HOICHOTHUONGMAI

Những biến động trên “bàn cờ” châu Á năm 2019

Thứ ba - 31/12/2019 02:50
(Dân trí) - Từ chiến tranh thương mại cho tới cạnh tranh về công nghệ giữa các cường quốc và sự dịch chuyển về quan hệ ngoại giao, châu Á năm 2019 đã chứng kiến hàng loạt sự kiện tác động tới bối cảnh khu vực. >> >> >>

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang

Những biến động trên “bàn cờ” châu Á năm 2019

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Nhật Bản hồi tháng 6. (Ảnh: AP)

Năm 2019, Mỹ đã gia tăng các đòn thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc để đáp trả điều mà Washington xem là thương mại không bằng không tôn trọng bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tác động mạnh tới châu Á, làm thay đổi lại hàng loạt chuỗi cung ứng và phân phối lại các tuyến vận tải. Các công ty tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất hoặc chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh chi phí tăng cao do cuộc chiến thương mại. Washington cũng tìm cách chặn đứng hành vi lâu nay của các doanh nghiệp Trung Quốc về việc vận chuyển các hàng hóa gắn sai mác xuất xứ.

Sự kết hợp của việc thay đổi chuỗi cung ứng, vốn xảy ra do căng thẳng thương mại và đòn thuế quan, được dự báo sẽ giúp tăng cường năng lực sản xuất trong khu vực.

Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung “đổ bộ” châu Á

Những biến động trên “bàn cờ” châu Á năm 2019 - Ảnh minh hoạ 2

Huawei trở thành tâm điểm trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung. (Ảnh: Bloomberg)

Cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã tràn tới châu Á, khi Washington liên tục gây sức ép lên các đối tác nhằm buộc họ phải đi theo Mỹ trong việc liệt các công ty viễn thông Trung Quốc vào danh sách đen. Lý do mà Mỹ đưa ra là những lo ngại về rủi ro liên quan tới an ninh quốc gia và gián điệp.

Hồi tháng 4, Nhật Bản đã chỉ định các công ty viễn thông của nước này tham gia vào việc phát triển mạng lưới 5G, đồng thời yêu cầu các công ty này phải thực thi các biện pháp về an ninh mạng để ngăn họ sử dụng các thiết bị do các công ty viễn thông của Trung Quốc như Huawei hay ZTE sản xuất.

Tuy vậy, ở những nơi khác, nỗ lực của Mỹ trong việc ngăn chặn sự lan rộng của công nghệ Trung Quốc dường như không đạt được nhiều kết quả.

Hàn Quốc, đồng minh then chốt của Mỹ ở Đông Á, trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực phủ sóng 5G trên toàn quốc khi khởi động các dịch vụ viễn thông vào tháng 4 bằng việc sử dụng các thiết bị của Huawei, bao gồm cả các trạm phát và máy phát.

Hồi tháng 6, Philippines trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên sở hữu mạng lưới 5G sau khi nhà mạng viễn thông Globe Telecom của nước này vận hành mạng lưới 5G với công nghệ của Huawei. Trong năm 2019, Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan đều đã thử nghiệm các dịch vụ 5G với công nghệ của Huawei. 

Căng thẳng Nhật - Hàn leo thang 

Những biến động trên “bàn cờ” châu Á năm 2019 - Ảnh minh hoạ 3

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In gặp nhau tại Trung Quốc tháng 12/2019 (Ảnh: Reuters)

Mối quan hệ giữa hai “ông lớn” châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc từ lâu vẫn tồn tại những âm ỉ do các vấn đề lịch sử nhưng đã bùng phát căng thẳng trong năm qua do các mâu thuẫn về thương mại. Căng thẳng bắt đầu từ việc Tokyo hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc ba nguyên liệu dùng để sản xuất chip và màn hình - hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc - với cáo buộc Seoul để các nguyên liệu này lọt vào Triều Tiên giúp nước này chế tạo vũ khí. Hai bên liên tiếp có các biện pháp đáp trả lẫn nhau, khiến cả hai nền kinh tế lớn của châu Á đều bị tác động mạnh. 

Căng thẳng từ thương mại đã nhanh chóng lan sang các lĩnh vực khác như chính trị, an ninh quốc phòng, văn hóa, du lịch… Đỉnh điểm, chính phủ Nhật Bản đã loại Hàn Quốc khỏi danh sách các nước được hưởng ưu đãi về thủ tục nhập khẩu. Các biện pháp “ăn miếng trả miếng” của hai bên đã khiến các sản phẩm xuất khẩu của hai nước sang nhau giảm mạnh và lượng khách du lịch qua lại hai bên cũng tụt dốc. 

Một tín hiệu khả quan đã đến vào dịp cuối năm tại thượng đỉnh 3 nước Trung Quốc - Hàn Quốc và Nhật Bản diễn ra ở Thành Đô (Trung Quốc) khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In có cuộc gặp song phương và nhất trí thúc đẩy các nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ sau một giai đoạn khó khăn giữa hai nước. 

Mâu thuẫn giữa nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 4 châu Á - và cũng là hai đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực - đã khiến Washington rơi vào tình thế “khó xử”. Mỹ đã nỗ lực hàn gắn hai bên trong bối cảnh Washington luôn coi hợp tác với Seoul và Tokyo có vai trò rất quan trọng trong nỗ lực ứng phó với các vấn đề khu vực.

Tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên “mất đà”

Những biến động trên “bàn cờ” châu Á năm 2019 - Ảnh minh hoạ 4

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 6. (Ảnh: Reuters)

Sau những thành công bước đầu khi trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên gặp một nhà lãnh đạo Triều Tiên, nỗ lực của Tổng thống Donald Trump trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân không đạt được nhiều tiến triển trong năm nay.

Mỹ không thể duy trì động lực mà nước này có được với Triều Tiên sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore vào năm 2018. Cuộc gặp thứ hai của hai nhà lãnh đạo tại Hà Nội hồi tháng 2 năm nay không đạt được thỏa thuận nào về vấn đề phi hạt nhân hóa.

Sau nhiều tháng rơi vào bế tắc, Triều Tiên tháng này tuyên bố đã tiến hành 2 cuộc thử nghiệm tại bãi phóng tên lửa Sohae. Động thái này làm dấy lên đồn đoán rằng, Bình Nhưỡng đang chuẩn bị động cơ mới cho tên lửa đạn đạo liên lục địa trong tương lai.

Sau khi Triều Tiên đặt ra hạn chót cuối năm cho Mỹ để đưa ra một thỏa thuận phi hạt nhân hóa mới, nếu không Washington có thể sẽ phải nhận một “món quà Giáng sinh” từ Bình Nhưỡng, năm 2019 kết thúc bằng một “nốt trầm” ảm đạm cho triển vọng phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Cuộc so kè ở Nam Thái Bình Dương

Những biến động trên “bàn cờ” châu Á năm 2019 - Ảnh minh hoạ 5

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và người đồng cấp Solomon Manasseh Sogavare trong cuộc gặp tại Bắc Kinh (Ảnh: AP)

“Cạnh tranh” ngoại giao giữa Trung Quốc và Đài Loan làm nóng khu vực Thái Bình Dương trong năm 2019. Đài Loan đã mất đi hai trong số những đồng minh ít ỏi còn lại trên thế giới, trong bối cảnh các quốc đảo Thái Bình Dương ngày càng xích lại gần Trung Quốc và ủng hộ chính sách của Bắc Kinh, trong đó coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời.

Solomon, đồng minh lâu năm của Đài Loan, đã “quay lưng” với hòn đảo hồi tháng 9 sau khi nhận thấy những lợi ích kinh tế từ các thỏa thuận đầu tư trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Sau Solomon, Kiribati cũng rời bỏ Đài Loan và chuyển sang quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đại lục. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ còn 4 nước ở Thái Bình Dương, gồm Nauru, Palau, Tuvalu và quần đảo Marshall vẫn duy trì quan hệ với Đài Loan.

Trong khi đó, Mỹ cũng tăng cường nỗ lực để thắt chặt quan hệ với 3 quốc đảo Thái Bình Dương mà nước này vẫn duy trì thỏa thuận quốc phòng. Điều này cho phép Washington có khả năng tiếp cận quân sự độc quyền với các vùng biển của Palau, Marshall và Micronesia.

Tổng thống Donld Trump hồi tháng 5 đã đón lãnh đạo của 3 nước trên tại Nhà Trắng. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng trải thảm đỏ đón Tổng thống Micronesia David Panuelo tại Bắc Kinh hồi tháng 12. Ông Panuelo được cho là đã ký các thỏa thuận trị giá 70 triệu USD để tăng cường quan hệ kinh tế của Micronesia với Trung Quốc, trong cuộc chiến tranh giành tầm ảnh hưởng tại Thái Bình Dương.

Sóng gió trong quan hệ Trung Quốc - Australia

Sau khi kết thúc năm 2018 với sự tan băng trong quan hệ ngoại giao, mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc nhanh chóng trở lại con đường gập ghềnh trong năm nay. Vào tháng 1, các nhà chức trách Trung Quốc đã bắt giữ công dân Australia Yang Hengjun vì nghi ngờ làm gián điệp cho Canberra. Trong khi đó, giới chức Australia phủ nhận cáo buộc này.

Tới tháng 8, Ngoại trưởng Australia Marise Payne đã nhắc nhở tổng lãnh sự Trung Quốc tại thành phố Brisbane sau khi nhà ngoại giao này ca ngợi các sinh viên Trung Quốc đại lục về “hành động yêu nước” của họ khi họ đụng độ với các nhà hoạt động sinh viên ở Hong Kong trong một cuộc biểu tình tại Đại học Queensland, Australia.

Căng thẳng dâng cao vào tháng 11 khi Wang Liqiang, một người tự xưng là người đào tẩu Trung Quốc, tiết lộ những cáo buộc “gây sốc” liên quan tới hoạt động gián điệp và can thiệp chính trị tại Australia, Đài Loan và Hong Kong. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc của Wang.

Thành Đạt

Theo SCMP

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập365
  • Máy chủ tìm kiếm62
  • Khách viếng thăm303
  • Hôm nay106,793
  • Tháng hiện tại4,004,817
  • Tổng lượt truy cập151,725,293
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây