Trang thông tin điện tử Công an Bắc Kạn

https://conganbackan.vn


Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, công tác xây dựng gia đình trên địa bàn tỉnh từng bước được củng cố, ổn định trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội hiện đại.

Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, công tác xây dựng gia đình trên địa bàn tỉnh từng bước được củng cố, ổn định trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội hiện đại.

Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Tỉnh quan tâm tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế hộ gia đình trên địa bàn

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 49-CT/TW đạt được những kết quả nhất định như: Bố trí nguồn lực dành cho công tác gia đình; các mô hình, dự án về gia đình được đầu tư triển khai thực hiện, trách nhiệm của cộng đồng, xã hội về vai trò, vị trí của gia đình được nâng lên, các vấn đề về gia đình như hôn nhân, bạo lực gia đình (BLGĐ) được quan tâm giải quyết kịp thời, số vụ BLGĐ giảm qua từng năm góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững. Qua đó đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, số lượng gia đình văn hóa ngày một tăng và được duy trì qua các năm.

Công tác giáo dục đời sống gia đình được các cấp ủy đảng, chính quyền chú trọng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với công tác gia đình. Từ năm 2008 đến năm 2019, tỉnh đã tổ chức 60 hội nghị, tập huấn, hội thảo, hội thi, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền thu hút hơn 30.000 lượt người tham gia; căng treo hàng nghìn băng rôn, pa nô, áp phích về nội dung phòng, chống BLGĐ; in ấn, cấp phát 50.000 tài liệu tuyên truyền về BLGĐ, bình đẳng giới; tổ chức hơn 10 Hội thi hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ; thực hiện 40 chuyên mục phát sóng như: Hỏi - Đáp về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các phóng sự phản ánh các hoạt động triển khai mô hình các giải pháp can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình; Luật phòng, chống BLGD, các hoạt động, mô hình, tấm gương tiêu biểu trong công tác phòng, chống BLGĐ...

Cùng với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của công tác gia đình, việc tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế hộ gia đình tại cơ sở luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo.UBND tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới và Giảm nghèo tỉnh triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình tại 145 xã trên địa bàn tỉnh, với các mô hình chăn nuôi gà thả đồi, nuôi trâu sinh sản, nuôi dê, nuôi lợn, trồng cam, quýt, hồng không hạt, trồng chè, rau an toàn...; triển khai 51 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm; thực hiện các nội dung hỗ trợ trực tiếp như: Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất cho hộ dân, hợp tác xã, tổ hợp tác. Nhìn chung các mô hình đều mang lại hiệu quả kinh tế, qua đó góp phần không nhỏ vào nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh, đồng thời được các địa phương nhân rộng. Một số xã đã hình thành được vùng cây ăn quả hàng hóa tập trung quy mô lớn như xã Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong.

Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã triển khai các hoạt động cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác từ nguồn ngân sách tỉnh ủy thác với 16.866 triệu đồng cho 399 hộ được vay vốn để thực hiện các mô hình trồng cây ăn quả, trồng và chăm sóc rừng, chăn nuôi trâu bò, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản và sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ trong tỉnh duy trì tốt phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo với nhiều hình thức như: Thực hiện hỗ trợ 23.168 hộ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn về khoa học kỹ thuật, giúp cây, con giống, cho mượn đất canh tác, qua đó đã giúp 6.359 hộ thoát nghèo. Đồng thời tín chấp cho 23.000 lượt hội viên phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế gia đình, các mô hình kinh tế tập thể với tổng số tiền 846 tỷ đồng. Tổ chức dạy nghề cho 14.780 hội viên phụ nữ; hỗ trợ xây dựng duy trì 13 Hợp tác xã với 153 thành viên, 25 tổ hợp tác với 290 thành viên và hỗ trợ xây dựngđược nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như: Trồng khoai tàu, bí xanh, mô hình trồng lúa SRI, trồng rau sạch, trồng nấm, cây ăn quả;chăn nuôi lợn nái địa phương, nuôi gà địa phương bán chăn thả theo phương pháp an toàn sinh học, nuôi ong. Đặc biệt mô hình “Ngân hàng bò”, “Lục lạc vàng” triển khai đến các huyện Chợ Mới, Bạch Thông, Chợ Đồn, Ngân Sơn và thành phố Bắc Kạn, tổng đàn bò của cả 2 chương trình là 176 con với 82 hộ được thụ hưởng, giúp 16 hộ thoát nghèo.

Một trong những mục tiêu chủ yếu của công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa chính là xây dựng gia đình văn hóa. Từ năm 2005 đến năm 2019, toàn tỉnh đã có 768.684 lượt hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 7.320 lượt làng, thôn, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”. Việc xây dựng đời sống văn hóa và nhân rộng các mô hình gia đình điển hình, tiêu biểu luôn được các cấp chính quyền quan tâm thực hiện. Các thành viên chăm lo xây dựng gia đình hòa thuận, đoàn kết, tiến bộ, gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật, quy ước, hương ước của địa phương, chung tay cùng cộng đồng xây dựng nông thôn mới.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác gia đình trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cộng động về vai trò, vị trí của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực, trang bị những kiến thức, đổi mới nội dung và phương pháp truyền thông về công tác gia đình cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp; nâng cao hiểu biết pháp luật về gia đình và các kỹ năng về cuộc sống gia đình, nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình hỗ trợ gia đình có hiệu quả./.

Tác giả: Thu Trang

Nguồn tin: http://backan.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây