Trang thông tin điện tử Công an Bắc Kạn

https://conganbackan.vn


Phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên

Thời gian qua, tại tỉnh Bắc Kạn, đã  xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên như rượu ngâm rễ cây rừng, nấm rừng, hái rau rừng về ăn. Trong đó, nguy hiểm nhất là hái nhầm lá ngón, ngộ độc lá ngón xuất hiện rất nhanh và biên chứng nặng nên đã có nhiều người tử vong do ăn phải loại cây kịch độc này.
 Nhóm công nhân ở xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn hái rau rừng về ăn bị ngộ độc do có lẫn lá ngón.

 Nhóm công nhân ở xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn hái rau rừng về ăn bị ngộ độc do có lẫn lá ngón.

Giữa tháng 03 vừa qua, 5 người đi làm công nhân đang thi công công trình tại thôn Nà Cà, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn đã tự nhặt rau rừng và măng để nấu ăn. Sau khi ăn xong tất cả xuất hiện các triệu chứng đau bụng, buồn nôn khiến 1 người tử vong, 4 người phải nhập viện. Trước đó, trong bữa ăn tối 18/3/2022, các thành viên trong nhóm xuất hiện các triệu chứng ngộ độc và được người dân đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn. Sau đó, 01 người đã tử vong, 04 người bị nặng được chuyển đến bệnh viện đa khoa tỉnh và rất may mắn đã qua khỏi cơn nguy kịch. Kết quả ban đầu xác định, món ăn trong bữa ăn của nhóm người nói trên bị ngộ độc có lẫn lá ngón, có thể do sơ suất đã hái nhầm lá ngón về xào măng dẫn đến ngộ độc.

Tại Bắc Kạn, những năm gần đây xảy ra hàng chục vụ ngộ độc do ăn nhầm các loại rau, nấm có độc mọc tự nhiên ở trong rừng. Nhiều vụ ngộ độc tập thể, có trường hợp tử vong. Riêng cây lá ngón xếp hàng thuốc độc bảng A, ăn 3 lá có thể tử vong. Loại cây này mọc nhiều ở các sườn đồi, gần nhà nên rất dễ hái nhầm. Hoa của loại cây này mọc thành chùm ở đầu cành hay kẽ lá, cánh hoa có màu vàng. Mùa hoa rộ vào tháng 6, tháng 8 và tháng 10. Dù chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền nhưng hàng năm vẫn xảy ra các vụ ngộ độc lá ngón khiến nhiều người tử vong. Trước đó, vào tháng 5/2019, 04 nạn nhân, trong đó có 03 người trong 01 gia đình tại thôn Nà Khuổi, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể đã phải nhập viện do ăn nhầm lá ngón, rất may các nạn nhân đều được cấp cứu kịp thời nên đã qua nguy hiểm. Theo bà M.T.L cho biết: Buổi sáng bà lên núi sau nhà hái rau rừng về làm cơm trưa, do nhầm lẫn giữa 2 loại lá rừng rất giống nhau. Chỉ sau khi ăn khoảng 10 phút, cả 4 người đều có chung biểu hiện: Buồn nôn, choáng váng, vật vã. Sau khi tiếp nhận các bệnh nhân, đội ngũ y bác sỹ khẩn trương, tích cực xử lý bởi cả 4 bệnh nhân ngộ độc rất nặng, rối loạn nhịp tim, hôn mê, tụt huyết áp, phải thở máy. Rất may mắn được xử lý cấp cứu kịp thời nên các bệnh nhân đã qua nguy kịch.

Theo thống kê của Phòng An toàn vệ sinh thực phẩm Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn, trong 03 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hơn 10 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 100 người mắc. So với các năm trước, tỷ lệ ngộ độc thực phẩm không tăng, nhưng ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên năm nào cũng có và vẫn thường tập trung tại các thôn, bản vùng cao trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân chính là do người dân còn chủ quan, vẫn hái nấm ở rừng, rễ, quả rừng mà không biết rõ nguồn gốc về sử dụng.  Trước đó, vào tháng 3/2020, sau đi làm thuê về, hai ông B.N.K, H.S.P và anh B.H.L cùng trú tại xã Quảng Khê, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đã đào nhiều đoạn rễ cây rừng mang về nhà ông K và thái lát đoạn rễ cây nói trên cho vào 2 chai rượu. Mấy hôm sau trong bữa cơm tối, cả 3 người cùng uống và đi ngủ. Đến đêm, 3 người này có biểu hiện buồn nôn, chân tay co cứng, nên được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Ba Bể cấp cứu. Nhưng hai ông K và ông P đã tử vong trên đường đi cấp cứu.

Người dân miền núi có thói quen hái rau rừng và các loại nấm về ăn hoặc làm thuốc, nếu không phân biệt rõ rất dễ ăn phải cây có độc. Vào mùa mưa nấm tự nhiên mọc nhiều, trong đó có cả nấm độc. Do đó, tuyệt đối không sử dụng những loại cây rừng khi chưa rõ nguồn gốc. Khi có biểu hiện ngộ độc cần liên hệ và đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế để xử lý kịp thời .Bác sỹ Sằm Tư Thế, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực & Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn khuyến cáo: Người dân không nên tự ý nhặt hái lá mọc tự nhiên ở rừng mà không rõ nguồn gốc mà đặc biệt là không rõ là lá gì dễ gây ngộ độc, nhất là với bà con hay đi rừng, làm nương rẫy không nên tùy tiện lấy các loại cây lạ về sử dụng làm thức ăn hay ngâm rượu uống khi chúng ta chưa biết rõ về những loại cây đó.

Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và có giải pháp xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh, người dân cũng cần cảnh giác trong sử dụng thực phẩm, rất dễ bị nhầm với những loại cây có chứa độc tố, tuyệt đối không hái nấm hoang dại, rau, quả rừng không biết rõ nguồn gốc để ăn, ngâm rượu; nhận biết các loại thực phẩm tự nhiên có thể thu hái, đánh bắt, sử dụng an toàn. Trong quá trình sử dụng thực phẩm, nếu có biểu hiện ngộ độc rượu ngâm rễ, củ cây rừng, cần nhanh chóng gây nôn cho bệnh nhân, sau đó khẩn trương đưa tới bệnh viện cấp cứu. Tuyệt đối không để người bị ngộ độc ở nhà để tự theo dõi và điều trị, người bệnh có thể nhanh chóng bị suy hô hấp, loạn nhịp tim dẫn đến tử vong./.                                                                          

Tác giả: Ngọc Ánh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây