Khoa An ninh xã hội, Học viện ANND: 35 năm một chặng đường xây dựng và phát triển

Thứ ba - 12/12/2017 13:33
Ngày 18-12-1982, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ban hành Quyết định số 6591/BNV-QĐ về việc thành lập Khoa Nghiệp vụ 3 trên cơ sở Khoa Nghiệp vụ trinh sát, Trường Đại học An ninh nhân dân (nay là Học viện An ninh nhân dân) do cố Nhà giáo nhân dân Đỗ Bính làm Trưởng khoa.


Từ đây, Khoa Nghiệp vụ 3 trở thành một đơn vị giảng dạy nghiệp vụ độc lập và là một bộ phận quan trọng trong hệ thống các khoa giảng dạy nói chung và trong các khoa giảng dạy nghiệp vụ nói riêng ở Học viện An ninh nhân dân (ANND). Sự ra đời của Khoa Nghiệp vụ 3 thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo, sự đánh giá đúng đắn vai trò, vị trí của lý luận nghiệp vụ chuyên ngành trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia.

Năm 1988, sau khi được bổ sung môn học An ninh văn hóa - tư tưởng, Khoa được đổi tên thành Bộ môn Nghiệp vụ 3. Từ năm 2001, Khoa trở lại với tên gọi Khoa Nghiệp vụ 3. Ngày 7-6-2016, Tổng cục Chính trị CAND ban hành Quyết định số 6000/QĐ-X11-X12 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Khoa An ninh xã hội (ANXH) thuộc Học viện ANND. Theo đó, Khoa được đổi tên thành Khoa ANXH như hiện nay.

Khoa An ninh xã hội, Học viện ANND: 35 năm một chặng đường xây dựng và phát triển
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Học viện ANND với tập thể lãnh đạo, giảng viên Khoa An ninh xã hội.

Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Bộ Công an, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện, sự phối hợp và giúp đỡ của các đơn vị chiến đấu, nhất là các Cục nghiệp vụ và Công an các địa phương, Khoa ANXH đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, trở thành một khoa nghiệp vụ chuyên ngành có bề dày đào tạo, uy tín và chất lượng của Học viện ANND.

Trong công tác đào tạo, từ một môn học thuộc Khoa Nghiệp vụ Trinh sát, sau khi thành lập, trong chương trình và nội dung giảng dạy ban đầu của Khoa chỉ có một số bài và chuyên đề giảng dạy. Trải qua những giai đoạn lịch sử khác nhau, tình hình trong nước và thế giới đã có những chuyển biến mau lẹ, cục diện đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia cũng có sự chuyển biến sâu sắc trên nhiều mặt, cả về đối tượng và hoạt động, cũng như về chủ trương đối sách của ta, đòi hỏi phải không ngừng đổi mới và hoàn thiện lý luận nghiệp vụ nói chung và lý luận đấu tranh chống phản cách mạng nói riêng cho phù hợp tình hình thực tiễn của cuộc đấu tranh.

Vì lẽ đó, việc tổ chức lực lượng, đầu tư công sức và trí tuệ để nghiên cứu, biên soạn giáo trình, đề cương bài giảng, tài liệu dạy học phục vụ cho việc giảng dạy ở các hệ và các bậc học là đòi hỏi cấp bách.

Đến nay, về cơ bản Khoa ANXH đã xây dựng được hệ thống tài liệu dạy học tương đối hoàn chỉnh với 28 bộ giáo trình, trên 100 sách tham khảo, tài liệu dạy học phục vụ giảng dạy các môn học ở hệ đào tạo đại học, hệ đào tạo cao học và hàng chục chuyên đề đào tạo tiến sĩ.

Khoa ANXH đã tổ chức và tham gia đào tạo, giảng dạy cho hàng chục khóa học với hàng trăm lớp cho hàng ngàn cán bộ, sinh viên trong và ngoài trường, trong nước và ngoài nước, ở tất cả các hệ đào tạo tại Học viện.

Bên cạnh đó, Khoa còn tham gia đào tạo hàng chục khoá cao học, nghiên cứu sinh ở trong nước và cử nhiều lượt giảng viên tham gia giảng dạy cho các nước bạn Lào và Campuchia. Chất lượng giảng dạy của Khoa không ngừng được nâng cao, đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu ngày càng cao của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia.

Song song với việc hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo, Khoa ANXH luôn chú trọng và không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy. Phong trào dạy giỏi cũng luôn được Khoa ANXH chú trọng và duy trì.

Nhiều giảng viên ở Khoa ANXH đã được nhận danh hiệu “giảng viên dạy giỏi cấp Bộ”, “giảng viên dạy giỏi cấp Học viện”, khẳng định được “thương hiệu” trong công tác giảng dạy, là tấm gương tiêu biểu trong đội ngũ giảng viên giỏi của Học viện.

Tính từ năm 2012 đến nay, Khoa ANXH đã thực hiện 2 bài dạy giỏi cấp Bộ (1 bài đạt giải nhất, 1 bài đạt giải ba); 23 bài dạy giỏi cấp Học viện; thực hiện nhân trên 300 lượt bài dạy giỏi đảm bảo chất lượng tại các hệ, loại lớp trong Học viện và thực hiện 28 bài dạy giỏi, 27 giờ dạy giỏi cấp Khoa đạt loại xuất sắc.

Trong công tác nghiên cứu khoa học, đây cũng là một lĩnh vực mà Khoa ANXH đã đạt được rất nhiều thành tựu. Đến nay, Khoa ANXH đã chủ trì và tham gia nghiên cứu 7 đề tài khoa học cấp Nhà nước, chủ nhiệm 17 đề tài khoa học cấp Bộ, tham gia nghiên cứu 48 đề tài khoa học cấp Bộ; chủ nhiệm 22 đề tài khoa học cấp cơ sở và phối hợp với các Cục nghiệp vụ, Công an một số địa phương tham gia nghiên cứu nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh trên các lĩnh vực đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia.... Phần lớn các đề tài khoa học được Khoa ANXH nghiên cứu đều được nghiệm thu đạt loại xuất sắc.

Cũng trong công tác nghiên cứu khoa học, hoạt động hướng dẫn nghiên cứu khoa học và viết bài báo khoa học cũng luôn được Khoa ANXH rất chú trọng. Giảng viên trong Khoa đã hướng dẫn nhiều học viên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ và khóa luận tốt nghiệp.

Nhiều nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học đạt thành tích cao trong các cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an tổ chức, trong đó có 2 nhóm sinh viên đạt giải nhất cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Đội ngũ giảng viên của Khoa đã viết và công bố hàng trăm bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học trong và ngoài lực lượng Công an.

Bên cạnh đó, trong công tác xây dựng đơn vị và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên từ ngày thành lập tới nay, Khoa ANXH đã không ngừng quan tâm tới việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên vừa vững về chuyên môn, có năng lực sư phạm, vừa là nhà giáo dục tốt, xứng đáng với các bậc cha anh đi trước.

Từ chỗ chỉ với 9 giáo viên khi mới thành lập, đến nay Khoa ANXH có 53 giáo viên đã tham gia công tác và giảng dạy tại Khoa. Từ chỗ tất cả giáo viên chỉ có bằng cử nhân, qua các thời kỳ, Khoa đã có 8 người có học hàm giáo sư, phó giáo sư; 17 người có học vị tiến sĩ; 22 người có học vị thạc sĩ.

Đội ngũ giảng viên của Khoa ANXH hiện nay có 28 người trong đó có 2 người có học hàm phó giáo sư; 4 người có trình độ tiến sĩ, 9 người có trình độ thạc sĩ, 13 cử nhân, trong đó có nhiều người đang học nghiên cứu sinh, thạc sĩ.

Các giảng viên của Khoa, dù ở cương vị nào, dù ở hoàn cảnh và điều kiện công tác nào đều giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của đơn vị, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để cống hiến, phấn đấu và trưởng thành. Rất nhiều giáo viên từng công tác tại Khoa đã thành đạt và đang giữ những vị trí, trọng trách, trong đó có 3 đồng chí được phong hàm cấp tướng, 3 đồng chí là Giám đốc và Phó Giám đốc Học viện.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo của Học viện An ninh nhân dân và của lực lượng Công an, Khoa An ninh xã hội đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị CAND tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương chiến Công hạng nhất; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Thành ủy Hà Nội, Tổng cục Chính trị CAND. Qua 35 năm, Khoa có 4 Nhà giáo nhân dân, 1 Nhà giáo ưu tú và nhiều người được tặng thưởng các Huân, Huy chương, và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...

Tác giả: Thượng tá, PGS,TS Hoàng Minh Tuấn

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập447
  • Máy chủ tìm kiếm144
  • Khách viếng thăm303
  • Hôm nay142,386
  • Tháng hiện tại2,216,911
  • Tổng lượt truy cập154,252,515
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây