HOICHOTHUONGMAI

“Tiền hỗ trợ phải đến tay người dân, không để xảy ra trục lợi, thất thoát”

Thứ sáu - 10/04/2020 13:09
(Dân trí) - “Quan điểm của Thủ tướng là gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 phải minh bạch, tiền phải đến tận tay người dân, không để trục lợi, tham nhũng” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. >> >>

Sẵn sàng ứng phó tình huống xấu nhất

Trao đổi về công tác điều hành, phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhắc lại lưu ý của Thủ tướng, trong giai đoạn 3 của cuộc chiến chống dịch Covid-19, nếu làm không tốt sẽ có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh.

Vì lẽ đó, Thủ tướng đã rất quyết liệt đưa ra các chỉ đạo bởi nếu dịch bùng phát sẽ tạo ra thiệt hại vô cùng lớn về sức khỏe và tính mạng người dân mà không thể bù đắp được.

Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải hết sức cảnh giác, không thỏa mãn với kết quả của giai đoạn 1 mà tuyệt đối không được chủ quan, luôn chủ động, sẵn sàng mọi điều kiện ứng phó với các tình huống, kể cả tình huống xấu nhất.

“Tiền hỗ trợ phải đến tay người dân, không để xảy ra trục lợi, thất thoát”
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Theo lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, song song với chống dịch, Chính phủ cũng luôn đặt ra vấn đề tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư và an sinh xã hội.

Nội bộ Chính phủ đã bàn, thống nhất cao trình Thường vụ Quốc hội, Bộ Chính trị và các cấp có thẩm quyền để đưa ra các gói hỗ trợ trước mắt cho nhiều nhóm đối tượng khó khăn với trị giá hơn 61.500 tỷ. Gói an sinh xã hội này dành cho 6 nhóm đối tượng.

Gói an sinh xã hội này rất quan trọng, giúp người dân giảm thiểu khó khăn vì dịch bệnh, hỗ trợ phần nào cho các doanh nghiệp sử dụng lao động như các khoản vay không lãi suất. Trong khi đang xem xét tháo gỡ khó khăn về giãn, hoãn thuế, hạ lãi suất tiền vay, khoanh nợ, giãn nợ… thì gói an sinh này rất quan trọng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng nhấn mạnh tinh thần, 61.500 tỷ sẽ được phân bổ, cụ thể là ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

“Tôi nhấn mạnh, quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là gói hỗ trợ phải rõ ràng, minh bạch, công khai. Gói hỗ trợ đến tận tay người dân, không để xảy ra việc lợi dụng, trục lợi chính sách, không để xảy ra tình trạng tham nhũng hay thất thoát” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Xem xét lại kịch bản tăng trưởng

Về việc điều chỉnh các kịch bản điều hành để giữ vững mục tiêu tăng trưởng, người đứng đầu Văn phòng Chính phủ dẫn yêu cầu của Thủ tướng là phải đạt được 2 mục tiêu một lúc, đó là vừa chống dịch vừa bảo đảm cho sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội.

Từ đó, Thủ tướng đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan xây dựng dự kiến kịch bản tăng trưởng của Việt Nam tùy vào tình hình diễn biến của dịch Covid-19. Tại phiên họp Chính phủ tháng 3/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo dịch bệnh tác động toàn diện đến phát triển kinh tế-xã hội, đặt ra thách thức lớn về bảo đảm việc làm, an sinh và ổn định xã hội.

Trường hợp dịch kéo dài đến hết quý II/2020, tăng trưởng GDP cả năm dự báo đạt 5,32%, nếu được khống chế trong quý III/2020 thì tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,05%.

“Với tình hình này, tôi cho rằng chúng ta phải rà soát xem xét lại kịch bản tăng trưởng vì hiện nay nhiều doanh nghiệp phải giảm quy mô sản xuất, nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động, nếu tình trạng này kéo dài thì có thể nói tỷ lệ doanh nghiệp phá sản rất lớn. Theo báo cáo của Đại học Kinh tế quốc dân, nếu như cầm cự được dịch và chấm dứt trong tháng 4 thì số lượng doanh nghiệp phá sản chiếm khoảng 6%, số lượng doanh nghiệp dừng sản xuất chiếm khoảng 32%. Đây là con số sẽ ảnh hưởng đến nhiều lao động khi phải nghỉ việc và không có việc làm” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu quan điểm.

Trước tình hình, diễn biến phức tạp khó lường của dịch bệnh, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan xây dựng các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ để hỗ trợ người dân; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Các chỉ đạo của Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến vấn đề điều hành, thi hành công việc ở các cấp, các ngành, yêu cầu phải tạo ra sự thay đổi về tư duy và cách làm. Chúng ta vừa chống dịch nhưng chúng ta phải chống sự trì trệ trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng thông tin, khi giải quyết công việc, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan nhà nước linh hoạt và cương quyết thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Không để các nhiệm vụ nợ đọng, các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp được giải quyết thấu đáo, thấu tình đạt lý đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Phương Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập463
  • Máy chủ tìm kiếm65
  • Khách viếng thăm398
  • Hôm nay74,126
  • Tháng hiện tại4,039,026
  • Tổng lượt truy cập151,759,502
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây