HOICHOTHUONGMAI

Tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng CSCĐ thực thi nhiệm vụ trong tình hình mới

Thứ hai - 28/09/2020 11:45
Chiều 28/9, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ).


Tham dự phiên họp có Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy; đại diện thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật...

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh CSCĐ đã công bố Quyết định 7842 ngày 7-9-2020 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật CSCĐ.

Tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng CSCĐ thực thi nhiệm vụ trong tình hình mới
Thứ trưởng Lê Quý Vương phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Theo đó, Ban soạn thảo dự án Luật gồm 23 thành viên, do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng Ban soạn thảo; Thứ trưởng Lê Quý Vương làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban soạn thảo; Thứ trưởng Lê Quốc Hùng làm Phó trưởng Ban soạn thảo.

Tổ biên tập gồm 32 thành viên, trong đó Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh CSCĐ làm Tổ trưởng; Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh làm Phó Tổ trưởng...

Luật hóa nhiều hoạt động của CSCĐ

Trình bày những nội dung cơ bản của Luật CSCĐ, Trung tướng Phạm Quốc Cương cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh đối với lực lượng CAND nói chung, CSCĐ nói riêng, và những quan điểm, chủ trương ấy cần phải được thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, đúng đắn thành các quy định của pháp luật để tăng cường trách nhiệm và hiệu quả của CSCĐ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng CSCĐ thực thi nhiệm vụ trong tình hình mới - Ảnh minh hoạ 2
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh công bố Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập.

CSCĐ là lực lượng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang, vì vậy nhiều hoạt động của CSCĐ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân như: Huy động người, phương tiện; trưng dụng tài sản; yêu cầu các cơ quan cung cấp sơ đồ, thiết kế, bản vẽ công trình và được vào nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ cũng cần phải được luật hóa để bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 cũng như tạo lập cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, đầy đủ cho CSCĐ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội (TTATXH).

Tư lệnh CSCĐ cho rằng, một số quy định tại các luật chuyên ngành như: Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013... mới quy định nguyên tắc chung chứ chưa cụ thể quyền hạn, nhiệm vụ của CSCĐ, gây khó khăn cho lực lượng CSCĐ trong thực hiện nhiệm vụ. Qua 5 năm triển khai thi hành, Pháp lệnh CSCĐ cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng CSCĐ thực thi nhiệm vụ trong tình hình mới - Ảnh minh hoạ 3
Trung tướng Phạm Quốc Cương trình bày những nội dung cơ bản của dự án Luật CSCĐ.

Trong những năm qua, tình hình chính trị thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các thế lực phản động trong và ngoài nước với nhiều âm mưu, thủ đoạn chống phá, đẩy mạnh "diễn biến hòa bình", "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; kích động nhân dân tham gia biểu tình, bạo loạn; hoạt động của các loại tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt... Do đó, yêu cầu công tác bảo đảm an ninh chính trị, TTATXH của CSCĐ ngày càng nặng nề, phức tạp hơn, cần các quy định cụ thể để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho CSCĐ thực thi nhiệm vụ.

"Xuất phát từ những lý do nêu trên, việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật CSCĐ là rất cần thiết nhằm cụ thể hóa quy định có liên quan của Hiến pháp; tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng; khắc phục một số bất cập, hạn chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của CSCĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới", Trung tướng Phạm Quốc Cương nhấn mạnh.

Bổ sung Không quân và lực lượng CSCĐ dự bị chiến đấu

Dự thảo Luật gồm 5 chương, 32 điều, quy định 4 chính sách được Chính phủ, Quốc hội nhất trí thông qua gồm: Nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ để bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; các biện pháp công tác và việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của CSCĐ; phân định các trường hợp và thẩm quyền điều động CSCĐ ra quân thực hiện nhiệm vụ; cơ chế phối hợp giữa CSCĐ với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan.

Tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng CSCĐ thực thi nhiệm vụ trong tình hình mới - Ảnh minh hoạ 4
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh thảo luận tại phiên họp.

Điểm mới trong nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ là bổ sung thêm hệ thống tổ chức của CSCĐ gồm lực lượng Không quân và lực lượng CSCĐ dự bị chiến đấu thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quy định thẩm quyền của CSCĐ được mang vũ khí, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và công cụ hỗ trợ vào cảng hàng không và lên tàu bay trong trường hợp tác chiến phòng chống bạo loạn, khủng bố...

Dưới sự điều hành của Thứ trưởng Lê Quý Vương, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, tâm huyết và giá trị phục vụ cho việc xây dựng dự án Luật. Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Lê Quý Vương khẳng định, dự án Luật CSCĐ là một dự án Luật quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cho CSCĐ thực hiện nhiệm vụ áp dụng biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH trong tình hình mới.

Tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng CSCĐ thực thi nhiệm vụ trong tình hình mới - Ảnh minh hoạ 5
Thứ trưởng Lê Quý Vương phát biểu kết luận phiên họp.

Để việc xây dựng dự án Luật đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng, Thứ trưởng Lê Quý Vương đề nghị Thường trực Tổ biên tập nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu để chỉnh lý, hoàn thiện các văn bản. Thành viên Ban soạn thảo sắp xếp thời gian thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo kế hoạch, tạo điều kiện và chỉ đạo các thành viên Tổ biên tập thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Thứ trưởng yêu cầu Thường trực Tổ biên tập phải làm việc mang tính thường trực, duy trì tốt mối quan hệ với các bộ ngành và thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Sau cuộc họp này, Tổ biên tập chỉnh sửa các dự thảo văn bản, xây dựng dự thảo lần 1 Luật CSCĐ để gửi xin ý kiến các thành viên Ban soạn thảo; hoàn thiện các tài liệu khác phục vụ xây dựng dự án Luật theo quy định, đáp ứng yêu cầu đề ra.

Tác giả: Quỳnh Vinh

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập511
  • Máy chủ tìm kiếm114
  • Khách viếng thăm397
  • Hôm nay76,132
  • Tháng hiện tại2,666,985
  • Tổng lượt truy cập150,387,461
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây