Trang thông tin điện tử Công an Bắc Kạn

https://conganbackan.vn


Những "địa chỉ đỏ" lưu giữ giá trị lịch sử - văn hóa CAND

Trên cả nước đã có 5 Khu di tích lịch sử CAND (đã xếp hạng) được đưa vào khai thác, phát huy giá trị, trong đó có 3 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia như di tích lịch sử "Địa điểm Nha Công an Trung ương 1947 - 1950"; di tích lịch sử "Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam"; Di tích quốc gia Hòn Đá Bạc - Trung tâm Chỉ huy Kế hoạch Phản gián CM12…


Bên cạnh đó, các địa điểm lưu niệm sự kiện đã được xây dựng mới và tôn tạo như Khu lưu niệm Sáu Điều Bác Hồ dạy CAND (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, nơi khởi nguồn Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, Di tích lưu niệm cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; địa điểm lưu niệm Trường Công an Trung ương tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang; điểm di tích lưu niệm Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, thuộc quần thể Khu Di tích Quốc gia Chiến khu D…

Ngoài ra, một số khu lưu niệm đang trong quá trình lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư xây dựng tôn tạo hay sắp tới một số khu lưu niệm mới cũng sẽ được triển khai, đầu tư xây dựng như công trình Khu di tích An ninh Khu VIII tại tỉnh Đồng Tháp; Khu lưu niệm An ninh miền Đông Nam bộ tại tỉnh Đồng Nai…

Những
Lãnh đạo, CBCS CAND về nguồn tại Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Hòn Đá Bạc.

Riêng ở phía Nam, hệ thống khu lưu niệm, nhà truyền thống, di tích LS-VH của CAND được đánh giá là khá phong phú và đa dạng. Trong đó, nổi bật như Di tích lịch sử "Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam" (Tây Ninh); Di tích lịch sử cấp quốc gia Hòn Đá Bạc (Cà Mau); Khu di tích lịch sử An ninh Khu IX tại huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang; Điểm di tích lưu niệm Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam (Đồng Nai)…

Theo lãnh đạo Ban quản lý Khu Di tích lịch sử Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, khu di tích đã trải qua giai đoạn trùng tu, tôn tạo với nhiều hạng mục công trình trên tổng diện tích 56,71 hecta. Có thể kể như các công trình: Nhà làm việc các đồng chí lãnh đạo Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam; khu tượng đài, nhà trưng bày về cố Bộ trưởng Phạm Hùng; phù điêu Sáu điều Bác Hồ dạy CAND; 39 nhà bia truyền thống của các Tổng cục (cũ) và Công an các tỉnh, thành phía Nam (từ Quảng trị đến Cà Mau); quần thể tượng đài Bảo vệ An ninh Tổ quốc; phù điêu lịch sử lực lượng CAND và Bia ghi danh các liệt sĩ CAND; Nhà Bảo tàng CAND tại Khu di tích…

Ngày nay, khu di tích lịch sử Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam là tổng thể kiến trúc khép kín mang tính thẩm mỹ và giáo dục cao - một "địa chỉ đỏ" lưu giữ những giá trị lịch sử và giáo dục truyền thống quý báu cho các thế hệ CBCS CAND về một thời chiến đấu anh hùng, bất khuất của lực lượng An ninh miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đồng thời phục vụ tốt cho đông đảo cán bộ và đồng bào cả nước đến viếng, tham quan thường xuyên.

Một khu di tích đặc biệt khác tọa lạc trên một hòn đảo và một phần đất liền là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Hòn Đá Bạc - Trung tâm Chỉ huy Kế hoạch Phản gián CM12 tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Nơi đây khung cảnh vẫn còn đậm nét hoang sơ, xung quanh có nhiều tảng đá nối liền, cây cối rậm rạp bao phủ một màu xanh dịu mát…

Lịch sử của khu di tích này có nhiều  đặc biệt. Theo đó, trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chuyên án đấu tranh ngăn chặn âm mưu và hoạt động phá hoại của tổ chức phản động lưu vong "Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam" do hai đối tượng Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu (Kế hoạch phản gián CM12) là một trong những chiến công xuất sắc và đáng tự hào nhất của lực lượng CAND Việt Nam…

Nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức cảnh giác cách mạng và ghi nhớ chiến công vẻ vang của lực lượng CAND, Bộ Công an đã quyết định đầu tư tôn tạo Di tích lịch sử Kế hoạch CM12 tại Hòn Đá Bạc.

Khu di tích này có ba hạng mục chính: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tượng đài "Bảo vệ An ninh Tổ quốc"; Bảo tàng CAND tại di tích và Nhà trưng bày các hiện vật, hình ảnh… về Chuyên án CM12. Năm 2009, khu di tích này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia.

Ở quy mô nhỏ hơn, Khu di tích lịch sử An ninh Khu IX (tại xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) là công trình nhằm tri ân những chiến công, sự hy sinh cao cả và đáp ứng nguyện vọng của các thế hệ CBCS An ninh Khu IX, Công an các tỉnh miền Tây Nam bộ; đồng thời để giáo dục truyền thống đối với lực lượng CAND và các thế hệ sau này.

Được khánh thành vào tháng 4-2015, do Bộ Công an chủ trương xây dựng, Khu di tích lịch sử An ninh Khu IX được xây dựng trên khuôn viên đất có diện tích khoảng 22ha; bao gồm: Tượng đài "Vì an ninh Tổ quốc"; Bức phù điêu "Bảo vệ An ninh Tổ quốc"; Nhà Bảo tàng CAND; Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh... Công trình được UBND tỉnh Kiên Giang xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Những
Trước tượng đài Bảo vệ an ninh Tổ quốc của Khu di tích lịch sử Hòn Đá Bạc.

Qua hơn ba năm đưa vào hoạt động, Khu di tích lịch sử Ban An ninh Khu IX là "địa chỉ đỏ" cho các thế hệ CBCS và nhân dân trong khu vực đến tìm hiểu tư liệu, ôn lại truyền thống lịch sử, về những chiến công, sự phát triển không ngừng của lực lượng CAND qua các thời kỳ…

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đã có hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan, học tập tại các di tích LS-VH CAND. Trong đó, với Di tích lịch sử Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, trung bình hàng năm đón khoảng 300 đoàn với từ 18.000 - 20.000 lượt khách đến tham quan.

Di tích Hòn Đá Bạc từ khi khánh thành đến nay đã đón, phục vụ trên dưới 100.000 lượt khách đến tham quan, du lịch, trong đó có nhiều đoàn khách nước ngoài và kiều bào về thăm quê hương… Với Khu di tích lịch sử An ninh Khu IX, tính từ ngày đưa vào hoạt động đến nay, đã tiếp đón và phục vụ khoảng 50 ngàn lượt người đến tham quan, học tập...

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, Phó Cục trưởng cục Khoa học, chiến lược và lịch sử CAND, phụ trách Viện Lịch sử CAND, để tăng cường hoạt động, từng bước đáp ứng nhu cầu và thu hút khách tham quan, ban quản lý một số di tích LS-VH CAND đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông tổ chức sản xuất phóng sự, phim tư liệu lịch sử nhằm tuyên truyền về truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND, về nét đẹp của con người và cảnh quan sinh thái của khu di tích và lịch sử địa phương.

Ngoài ra, ban quản lý một số khu di tích cũng đã mạnh dạn, bước đầu có các hoạt động liên kết dịch vụ phục vụ nhu cầu của khách tham quan như: tổ chức các chương trình văn hóa văn nghệ, cung cấp các dịch vụ cần thiết đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, bán quà lưu niệm, từng bước xã hội hóa hoạt động của di tích…

"Có thể nói, các di tích LS-VH CAND đã và đang góp phần tích cực trong nhiệm vụ giáo dục truyền thống, xây dựng lực lượng CAND; từng bước đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đồng thời góp phần quan trọng trong nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa CAND", Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái chia sẻ.

Phú Lữ

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây