Bắc Kạn - Hậu phương vững chắc của Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ ba - 09/05/2017 18:16
Đáp lời Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 của Hồ Chủ tịch, nhân dân Việt Nam đã anh dũng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống kẻ thù xâm lược, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đáp lời Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 của Hồ Chủ tịch, nhân dân Việt Nam đã anh dũng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống kẻ thù xâm lược, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Góp phần vào chiến công đó, quân và dân Bắc Kạn đã đóng góp sức người, sức của, trở thành hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Chiến dịch Điện Biên Phủ - Mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thắng lợi, thực dân Pháp được sự hỗ trợ của các thế lực đế quốc đã quay trở lại xâm lược nước ta. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, nhân dân Việt Nam đã anh dũng đứng lên đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.

Dựa vào sức mình là chính, với vũ khí thô sơ và tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp. Để cứu vãn tình thế, thu - đông năm 1953, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã triển khai Kế hoạch Nava tăng cường binh lực và phương tiện chiến tranh nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường. Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp đã cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ, xây dựng nơi đây thành căn cứ quân sự kiên cố.

Điện Biên Phủ là cứ điểm có ý nghĩa chiến lược khống chế cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc và Thượng Lào. Các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đã tăng cường lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ, như “một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta và là quyết chiến điểm của Kế hoạch Nava.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp và nhận định, đánh Điện Biên Phủ là một trận công kiên lớn nhất của quân đội ta từ trước tới nay và có ý nghĩa quân sự, chính trị và ngoại giao rất quan trọng. Trên tinh thần đó, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến, thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng uỷ mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng uỷ chiến dịch. Mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành khẩn trương với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Chiến dịch Điện Biên Phủ được chia làm 3 đợt: Từ ngày 13 đến 17/3/1954, quân ta đã dũng cảm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và đồi Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía bắc của tập đoàn cứ điểm, diệt và bắt sống trên 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ 1 trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh.

Từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía đông phân khu trung tâm, thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tiến công, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Sau đợt tấn công thứ 2 khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại pháo của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.

Từ ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía đông và mở đợt tổng công kích. Đêm ngày 6/5, tại đồi A1 trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta xông lên tiêu diệt từng lô cốt, nổ phá từng hầm ngầm. 17 giờ 30 phút ngày 7/5, ta chiếm sở chỉ huy trung tâm, tướng Đờ Ca-xtơ-ri cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ kéo cờ trắng ra hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng của địch. Ngày 7/5/1954 trở thành ngày kỷ niệm kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Bắc Kạn - Hậu phương vững chắc của Chiến dịch Điện Biên Phủ
 Lá cờ Quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch, đánh dấu thắng lợi
Chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, tạo cơ sở vững chắc để tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Bắc Kạn - Hậu phương vững chắc của Chiến dịch Điện Biên Phủ

Bắc Kạn là một trong những địa bàn quan trọng của Chiến khu Việt Bắc về chính trị - quân sự. Chính vì vậy, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Bắc Kạn được Trung ương Đảng chọn xây dựng thành khu an toàn (ATK), căn cứ địa của cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược.

Cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân ta buộc thực dân Pháp phải rút chạy, Bắc Kạn trở thành tỉnh đầu tiên được giải phóng (tháng 8/1949). Sự kiện lịch sử vẻ vang này được Đảng đánh giá cao, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Trong thư, Bác đã khẳng định “Cuộc thắng lợi này sẽ làm đà cho những thắng lợi khác to lớn hơn, vẻ vang hơn”.

Sau ngày được giải phóng, với vai trò là căn cứ địa cách mạng, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã hết lòng cưu mang đùm bọc đồng bào; giúp đỡ bộ đội, cơ quan, xí nghiệp, kho tàng của Trung ương sơ tán; bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước...

Trong năm 1950, tỉnh Bắc Kạn đã quyên góp được 410 tấn gạo, 10.085.400 đồng và 2.088.600 đồng công phiếu kháng chiến. Trong hai năm 1952 - 1953, phong trào hũ gạo nuôi quân và mùa đông binh sĩ đã ủng hộ bộ đội hơn 2.000 tấn lương thực, 2.633 chiếc chăn và áo ấm. Hàng nghìn thanh niên con em các dân tộc đã lên đường nhập ngũ.

Trong thời gian này, Bắc Kạn vừa ra sức chi viện lương thực, thực phẩm cho chiến trường, động viên con em lên đường tòng quân, vừa phải chiến đấu với bom đạn của máy bay giặc Pháp để bảo vệ con đường số 3, đảm bảo giao thông huyết mạch. Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp làm việc nhiều lần với Tỉnh ủy Bắc Kạn nhằm đẩy mạnh xây dựng hậu phương kháng chiến vững mạnh về các mặt. Các tổ chức quần chúng phát triển nhanh chóng, ngày càng tập hợp đông đảo quần chúng tham gia vào các hoạt động của kháng chiến, sẵn sàng bổ sung quân số cho lực lượng, góp phần vào cuộc tổng tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 và đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ 1954.

Trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn không quản ngại khó khăn đã anh dũng đứng lên cùng cả nước đấu tranh chống lại cuộc chiến tranh xâm lược, đóng góp toàn diện cả về kinh tế, chính trị, quân sự... Đây là bài học quý báu để Đảng bộ và các cấp chính quyền Bắc Kạn vận dụng trong quá trình lãnh đạo và phát huy sức mạnh toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện những mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh trong giai đoạn hiện nay./.

Tác giả: Hương Lan (tổng hợp)

Nguồn tin: http://backan.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập525
  • Máy chủ tìm kiếm103
  • Khách viếng thăm422
  • Hôm nay116,218
  • Tháng hiện tại3,303,142
  • Tổng lượt truy cập155,338,746
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây