MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ BẢO ĐẢM QUYỀN ĐƯỢC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRONG BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015

Thứ hai - 02/07/2018 04:46
Quyền được trợ giúp pháp lý là một quyền cơ bản trong hệ thống quyền con người nói chung. Đó là những yêu cầu chính đáng của cá nhân hoặc nhóm người nhất định về việc được tiếp cận hệ thống dịch vụ pháp lý miễn phí dựa trên quy định của pháp luật. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (viết tắt là Bộ luật TTHS) có một số quy định đề cập vấn đề bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cụ thể như sau:
Thứ nhất, quy định tư cách của Trợ giúp viên pháp lý trong tham gia tố tụng hình sự. Ghi nhận Trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa tại điểm d khoản 2 Điều 72 Bộ luật TTHS: “ 2. Người bào chữa có thể là...d) Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý”; là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố tại điểm d khoản 2 Điều 83 Bộ luật TTHS: “2. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có thể là...d) Trợ giúp viên pháp lý; là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự  tại điểm d khoản 2 Điều 84 Bộ luật TTHS: 2. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có thể là…d) Trợ giúp viên pháp lý.
Quy định mở rộng diện người bào chữa là Trợ giúp viên pháp lý không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội và các đối tượng khác là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý nói riêng mà còn phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn hiện nay. Quy định này đã khắc phục hạn chế trong thời gian qua, hoạt động tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý chỉ được quy định trong Luật Trợ giúp pháp lý và văn bản hướng dẫn thi hành, Thông tư liên tịch, trong khi đó Trợ giúp viên pháp lý đều không có thẻ luật sư nên khó khăn trong việc tiếp cận và bảo vệ quyền lợi cho người được trợ giúp pháp lý.
Thứ hai, quy định trách nhiệm cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng. Theo đó cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý.
Trong trường hợp người bị buộc tội, người bị hại thuộc diện được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được trợ giúp pháp lý. Nếu họ đề nghị được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước. Việc thông báo, giải thích phải được ghi vào biên bản (Điều 71 Bộ luật TTHS).
Thứ ba, bộ luật TTHS cũng chia sẻ trách nhiệm thực hiện bào chữa theo án chỉ định cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước. Theo điều 76 Bộ luật TTHS quy định thì Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý trong trường hợp: bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu đề nghị cử người bào chữa cho họ.
 Quy định này rất cần thiết, hoàn toàn phù hợp, thống nhất với quan điểm, mục đích nâng cao số người được trợ giúp pháp lý trong các vụ án hình sự theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý mới được ban hành. Bởi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã mở rộng đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý, trong đó có nhiều đối tượng thuộc diện án chỉ định: trẻ em, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, người khuyết tật có khó khăn về tài chính, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại có khó khăn về tài chính. Đây là những đối tượng yếu thế, gặp rất nhiều khó khăn, cần được trợ giúp pháp lý nếu như gặp vướng mắc về pháp luật.
Thứ tư, Bộ luật TTHS có nhiều quy định mới đảm bảo cho người bào chữa trong đó có người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng bào chữa cho người được trợ giúp pháp lý thuận lợi trong quá trình tham gia tố tụng hình sự. Cụ thể như sau:
- Ở Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, thời điểm sớm nhất mà người bào chữa tham gia tố tụng là từ khi có quyết định tạm giữ. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã thể hiện sự tiến bộ khi quy định thời điểm sớm nhất mà người bào chữa tham gia tố tụng là từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 bổ sung quy định người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt cũng có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình (điểm g khoản 1 Điều 58 BLTTHS năm 2015). Như vậy, theo quy định này thời điểm Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa cũng sớm hơn. Nếu như trước đây, nguời bào chữa được tham gia bảo vệ quyền lợi cho người bị buộc tội từ khi bị tạm giữ thì theo Bộ luật Tố tụng Hình sự mới, người bào chữa được tham gia tố tụng và bảo vệ quyền lợi cho người bị buộc tội ngay từ khi bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt. Quy định như vậy không chỉ nhằm thực hiện tốt hơn việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị buộc tội mà còn là một trong những giải pháp để hạn chế oan, sai ngay từ đầu.
- Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã mở rộng quyền của người bào chữa. Người bào chữa có quyền được gặp, hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Quy định này triệt tiêu việc những người có thẩm quyền gây khó khăn cho người bào chữa khi muốn gặp người được mình bào chữa. Một số quy định mới khác cũng đã cho thấy một bước tiến lớn góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng như: Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, bị tạm giữ, bị can. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định người bào chữa muốn biết về thời gian, địa điểm hỏi cung bị can thì phải đề nghị với cơ quan điều tra báo trước. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã đặt trách nhiệm cho cơ quan có thẩm quyền trong việc báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác cho người bào chữa, tránh việc những người có thẩm quyền chậm trễ, gây khó khăn cho người bào chữa đối với nội dung này.
- Việc lựa chọn người bào chữa, thủ tục đăng ký bào chữa trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được quy định chi tiết, cụ thể, và thuận lợi để đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội.
Việc Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định các điều luật bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý trong hoạt động điều tra, giải quyết các vụ án hình sự, là một công cụ quan trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp 2013. Khắc phục tình trạng bỏ sót nhu cầu trợ giúp pháp lý trong đó bao gồm người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, nhất là với người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng sâu, vùng xa trình độ dân trí hạn chế chưa thể nhận biết, tiếp cận với thông tin, hoạt động trợ giúp pháp lý. Những điểm mới, những quy định trên thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật; đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật và bảo đảm quyền con người, đặc biệt là quyền được trợ giúp pháp lý từ nghĩa vụ thực thi của các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng và người áp dụng pháp luật trong tố tụng hình sự./.

Tác giả: Lê Hồng Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập494
  • Máy chủ tìm kiếm89
  • Khách viếng thăm405
  • Hôm nay77,344
  • Tháng hiện tại3,264,268
  • Tổng lượt truy cập155,299,872
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây