HOICHOTHUONGMAI

Nga đang tạo nên những quy tắc mới của “cuộc chơi” ở Trung Đông

Thứ bảy - 28/09/2019 02:48
Qua các chiến dịch quân sự, Nga từng bước mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông. Sự hiện diện của Moscow đã tạo nên những quy tắc mới của cuộc chơi khu vực. >> >>

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Brexit, vòng xoáy căng thẳng ở Trung Đông và những sóng gió chính trường Mỹ là những vấn đề nổi bật trên thế giới hiện nay. Giữa một thế giới đầy biến động đó, Nga dường như khá im hơi lặng tiếng. Tuy nhiên, thực tế là Moscow vẫn đang tăng cường ảnh hưởng và thậm chí đang nhận được những lợi ích nhất định từ những cuộc cạnh tranh trên thế giới.

Nga đang tạo nên những quy tắc mới của “cuộc chơi” ở Trung Đông

Tàu tên lửa Veliky Ustyug của Nga ở căn cứ Hải quân Tartus, Syria trong cuộc tuần tra ở phía đông Địa Trung Hải ngày 26/9/2019. Ảnh: AP

Nga củng cố vị thế ở Trung Đông

Nga đang tận dụng khoảng trống quyền lực ở Trung Đông khi Mỹ có ý định rút quân khỏi khu vực này. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã tiến hành chính sách "xoay trục" khỏi khu vực này và đến tời Tổng thống Trump, chính sách trên được tiếp tục được thực hiện. Điều đó khiến Nga nổi lên như một lực lượng chính trị và quân sự nổi trội trong khu vực.

Sức mạnh quân sự của Nga đã được thử thách và khẳng định qua cuộc nội chiến ở Syria. Những cuộc tấn công của lực lượng Tổng thống Assad đã sử dụng nhiều loại đạn dược dẫn đường chính xác khác nhau của Nga.

Nga cũng hỗ trợ quân sự cho lực lượng chính phủ Syria để tấn công các lực lượng nổi dậy ở quốc gia Trung Đông này, sử dụng các tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến và tàu ngầm. Trong mùa hè năm 2018, để hỗ trợ cuộc tấn công của Tổng thống Assad vào thành trì cuối cùng của phe nổi dậy, Nga đã triển khai một lực lượng hải quân đáng kể ở Địa Trung Hải, trong đó có cả tàu sân bay lớp Kuznetzov.

Với sự hẫu thuẫn dành cho Tổng thống Assad, Nga đã nhận được "phần thưởng" là những địa điểm đặt cơ sở quân sự ở Syria như căn cứ Hải quân Tartus và căn cứ Không quân Khmeimim. Những cơ sở này đều có vai trò quan trọng đối với công tác hậu cần quân sự và củng cố khả năng cũng như ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông, vùng Balkan và thậm chí xa hơn là khu vực phía tây dọc theo Địa Trung Hải.

Căn cứ Tartus là căn cứ hải quân duy nhất của Nga ở nước ngoài. Năm 2017, Moscow đã đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Syria Bashar Assad nhằm mở rộng thời hạn thuê Tartus lên 49 năm. Thỏa thuận này cho phép Nga duy trì 11 tàu chiến ở đây, trong đó có cả một số tàu hạt nhân. Nga đang từng bước hiện đại hóa và mở rộng cơ sở hải quân ở Tartus. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cũng khẳng định "Nga đã và sẽ hiện diện ở đây trong thời gian dài".

Căn cứ không quân của Nga ở tỉnh Latakia gần đó cũng là trung tâm quan trọng cho các chiến dịch quân sự của Nga trong khi các cảng thương mại ở Latakia và Tartus là những trung tâm hậu cần hàng đầu phục vụ việc vận chuyển nhiên liệu cũng như các thiết bị quân sự.

Hiện nay, Nga có khoảng 30 chiến đấu cơ tại Khmeimim, trong số đó gồm các loại máy bay như Su-35, Su-24 và các trực thăng Mi-35 và Mi-8AMTSh.

Nga hiện diện ở Khmeimim năm 2015 sau khi Damascus yêu cầu Moscow hỗ trợ chống khủng bố. Căn cứ không quân này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chính phủ Syria xoay chuyển tình hình trong cuộc chiến chống IS và các nhóm cực đoan khác để giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ nước này. Hầu hết lãnh thổ Syria đều được giải phóng và lực lượng nổi dậy chỉ còn giữ một khu vực nhỏ ở tỉnh Idlib phía tây bắc.

Sự sắp xếp các căn cứ ở Trung Đông giúp Nga có thể vận hành và sửa chữa các loại hệ thống tàu ngầm khác nhau, đồng thời tăng cường khả năng giám sát, trinh sát và hoạt động quân sự của nước này. Các tàu ngầm tại căn cứ Syria của Nga trên Địa Trung Hải không chỉ có thể phóng các tên lửa hành trình nhằm vào các mục tiêu trên mặt đất mà còn đủ sức đe dọa cơ sở hạ tầng trên biển.

Qua các chiến dịch quân sự và quá trình từng bước nâng cấp các cơ sở không quân, hải quân, Nga đã và đang mở rộng ảnh hưởng quân sự tại khu vực. Sự hiện diện của Moscow đã tạo nên "những quy tắc mới của cuộc chơi" Trung Đông.

Quy tắc mới của cuộc chơi Trung Đông

Nga có nhiều lý do để tăng cường ảnh hưởng ở phía đông Địa Trung Hải, từ hỗ trợ đồng minh là chính phủ Tổng thống Assad cho tới thúc đẩy việc hình thành liên minh mới với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cân bằng ảnh hưởng với Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, trong số những lợi ích quan trọng của Nga ở Trung Đông thì không thể bỏ qua mục tiêu tăng giá năng lượng thế giới. Trong hàng thập kỷ, kinh tế Nga phần lớn dựa vào hoạt động xuất khẩu dầu khí và điều đó đủ để lý giải vì sao Nga muốn giá năng lượng cao.

Một điểm quan trọng nữa cần phải hiểu là những gì Nga đang làm ở Trung Đông có liên quan mật thiết đến việc Moscow muốn tăng cường ảnh hưởng với những quyết định liên quan đến vấn đề năng lượng của Saudi Arabia và các quốc gia sản xuất dầu quan trọng khác.

Những nhà lãnh đạo từng là đồng minh của Mỹ ở Ai Cập hay Saudi Arabia gần đây thường xuyên lui tới Moscow cho những cuộc tham vấn cấp cao về tình hình khu vực, trong khi các thỏa thuận vũ khí Nga và các dự án đầu tư vào năng lượng không ngừng tăng lên từ vùng Vịnh tới Maghreb. Các nước như Lebanon hay Iraq cũng tăng cường quan hệ thân thiết hơn với Nga với một sự nhất trí chung về vai trò của Moscow ở Trung Đông khi mà không chỉ Iran coi Nga là một đồng minh mà ngay cả những nước đối đầu với Iran cũng coi điện Kremlin là một nhân tố tiềm năng để ngăn cản với chủ nghĩa bá quyền ở Vịnh Ba Tư. Israel - đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông chính là một trong số đó.

Giữa bối cảnh quan hệ Iran – Israel “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, Nga xuất hiện với một vị thế chiến lược. Israel sẽ phải sử dụng chiến đấu cơ ở Syria để ngăn cản lực lượng Iran tiến tới biên giới nước này. Tuy nhiên, Nga đang hỗ trợ Syria cải thiện hệ thống phòng không. Moscow đã chuyển các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 tới Syria và hỗ trợ lực lượng của Tổng thống Assad sử dụng chúng. Có một thực tế là S-300 đủ sức đe dọa đến các chiến đấu cơ của Israel và nếu được nâng cấp thành hệ thống S-400, nguy hiểm sẽ gia tăng lớn hơn.

Chừng nào mà Nga vẫn là một lực lượng quân sự chiếm ưu thế ở Syria thì chừng đó Israel vẫn cần hợp tác với nước này, hoặc ít nhất là giữ mối quan hệ hòa hợp với Nga để chiến lược kiềm chế Iran có thể tiếp tục.

Rõ ràng Nga không chủ động kiềm chế Iran song cũng không ngăn cản các cuộc không kích của Israel vào các lực lượng Iran tại Syria. Nga dường như muốn tránh xung đột với các lực lượng của cả 2 nước này.

Shimon Stein và Shlomo Brom – những cây bút chuyên bình luận các vấn đề Trung Đông của tạp chí Haaretz cho rằng cả Israel và Iran đều không tin tưởng Nga nhưng chỉ Tổng thống Putin mới có thể ngăn cản những xung đột leo thang giữa 2 nước. Nói cách khác Nga không phải lựa chọn tốt nhất nhưng là lựa chọn duy nhất cho 2 quốc gia này.

Ngoài ra, việc Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp cảnh báo từ Mỹ vẫn kiên quyết mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga không chỉ cho thấy sự rạn nứt của quan hệ Mỹ - Thổ hay những mục đích tăng cường phòng thủ như Ankara tuyên bố mà điều đó còn cho thấy một sự thay đổi địa chính trị quan trọng. Đó là ảnh hưởng của điện Kremlin như một lực lượng chiến lược ở Trung Đông ngày càng lớn hơn, giữa bối cảnh Mỹ không còn mấy mặn mà với khu vực này như nhiều thập kỷ trước.

Theo chuyên gia Zaur Gasimov, nhà phân tích cấp cao tại Khoa Nghiên cứu về Nga thuộc Đại học Bonn (Đức) nhận định thì: “Syria và Trung Đông đã trở thành những khu vực quan trọng để Nga tăng cường sức mạnh quân sự và đạt được ảnh hưởng trên trường quốc tế”.

Theo Kiều Anh

VOV.VN

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập416
  • Máy chủ tìm kiếm48
  • Khách viếng thăm368
  • Hôm nay96,911
  • Tháng hiện tại4,061,811
  • Tổng lượt truy cập151,782,287
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây