Nông dân Bắc Kạn học tập và làm theo lời Bác

Thứ sáu - 21/09/2018 02:11
Lấy việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh làm động lực, những năm qua các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều phong trào, mô hình hay làm theo gương Bác, tạo sức lan tỏa rộng lớn, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Lấy việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh làm động lực, những năm qua các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều phong trào, mô hình hay làm theo gương Bác, tạo sức lan tỏa rộng lớn, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Nông dân Bắc Kạn học tập và làm theo lời Bác
Bà Trịnh Thị Thơm ở thôn Cốc Thử, xã Ngọc Phái (Chợ Đồn) là một điển hình trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.

Học Bác tinh thần thi đua

Việc học tập và làm theo tấm gương của Bác trước hết là bám sát đời sống của nhân dân. Thông qua việc đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã khích lệ, động viên nông dân vươn lên làm giàu, đổi mới cách nghĩ, cách làm; khai thác tiềm năng, thế mạnh về lao động, đất đai và mạnh dạn đầu tư vốn cho sản xuất.

Ở thôn Cốc Thử, xã Ngọc Phái (Chợ Đồn), với mô hình sản xuất rau an toàn, bà Trịnh Thị Thơm đã có thu nhập cao, trở thành điển hình trong phát triển kinh tế nhờ ý chí, cần cù, chịu khó, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.  Với gần 4.000m2 đất ruộng, vườn, các loại rau quả được trồng theo mùa, thay vì chăm sóc theo phương pháp truyền thống, bà Thơm luôn tìm tòi, không ngại thử cách làm mới. Bà Thơm chia sẻ: Năm 2017, qua các phương tiện thông tin đại chúng, được biết đến mô hình trồng rau trong nhà lưới, bà đã đầu tư hơn 10 triệu đồng để thử nghiệm mô hình, tuy nhiên vì chưa có kinh nghiệm nên dù năng suất đạt cao nhưng chưa vượt trội. Vụ thu đông năm nay, bà lại thử nghiệm trồng cây cà chua có che phủ nilong với chi phí ban đầu gần 10 triệu đồng để mua loại nilong chất lượng tốt, thân thiện với môi trường, nhằm hạn chế công làm cỏ. Cũng theo bà Thơm, cà chua là loại cây trồng khó tính, phải có nước sạch, phân sạch, vì vậy bà đã đầu tư 10 ô chuồng nuôi giun quế với tổng diện tích khoảng 40m2. Một quy trình khép kín được mở ra: Nuôi 30 con lợn thịt, phân được tận dụng để nuôi giun. Giun sinh sản làm thức ăn cho 200 con gà, phân sạch thu được để bón cà chua và các loại rau màu khác.

Chuyên canh trồng rau nên việc gieo cây giống cũng được bà Thơm thực hiện. Điển hình như cây bắp cải, mỗi vụ bà trồng khoảng cây khoảng 10.000 cây, nếu phải mua giống chi phí sẽ rất cao. Qua nhiều lần thực hiện và rút kinh nghiệm, đến nay bà Thơm đã có thể tự gieo trồng các loại cây giống, vừa phục vụ cho gia đình, vừa bán ra thị trường. Hiện tổng thu nhập của gia đình bà Thơm đạt gần 300 triệu đồng/năm. Ngoài ra bà Thơm còn tạo việc làm thời vụ cho 4-5 lao động ở địa phương, với mức lương từ 150-200 nghìn đồng/ngày công lao động.

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, những tấm gương điển hình như bà Trịnh Thị Thơm xuất hiện ngày càng nhiều, với các mô hình phát triển kinh tế như: Chăn nuôi, dịch vụ tổng  hợp của hộ ông Hà Văn Mạn xã Quân Bình (Bạch Thông) đạt trên 350 triệu đồng/năm; mô hình trồng cam, quýt của các hộ Lưu Chấn Thụ, Cao Xuân Lãng, Nông Thị Vì xã Quang Thuận (Bạch Thông) đạt từ 350 - 550 triệu đồng/năm; mô hình trồng trọt, chăn nuôi của hộ ông Nông Công Pảo xã Thượng Quan (Ngân Sơn) đạt 280 triệu đồng/năm… Nhiệm kỳ qua, toàn tỉnh đã có trên 19.000 lượt hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Tỷ lệ hội viên nghèo hiện chỉ chiếm gần 28% tổng số hội viên nông dân.

Từ kết quả của phong trào thi đua, đến nay nhiều mô hình đã được nhân rộng và tạo thành vùng sản xuất hàng hoá như: Cam, quýt ở xã Quang Thuận, Dương Phong (Bạch Thông); hồng không hạt ở huyện Chợ Đồn, Ba Bể; dong riềng ở Na Rì, Ba Bể; thuốc lá ở Ngân Sơn, Bạch Thông... Đồng thời hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Lan tỏa những việc làm tốt

Không chỉ thi đua làm kinh tế giỏi, những năm qua, tinh thần đoàn kết, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống được các cấp Hội và hội viên, nông dân quan tâm thực hiện. Từ mô hình thực tiễn, kinh nghiệm sẵn có mà những cách làm hay được chia sẻ, tạo động lực để hội viên nghèo có cơ hội vươn lên. Câu chuyện về những tấm gương như ông Trương Văn Thắng ở thôn Nà Nọi, thị trấn Nà Phặc (Ngân Sơn) không chỉ là người đi đầu trong chương trình lắp bể Biogas để giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, ông còn tích cực hướng dẫn các hộ làm theo. Ông Thắng còn cho 5 hộ nghèo vay vốn, với tổng số tiền 100 triệu đồng để các hộ phát triển sản xuất; cung ứng trên 100 tấn thức ăn chăn nuôi, phân bón trả chậm cho 50 hộ hội viên, nông dân; tạo việc làm cho trên 5 lao động theo thời vụ. Hay như Bà Quan Thị Giang ở thôn Thôm Mèo, xã Xuân La (Pác Nặm) không ngại chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ 30 hội viên, nông dân, trong đó có 05 hộ đã thoát nghèo… Những việc làm như ông Thắng, bà Giang đang góp phần tích cực trong việc vận động nhân dân nỗ lực vượt khó vươn lên.

Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, nông dân các cấp đã tích cực tham gia hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực, như: Hiến đất, đóng góp tiền, vật tư và ngày công lao động để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng phòng học, nhà văn hóa… Trong 5 năm qua, hội viên, nông dân của tỉnh đã đóng góp được gần 7 tỷ đồng, hơn 344.000 công lao động,  hiến gần 120.000m2 đất, 3.000m3 cát, sỏi để làm đường liên thôn và các công trình phúc lợi khác. Điển hình như xã Quân Bình (Bạch Thông), nông dân tham gia hiến hơn 2.000m2 đất; xã Hoàng Trĩ (Ba Bể) hội viên, nông dân hiến 5.700m2 đất; xã Thanh Vận (Chợ Mới), nông dân tham gia hiến 2.721m2 đất...

Bà Trần Thị Thu Hương- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Hằng năm, Hội đều ban hành văn bản chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua. Việc phát động thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với các phong trào của Hội đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, hội viên. Những kết quả đã đạt được như: Tỷ lệ hộ sản xuất kinh doanh giỏi tăng qua các năm, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết sản xuất, xây dựng đội ngũ “Nông dân dạy nông dân”… đã thể hiện ý chí quyết tâm của hội viên, nông dân trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.

Tác giả: Thu Hường

Nguồn tin: http://baobackan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập415
  • Máy chủ tìm kiếm75
  • Khách viếng thăm340
  • Hôm nay142,386
  • Tháng hiện tại2,240,161
  • Tổng lượt truy cập154,275,765
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây