Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Giáo viên khó yên bình trong cái nghèo

Chủ nhật - 06/11/2022 20:27

Đồng lương thấp, chênh lệch mức sống nhiều, nhất là ở khu công nghiệp khiến giáo viên không thể yên bình trong cái nghèo, rời bỏ nghề giáo, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn hôm 4/11 tham gia giải trình vấn đề giáo dục trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ông cho rằng, để ngăn chặn và giảm số lượng giáo viên thôi việc, vấn đề cấp bách là tăng lương, tăng phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo, nhất là với giáo viên mầm non và tiểu học. VnExpress phỏng vấn ông Sơn về nội dung này.

- Thưa ông, tại sao tăng lương cho giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học lại là vấn đề cấp bách?

- Hiện nay, mức thu nhập của giáo viên mầm non và tiểu học ra trường sau 5 năm công tác, bình quân đạt 4,5 đến 4,7 triệu đồng, đã tính cả lương và phụ cấp ưu đãi 35%. Khi đạt 5 năm, giáo viên sẽ có thêm phụ cấp thâm niên 5%. Giáo viên mới tuyển vào hệ thống, thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng, trong khoảng 2-3 năm đầu.

Giáo viên mầm non ở các vùng đặc biệt khó khăn, được trợ cấp ưu đãi 70%, cộng thêm phụ cấp thu hút của địa phương hoặc làm việc tại các trường chuyên biệt (trường cho trẻ em cần chăm sóc đặc biệt) thì lương sau 5 năm công tác có thể đạt đến 6 triệu đồng, nhưng số lượng không nhiều. Những giáo viên này phải làm việc trong môi trường đặc biệt khó khăn, mức lương đó cũng chưa tương xứng công sức.

Chỉ 10 tháng năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành. Tỷ lệ lớn giáo viên bỏ việc là ở khối mầm non, tiểu học. Nguyên nhân chủ yếu là do lương quá thấp, trong khi công việc quá nhiều vì phải vừa dạy, vừa dỗ, vừa chăm sóc học sinh. Một số tỉnh có chỉ tiêu nhưng không tuyển dụng được vì không có nguồn; hoặc có nguồn nhưng nhiều người lại chọn làm việc khác có thu nhập cao hơn.

Thực trạng này đòi hỏi phải cấp bách tăng lương và phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học. Tôi cũng mong các địa phương hỗ trợ nhiều hơn đến nhóm giáo viên hiện nay chưa được quan tâm, đó là những cô giáo dạy mầm non tư thục theo mô hình nhóm trẻ.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Hoàng Phong

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Hoàng Phong

- Vấn đề của giáo viên mầm non tại các nhóm trẻ tư thục là gì?

- Hiện cả nước có khoảng 16.000 nhóm trẻ tư thục, tập trung nhiều ở các đô thị, khu công nghiệp và vùng đông dân cư. Nhóm tư thục có bình quân 2-3 cô giáo. Mỗi cơ sở thường chăm sóc, nuôi dạy khoảng 40-60 trẻ. Như vậy, có khoảng 48.000 cô giáo mầm non đang làm việc cho các nhóm tư thục.

Các nhóm này thường gặp nhiều khó khăn trong vận hành vì phần lớn thuê địa điểm, điều kiện hạn chế. Trong hai năm dịch bệnh vừa qua, gần 1.000 nhóm tuyên bố giải thể và 1.150 nhóm tạm dừng hoạt động. Giáo viên ở các cơ sở này điều kiện làm việc khó khăn, thu nhập nhìn chung thấp. Qua khảo sát thì hầu hết đều không được đóng bảo hiểm xã hội, khó có cơ hội tiếp cận các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.

Mặc dù vậy, nhóm trẻ tư thục đang giải quyết chỗ học cho mấy chục nghìn trẻ em trên cả nước. Việc quản lý nhóm trẻ tư thục do chính quyền địa phương phường, xã, quận phụ trách. Do đó, tôi mong chính quyền địa phương lưu ý tới đội ngũ giáo viên này, quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống của họ, cũng như hoạt động dạy và học tại các cơ sở, đảm bảo an toàn cho trẻ.

Với vai trò quản lý Nhà nước về giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tư 49 ngày 31/12/2021 quy định về quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục, làm cơ sở để các cở sở giáo dục mầm non tư thục thực hiện.

- Ông kỳ vọng gì ở việc tăng lương và phụ cấp ngay lập tức cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học?

- Như tôi đã nói, đây là vấn đề cấp bách để nâng cao chất lượng đời sống cho giáo viên, theo tinh thần có thực thì đạo mới vực được.

Một số giáo viên chia sẻ rằng đi làm cả chục năm, cuối tháng nhận lương 5-6 triệu đồng, rút ra đóng tiền học cho hai con hết 3 triệu. Số tiền ít ỏi còn lại chỉ đủ đi chợ trong vài ngày. Nhiều người ngoài giờ lên lớp, lại chạy đôn chạy đáo làm thêm nhiều nghề khác để kiếm tiền lo cho gia đình. Việc mua nhà, nuôi con trở thành nỗi ám ảnh với nhiều nhà giáo, đặc biệt là ở thành phố lớn.

Các giáo viên mầm non, tiểu học phải đến trường từ rất sớm để đón học sinh, lo cho các cháu từ bữa ăn, giấc ngủ, học hành. Một ngày làm việc của những thầy cô này thường rất dài, người ở xa trường có khi từ 6h sáng đến 6h tối. Trong khi đó, đồng lương họ nhận được vẫn không lo nổi cuộc sống.

Số lượng giáo viên nghỉ việc vừa qua tập trung tại các thành phố, khu công nghiệp như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai - nơi có mức sống bình quân của người dân cao. Giáo viên với đồng lương thấp, chênh lệch mức sống nhiều, không thể yên bình trong cái nghèo. Ở những khu vực này, cơ hội việc làm lớn, giáo viên nếu bỏ việc cũng dễ dàng kiếm được việc khác với lợi thế được đào tạo, có trình độ văn hóa.

Do đó, tôi mong rằng, Đảng, Nhà nước ưu tiên xem xét việc tăng lương, phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, để những người thầy không còn cảnh tính toán chi li, co kéo đồng lương eo hẹp cho hàng chục khoản chi mỗi tháng; toàn tâm toàn ý, yên tâm giảng dạy kiến thức cho học sinh.

Lương và phụ cấp giáo viên tăng thêm cũng là động lực thu hút học sinh giỏi thi vào sư phạm, nâng cao chất lượng đội ngũ. Đồng thời, khi khối công lập tăng lương, sẽ là đòn bẩy, kích thích khối tư thục quan tâm hơn đến đời sống của thầy cô giáo và đầu tư cho con người.

- Tăng lương và phụ cấp nhà giáo vẫn phải chờ cơ quan có thẩm quyền xem xét, trong lúc đó, ngành Giáo dục sẽ làm gì để giáo viên yên tâm công tác?

- Chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện môi trường làm việc, tăng cường quản trị trường học, điều lệ nhà trường và nâng cao văn hóa học đường, để giáo viên có môi trường làm việc thuận lợi, phát huy được trách nhiệm người thầy. Bộ Giáo dục sẽ rà soát các chế độ chính sách khác như quản trị làm việc, hoạt động chuyên môn, phát triển bản thân, giảm những công việc hành chính ngoài chuyên môn cho giáo viên.

Đổi mới giáo dục là việc tất yếu phải làm theo Nghị quyết của Trung ương, do đó, ngành tính toán hỗ trợ tối đa để giáo viên có thể điều chỉnh bản thân, thích ứng được yêu cầu, phương pháp dạy học, tiếp cận chương trình, sách giáo khoa, cách kiểm tra, đánh giá, tương tác với học sinh. Đây là thay đổi lớn nên cần quá trình, ngành Giáo dục và nhà trường phải hỗ trợ, chia sẻ thì giáo viên mới có thể hoàn thiện, phục vụ tốt cho công việc. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất cần được chia sẻ, đồng hành, tôn trọng từ phía xã hội và phụ huynh.

Song hành với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tiếp tục nghiêm cấm giáo viên bớt giờ, nội dung để ép buộc phụ huynh phải cho con học thêm; nghiêm cấm dạy thêm trong nhà trường, vi phạm điều lệ trường học và đạo đức nhà giáo.

Hoàng Thùy

Tác giả: Hoàng Thùy

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập610
  • Máy chủ tìm kiếm133
  • Khách viếng thăm477
  • Hôm nay203,491
  • Tháng hiện tại3,546,999
  • Tổng lượt truy cập155,582,603
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây