HOICHOTHUONGMAI

Đồng Tháp: Hội quán - nơi gắn kết nông dân phát triển xóm làng

Thứ tư - 11/12/2019 22:09
(Dân trí) - “Đến thời điểm này, kết quả từ mô hình Hội quán mang lại là sự thay đổi của người nông dân, tinh thần “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác” đã bắt đầu được lan toả, thay cho sự trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Người nông dân tin vào chính mình và cùng ngồi với nhau trong Hội quán, vạch ra kế hoạch phát triển xóm làng, thay cho trông chờ mệnh lệnh, kế hoạch từ bên trên” - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ.

Hội quán ở Đồng Tháp đã được các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đến thăm, lắng nghe và đều đánh giá cao mô hình này, PV có buổi phỏng vấn Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan - người dành nhiều thời gian vun đắp cho Hội quán Đồng Tháp hình thành và phát triển như hiện nay.

- Phóng viên: Xin Ông cho biết mô hình Hội quán ở Đồng Tháp ra đời như thế nào? Cơ sở hình thành, cũng như đặc điểm nhận diện Hội quán?

- Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan: Đồng Tháp triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với phương châm: “Hợp tác - Liên kết - Thị trường” và “Giảm chi phí - Nâng chất lượng - Chế biến tinh”. 6 chữ trong phương châm đó để xóa đi lời nguyền “sản xuất manh mún” và “bán nông sản thô”, là tầng đáy thấp nhất trong chuỗi ngành hàng.

Trong 6 chữ đó, “hợp tác” giữa người sản xuất là quan trọng nhất. Muốn hợp tác với nhau trong sản xuất thì bà con nông dân phải có niềm tin với nhau và hợp tác với nhau trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi người tư duy theo kiểu “Đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm” thì không thể có hợp tác với nhau.

Hội quán là không gian cộng đồng để bà con “lui tới” với nhau, chia sẻ với nhau trong cuộc sống và trong sản xuất. Hợp tác là “hùn hạp”, vậy, muốn “hùn” thì phải “hạp”. Sống “thui thủi” một mình thì khó có thể “hạp” với nhau mà thay vào đó là so đo, đố kỵ, hẹp hòi trong xã hội nông thôn, giữa những người nông dân, làm cho ngành Nông nghiệp kém phát triển và nhiều rủi ro trong cạnh tranh, hội nhập.

Đồng Tháp: Hội quán - nơi gắn kết nông dân phát triển xóm làng

Ngày04/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn công tác Quốc hội đến thăm HTX Xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp

- Đến nay, Hội quán đã phát triển và hoạt động ra sao?

- Đến nay, Đồng Tháp đã có 86 Hội quán ra đời, tạo ra một sinh khí mới ở xã hội nông thôn. Người nông dân được kích hoạt sự năng động, sáng tạo trên tinh thần tự lực, tự quản, tự chủ. Hội quán là nơi cấp uỷ chia sẻ về tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Hội quán là nơi bàn bạc giữa bà con nông dân và doanh nghiệp về liên kết sản xuất - tiêu thụ, là nơi các chuyên gia, nhà khoa học “về làng”, mang theo kiến thức khoa học công nghệ, thông tin thị trường...

- Sau hơn 3 năm Hội quán đầu tiên hình thành thì đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 86 Hội quán. Vậy, hiện nay sự quan tâm của người dân và hệ thống chính trị đối với Hội quán thế nào?

Đồng Tháp: Hội quán - nơi gắn kết nông dân phát triển xóm làng - Ảnh minh hoạ 2
Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp

- Tất nhiên, cái gì mới ra đời không tránh khỏi bỡ ngỡ, lạ lẫm và những điều còn phải chăm chút hơn nữa. Nhưng nhìn chung, đến nay Hội quán đã trở thành thương hiệu riêng của Đồng Tháp. Các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã đến thăm, lắng nghe và đều đánh giá cao mô hình Hội quán. Nhiều tổ chức nước ngoài, các nhà khoa học từ các viện, trường đều cho đây là mô hình nhằm nâng cao năng lực cộng đồng dân cư nông thôn, sẽ có tác động lâu dài trong tương lai cho Đồng Tháp. Tính lan tỏa của Mô hình rất nhanh chứng tỏ nó có “sức sống” và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt ở cơ sở, cộng đồng dân cư, những người cùng ngành nghề với nhau.

- Có thể thấy nhân tố trọng tâm của Hội quán là bà con nông dân, Ban Chủ nhiệm Hội quán cũng là những người nông dân. Như vậy, thời gian qua và sắp tới Đồng Tháp bồi dưỡng, hỗ trợ gì để giúp Ban Chủ nhiệm “lớn mạnh”, các thành viên gắn bó, hoạt động tích cực hơn?

Đồng Tháp: Hội quán - nơi gắn kết nông dân phát triển xóm làng - Ảnh minh hoạ 3
Hội quán là nơi bà con và nhân dân gặp nhau cùng bàn công việc làm ăn và chuyện xây dựng xóm làng cũng là nơi diễn ra các hoạt động vui chơi mang tính cộng đồng

- Chúng tôi hiểu mọi sự thay đổi không bao giờ là dễ dàng cả. Những thói quen, tập quá, nếp nghĩ, cách làm đã “ăn sâu, bén rễ” trong xã hội nông thôn và người nông dân. Nhưng Đồng Tháp chứng minh: Đối với nông dân Đất Sen hồng thì “không gì là không thể”! Chúng tôi luôn xem những người điều hành Hội quán là những “thủ lĩnh” của nông dân, do đó, thường xuyên tiếp cận, chia sẻ, khích lệ, truyền cảm hứng để cùng nhau thay đổi. Chúng tôi đã và đang mở những lớp huấn luyện nông dân trong các Hội quán, Hợp tác xã. Thông qua những lớp huấn luyện như vậy, người nông dân sẽ tiếp cận được khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, hiểu được thế nào là quy luật cung cầu của thị trường và làm thế nào để phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế người tiêu dùng.

- Được biết, ông là “Bà đỡ” cho Hội quán ra đời, ông tâm đắc nhất điều gì khi “đứa con tinh thần” của mình hình thành và phát triển như hiện nay?

- Sự thay đổi của người nông dân, tinh thần “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác” đã bắt đầu được lan toả, thay cho sự trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Người nông dân đến với nhau, yếu tố “nhân hoà” được khơi dậy.  Niềm tin, sự gắn bó giữa người dân và cấp uỷ, chính quyền được nâng lên. Cấp uỷ, chính quyền không còn nghĩ thay, làm thay người dân. Và quan trọng hơn, người dân đã tin vào chính mình. Cấp uỷ, chính quyền, ngành chuyên môn ngồi “đồng đẳng” với bà con nông dân trong các không gian Hội quán để cùng vạch ra kế hoạch phát triển xóm làng, thay cho trông chờ mệnh lệnh, kế hoạch từ bên trên.

- Sau 3 năm Hội quán hình thành, ông còn trăn trở điều gì? Thời gian tới, cá nhân ông cũng như Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Đồng Tháp sẽ làm gì để Hội quán tiếp tục phát triển?

- Tiếp tục làm lan tỏa giá trị chiều sâu của mô hình Hội quán trong hệ thống chính trị và người dân. Nâng cao chất lượng sinh hoạt Hội quán theo hướng thiết thực với cuộc sống của người dân. Từ mô hình Hội quán sẽ phát triển chương trình “OCOP - Mỗi làng một sản phẩm” - “Chắp cánh cho tài nguyên bản địa và giá trị cộng đồng”, để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho nông sản Đồng Tháp. Thí điểm hình thành “Làng thông minh” trên nền tảng Hội quán, giúp cho người nông dân có tầm nhìn đến tương lai và vượt ra khỏi không gian làng xã để kết nối ra bên ngoài dựa trên sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Nguyễn Hành (ghi)

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập460
  • Máy chủ tìm kiếm92
  • Khách viếng thăm368
  • Hôm nay85,191
  • Tháng hiện tại3,943,298
  • Tổng lượt truy cập151,663,774
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây