"Cuộc chiến" chống COVID-19: Mọi chuyện vẫn trong tầm kiểm soát, người dân không hoang mang

Thứ bảy - 07/03/2020 04:04
Sáng 7/3, tại Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã họp với các chuyên gia y tế trước diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19 sau khi xuất hiện ca nhiễm thứ 17 ở Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP/Đình Nam

Về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19),  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhiều lần nhấn mạnh rằng, dù Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt tình hình, các ca bệnh đều đã được chữa khỏi, nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường.

Nếu coi phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là một cuộc chiến, thì chúng ta mới chỉ chiến thắng trận đầu, do đó không được mất cảnh giác, chủ quan, lơ là. Chúng ta đã xây dựng các kịch bản chi tiết, lường trước khả năng xuất hiện thêm những người nhiễm bệnh mới để sẵn sàng triển khai các giải pháp ứng phó.

Thực tế đã diễn ra như dự đoán của Ban Chỉ đạo và các chuyên gia y tế, tối qua (6/3) Việt Nam đã xuất hiện ca nhiễm thứ 17, đi du lịch từ châu Âu về nước.

Các trường hợp nghi ngờ đã được cách ly y tế, khu vực sinh sống của bệnh nhân cũng đã được khoanh vùng và kiểm soát giám sát chặt chẽ

Để ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh, tại cuộc họp sáng nay các chuyên gia y tế đã tiến hành phân tích, đánh giá tình hình ca bệnh số 17. Nơi ở, nơi lưu trú, hành trình di chuyển của bệnh nhân, xác định những người tiếp xúc và khả năng lây nhiễm để tiến hành điều tra dịch tễ, rà soát các trường hợp nghi ngờ để thực hiện các giải pháp y tế theo quy định.

Nhận định đây là trường hợp người bệnh đầu tiên xuất hiện trong đô thị, do đó các đại biểu đã phân tích chi tiết nhật ký trình di chuyển, tiếp xúc của người bệnh để xác định khu vực cần khoanh vùng tổ chức cách ly y tế bởi nếu “khoanh vùng hẹp quá không an toàn, còn rộng quá lại không an dân”.

Đây là ca lây nhiễm hẹp, đến thời điểm hiện tại, các trường hợp nghi ngờ đã được cách ly y tế, khu vực sinh sống của bệnh nhân cũng đã được khoanh vùng và kiểm soát giám sát chặt chẽ để ngăn dịch bệnh lây lan trên cộng đồng.

Người dân bình tĩnh, không nên quá hoang mang, quá lo lắng

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Trên tinh thần chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng, Phó Thủ tướng và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chúng ta đã dự liệu tình huống xuất hiện ca bệnh mới lây nhiễm từ nước ngoài về và lên các giải pháp ứng phó.

Tối qua, khi Hà Nội xuất hiện ca nhiễm này, vì đây là trường hợp đầu tiên nên Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Hà Nội đã lập danh sách những người tiếp xúc để tổ chức cách ly ngăn chặn dịch bệnh theo quy định.

GS.TS Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp   Ảnh: VGP/Đình Nam

Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ để thực hiện giám sát tại cộng đồng, khoanh vùng những trường hợp nghi ngờ, chuẩn bị các cơ sở vật chất để điều trị, tránh trường hợp tử vong vì bệnh dịch…

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay chúng ta chuẩn bị sẵn tất cả cơ sở vật chất, đặc biệt trong điều trị để làm tốt vấn đề điều trị, tránh và không để trường hợp tử vong do COVID-19 gây ra.

“Chúng tôi chỉ đạo rất quyết liệt trong vấn đề này với Hà Nội và một số địa phương khác khi xuất hiện có trường hợp tương tự xảy ra”- Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng cho rằng hiện nay, trong vấn đề về kiểm soát dịch của Hà Nội và kiểm soát đặc biệt với trường hợp này thì chúng ta đã khoanh vùng toàn bộ với những người tiếp xúc với trường hợp này. Do đó, chúng ta đang kiểm soát vấn đề này khá chặt chẽ.

Cụ thể với trường hợp này, những trường hợp tiếp xúc gần đã được cơ quan chức năng lập tức tiến hành cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và lấy mẫu toàn bộ những người này để xét nghiệm. Tiếp đến với những người có tiếp xúc gần với người tiếp xúc mà trong gia đình, cũng tiến hành cách ly cần thiết.

Trên cơ sở làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội và kiểm tra khu vực cách ly, lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia y tế nhận định. Đến thời điểm hiện tại, mọi chuyện vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

“Chúng tôi đã triển khai tất cả các biện pháp và đã lấy mẫu tất cả các trường hợp cách ly trên địa bàn TP.Hà Nội để xét nghiệm. Chúng tôi mong người dân yên tâm phối hợp và hỗ trợ cùng với cơ quan chuyên môn để thực hiện việc này. Không nên quá hoang mang, quá lo lắng, hết sức bình tĩnh và tin tưởng vào các biện pháp của các cơ quan chuyên môn trong vấn đề triển khai thực hiện. Người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế và cơ quan chức năng để chung tay ngăn chặn dịch bệnh” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Khả năng lây lan trên máy bay hạn chế hơn so với lây nhiễm trong phòng kín, hay tiếp xúc gần ở ngoài trời

Tại cuộc họp, về cơ chế lây lan, PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định, ca bệnh vừa xuất hiện ở Hà Nội đã nằm trong kịch bản, đây là trường hợp bệnh xâm nhập, đi từ nước ngoài về nên chúng ta ta quản được những trường hợp tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc thông qua những người tiếp xúc gần đó.

PGS.TS Trần Đắc Phu phát biểu tại cuộc họp Ảnh: VGP/Đình Nam

“Hiện nay, Hà Nội đã làm được việc này và phần nào yên tâm vì chúng ta quản được những nguồn có khả năng lây và cách ly được không tiếp xúc với cộng đồng” – PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh

Ngay khi xuất hiện ca bệnh, Hà Nội đã rà soát, xác định các trường hợp tiếp xúc để tổ chức cách ly y tế theo quy định. Trường hợp này giống như đã xảy ra ở xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, chúng ta đã có kinh nghiệm ứng phó. Kiểm soát được những người tiếp xúc, chúng ta sẽ ngăn chặn được không để lây nhiễm rộng ra cộng đồng.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, thông qua việc người có tiếp xúc với những người đang mang mầm bệnh tiếp xúc gần trong vòng 2m có khả năng bị lây nhiễm. Trường hợp bệnh nhân đó đeo khẩu trang thì khả năng giọt bắn ra ngoài ít hơn và khả năng lây nhiễm hạn chế hơn. Trên máy bay có hệ thống thông khí và khử trùng nên việc lây ở máy bay sẽ hạn chế hơn việc lây nhiễm ở cộng đồng.

Cũng theo PGS. TS Trần Đắc Phu: Tổ chức Y tế thế giới cũng đã khuyến cáo, trong trường hợp có ca nhiễm trên máy bay chỉ cách ly y tế đặc biệt đối với người ngồi ở hàng ghế trước và hàng ghế sau

Kiểm soát được nguồn lây nhiễm

PGS.TS Lê Quỳnh Mai phát biểu tại cuộc họp               Ảnh: VGP/Đình Nam

Là người nghiên cứu lâu năm về virus, PGS.TS Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, virus SARS-CoV-2 chỉ lây nhiễm khi bảo đảm 2 yếu tố. Thứ nhất, khả năng lây nhiễm chỉ xuất hiện khi nồng độ virus ở trong người bệnh lớn.

Thứ hai là những người sức khoẻ yếu, nhiều bệnh nền thì dễ lây nhiễm hơn. Với người khoẻ mạnh có khả năng chống đỡ nên có tiếp xúc cũng chưa chắc đã mắc bệnh.

“Hiện tại bây giờ nguồn lây nhiễm chính là bệnh nhân, và những người tiếp xúc đã được cách ly tại đơn vị được Bộ Y tế quy định, nên hiện tại nguồn lây nhiễm đã được kiểm soát”- PGS.TS Lê Quỳnh Mai nói.

Theo phân tích của PGS.TS Lê Quỳnh Mai: Virus muốn lây nhiễm được cho người thì phải có nồng độ. Những người mà cảm nhiễm virus thì những người yếu, sức khỏe kém thì dễ bị cảm nhiễm virus hơn. Chính vì vậy, chủ yếu những người nhiễm bệnh trên thế giới mà chúng ta được biết, chủ yếu là những người già, hoặc trên 65 tuổi.

Nguồn: Báo Sức khỏe và đời sống 

Tác giả: T.Binh- B.Vân-H.Bình-H.Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập1,051
  • Máy chủ tìm kiếm140
  • Khách viếng thăm911
  • Hôm nay177,547
  • Tháng hiện tại561,137
  • Tổng lượt truy cập156,677,638
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây