HOICHOTHUONGMAI

Kỷ luật cán bộ nghỉ hưu: Xóa tư cách chức vụ nhưng không truất lương hưu

Thứ hai - 25/11/2019 09:24
(Dân trí) - Luật Cán bộ, công chức không quy định truất lương hưu vĩnh viễn đối với cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật, nhưng sẽ “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm”. >> >>

Chiều ngày 25/11, với trên 88% số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Báo cáo giải trình, tiếp thu chính sách liên quan đến xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ về hình thức xử lý, trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra để vừa bảo đảm tính răn đe, nghiêm khắc, nhưng bảo đảm tính nhân văn.

Kỷ luật cán bộ nghỉ hưu: Xóa tư cách chức vụ nhưng không truất lương hưu

Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết thông qua luật

Ông Phúc cho biết, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc thay hình thức kỷ luật “xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” bằng hình thức kỷ luật giảm hoặc truất lương hưu vĩnh viễn kèm theo hậu quả pháp lý là tước bỏ hoặc cắt giảm các chế độ, chính sách đang được hưởng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn, cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Với lý do trên, trong luật quy định nguyên tắc chung về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật, trong đó hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” là để bảo đảm thống nhất với hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng, đồng thời thực tiễn áp dụng trong thời gian qua cho thấy đã có hiệu quả nhất định, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân.

Để thể hiện rõ hình thức kỷ luật gắn với hệ quả về vật chất, tinh thần, trong dự thảo Luật cũng đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.

Thi tuyển để đảm bảo tính cạnh tranh

Về phương thức tuyển dụng công chức, có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn đối tượng nhà khoa học trẻ được ưu tiên trong xét tuyển để bảo đảm tuyển dụng đúng người có tài năng, tạo sự thống nhất trong quá trình tuyển dụng, tránh áp dụng chính sách một cách tùy tiện.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, căn cứ vào Luật Cán bộ, công chức và các luật hiện hành, Chính phủ đã có một số quy định về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Trong đó quy định khái niệm nhà khoa học trẻ tài năng, một số điều kiện để cán bộ khoa học, sinh viên tốt nghiệp đại học được thu hút, ưu tiên trong tuyển dụng công chức. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã được chỉnh lý thành “nhà khoa học trẻ tài năng”.

Về ý kiến đề nghị thay đổi phương thức tuyển dụng công chức, không thực hiện thi tuyển để hạn chế phát sinh tiêu cực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định về thi tuyển công chức đã có trong Luật Cán bộ, công chức hiện hành và thực tế phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Để bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch, khách quan thì việc tuyển dụng công chức thông qua thi tuyển là cần thiết.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung làm rõ các trường hợp thuộc diện xét tuyển công chức, trường hợp được tiếp nhận vào làm công chức không qua thi tuyển. Quá trình tổ chức thực hiện, đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu được quy định như sau:

a) Mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Căn cứ tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật.

b) Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.

Quang Phong

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập392
  • Máy chủ tìm kiếm44
  • Khách viếng thăm348
  • Hôm nay69,182
  • Tháng hiện tại3,927,289
  • Tổng lượt truy cập151,647,765
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây