HOICHOTHUONGMAI

Tết đoàn viên là điều hiếm có của cán bộ trại giam

Chủ nhật - 18/02/2018 08:16
Gắn bó với Trại giam Tân Lập từ ngày ra trường, hiếm khi có điều kiện được sum vầy, đoàn tụ cùng gia đình trong những ngày Tết, Đại tá Nguyễn Khắc Chính, Giám thị Trại giam Tân Lập đã có những giây phút trải lòng với chúng tôi về công việc, gia đình khi Tết Mậu Tuất 2018 đang cận kề.


Đến bây giờ, Đại tá Nguyễn Khắc Chính cũng chẳng nhớ mình đã đón bao nhiêu cái Tết ở trại giam Tân Lập. Kể từ khi ra trường rồi về nhận công tác tại trại giam, hiếm có cái Tết nào anh được ở nhà đón giao thừa cùng gia đình.

“Nhiều khi cũng tủi lắm chứ, nhưng vì công việc, lâu dần anh em cũng thành quen. Cứ đến Tết là xác định ăn Tết sớm hoặc muộn cùng gia đình. Chưa kể ngày thường dù nhà gần hay xa thì anh em cán bộ cũng ít có điều kiện được về nhà. Con cái học hành cũng thiệt thòi vì phải ở cùng bố mẹ, không có điều kiện được ra thành phố học”, Đại tá Nguyễn Khắc Chính chia sẻ.

Tết đoàn viên là điều hiếm có của cán bộ trại giam
“Tết trồng cây” tại Trại giam Tân Lập.

Vì điều kiện công việc, gia đình nên vợ chồng anh Chính chỉ có một cậu con trai duy nhất hiện đang công tác tại Hà Nội và cũng là cán bộ trong ngành. Khi con còn nhỏ, Đại tá Nguyễn Khắc Chính ít có thời gian về thăm nom vợ con. Một mình người vợ tần tảo nuôi con khôn lớn, gánh vác công việc gia đình để anh yên tâm công tác.

Kể từ khi lên lãnh đạo, anh đi công tác nhiều hơn nên ít có thời gian về thăm vợ, con, dù khi ấy cậu con trai cũng đã trưởng thành, ra trường, lập gia đình và sinh sống tại Hà Nội. Vậy là thời gian gia đình anh đoàn tụ lại càng hiếm hoi.

Cái Tết nhớ nhất đối với Đại tá Nguyễn Khắc Chính là cái Tết đầu tiên đón giao thừa cùng các phạm nhân trong khu giam. Mùa đông năm 1987, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Cảnh sát, anh được phân công về công tác tại Trại giam Tân Lập, khi đó còn là một vùng rừng núi, heo hút.

Đêm giao thừa năm đó, anh được phân công gác ca từ 23 giờ đêm đến 01 giờ sáng. “Trong cái không gian im lặng, bị cái rét bao trùm mình lại nhớ gia đình da diết. Lính trẻ lần đầu tiên ăn Tết xa nhà nên thấy buồn thấy chống chếnh lắm.

Tự nhiên nhớ cảnh cả nhà quây quần trông nồi bánh chưng, mùi đồ ăn, mùi hương phảng phất vô cùng ấm cúng. Rồi lại nhớ tới anh chị em cùng nhau đón giao thừa, bất giác nước mắt chực trào ra.

Tết đoàn viên là điều hiếm có của cán bộ trại giam - Ảnh minh hoạ 2
Không khí chuẩn bị đón tết trong trại giam.

Nhưng anh em động viên nhau, cùng nhau đi chúc Tết các phạm nhân trong Trại rồi cũng nguôi ngoai. Vài cái Tết như thế rồi cũng thành quen”, Đại tá Nguyễn Khắc Chính chia sẻ.

Gắn bó với Trại giam Tân Lập hơn 30 năm, Đại tá Nguyễn Khắc Chính gần như là “cây cao bóng cả”, người có thâm niên cũng như nhiều thành tích nhất ở khu trại giam heo hút này.

Nhớ lại chuyến truy bắt đối tượng truy nã Phạm Thị Thủy năm 1998, Đại tá Nguyễn Khắc Chính cho biết, đó là kỉ niệm đáng nhớ nhất trong đời công tác của anh, nhờ nó mà anh nhận được tấm Bằng khen đầu tiên của Bộ Công an đầy ý nghĩa trong cuộc đời binh nghiệp của mình.

Khi ấy, anh mới được phân công công tác trinh sát phạm nhân tại phân trại K1 (Phân trại số 3 hiện nay). Nhận được tin báo tố giác có đối tượng là Phạm Thị Thủy trốn truy nã nhưng vẫn lén lút thay tên, đổi họ đến thăm chồng tại phân trại K1, anh đã xác minh thông tin là có căn cứ và báo cáo lãnh đạo đơn vị để xây dựng kế hoạch phối hợp với Công an huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ truy bắt đối tượng Thủy.

Ngày 27/3/1998, đối tượng Thủy đến trại có đơn và lấy chứng minh thư của chị gái Thủy tên là Ngân đến xin gặp phạm nhân Nguyễn Ngọc Hùng, Đại tá Nguyễn Khắc Chính đã báo cáo lãnh đạo, theo dõi sát đối tượng, chờ thời cơ thuận lợi để bắt. Tuy nhiên, phát hiện nguy cơ bị lộ, đối tượng Thủy đã thuê xe ôm bỏ trốn.

Ngay lập tức, anh cùng cán bộ trại phối hợp với Công an huyện Hạ Hòa dùng xe máy truy đuổi suốt một đoạn đường dài từ thị trấn Hạ Hòa đi thành phố Yên Bái. Đói rét, lạnh, đường đi khi ấy gồ ghề, lồi lõm trơn trượt chứ không bằng phẳng như bây giờ, anh em phải khó khăn lắm mới bắt được đối tượng.

Cán bộ trại giam cũng được coi là một người thầy, nếu những thầy cô giáo của ngành giáo dục được coi là những người giáo dục đi thì những người thầy trại giam như các anh là những người giáo dục lại. Nhưng công việc giáo dục lại còn khó khăn, vất vả gấp bội phần, thế nhưng ít người thực sự biết đến và hiểu công việc giáo dục thầm lặng này.

“Chúng tôi luôn xác định giáo dục phạm nhân là công tác rất quan trọng trong thi hành án phạt tù, với mục đích giáo dục, cảm hóa người phạm tội nhận rõ tội lỗi của mình đã gây ra để tích cực học tập, lao động, cải tạo sớm trở thành người có ích cho xã hội.

Phạm nhân dù bị hạn chế một số quyền công dân nhưng vẫn là con người và nói theo cổ nhân thì đã là con người dù ít hay nhiều đều có phần thiện. Tôi cho rằng bản chất công tác giáo dục cảm hóa phạm nhân là đánh thức phần thiện đó.

Chính vì vậy phải đổi mới và đa dạng hoá các nội dung, hình thức giáo dục, ngoài việc giáo dục bằng kỉ luật còn phải chú trọng bằng tình cảm, sự quan tâm của cán bộ.

Thực tế công tác tại trại giam nhiều năm qua cho thấy giáo dục bằng tình cảm, đánh thức lương tri của những con người lầm lỗi đã góp phần quan trọng trong cảm hóa phạm nhân, kể cả đối với những phạm nhân quá khứ là chủ mưu, cầm đầu những vụ án lớn, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhiều tiền án, tiền sự”, Đại tá Nguyễn Khắc Chính chia sẻ.

Đã có biết bao phạm nhân được anh và các đồng nghiệp cảm hóa, từ bỏ con đường tội lỗi, tích cực cải tạo tốt để trở về với xã hội, với gia đình. Có người khi ra trại bao nhiêu năm vẫn nhớ đến các anh, gặp lại vẫn gọi là thầy, điều đó khiến những người làm nghề quản giáo như các anh cảm động lắm.

Nhưng đáng nhớ nhất với anh là câu chuyện của phạm nhân Lưu Bá Chí Kiên, sinh năm 1990, quê ở Đoan Hùng, Phú Thọ. Trước khi vi phạm pháp luật, bị bắt và bị phạt tù, Kiên là niềm tự hào của gia đình, dòng họ.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại Phú Thọ, nhưng Kiên lại rất thông minh, khôi ngô. Thi đỗ vào Đại học kĩ thuật công nghệ Hà Nội, năm cuối đại học, Kiên đi làm thêm tại một quán Karaoke tại Hà Nội.

Trong một lần không giữ được bình tĩnh, Kiên đã xô xát, đánh bị thương một khách trong quán. Bản án của Kiên là một cú sốc tinh thần quá lớn, đến Trại giam Tân Lập trong tình trạng suy sụp tinh thần, khóc lóc, không chịu cải tạo, thậm chí nhiều lần Kiên đã có ý định tự sát.

Khi đó Đại tá Nguyễn Khắc Chính đang là Phó Giám thị phụ trách Phân trại số 2, xét thấy Kiên bản chất tốt, có lòng tự trọng, anh đã thường xuyên trực tiếp gặp gỡ Kiên, giải thích cặn kẽ về bản án và khuyên nhủ Kiên, dù mắc sai lầm nhưng tuổi còn trẻ, tương lai còn nhiều cơ hội để sửa chữa, nên chấp hành tốt để sớm trở về làm lại cuộc đời, là chỗ dựa cho bố mẹ và các em.

Anh cũng khuyên Kiên, trong trại giam, xa gia đình nhưng hãy coi anh và các cán bộ như gia đình của mình. Với sự kiên trì, gần gũi thuyết phục của Đại tá Nguyễn Khắc Chính, Kiên dần hiểu ra, xốc lại tinh thần, cải tạo tốt. Đến năm 2015, Kiên được đặc xá tha tù trước thời hạn.

Năm 2017, nhân một chuyến công tác tại Hà Nội, Đại tá Nguyễn Khắc Chính tình cờ gặp lại Kiên, khi ấy đã là Trưởng phòng kinh doanh một công ty điện tử, chững chạc hơn, điềm đạm hơn nhưng vẫn gọi anh là thầy và luôn miệng: “Nếu không có thầy dạy dỗ, con đã suy sụp và chết trong trại giam, làm gì có được ngày hôm nay”. Câu nói ấy khiến anh rưng rưng hạnh phúc và càng thấy gắn bó hơn với công việc này.

Chia sẻ về thành tích của Trại giam Tân Lập trong năm 2017, Đại tá Nguyễn Khắc Chính vô cùng tự hào cho biết: Đảng uỷ, Ban Giám thị Trại giam Tân Lập đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo CBCS toàn đơn vị đoàn kết, thống nhất, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đơn vị đã triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình phạm nhân, chủ động phát hiện, ngăn chặn xử lý kịp thời nhiều vụ, việc vi phạm nội quy, kỷ luật trại giam, an ninh, an toàn trại giam được ổn định, không để xảy ra gây rối, bắt cóc con tin, chống phá, trốn tập thể, không để phạm nhân nào trốn thoát, tạo môi trường thuận lợi để phạm nhân yên tâm học tập, cải tạo tiến bộ.

Đổi mới biện pháp giáo dục phạm nhân làm cho đại đa số phạm nhân nhận rõ tội lỗi, yên tâm cải tạo, tin tưởng vào chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Các chế độ chính sách đối với phạm nhân được đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Năm 2017 Trại giam Tân Lập có 2.189 phạm nhân được xét giảm án, tăng 89 phạm nhân so với năm 2016. Tổng số phạm nhân vi phạm bị xử lý kỷ luật: 63 lượt (chiếm 1,5%), giảm 60% so với năm 2016. Năm 2017 nhân kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống của đơn vị, Trại giam Tân Lập vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì.

Phong Trâm

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập468
  • Máy chủ tìm kiếm76
  • Khách viếng thăm392
  • Hôm nay94,059
  • Tháng hiện tại3,952,166
  • Tổng lượt truy cập151,672,642
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây