Trang thông tin điện tử Công an Bắc Kạn

https://conganbackan.vn


Ký ức oai hùng của những nữ biệt động Sài Gòn: Cô Ba biệt động

Tinh thần dũng cảm, mưu trí của các chiến sỹ biệt động cùng sự hiệp đồng chặt chẽ với các cơ sở cách mạng đã góp phần đưa hàng tấn vũ khí vào nội đô Sài Gòn, hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ký ức về tháng ngày rực lửa đó vẫn còn in sâu trong tâm trí “Cô Ba biệt động” Nguyễn Ngọc Huệ (hiện ở huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh).

Bà Huệ một trong nhân chứng còn lại của lực lượng Biệt động thành năm xưa, đã từng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

Ký ức oai hùng của những nữ biệt động Sài Gòn: Cô Ba biệt động

Bà Nguyễn Ngọc Huệ tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương.

Vượt qua “vành đai lửa”

Tham gia cách mạng từ khi mới 15 tuổi với nhiệm vụ giao liên trong cứ (căn cứ), năm 1964, bà Nguyễn Ngọc Huệ chính thức vào bộ đội khi vừa tròn 18 tuổi. Nhớ về những ngày “chập chững” theo cách mạng, bà Huệ chia sẻ: “Hồi đó đi theo chú Năm Lai (Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai), chú Ba Đen (chỉ huy đội biệt động A30 sau này) vui lắm. Các ổng dắt vô đơn vị, được vài lần thì quen đường. Mấy ổng thử giao đưa thư, giữa cứ này đến cứ kia ở trong rừng. Đi riết rồi quen, rồi được nhận làm công tác giao liên từ cứ (căn cứ Hố Bò – Củ Chi) về nội đô Sài Gòn – Gia Định, đón cán bộ từ nội đô về cứ. Làm giao liên đến năm Mậu Thân 1968 thì tôi nhận thêm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào nội đô”.

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, yêu cầu quan trọng đảm bảo cho sự thành công của chiến dịch là công tác chuẩn bị tập kết vũ khí vào nội đô. Việc đưa khối lượng lớn vũ khí và phương tiện chiến đấu vào ém sát các mục tiêu dự định tiến công trong sự canh gác, kiểm soát rất gắt gao của địch, nhất là thành phố Sài Gòn - Gia Định, sào huyệt, cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn là một việc làm vô cùng khó khăn và nguy hiểm.

Việc vận chuyển vũ khí được chia làm nhiều chặng, trong đó có ba chặng cơ bản là từ căn cứ, khu kiểm soát của quân giải phóng về căn cứ bàn đạp vùng giáp ranh; từ căn cứ bàn đạp tới các trục giao thông và cuối cùng là chặng đường quan trọng nhất, chứa đựng nhiều nguy hiểm nhất là vận chuyển vào nội đô Sài Gòn.

Do quen thuộc đường vào nội đô và có kinh nghiệm nhiều lần ra vào Sài Gòn làm nhiệm vụ giao liên và vận chuyển tiền, thuốc tây... nên “Cô Ba biệt động” Nguyễn Ngọc Huệ được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ “áp tải” đưa vũ khí vào thành phố. Có lần giao vũ khí cho chú Năm Lai ngay ở lộ, có chuyến chuyển xuống Sài Gòn mới giao. Trước mỗi chuyến hàng, khâu chuẩn bị ngụy trang mất không ít thời gian, súng AK được cuốn trong tấm bồ, thuốc nổ, thủ pháo, lựu đạn cho vào cần xé, để rơm, cà chua, rau củ lên trên như người đi buôn bán nông sản. Đạn súng AK cho vào trong bộ ván gỗ, giữa hai lớp gạo.

Với “Cô Ba biệt động”, kỷ niệm đáng nhớ nhất của 50 năm về trước là những lần vượt qua “vành đai lửa” một cách ngoạn mục. “Có lần vận chuyển đạn AK, để trong bộ ván gỗ, giữa hai lớp gạo ngụy trang do ông Năm Ngọc và ông Chín Ten làm, rất đẹp và bóng. Khi xe bò vừa kéo ra đến đường thì gặp ngay đám lính ở dưới càn lên. Xe bò dừng ngay ở chỗ nhà máy xay lúa, quân địch tới và và săm soi bộ ván. Bà Huệ đã nhanh trí đối đáp: “Sợ pháo nổ sẽ làm hư nên em chở về dưới ngoại gửi. Chỗ đó là ấp chiến lược không có pháo, không có máy bay bắn”, bà Nguyễn Ngọc Huệ kể lại.

Chính câu đối đáp nhanh đó khiến quân địch không nghi ngờ mà còn hỗ trợ bà Huệ vận chuyển bộ ván gỗ. Vững tin, bà Huệ còn lấy nón ra quạt (thực ra là ra ám hiệu an toàn) cho ông Năm Lai đánh xe bò từ đường vào đón bộ ván. Đii được một quãng đường, bà Huệ mới giật mình nhận ra, do chuyên chở nhiều lần, bị va chạm nên bộ ván đã bị hư phía bên dưới, nếu nhìn kỹ sẽ thấy hở bên trong. Thật may quân địch đã không kiểm tra phần dưới bộ ván. , bà Huệ bồi hồi nhớ lại.

Với sự nhạnh trí của mình, “Cô Ba biệt động” cùng các đồng đội đã vận chuyển trót lọt được 4 -5 chuyến, đưa vũ khí vào kho trong nội đô an toàn.

Những chuyến đi “bão táp”

Nhắc lại chuyện xưa, bà Huệ cười hiền hậu nói: “Hồi đó còn trẻ, nhiệt tình và cũng không thấy sợ gì”. Quá trình làm giao liên đã giúp bà Huệ rèn luyện tinh thần và ý chí cách mạng cùng sự khôn khéo trong xử lý các tình huống. Có lần nhận nhiệm vụ chuyển thư từ cứ vào cơ sở trong thành phố, đang lội ruộng tới chỗ đón xe bà Huệ bất ngờ gặp địch, bà đã giả vờ bị ngã để vùi tài liệu xuống ruộng. Chờ quân địch đi qua, bà lại thêm một lần giả vờ ngã xuống ruộng để lấy lại thư.

Không chỉ tham gia vận chuyển vũ khí, “Cô Ba biệt động” còn làm công tác đưa quân vượt qua vòng tuyến địch để vào nội đô. Một trong những chuyến đi đáng nhớ chính là chuyến đi vào trước Tết Mậu Thân (khoảng ngày 29 - 30 Tết Nguyên đán), bà Huệ nhận nhiệm vụ đưa đơn vị với khoảng hai chục người vào Sài Gòn, trong đó có ông Ba Đen, ông Ba Bảo, chị Năm Lớn, chị Năm Nhỏ... Sau này, bà mới biết đó là chuyến đưa đơn vị vào "ém" trong nội đô để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công.

Đi được một quãng đường, phát hiện có người bám theo xe, bà Huệ nhận ra đó là một tên chiêu hồi, trước kia từng làm du kích. Xe của bà ngừng lại, tên chiêu hồi cũng ngừng lại, khi xe chạy thì người này cũng chạy theo. Chuyến đi cuối năm này không thành công vì bị chiêu hồi theo dõi, bà Huệ được cấp trên phân công ở lại cứ, không tham gia trực tiếp cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân. Những ngày Tết Mậu Thân, bà Huệ ở trong căn cứ mà lòng nóng như lửa đốt vì sốt ruột chờ tin đồng đội đang chiến đấu trong nội thành. Khi nhận được tin, người yêu của bà tham gia trận đánh vào Bộ Tổng tham mưu ngụy đã hy sinh, lòng bà càng như có lửa đốt - bà Huệ xúc động kể trong nước mắt.

Mất mát, đau thương của đồng đội, người thân càng hun đúc trong người nữ biệt động trẻ ý chí và lòng quyết tâm. Sau đợt Tết Mậu Thân, bà Huệ tiếp tục trở lại với nhiệm vụ giao liên, vận chuyển thư, hàng, vũ khí từ Củ Chi xuống Gò Đen, Bến Lức, Long An rồi vào nội thành Sài Gòn.

Trong một lần làm nhiệm vụ, bà Huệ cùng một đồng đội của mình bị giặc bắt tại Trường đua Phú Thọ. Địch tìm đủ mọi cách tra tấn, đánh đập, chích điện để lấy lời khai, nhưng bà Huệ cương quyết không khai báo, không thừa nhận mình là biệt động. Suốt 3 tháng trời, mọi âm mưu, thủ đoạn ác độc của địch không bẻ gãy ý chí của bà Huệ, buộc quân địch phải thả bà. Sau một thời gian, bà trở lại căn cứ với đồng đội rồi đi học y tá và tiếp tục nhiệm vụ của một nữ chiến sỹ.

Sau ngày giải phóng, bà Huệ giải ngũ, trở về quê với công việc hàng ngày của một người phụ nữ trong gia đình lo toan tần tảo cho chồng, con.

Giờ đây, ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, bà Huệ vẫn luôn khẳng định thời gian trong lực lượng biệt động thành năm xưa là những năm tháng rất đáng tự hào của tuổi trẻ./.

Tác giả: Xuân Khu - Vũ Lực TTXVN

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây