Bộ Chính trị: Đấu tranh chống xuống cấp đạo đức, loại trừ hành vi cơ hội

Thứ tư - 10/06/2020 07:03
(Dân trí) - Đây là nội dung được nhấn mạnh trong Kết luận số 76 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Kết luận 76 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vừa được Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành.

Bộ Chính trị: Đấu tranh chống xuống cấp đạo đức, loại trừ hành vi cơ hội
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Kết luận 76.

Buông lỏng cả 3 môi trường gia đình, nhà trường, xã hội

Theo kết luận, 5 năm qua, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam có chuyển biến tích cực.

Tầm vóc, thể lực con người Việt Nam có bước cải thiện. Chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa từng bước được nâng cao; xây dựng môi trường văn hóa đã được chú trọng, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và của từng vùng, miền được kế thừa. Nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy. Đời sống văn hóa của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Tuy nhiên, Thường trực Ban Bí thư nhận định, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 của Trung ương khóa XI vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Đó là, đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, văn hóa đặc trưng của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một dần.

Các đặc trưng cơ bản của nền văn hóa là “dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học” cùng quan điểm xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được quán triệt thường xuyên; có dấu hiệu bị buông lỏng trong cả ba môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội…

Tình hình trên có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Vị trí, vai trò của văn hóa chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý chưa thực sự đổi mới, nhất là trong việc xây dựng, đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa.

Công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để hình thành cơ sở lý luận, đúc kết hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam còn chậm, lúng túng, bị động...

Xây dựng thị trường văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 33, Bộ Chính trị yêu cầu, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng giao các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp phải khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc mất dân chủ, hạn chế tự do sáng tạo. Định kỳ kiểm tra, giám sát việc thể chế hóa chủ trương của Đảng đối với cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa.

Cùng với đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật, quản lý hiện hành có liên quan; sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp.

Ưu tiên đầu tư một số cơ sở đào tạo trọng điểm, chất lượng cao và một số ngành công nghiệp văn hóa chủ đạo, có khả năng dẫn dắt các hoạt động văn hóa. Coi trọng hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác văn hoá, nghệ thuật.

Bộ Chính trị yêu cầu, xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý, đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, các hành vi tiêu cực, cơ hội, vi phạm pháp luật, truyền bá tư tưởng sai trái, lối sống thực dụng, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng xấu đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Bộ Chính trị lưu ý việc chỉnh đốn tư tưởng, coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước.

Chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hệ thống chính trị và xã hội. Chú trọng yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế.

Đẩy mạnh việc triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần khởi nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân giỏi, kinh doanh đúng pháp luật, đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng và xã hội.

Yêu cầu nữa là phải xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững ở các địa phương, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

Tăng cường bảo hộ quyền tác giả, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Tạo nhận thức sâu sắc của toàn xã hội về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa. Phát huy mặt tích cực của cơ chế thị trường; tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư để phát triển công nghiệp văn hóa.

Phương Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập984
  • Máy chủ tìm kiếm98
  • Khách viếng thăm886
  • Hôm nay201,270
  • Tháng hiện tại679,850
  • Tổng lượt truy cập156,796,351
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây