Phía sau sự hi sinh của những chiến sỹ Công an giữa thời bình7

Thứ năm - 16/02/2017 21:04

 

 

Vẫn là giọng nói ấm áp và khuôn mặt điển trai. Nhưng, anh gần mà xa xôi lắm. Anh đâu thể ôm chị trong vòng tay rắn rỏi. Anh đâu thể cùng chơi với con, đưa con đi học như xưa. Anh – Trung tá Đặng Tuấn Anh đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ trên dòng sông Đáy trên trận chiến chống “cát tặc”. Công việc dở dang anh để lại cho đồng đội.

Cái tin Trung tá Đặng Tuấn Anh hi sinh dưới lòng nước dữ khiến đồng đội ở Công an tỉnh Ninh Bình và gia đình bàng hoàng. Sự việc xảy ra cách đây vừa tròn 1 tháng. Người vợ trẻ của anh là một chiến sỹ quân đội – Đại úy Đỗ Phương Thanh (công tác tại Sư đoàn 350, Bộ Tư lệnh Quân khu 3) vẫn chưa thể làm quen với cuộc sống thiếu vắng chồng. Đồng đội anh thi thoảng đến thăm, động viên 3 mẹ con. Nhưng nỗi đau chưa thể khỏa lấp.

Vào ngày 23-6, Phòng CSGT nhận tin trên tuyến sông Đáy đoạn giáp ranh giữa xã Hội Ninh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình với xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định có một số đối tượng khai thác cát trái phép.

 
Phía sau sự hi sinh của những chiến sỹ Công an giữa thời bình7
Gia đình hạnh phúc của Trung tá Đặng Tuấn Anh nay trống trải vì thiếu vắng trụ cột.

Đồng chí Tuấn Anh là Đội phó Đội CSGT thủy cùng một số đồng đội phối hợp với Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tiến hành kiểm tra, bắt giữ. Khoảng 23h40, sau khi bắt giữ được 4 phương tiện thủy đang khai thác cát trái phép, tổ công tác đã lai dắt tàu về bờ xử lý.

Thế nhưng, chẳng may trên đường lai dắt thì trời bất ngờ đổ cơn mưa kèm theo gió lớn. Nước va vào mạn thuyền rồi cuốn cả con thuyền chìm xuống lòng sông. Đồng đội của anh Tuấn Anh vật lộn với dòng nước dữ, vào được bờ sau khi bị thương nặng.

Còn anh, do đứng ở giữa thuyền nên không kịp nhảy ra, bị cuốn theo con thuyền. Mãi tới sáng hôm sau, mọi người mới tìm thấy anh bị dây neo con thuyền cuốn chặt dưới lòng sông. Anh về nhà trong sự xót thương vô hạn của người thân, đồng đội.

Đón nhận tin chồng mất mà Thanh cứ ngây người ra. Em không tin vào tai mình, rồi cả khi nhìn thấy chồng đã nằm yên trước mắt, Thanh vẫn không tin và không thể hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra.

Những ngày sau, nỗi đau, sự mất mát mới hiện rõ dần lên trong tâm trí, trong cuộc sống hàng ngày của 3 mẹ con. Thanh kể, sáng hôm đó anh đi làm, chiều về đến nhà khoe với vợ là tối nay không phải trực.

Cơm nước xong anh đưa con đi học thêm. Sau đó về nhà anh còn nhờ vợ nhổ tóc sâu, nhưng vừa nhổ được 2 cái thì anh nhận điện thoại và lên đường. Không ngờ, đó là bữa cơm cuối cùng với các con, là lần cuối vợ chồng ngồi bên nhau tình cảm…

Thanh kém anh 9 tuổi. Anh luôn là điểm tựa vững chắc cho gia đình. Thời gian công tác chủ yếu của anh là ở Phòng Kỹ thuật hình sự của Công an tỉnh, tuy phải đi trực tuần 2 buổi nhưng giờ giấc của anh ổn định.

Thanh thì phải đi làm sớm từ 6h30 hàng ngày nên việc đưa đón 2 con trai đi học đều là anh làm cả. Cậu con lớn 8 tuổi, đứa nhỏ 5 tuổi. Anh mới chuyển sang Phòng CSGT được 1 tháng 7 ngày. Công việc ở đơn vị mới khác hẳn, lịch sinh hoạt hàng ngày bị đảo lộn.

Có khi cả tuần anh mới ăn cơm ở nhà được một lần, nhưng thỉnh thoảng anh vẫn đảo về. Thời gian mới chuyển công tác của anh lại đúng vào dịp nghỉ hè nên hai vợ chồng chưa phải lo việc đưa đón con. Ngày hè hai đứa nhỏ trông nhau ở nhà, trưa mẹ về cho ăn uống.

Thanh và anh Tuấn Anh nên nghĩa vợ chồng từ mối quen biết của mẹ Thanh và người dì của anh. Họ cưới nhau năm 2006 thì đầu năm 2008 làm nhà xong, cuối năm 2008 có được bé trai đầu lòng. Qua lời kể của Thanh, anh Tuấn Anh là một người đàn ông rất yêu thương vợ con và chăm chỉ.

“Ai cũng bảo em sướng, lấy được chồng chăm chỉ lại tâm lý. Ai cũng khen anh là người tốt, có trách nhiệm” – Thanh chợt ngừng, khoảng lặng chỉ vài giây thôi nhưng tưởng chừng như vô tận - “Anh đi chợ sõi lắm. Nấu ăn lại ngon nữa”… Thanh nghẹn ngào hồi tưởng quãng đời đẹp đẽ.

Tròn một tháng ngôi nhà thiếu vắng người đàn ông yêu thương, mẹ đẻ của Thanh phải về ở cùng con gái và cháu ngoại cho khuây khỏa. Thanh chưa đi làm mà được cơ quan tạo điều kiện cho ở nhà chăm sóc con và quen dần với hoàn cảnh mới.

Các em của anh Tuấn Anh cũng thường xuyên qua lại động viên chị dâu và thắp hương cho anh. Hai đứa con anh dần cảm nhận được ba chúng đã mất. Hai anh em cứ chạy qua chạy lại bàn thờ ba, nói chuyện cùng ba.

Đến bữa cơm, hai đứa nói dõng dạc: “Ba mời cơm đi”. Lắp được một món đồ chơi, chúng cũng mang đến gần bức di ảnh của ba khoe thành tích. Có lẽ phải lâu lắm cuộc sống của ba mẹ con mới có thể nguôi ngoai.

Nhìn những đứa con chạy nhảy, đùa vui hồn nhiên, Thanh biết mình phải sống thật mạnh mẽ, sống hộ phần anh để nuôi con khôn lớn. Biết vậy nhưng nhiều lúc em cảm thấy vô cùng mềm yếu, bởi nỗi đau vẫn ở gần quá.

Có lúc Thanh tự tâm sự với chồng: “Một tuần rồi đúng không anh? Sao em vẫn không tin được đây là sự thật. Một cảm giác mơ hồ luôn hiển hiện trong em, lúc tỉnh lúc mơ, cảm giác bình thường như lúc anh đi làm hàng ngày rồi anh sẽ lại về.

Nhưng có lúc lại không thở được khi nghĩ về anh. Thứ 6, cái ngày định mệnh mà trong cuộc đời không bao giờ em quên được những cảm giác mà mình đã trải qua…”.

Là vợ chiến sỹ Công an đã phải chịu thiệt thòi, nhưng hơn cả thiệt thòi, Thanh và các con đã phải hi sinh quá lớn. Mới ở tuổi 33 Thanh đã phải đối mặt trước mất mát không gì bù đắp.

Mong mỏi nhất của Thanh và gia đình cũng như đồng đội của chồng Thanh ở Công an tỉnh Ninh Bình lúc này là anh Tuấn Anh được vinh danh xứng đáng với sự hi sinh vì nhiệm vụ để giữ cuộc sống bình yên cho vùng đất.

Trung tá Đinh Đức Minh, Đội trưởng CSGT thủy, Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình cho chúng tôi biết, đơn vị sẽ cố gắng làm chính sách cho anh Tuấn Anh ở chế độ cao nhất để bù đắp phần nào mất mát cho anh và gia đình.

Có một điều còn trăn trở là dù bị mất trong khi đang làm nhiệm vụ, nhưng do quy định của các văn bản giấy tờ chưa hợp lý nên nhiều CBCS không được công nhận là liệt sỹ. Đó là thiệt thòi lớn cho gia đình và bản thân người đã khuất. Nhiệm vụ của các anh là gìn giữ cuộc sống bình yên cho nhân dân, và các anh đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ cao cả đó. Công việc luôn đối mặt với nguy hiểm và đòi hỏi người chiến sỹ luôn phải có bản lĩnh và lòng dũng cảm để làm tròn nhiệm vụ. Bởi vậy, sự hi sinh trong khi gìn giữ cuộc sống bình yên cho nhân dân luôn cần phải được ghi công và đền đáp xứng đáng.

Việt Hà
 

Tác giả: Việt Hà

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập542
  • Máy chủ tìm kiếm100
  • Khách viếng thăm442
  • Hôm nay110,177
  • Tháng hiện tại3,242,521
  • Tổng lượt truy cập155,278,125
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây