Trang thông tin điện tử Công an Bắc Kạn

https://conganbackan.vn


Quan tâm hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật

Nhằm góp phần giảm bớt khó khăn cho người khuyết tật (NKT), tạo điều kiện cho các đối tượng hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, trong đó đáng chú ý là việc hỗ trợ sinh kế, giúp cho nhiều gia đình có NKT thoát nghèo bền vững.

Nhằm góp phần giảm bớt khó khăn cho người khuyết tật (NKT), tạo điều kiện cho các đối tượng hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, trong đó đáng chú ý là việc hỗ trợ sinh kế, giúp cho nhiều gia đình có NKT thoát nghèo bền vững.

Quan tâm hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật
Hợp tác xã Thanh Hải (thành phố Bắc Kạn) chuyên đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh

Bên cạnh việc thực hiện các chương trình trợ giúp người khuyết tật như cấp xe lăn, trao học bổng, phẫu thuật tim, phẫu thuật mắt… từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật thông qua một số hoạt động: Hỗ trợ mua trâu, bò sinh sản; Hỗ trợ máy móc sản xuất; Hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; Hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh dịch vụ; Hỗ trợ mở cơ sở dịch vụ tạo việc làm.

Triển khai chương trình hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2018, 09 hộ gia đình thuộc hộ nghèo có người khuyết tậtở xã Tân Lập (Chợ Đồn) được Trung ương Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cấp vốn trao tặng trâu, bò với tổng trị giá 112 triệu đồng. Năm 2015, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh đứng ra vay vốn ngân hàng 270 triệu đồng với ưu đãi không lãi suất, giúp 18 hộ nghèo của xã Cư Lễ (Na Rì) và xã Hà Vị (Bạch Thông) mua trâu, bò sinh sản. Các hộ được nhận trâu, bò đều phấn khởi và tích cực chăn nuôi, vỗ béo. Phát huy hiệu quả, đầu năm 2017, tại 04 xã của huyện Na Rì, Hội tiếp tục triển khai hỗ trợ 40 con trâu, bò cái cho 40 gia đình nghèo có NKT với tổng giá trị 600 triệu đồng.

Theo kết quả kiểm tra, đánh giá của Hội, số trâu bò của chương trình đã và đang được chăm sóc, phát triển tốt. Bản thân những NKT cũng có thể tham gia trực tiếp vào việc chăn thả, góp phần phát triển kinh tế cho gia đình.Kết quả thu được rất khả quan, cụ thể, tại xã Tân Lập huyện Chợ Đồn, từ chỗ có 9 con trâu, bò đến nay tổng đàn đã tăng trưởng lên 38 con, trị giá gần 400 triệu đồng. Số trâu bò được hỗ trợ tại 6 xã của huyện Na Rì, Bạch Thông trị giá 855 triệu, đến nay tổng đàn đã tăng lên 72 con. Nhờ đó, nhiều gia đình đã có đà vươn lên phát triển kinh tế. 

Không chỉ được hỗ trợ về kinh phí, các hộ nhận bò còn được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc bò sinh sản. Các hộ hưởng lợi từ chương trình được gặp mặt để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và giải đáp thắc mắc. Đồng thời hoạt động theo dõi, giám sát cũng như giúp đỡ các gia đình nuôi trâu, bò cũng được Ban quản lý dự án thực hiện thường xuyên, tất cả đều nỗ lực để có được những kết quả tốt nhất.

Ngoài ra, Hội cũng đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp, các cơ sở, nhà tài trợ, từ năm 2012 đến nay, Hội còn thực hiện hỗ trợ máy móc sản xuất gồm 7 máy tẽ ngô, 7 téc nước inoc cho NKT của xã Quân Bình, huyện Bạch Thông trị giá 14 triệu đồng; Giới thiệu dạy nghề may, sửa chữa điện tử, kim hoàn, tẩm quất xoa bóp, thêu… cho 141 người khuyết tật. Hỗ trợ vốn xây dựng nhà xưởng, phương tiện sản xuất, kỹ năng quản trị kinh doanh, kiến thức quản lý và điều hành cho 5 NKT tại xã Cư Lễ huyện Na Rì, trị giá 100 triệu đồng. Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội đào tạo nghề cho 80 người, với tổng kinh phí trên 350 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm mới, giới thiệu việc làm cho 90 NKT...

Ông Đinh Quang Việt - Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh cho biết: Các mô hình hỗ trợ NKT và hộ gia đình có NKT đã phát huy hiệu quả, không chỉ tạo cơ hội cho NKT thoát nghèo mà còn cải thiện được chất lượng cuộc sống của họ. Điển hình như 09 hộ ở xã Tân Lập (Chợ Đồn) được hưởng lợi từ chương trình đến nay đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Trong thời gian tới, Hội sẽ nhân rộng các mô hình hiệu quả, tiếp tục thực hiện mô hình sinh kế “Ngân hàng trâu, bò sinh sản” tại huyện Bạch Thông, Na Rì, Chợ Đồn; Mô hình giới thiệu học nghề và tạo việc làm…

Có thể thấy, hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, đáp ứng được mong đợi của người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó giúp người khuyết tật vơi đi sự tự ti mặc cảm, có việc làm, có thu nhập, nâng cao nhận thức, ổn định đời sống. Đồng thời mô hình hỗ trợ sinh kế đã góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương, nâng cao nhận thức cộng đồng chia sẻ trách nhiệm với những người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội./.

Tác giả: Thu Trang

Nguồn tin: http://backan.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây