn tại chỗ được 10 cuộc cho 10 thôn của mô hình điểm xã Bộc Bố với 400 đối tượng là cha, mẹ, nam nữ thanh niên trong độ tuổi thành niên dự nghe.

Đến nay, đề án cũng đã biên soạn, cung cấp tài liệu liên quan về hôn nhân và gia đình cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện tuyên truyền và ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng dân tộc thiểu số. Xây dựng 11 pa nô tuyên truyền tại địa bàn xã đang được triển khai mô hình; 6.200 tờ rời “Không tảo hôn để cuộc sống hạnh phúc hơn” với các nội dung và hình ảnh liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, phục vụ cho công tác tuyên truyền đến các lứa tuổi các em học sinh, các nam nữ thanh niên và người dân trên địa bàn 11 xã; thực hiện được 02 phóng sự truyền hình, tuyên truyền rộng rãi về Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015 - 2020”.

Qua việc thực hiện mô hình đã có tác động không nhỏ đến các đối tượng người dân trên địa bàn, nhất là học sinh lứa tuổi phổ thông trung học. So với năm 2016, tỷ lệ các em bỏ học để lập gia đình sớm đã giảm đáng kể. Tại mô hình điểm xã Bộc Bố năm 2016 có 07 cặp tảo hôn, đến năm 2018 giảm còn 02 cặp tảo hôn, 01 trường hợp đã được can thiệp kịp thời.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong thời gian tới, Ban Dân tộc đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với chính quyền địa phương duy trì, triển khai thực hiện các mô hình điểm. Biên soạn, cung cấp thông tin, sản phẩm truyền thông phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa của các dân tộc thiểu số ở địa phương phục vụ hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, các đoàn thể và hệ thống chính trị về tuyên truyền, quản lý, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình./.

Tác giả: Thu Trang

Nguồn tin: http://backan.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập452
  • Máy chủ tìm kiếm103
  • Khách viếng thăm349
  • Hôm nay83,321
  • Tháng hiện tại3,941,428
  • Tổng lượt truy cập151,661,904
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây