Quốc hội tính cách chặn công trình có kiến trúc phản cảm

Thứ tư - 24/10/2018 16:29
Dự thảo luật Kiến trúc được trình ra Quốc hội sáng nay, 24/10 được kỳ vọng là công cụ quản lý cần thiết, nhằm khắc phục tình trạng không ít công trình có kiến trúc phản cảm, chưa phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam.

 

Quốc hội tính cách chặn công trình có kiến trúc phản cảm

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định dự luật được soạn thảo bài bản, công phu, từ năm 2016

Trình dự án luật trước Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu thực tế, nền kiến trúc Việt Nam hiện bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: công tác quản lý kiến trúc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tổ chức không gian, cảnh quan, kiến trúc công trình ở đô thị và nông thôn còn thiếu thống nhất, thiếu bản sắc; các điều kiện hành nghề kiến trúc chưa đầy đủ; dịch vụ tư vấn kiến trúc chưa đa dạng, chưa có nhiều tác phẩm kiến trúc đặc sắc có giá trị lớn...

Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là một số quy định pháp luật điều chỉnh về kiến trúc nhưng còn tản mạn ở một số văn bản quy phạm pháp luật, thiếu tính hệ thống, chưa thống nhất và đồng bộ. Hệ thống quy định pháp luật liên quan đến kiến trúc nằm rải rác ở nhiều luật, nghị định, thông tư hướng dẫn có liên quan như trong luật xây dựng, luật nhà ở, luật quy hoạch đô thị, luật di sản văn hoá…

Chất lượng đội ngũ kiến trúc sư, công tác đào tạo, công tác lý luận phê bình, phản biện chưa đáp ứng yêu cầu trong nước và hội nhập quốc tế.

Theo đó, luật Kiến trúc được xây dựng để tạo công cụ pháp lý có hiệu lực cao, tạo môi trường cho hoạt động kiến trúc, hành nghề kiến trúc.

Dự thảo luật gồm 4 chương với tổng cộng 37 điều, quy định rõ các công cụ quản lý kiến trúc chủ yếu là Quy chế quản lý kiến trúc, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, Thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc, Hội đồng Kiến trúc Quốc gia và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan; quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về kiến trúc.

Phần về hành nghề kiến trúc, luật quy định cụ thể hoạt động của kiến trúc sư; của các tổ chức; một số quy định cụ thể về cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc theo các tiêu chí: Chuyên môn, Phát triển nghề nghiệp liên tục, Đạo đức hành nghề để phù hợp với thông lệ quốc tế; xử lý các vấn đề đăng ký hành nghề, chứng chỉ năng lực phù hợp.

Luật cũng quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước về kiến trúc như trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Xây dựng, của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, Chính phủ không đề xuất phát sinh về tổ chức, nhân sự khi thực hiện luật. Do vậy, việc thi hành luật về cơ bản không ảnh hưởng lớn tới vấn đề tổ chức hành chính, nhân sự. Các đề xuất sửa đổi, bổ sung một số ít luật không ảnh hưởng lớn tới việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Thẩm tra dự luật, UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu quan điểm tán thành với những chính sách cơ bản được đề ra, đó là công cụ quản lý cần thiết, nhằm khắc phục tình trạng không ít công trình có kiến trúc phản cảm, chưa phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng nghi ngại, nhiều quy định có tính khả thi chưa cao, chưa thể hiện được nguyên tắc quản lý và phát huy bản sắc kiến trúc dân tộc.

Với những yêu cầu quản lý kiến trúc đề xuất cho nông thôn, đô thị, khu phố cổ, UB Khoa học, Công nghệ, Môi trường cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, giải trình, làm rõ các đối tượng quản lý kiến trúc theo hướng vừa mang tính đại diện nhưng vừa đồng bộ, thống nhất, khả thi trong quản lý và đáp ứng sự phát triển tránh chồng chéo, bỏ sót đối với từng đối tượng như công trình nghệ thuật, công trình công nghiệp, công trình tôn giáo, kiến trúc quân sự…

Với đề xuất thành lập Hội đồng Kiến trúc quốc gia, Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra – ông Phan Xuân Dũng bày tỏ sự tán thành vì cho rằng, đây là một trong những công cụ cần thiết cho quản lý, phát triển kiến trúc nhằm phát huy khả năng chuyên môn của các chuyên gia đối với hoạt động có tính đặc thù cao và tác động xã hội lớn; đồng thời còn đóng vai trò phản biện về chuyên môn đối với các ý kiến của cơ quan quản lý hoặc chủ đầu tư.

Thực tế ở nhiều địa phương hiện nay Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc vẫn đang hoạt động hiệu quả. Vì thế, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của Hội đồng; quy định linh hoạt hơn về thành viên và mở rộng hơn nhiệm vụ của Hội đồng.

Nội dung quy định về hành nghề kiến trúc, UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận định, cần xây dựng phạm vi hành nghề, các loại dịch vụ kiến trúc. Cơ quan này băn khoăn với các vấn đề: Kiến trúc sư có thể hành nghề độc lập hoặc tham gia cung cấp các dịch vụ kiến trúc trong tổ chức hành nghề; Kiến trúc sư không bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề…

Liên quan đến việc cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, bên cạnh ý kiến thống nhất với dự thảo luật, cho rằng chứng chỉ phải do cơ quan quản lý có thẩm quyền ở cấp tỉnh cấp thì cũng có quan điểm đề xuất xã hội hoá hoạt động cấp chứng chỉ, giao nhiệm vụ này cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp như Hội kiến trúc sư làm để giảm bớt công việc không cần thiết của cơ quan quản lý nhà nước.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập1,000
  • Máy chủ tìm kiếm100
  • Khách viếng thăm900
  • Hôm nay201,270
  • Tháng hiện tại631,540
  • Tổng lượt truy cập156,748,041
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây