Trang thông tin điện tử Công an Bắc Kạn

https://conganbackan.vn


Những người biểu tình "Áo vàng" gây rúng động nước Pháp là ai?

Khởi nguồn từ lá thư kêu gọi trên mạng của một phụ nữ bán mỹ phẩm và sự hưởng ứng của một tài xế xe tải, phong trào “Áo gile vàng” đã nhanh chóng lan rộng và biến thành các cuộc biểu tình bạo động nhằm phản đối kế hoạch tăng thuế của chính phủ Pháp.

Pháp chìm trong “biển lửa” của cuộc bạo động tồi tệ nhất nhiều thập niên

Những người biểu tình

Hàng loạt xe hơi bị thiêu rụi trong cuộc bạo động cuối tuần qua ở Paris. (Ảnh: Reuters)

Những chiếc xe hơi bị đốt cháy rụi, những cửa kính nhà hàng, công sở bị đập vỡ, những hình vẽ graffiti tràn lan trên những di sản thiêng liêng ở Paris, trong đó có Khải Hoàn Môn, là những gì người ta có thể thấy sau cuộc bạo động cuối tuần qua ở thủ đô hoa lệ của Pháp.

Công tác dọn dẹp và khắc phục hậu quả của bạo động đã được triển khai. Tuy vậy, những hậu quả để lại sau cuộc bạo động tồi tệ nhất 50 năm qua ở Pháp là vô cùng lớn. Ước tính riêng chi phí khôi phục Khải Hoàn Môn có thể lên tới hơn 1 triệu USD. Hiện giới chức địa phương vẫn đang tính toán thiệt hại vật chất do các cuộc bạo độn gây ra.

Gần 300 người bị thương trong các cuộc biểu tình mang tên "Áo gile vàng" nổ ra ở nhiều thành phố trên khắp nước Pháp cuối tuần qua. Tại Paris, hơn 400 người bị bắt.

Trước tình hình các cuộc bạo động có nguy cơ lan rộng và mất kiểm soát, chính phủ Pháp đã nhượng bộ phong trào biểu tình “Áo gile vàng” với quyết định hoãn tăng thuế xăng.

Vậy những người biểu tình “Áo gile vàng” là ai?

Những người biểu tình

Cô Priscillia Ludosky (Ảnh: Le Parisien)

Phong trào biểu tình "Áo gile vàng" manh nha từ tháng 5 khi một người phụ nữ tên Priscillia Ludosky, người chuyên kinh doanh mỹ phẩm trực tuyến và sống ở ngoại ô Paris, đăng tải trên mạng một lá thư kêu gọi chính phủ Pháp giảm giá xăng dầu. Người phụ nữ này đã tính toán chi tiết các yếu tố cấu thành giá xăng ở Pháp và nhận ra rằng các khoản thuế chiếm tới hơn một nửa.

Lá thư hầu như không nhận được sự hưởng ứng cho tới tận tháng 10 khi Éric Drouet, một tài xế xe tải vô tình đọc được nó và chia sẻ với bạn bè trên Facebook.

Báo chí bắt đầu vào cuộc với các bài viết về lá thư kêu gọi của Priscillia và ngay lập tức, số người ký vào đơn kêu gọi đã tăng từ 700 lên 200.000 người, và hiện giờ đã vượt hơn 1,5 triệu chữ ký, và còn tăng tiếp.

Khi Drouet quyết định tổ chức một cuộc biểu tình của các tài xế vào ngày 17/11 để đề nghị chính phủ hạ giá xăng, phong trào này đã nhanh chóng lan rộng trên mạng xã hội. Cuộc biểu tình đầu tiên này của phong trào Áo gile vàng có sự tham gia của gần 300.000 người.

Những người biểu tình

Người biểu tình Áo gile vàng chiếm giữ Khải Hoàn Môn. (Ảnh: AFP)

Thành phần tham gia ban đầu chủ yếu là những tài xế hoặc những người phải sử dụng xe hơi cá nhân để đi làm hàng ngày, sau dần có thêm sự tham gia của các chủ doanh nghiệp nhỏ, các nhà thầu độc lập, nông dân, các bà nội trợ, y tá. Họ chủ yếu sống ở các khu vực nông thôn hay ở ngoại ô các thành phố lớn.

Những người biểu tình

Áo vàng trở thành biểu tượng cho phong trào bởi các cuộc biểu tình khởi nguồn từ giới tài xế. (Ảnh: EPA)

Ngày 25/11, nhóm phát ngôn của phong trào gồm 8 người được thành lập, trong đó có Priscillia Ludosky và Eric Drouet. Những người còn lại là công nhân, sinh viên luật, thành viên hội đồng hòa giải lao động, chủ doanh nghiệp, nhân viên phục vụ. Nhóm này đã đưa ra mục tiêu hoạt động của phong trào là đề nghị chính phủ xem xét giảm các loại thuế, trong đó có thuế nhiên liệu. Một số khác đề nghị tăng lương tối thiểu, trong khi số khác đề nghị chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron từ chức, tiến hành một cuộc bầu cử trước hạn.

Phản ứng của dư luận và động thái của chính phủ Pháp

Những người biểu tình

Cuộc biểu tình ôn hòa biến thành bạo động. (Ảnh: EPA)

Theo một khảo sát được tiến hành hôm 2/12 của tổ chức Harris Interactive cho truyền thông Pháp, khoảng 72% người Pháp ủng hộ phong trào Áo gile vàng, thậm chí là sau cuộc bạo động ngày 1/12.

Tuy nhiên, 85% nói rằng, họ phản đối tình trạng bạo lực. Đến nay đã có ít nhất 4 người thiệt mạng do các cuộc biểu tình bạo động ở Pháp, trong đó có 3 nạn nhân của 3 vụ tai nạn giao thông và một phụ nữ 80 tuổi thiệt mạng do trúng lựu đạn vì nhà ở gần nơi diễn ra cuộc biểu tình.

Về phía chính phủ Pháp, ban đầu chính quyền của Tổng thống Macron tuyên bố sẽ tìm mọi biện pháp để ngăn chặn các cuộc biểu tình bạo động. Mặc dù tuyên bố sẵn sàng đối thoại với người biểu tình, song chính quyền của ông ban đầu vẫn kiên quyết giữ các kế hoạch cải cách thuế.

Tuy nhiên, vào phút chót, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe ngày 4/12 đã tuyên bố sẽ tạm dừng kế hoạch tăng thuế xăng trong vòng 6 tháng. Ngoài ra, quan chức này cũng công bố kế hoạch tạm dừng tăng giá điện và khí đốt trong 3 tháng.

Tác giả: Minh Phương

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây