HOICHOTHUONGMAI

Hình phạt khắc nghiệt nếu binh sĩ Trung Quốc đào ngũ

Thứ ba - 17/12/2019 06:57
(Dân trí) - Quân đội Trung Quốc áp dụng hàng loạt hình phạt để răn đe các binh sĩ có ý định rời khỏi quân ngũ khi chưa hoàn thành nghĩa vụ quân sự. >> >> >>
Hình phạt khắc nghiệt nếu binh sĩ Trung Quốc đào ngũ

Các tân binh thuộc lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc được huấn luyện tại Thâm Quyến. (Ảnh: Getty)

Với khoảng 2 triệu nhân sự đang phục vụ trong lực lượng vũ trang Trung Quốc, nhiều người nghĩ rằng câu chuyện của một cá nhân không chịu được đời sống quân ngũ sẽ không phải là chủ đề lớn tới mức thu hút sự chú ý của dư luận.

Tuy nhiên, đó không phải là trường hợp của Zhang Moukang, một sinh viên đại học nhập ngũ tại tỉnh Hải Nam, phía nam Trung Quốc.

Một bài viết được đăng trên trang web tiếng Anh của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã mô tả chi tiết các hình phạt mà Zhang trải qua sau khi sinh viên này tuyên bố không còn muốn phục vụ cho quân đội và đòi rời quân ngũ sớm.

Zhang sẽ phải đối mặt với tổng cộng 8 hình phạt, bao gồm lệnh cấm đi nước ngoài trong 2 năm, cấm đi máy bay, tàu hỏa, xe buýt đường dài, cấm mua bất động sản, cấm vay nợ hoặc mua bảo hiểm, cấm hoạt động kinh doanh, cấm đăng ký hoặc theo học các trường phổ thông hoặc cao đẳng, đại học.

Ngoài ra, Zhang cũng bị cấm vĩnh viễn không được làm việc trong các cơ quan nhà nước, thậm chí làm nhân viên thời vụ. Lệnh cấm này áp dụng đối với bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào mà Zhang muốn vào làm việc.

Bên cạnh đó, Zhang cũng phải chịu các chi phí tài chính, bao gồm 4.000 USD tiền phạt và 3.750 USD tiền bồi thường cho quân đội để chi trả cho các khoản tiền đã phát sinh trong thời gian Zhang còn phục vụ trong quân ngũ, bao gồm chi phí xác minh chính trị, kiểm tra sức khỏe, chi phí đi lại và sinh hoạt, tiền quần áo, giường ngủ.

Zhang cũng sẽ bị “bêu gương” trước công chúng. Việc trang web của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đăng tải câu chuyện của Zhang bằng tiếng Anh cũng được xem là một hình thức “bêu gương” như vậy.

Hình thức răn đe

Trường hợp tự ý xuất ngũ khi chưa hoàn thành nghĩa vụ quân sự như Zhang là hiếm gặp, song không phải là duy nhất tại Trung Quốc.

Cuộc khảo sát do CNN tiến hành trên truyền thông Trung Quốc cho thấy, ít nhất vài chục trường hợp binh sĩ đào ngũ bị nêu đích danh và bêu gương trong vài năm qua. Những hình thức trừng phạt họ cũng đã được quy định trong luật pháp Trung Quốc.

Theo Adam Ni, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Phòng Nghiên cứu An ninh và Tội phạm thuộc Đại học Macquarie ở Australia, Bắc Kinh có thể sử dụng những trường hợp như của Zhang để bêu gương và công khai rộng rãi để gửi thông điệp tới toàn xã hội.

Chuyên gia Ni nhận định, đây cũng là bằng chứng cho thấy những căng thẳng mà quân đội Trung Quốc đang phải đối mặt. Một mặt, quân đội Trung Quốc muốn truyền đi hình ảnh tốt đẹp, nhưng mặt khác cũng muốn ngăn chặn những hành vi mà Bắc Kinh cho là không tốt và không phục tùng.

Theo các chuyên gia, nghĩa vụ quân sự tại Trung Quốc về cơ bản là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên trong những năm gần đây, quy định bắt buộc này có khi không cần áp dụng vì ngày càng nhiều thanh niên tự nguyện nhập ngũ trong bối cảnh Trung Quốc đang hiện đại hóa quân đội nhanh chóng.

Việc hiện đại hóa cũng đồng nghĩa với việc quân đội Trung Quốc không cần quá nhiều binh sĩ như trước đây, nhưng những người nhập ngũ hiện nay được yêu cầu có trình độ học vấn cao hơn. Nhìn chung, quân đội Trung Quốc đang có xu hướng giảm về quân số và Bắc Kinh sẽ ưu tiên tuyển các quân nhân có trình độ cao, hơn là những người xuất thân từ các vùng quê nghèo và có học vấn thấp.

Mặc dù vậy, quân đội Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những khó khăn nhất định.

Trong Báo cáo về Sức mạnh Trung Quốc năm 2019, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ đã nhấn mạnh một thách thức mà quân đội Trung Quốc đang gặp phải.

“Nghĩa vụ quân sự có lẽ vẫn là một lựa chọn nghề nghiệp kém hấp dẫn khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phát triển tốt. Mặc dù thanh niên Trung Quốc vẫn quan tâm tới việc nhập ngũ, nhưng sự quan tâm này không phổ biến rộng rãi”, báo cáo của Mỹ cho biết.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Trung Quốc muốn tuyển dụng những nhân lực quân sự kiểu mới để giữ chân nhân tài và phát triển lực lượng có thể đáp ứng yêu cầu của một cuộc chiến tranh hiện đại.

Theo bản tin đăng trên Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, hồi tháng 7, quân đội Trung Quốc hiện ưu tiên tuyển các sinh viên đại học và những người đã tốt nghiệp đại học.

Tuy nhiên, chuyên gia Ni cho rằng những thử thách trong môi trường quân đội đã gây ra không ít khó khăn cho cả những tân binh có trình độ học vấn đại học.

“Tôi nghĩ rằng đó là môi trường khá khắc nghiệt, khi bạn phải xa gia đình, bạn bè và làm những công việc đòi hỏi cao về thể lực”, ông Ni cho biết.

Thành Đạt

Tổng hợp

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập405
  • Máy chủ tìm kiếm77
  • Khách viếng thăm328
  • Hôm nay96,298
  • Tháng hiện tại3,954,405
  • Tổng lượt truy cập151,674,881
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây