Nỗ lực vì sự bình yên cho người dân thành phố mang tên Bác

Thứ hai - 08/03/2021 08:50
Từ số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2013-2015, số vụ phạm pháp hình sự xảy ra mỗi năm đều trên 6 ngàn vụ. Trong đó, hai loại án chiếm...

Từ số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2013-2015, số vụ phạm pháp hình sự xảy ra mỗi năm đều trên 6 ngàn vụ. Trong đó, hai loại án chiếm tỷ lệ cao là trộm cắp tài sản với trên 3.000 vụ và cướp giật tài sản trên 1.000 vụ.

Từ năm 2016 đến năm 2020 số vụ phạm pháp giảm dần đến năm 2020 ghi nhận chỉ xảy ra gần 2.000 vụ, trong đó trộm cắp tài sản còn gần 1.000 vụ và cướp giật tài sản chỉ trên 300 vụ. Trong khi đó số người nghiện nằm trong diện quản lý vào năm 2011 là 13.127 người nhưng đến năm 2020 tăng lên đến trên 25.000 người. Vậy có mâu thuẫn gì không khi số vụ phạm pháp xảy ra tỷ lệ nghịch với số con nghiện trong khi cơ quan chức năng xác định mầm mống phát sinh tội phạm chính là từ con nghiện?

Nỗ lực vì sự bình yên cho người dân thành phố mang tên Bác
Công an TP Hồ Chí Minh ra quân tấn công trấn áp tội phạm.

Năm 2003, khi Quốc hội có Nghị quyết 16 cho phép TP Hồ Chí Minh đưa người nghiện đi cai tập trung, không phân biệt là có nơi cư trú hay không có nơi cư trú. Và từ đó đến năm 2007, TP Hồ Chí Minh đã đưa được hơn 30.000 lượt người nghiện đi cai nghiện, nhờ đó an ninh trật tự được ổn định, cướp giật, trộm cắp giảm đáng kể.

Tuy nhiên, sang năm 2008, khi TP Hồ Chí Minh không còn được phép đưa toàn bộ con nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì tình hình an ninh trật tự phức tạp trở lại. Khi tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng, cuối năm 2014 Quốc hội mới có Nghị quyết 77 cho phép TP triển khai đề án đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc trở lại nhưng cũng chỉ giới hạn đối tượng người không có nơi ở ổn định. Từ năm 2016 số vụ phạm pháp hình sự giảm dần, hai loại án chính mà con nghiện thường gây ra là trộm cắp và cướp giật bắt đầu kéo giảm…

Đặc biệt hơn là công tác trấn áp tấn công tội phạm của Công an TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay cũng được đẩy mạnh hơn. Cùng với đó, tỷ lệ khám phá án giai đoạn từ 2016-2020 tăng từ 5-10% so với giai đoạn 2011-2015. 

Mặt khác, từ khi xác định nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp phù hợp, chính quyền các địa phương toàn thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng chống tội phạm, tệ nạn. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được đổi mới; nâng chất công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án từ trở về địa phương; nhân rộng nhiều mô hình phòng, chống tội phạm có hiệu quả…

Ở quận Bình Thạnh có hình "Câu lạc bộ gia đình phòng chống tệ nạn xã hội" do Hội Liên hiệp Phụ nữ quận quản lý, đã triển khai đến 20/20 phường với 653 thành viên. Câu lạc bộ tập hợp những cán bộ hội viên tích cực tuyên truyền phòng chống ma túy, HIV/AIDS, tận tình hỗ trợ người cai nghiện trở về địa phương tránh xa tệ nạn, sinh hoạt vui chơi lành mạnh, tránh tái nghiện…

Tương tự là mô hình "Tổ cán sự xã hội", giúp đỡ việc làm, cho vay vốn làm ăn hơn 200 người tái hòa nhập cộng đồng. Như trường hợp anh T. (phường 24), sau khi chấp hành xong án tù về tội trộm cắp tài sản trở về địa phương, nhờ sự giúp đỡ của Tổ cán sự xã hội, anh T. trở thành người có ích cho xã hội, tham gia công tác bảo vệ dân phố, góp phần phòng chống tội phạm, tệ nạn. Em H. (ngụ phường 26), từng bị mang án tù, giờ trở thành người hoàn lương, tích cực tham gia các phong trào và bắt các đối tượng trộm cắp được khen thưởng đột xuất…

Trong 10 năm qua, các ban ngành, đoàn thể đã phối hợp quản lý, giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục 1.339 đối tượng, trong có 70% số người tiến bộ rõ rệt. Các yếu tố này đã góp phần giảm sâu số vụ phạm pháp hình sự hằng năm…

Công an quận Tân Bình đã xây dựng 1.035 nhóm kín Zalo, Facebook với 61.233 thành viên; 98/117 khu phố nhân dân đóng góp hơn 9 tỷ đồng để gắn gần 3.000 camera an ninh; hình thành 8 mô hình tự quản về an ninh trật tự với 5.132 nhóm, hộ tự quản qua 10 năm đã cung cấp hơn 18.000 tin về an ninh trật tự góp phần bắt 806 vụ 919 đối tượng bị bắt quả tang…

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc còn thường xuyên mở các đợt cao điểm tập trung như "Cao điểm tấn công tội phạm", "Phát hiện tố giác tội phạm, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư", "Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"… đã góp phần rất lớn trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn.

Tác giả: Mã Hải

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập451
  • Máy chủ tìm kiếm62
  • Khách viếng thăm389
  • Hôm nay110,177
  • Tháng hiện tại3,202,981
  • Tổng lượt truy cập155,238,585
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây