Pencak Silat Việt Nam chuẩn bị cho ASIAD 2018: Không thể để lỡ cơ hội

Thứ bảy - 28/07/2018 12:22
Sự xuất hiện lần đầu của môn Pencak Silat trong chương trình thi đấu ASIAD là một trong những lý do để ngành thể thao đặt mục tiêu giành 3 Huy chương vàng (HCV) tại ASIAD 2018. Quan trọng là các vận động viên Việt Nam có tận dụng được cơ hội hay không.


* Lên đời nhờ ASIAD

Cho đến trước khi được đưa vào chương trình thi đấu của ASIAD 2018, Pencak Silat đã có vị thế nhất định trong làng thể thao Việt Nam. 

Nhưng so với nhóm môn trong chương trình thi đấu của Olympic hay những môn từng giành huy chương tại ASIAD thì vị thế của Pencak Silat Việt Nam vẫn có khoảng cách nhất định. Đó cũng là thiệt thòi của môn thể thao từng được du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước.

Trong khoảng hơn 20 năm phát triển tại Việt Nam, Pencak Silat đã mang về cả  trăm huy chương thế giới, châu lục và SEA Games. Thậm chí, không ít HLV và VĐV Pencak Silat đã có tên trong danh sách HLV và VĐV tiêu biểu hàng năm trong đó rõ nhất là trường hợp của nguyên HLV trưởng đội tuyển Pencak Silat Việt Nam Nguyễn Ngọc Anh (giờ là Vụ trưởng Vụ Thể thao quần chúng – Tổng cục TDTT) và  VĐV nổi tiếng xinh đẹp, tài năng Trịnh Thị Mùi (giờ là Trưởng bộ môn Pencak Silat Nghệ An). 

Vấn đề của Pencak Silat Việt Nam trong giai đoạn đầu những năm 1990 và  2000 chính là việc giành được những chức vô địch thế giới, châu lục khi các giải đấu có ít quốc gia tham dự. Điều đó khiến nhiều người cho rằng chuyện “lấy” HCV ở môn này dễ như trở bàn tay dù thực tế đầy khó khăn, nhất là ở những nội dung đối kháng.

Vấn đề là các võ sỹ Việt Nam sớm thích nghi với môn võ này và khẳng định được khả năng. Như nguyên HLV trưởng đội tuyển Pencak Silat Việt Nam Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ thì sau khi thọ giáo chuyên gia Indonesia, đất nước sản sinh ra môn Pencak Silat, ông và các đồng nghiệp đã chọn được lối đi riêng cho Pencak Silat Việt Nam. 

Vì vậy mới có lúc đội tuyển Pencak Silat Việt Nam mới vượt qua Indonesia tại Giải vô địch thế giới và hiện đang trong nhóm các đội tuyển hàng đầu thế giới.

Sau này, khi hiểu rõ những khó khăn để Pencak Silat có thể khẳng định vị thế trên đấu trường quốc tế, người ta đã bớt định kiến về việc “giành vàng dễ như trở bàn tay” của các võ sỹ Việt Nam. 

Pencak Silat Việt Nam chuẩn bị cho ASIAD 2018: Không thể để lỡ cơ hội
Đội tuyển biểu diễn Pencak Silat Việt Nam được kỳ vọng sẽ giành HCV tại ASIAD 2018.

Điều đó thể hiện qua việc có trên 30 tỉnh, thành, ngành phát triển môn thể thao này trong đó có ngành thể thao Công an nhân dân. Tuy nhiên, những người theo đuổi môn Pencak Silat vẫn hy vọng sẽ có nhiều điều kiện hơn để phát triển môn thể thao này. 

Đúng là Pencak Silat đã có chỗ đứng ở đấu trường SEA Games hay các Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á, Đại hội thể thao bãi biển châu Á… nhưng như thế vẫn chưa thể tạo nên sức bật mạnh mẽ để được đầu tư mạnh mẽ hơn. 

Chỉ đến khi Indonesia đăng cai ASIAD 2018 và Pencak Silat có tên trong chương trình thi đấu của Đại hội thì mọi sự mới tiến triển thuận lợi hơn. Pencak Silat được nhìn nhận và đầu tư tốt hơn trước khi đã mang sứ mệnh giành HCV cho Đoàn Thể thao Việt Nam.

Hiểu theo cách khác, vị thế của Pencak Silat đã hơn hẳn so với trước khi môn này chưa có tên trong chương trình thi đấu của ASIAD.

* Không dễ đoạt “vàng”

Trong “quy hoạch” HCV tại ASIAD 2018 của ngành thể thao Việt Nam, đội tuyển Pencak Silat được giao nhiệm vụ “gánh” ít nhất 1 HCV. 

Với vị thế hiện tại trong làng Pencak Silat châu lục, đây là nhiệm vụ không dễ dàng dù ai cũng hiểu rằng nếu có “vàng” ASIAD thì Pencak Silat Việt Nam sẽ được đầu tư mạnh mẽ hơn, có nhiều điều kiện để phát triển rộng khắp hơn. 

Giai đoạn hiện tại đã khác hẳn vài năm trước khi số quốc gia quan tâm tới phát triển Pencak Silat ít hơn hiện nay. Còn hiện tại đã có khoảng 25 quốc gia, vùng, lãnh thổ ở châu Á phát triển Pencak Silat. Số đoàn đông hơn nên sự cạnh tranh sẽ lớn hơn.

Ở Giải vô địch Pencak Silat châu Á năm 2017, đội tuyển Pencak Silat Việt Nam đã giành tới 8 HCV. Nhưng như nhận định của người trong nghề, giành được 1 HCV ở ASIAD 2018 cũng là thành công của đội tuyển Việt Nam. 

Tại ASIAD 2018, do số nội dung thi đấu ít hơn so với Giải vô địch Pencak Silat châu Á năm 2017 nên đội tuyển Việt Nam chỉ có thể tham dự với 10 võ sỹ đối kháng (7 năm, 3 nữ) và 8 võ sỹ nội dung biểu diễn. 

Võ sỹ Việt Nam vốn mạnh ở nội dung đối kháng nhưng từ khoảng 5 năm gần đây đã gặp sự cạnh tranh quyết liệt từ các võ sỹ quốc tế khác. Giành 1 HCV châu lục ở nội dung này thực sự là vấn đề khó khăn chứ không dễ dàng.

Trong tương lai, khó khăn còn nhiều hơn với các võ sỹ Việt Nam khi các nước thuộc Liên Xô cũ, các nước Tây Á, Đông Á cùng chú trọng phát triển nội dung đối kháng. Còn hiện tại, thầy trò nội dung đối kháng cũng đã cảm nhận được những khó khăn tại ASIAD 2018. 

Một số võ sỹ của đội đã phải tăng trọng lượng để đôn lên hạng cân trên do hạng cân sở trường của họ không có trong chương trình thi đấu. 

Thế nên, họ cũng gặp vấn đề nhất định. Thậm chí, có võ sỹ đã gặp chấn thương trong quá trình thích nghi với hạng cân mới, phải nhường suất cho võ sỹ khác.

Còn nội dung biểu diễn vừa dễ vừa khó cho võ sỹ Việt Nam. Hy vọng đang được dồn vào nội dung biểu diễn đồng đội nữ thay vì nội dung cá nhân và đôi – vốn luôn là sở trường của các võ sỹ Indonesia. Tuy nhiên, thi đấu tại Indonesia cũng có những yếu tố khó lường nhất là khi nội dung biểu diễn vẫn được chấm điểm dựa trên sự nhìn nhận chủ quan của trọng tài.

Cho nên, hành trình tại ASIAD 2018 của đội tuyển Pencak Silat Việt Nam sẽ đầy khó khăn, chông gai dù không ai muốn các võ sỹ Việt Nam bỏ lỡ cơ hội giành HCV để nâng cao vị thế cho môn thể thao mà họ đang theo đuổi.

Dấu hiệu “đi trước về sau”

Những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore… đang đầu tư mạnh và tốt hơn hẳn Việt Nam với những chuyến tập huấn, thi đấu quốc tế dài ngày bên cạnh việc mời chuyên gia ngoại giỏi với mức lương có thể lên tới cả chục nghìn USD/tháng. 

Đấy là những quốc gia đầu tư cho Pencak Silat sau Việt Nam nhưng lại cho thấy những dấu hiệu “đi sau về trước”. 

Theo Chủ nhiệm bộ môn Pencak Silat Hà Nội Trần Thu Hương – người có nhiều năm trong làng Pencak Silat Việt Nam, việc được đưa vào chương trình thi đấu của ASIAD đã tạo động lực để phát triển Pencak Silat không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác. Đó vừa là thuận lợi vừa là khó khăn khách quan cho Pencak Silat Việt Nam trong hành trình thực hiện mục tiêu đoạt tấm HCV ở Á vận hội 2018.

Minh Hà

Tác giả: Minh Nhật

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập488
  • Máy chủ tìm kiếm72
  • Khách viếng thăm416
  • Hôm nay110,177
  • Tháng hiện tại3,213,363
  • Tổng lượt truy cập155,248,967
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây