Giữ cho môi trường kinh doanh bình đẳng, vì sức khỏe người dân

Thứ hai - 18/12/2017 18:26
Bằng tất cả tâm huyết nghề nghiệp, cán bộ chiến sĩ (CBCS) Đội 7, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46) Công an TP HCM đã góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm sản xuất và buôn bán hàng giả, xâm phạm về sở hữu trí tuệ…


Làm hàng giả bất chấp tính mạng, sức khỏe con người

Trung tá Nguyễn Thanh Nguyên, Đội trưởng Đội 7, Phòng PC46 Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhiệm vụ chuyên môn của Đội 7 là phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm sản xuất và buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ.

“Thời gian qua, tình hình hoạt động của tội phạm sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm nhãn hiệu hàng hóa diễn ra khá phức tạp trên nhiều lĩnh vực, mặt hàng. Bất chấp tính mạng, sức khỏe của con người, loại tội phạm này không từ một thủ đoạn nào. Cứ mặt hàng tiêu thụ được nhiều, được người tiêu dùng ưa chuộng, lợi nhuận cao là bọn chúng sản xuất hoặc câu kết đặt hàng từ nước ngoài đưa vào Việt Nam tiêu thụ dù đó là hàng ngoại hay hàng nội...”, Trung tá Nguyễn Thanh Nguyên cho biết.

Giữ cho môi trường kinh doanh bình đẳng, vì sức khỏe người dân
Trung tá Nguyễn Thanh Nguyên, Đội trưởng Đội 7, Phòng PC46, Công an TP Hồ Chí Minh.

Có thể kể nhiều vụ “nổi cộm” gần đây mà các CBCS của Đội 7 góp công chính phát hiện, triệt phá. Cụ thể là vụ đường dây sản xuất dầu nhớt giả chuyên nghiệp với quy mô lớn, sử dụng quy trình khép kín từ sản xuất bao bì đến thành phẩm tiêu thụ bị triệt phá vào giữa tháng 10 vừa qua. Điều đáng nói là đường dây này đã đưa ra tiêu thụ hàng triệu lít nhớt giả các loại tại nhiều tỉnh thành như TP. Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Kiên Giang…

Để đưa được đường dây này ra “ánh sáng”, các trinh sát của Đội 7 đã phát hiện dấu hiệu về hàng loạt sản phẩm dầu nhớt dùng cho các loại máy tàu, xuồng, ghe, xe tải, thậm chí cả xe gắn máy từ TP. Hồ Chí Minh chuyển đi nhiều tỉnh, thành như An Giang, Kiên Giang, Bình Thuận và lập chuyên án đấu tranh trong vòng 3 tháng.

Sau khoảng thời gian theo dõi, đến sáng 11-10, tại chành xe 7979 trên đường Võ Văn Kiệt phường 16 quận 8, các trinh sát của Đội 7 phát hiện xe ô-tô tải mang biển số 51D-206.72 do Ngô Đình Đông điều khiển đang bốc dỡ hơn 30 thùng nhớt các loại nghi là giả một nhãn hiệu dầu nhớt nổi tiếng để giao cho khách hàng. Sau khi xem xét kỹ số nhớt bị tạm giữ, đại diện hãng dầu nhớt tại Việt Nam khẳng định đây không phải mặt hàng do doanh nghiệp mình sản xuất.

Theo lời khai nhận ban đầu, Đông là tài xế chở hàng cho Mai Hữu Phúc. Tiến hành khám xét khẩn cấp nhà của Phúc trên đường Thoại Ngọc Hầu, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, cơ quan Công an thu giữ hàng ngàn thùng dầu, bình nhớt có nhiều dung tích khác nhau và thùng carton chứa nhãn mác, nắp, vỏ hộp dầu nhớt các loại…

Mở rộng khám xét khẩn cấp tại nhiều cơ sở khác của các đối tượng có liên quan ở các quận, huyện như: Bình Chánh, Tân Phú, Bình Tân, Hóc Môn..., cơ quan Công an thu giữ số lượng lớn nhớt giả các loại, nguyên liệu, máy móc, công cụ để sản xuất nhớt giả, bao bì để in ấn, phục vụ cho việc sản xuất dầu nhớt giả.

Theo xác minh ban đầu, Mai Hữu Phúc là kẻ chủ mưu, cầm đầu đường dây sản xuất, tiêu thụ nhớt giả này. Ngoài Mai Hữu Phúc (ngụ quận Tân Phú), Ngô Đình Đông (SN 1994, quê Quảng Nam), còn 4 đối tượng khác cũng bị tạm giữ để điều tra về hành vi sản xuất và buôn bán dầu nhớt giả, tạm giữ số lượng dầu nhớt giả các nhãn hiệu nổi tiếng, trị giá trên 1 tỷ đồng.

Chiến công phá án xuất sắc của đơn vị, ngày 8-12, CBCS của Đội 7 nói riêng và Phòng PC46 nói chung đã được Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến, Trưởng Ban chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh, trao thư khen thưởng của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong.

Một vụ việc khác liên quan đến một đường dây chuyên sản xuất, mua bán  tân dược giả quy mô lớn bị các CBCS Đội 7 góp phần bóc gỡ và triệt phá thành công vào đầu tháng 10 vừa qua.

Giữ cho môi trường kinh doanh bình đẳng, vì sức khỏe người dân - Ảnh minh hoạ 2
Tang vật một vụ sản xuất, buôn bán sữa giả.

Đối tượng cầm đầu đường dây này là Trần Minh Hằng (SN 1962) và Trần Hữu Đồng (chồng Hằng, cùng ngụ quận 11). Ngoài ra, cơ quan Công an cũng bắt giữ nhiều đối tượng đồng phạm khác như Dương Hồng Sơn (Phú Yên), Nguyễn Đình Thanh (Bình Định), Trần Hữu Tâm (quận 3) và Võ Văn Thao (chưa rõ nơi cư ngụ).

Qua theo dõi, các trinh sát đã bắt quả tang Tâm đang vận chuyển 230 hộp Vitamin C (loại 6 lọ/hộp) giả một nhãn hiệu lớn của nước ngoài. Tâm khai nhận toàn bộ số thuốc này là hàng giả do Hằng thuê sản xuất. Theo đó, Tâm mua thuốc của các công ty tại Việt Nam sản xuất tại Trung tâm Dược quận 10 với giá 12.300 đồng/hộp rồi mang về nhà ở quận 12.

Sau đó, Tâm lột bỏ nhãn và dán nhãn mới vào thành sản phẩm thuốc Vitamin C nhãn hiệu lớn của nước ngoài. Khám xét nhà Tâm, cơ quan Công an thu giữ 350 hộp thuốc giả nhãn hiệu các thuốc giảm đau, kháng viêm, 253kg bao bì giả các loại thuốc cùng số lượng lớn nguyên liệu, công cụ phương tiện sản xuất thuốc giả.

Từ lời khai của Tâm, PC46 ra lệnh bắt khẩn cấp vợ chồng Hằng. Tại cơ quan điều tra, vợ chồng Hằng khai đã ra chợ thuốc Tây ở quận 10 mua nhiều loại thuốc do Việt Nam sản xuất, về thuê Thao thiết kế tem, bao bì ngoại rồi bóc tách thuốc nội cho vào bao bì, thành thuốc “ngoại”.

Ngoài thuốc giả cung cấp cho Sơn, Thanh, Hằng còn cung cấp cho Trường (ngụ Nam Định) nhưng không nhớ địa chỉ. Hằng cũng cung cấp bao bì mẫu mã để Sơn sản xuất thuốc giả trị đau dây thần kinh, để Hằng bán cho Thanh hưởng chênh lệch 3.000 đồng/hộp.

Tăng cường chống hàng giả, hàng lậu dịp Tết

Theo Trung tá Nguyễn Thanh Nguyên, việc sản xuất và buôn bán hàng giả diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi và quy mô sản xuất ngày càng lớn, xảy ra thường xuyên. Phương thức sản xuất không tập trung tại một nơi nhất định, thường xuyên thay đổi địa điểm sản xuất, sản xuất không tập trung, phân tán ở nhiều nơi khác nhau, mỗi nơi làm một khâu trong quy trình sản xuất, phân phối hàng hóa gây khó khăn trong việc trinh sát, theo dõi.

Số lượng hàng hóa sản xuất vừa đủ theo yêu cầu đơn đặt hàng, không có hàng tồn. Hàng hóa sau khi sản xuất được đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh thành khắp cả nước.

Bên cạnh đó, việc đặt hàng giả từ nước ngoài đang có xu hướng gia tăng cho thấy địa bàn làm hàng giả rất đa dạng, có liên quan đến một số nước có chung biên giới với nước ta như Trung Quốc, Lào, Campuchia và một số nước trong khu vực. Các mặt hàng được làm giả phổ biến như mỹ phẩm, hàng tiêu dùng...

Giữ cho môi trường kinh doanh bình đẳng, vì sức khỏe người dân - Ảnh minh hoạ 3
Một vụ sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc bảo vệ thực vật bị triệt phá.

Các đối tượng sản xuất những mặt hàng giả có giá trị cao như tân dược, rượu ngoại, hàng thực phẩm... thường không sản xuất tập trung với số lượng lớn mà xé lẻ hoặc sản xuất hàng đến đâu tiêu thụ đến đó, không cho người đặt hàng đến nơi sản xuất để lấy hàng và hẹn điểm giao hàng thường là quán cà phê, nơi đoạn đường vắng hoặc nhận chở hàng đến địa điểm người mua để giao hàng, nhằm tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Các đối tượng thường thuê nơi hẻo lánh, khu đô thị mới, thuê phòng trọ để sản xuất và chỉ thuê trong một thời gian ngắn rồi đổi địa điểm sản xuất khác nhằm đối phó với các cơ quan chức năng… 

Thực tế thời gian vừa qua xuất hiện thủ đoạn mới là các đối tượng sản xuất tân dược giả lợi dụng danh nghĩa sản xuất thực phẩm chức năng (dễ xin phép, các quy định quản lý còn lơi lỏng) để hoạt động sản xuất tiêu thụ tân dược giả với quy mô lớn và dễ qua mặt các đơn vị quản lý tại địa phương…

Có một thực tế là không ít doanh nghiệp chưa chủ động trong đăng ký xác lập quyền và thực thi quyền, chưa phối hợp với các cơ quan hữu quan để xử lý xâm phạm sở hữu, có tâm lý e ngại khi sợ người tiêu dùng biết sản phẩm của doanh nghiệp mình bị làm giả.

Lâu nay hàng hóa đăng ký sản xuất doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng đưa ra mà không có tiêu chuẩn nào để so sánh dẫn đến việc hàng hóa kém chất lượng, không tác dụng như quảng cáo… Tất cả khiến vấn nạn hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng nghiêm trọng.

Điều đáng nói là việc xử lý các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả còn thiếu kiên quyết, chưa triệt để, đa số là xử lý hành chính phạt tiền, số vụ khởi tố hình sự còn ít, vì vậy tính chất răn đe, giáo dục chưa cao. Ngoài ra, trong quá trình điều tra muốn khởi tố vụ án về hàng giả phải có kết quả giám định của cơ quan chức năng mà thời gian tạm giữ có hạn đến khi có kết quả giám định, viện kiểm sát phê chuẩn thì việc bắt tạm giam là khó khăn vì phần lớn đối tượng là dân nhập cư, chỗ ở không ổn định.

Trung tá Nguyễn Thanh Nguyên cho biết thời điểm cuối năm này, và sắp bước vào dịp Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018 nên thị trường hàng hóa Thành phố sẽ càng sôi động, tình hình hoạt động của tội phạm sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm nhãn hiệu hàng hóa sẽ càng diễn ra phức tạp.

Do đó, với vai trò của mình, CBCS Đội 7 sẽ tập trung phát hiện, điều tra các vụ án sản xuất hàng giả có tổ chức, quy mô trên các lĩnh vực: thuốc chữa bệnh cho người, lương thực, thực phẩm, mỹ phẩm, những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng...

Với các thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh chống tội phạm sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, trong 8 năm liên tục Đội 7 đều đạt được danh hiệu thi đua là Đơn vị Quyết thắng. Ngoài ra, Đội còn nhận được nhiều bằng khen, giấy khen khác của các cấp cho tập thể và nhiều cá nhân.

Phú Lữ

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập462
  • Máy chủ tìm kiếm83
  • Khách viếng thăm379
  • Hôm nay110,177
  • Tháng hiện tại3,221,110
  • Tổng lượt truy cập155,256,714
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây