Trang thông tin điện tử Công an Bắc Kạn

https://conganbackan.vn


Bước ngoặt

Trong bài phát biểu qua video với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổng thống Zelensky nói Ukraine sẽ không đàm phán với Nga sau khi Moscow tổ chức trưng cầu dân ý về sáp nhập 4 vùng lãnh thổ nước này...

Sáp nhập

Người Nga đặt Ukraine và toàn bộ phương Tây, kể cả Mỹ, vào một tình thế khó khăn bằng việc giới chức hai nước cộng hòa ly khai ở miền Đông Ukraine (Lugansk, Donetsk) và hai vùng đang nằm dưới quyền kiểm soát của phía Nga ở miền Nam Ukraine (Kherson, Zaporizhzhia) đã tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý kéo dài trong 5 ngày về việc sáp nhập các khu vực này vào Nga.

Tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu tại Lugansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson, 4 vùng chiếm 15% diện tích Ukraine, lần lượt là 86,89%, 83,61%, 66,43% và 63,58%. Hãng tin TASS cho biết, kết quả trưng cầu dân ý sẽ được coi là hợp lệ khi tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu trên 50%.

Bước ngoặt -0
Tổng thống Zelensky nói Ukraine sẽ không đàm phán với Nga sau khi Moscow tổ chức trưng cầu dân ý về sáp nhập 4 vùng lãnh thổ nước này. Ảnh: S.t

Theo kết quả sơ bộ được giới chức các khu vực tổ chức trưng cầu dân ý công bố, đa số người dân tham gia trưng cầu đều đồng ý sáp nhập các khu vực này vào Nga. Khu vực Lugansk, 98,42% cử tri ủng hộ chủ trương sáp nhập vào Nga; khu vực Donetsk, tỷ lệ ủng hộ sáp nhập là 99,23%. Ở Kherson, giới chức thông báo 87,05% cử tri lựa chọn sáp nhập vào Nga sau khi hoàn tất kiểm đếm toàn bộ phiếu bầu; tỷ lệ này ở Zaporizhzhia là 93,11%.

Ngày 30-9, lễ ký kết các thỏa thuận về việc sáp nhập 4 vùng vào Nga đã diễn ra tại Moscow với sự chủ trì của Tổng thống Nga V.Putin.

Các thỏa thuận sáp nhập bao gồm các vấn đề như tên và tình trạng của các vùng lãnh thổ mới, quyền công dân, hoạt động của các cơ quan chính quyền, luật pháp... Ngay sau đó, Tổng thống Nga V.Putin đã ký sắc lệnh phê chuẩn các thỏa thuận này.

Cả Duma quốc gia Nga, tức Hạ viện Nga và Hội đồng Liên bang, tức Thượng viện Nga đã nhanh chóng phê chuẩn các thỏa thuận sáp nhập 4 vùng lãnh thổ vào Nga. Quá trình này đã hoàn thành trên thực tế. Như vậy, điều mà dư luận lâu nay dự đoán đã thành sự thật: Quá trình pháp lý để sáp nhập vào Nga một số vùng lãnh thổ ly khai khỏi Ukraine đã được thực hiện và khó có thể đảo ngược. Nếu như việc hai nước Bắc Âu lâu nay có truyền thống trung lập là Phần Lan, Thụy Điển xin gia nhập NATO là một trong những hệ lụy bất ngờ nhất về mặt địa chính trị của cuộc xung đột ở Ukraine, thì việc 4 vùng lãnh thổ nhanh chóng bắt đầu quá trình sáp nhập vào Liên bang Nga là một bước ngoặt kịch tính của cuộc xung đột này.

Điều đáng lo ngại là bước ngoặt này có khả năng mang cuộc xung đột ở Ukraine sang những chặng đường mới, có thể dẫn tới thảm họa không lường trước được.

Những phản ứng đầu tiên

Hệ lụy đầu tiên mà các cuộc trưng cầu dân ý ở 4 vùng lãnh thổ đưa tới kết quả đồng ý sáp nhập vào Nga là nó khiến cho cuộc xung đột (Nga gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt", còn Ukraine gọi là "chiến tranh") đi tới một điểm rất khó để quay đầu. Từ nhiều ngày trước khi diễn ra các cuộc trưng cầu dân ý, Ukraine và phương Tây đều đồng loạt lên tiếng phản đối, tuyên bố "không bao giờ" chấp nhận kết quả các cuộc trưng cầu dân ý đó.

Ukraine cảnh báo bất kỳ công dân nào tham gia tổ chức bỏ phiếu sẽ phải đối mặt với án tù từ 5 đến 10 năm, có thể bị cấm đảm nhiệm một số vị trí nhất định hoặc cấm tham gia một số hoạt động nhất định trong thời gian tối đa 15 năm.

Ngoài ra, tài sản của họ cũng có thể bị tịch thu. Trong khi đó, những công dân Ukraine bình thường cũng có thể bị trừng phạt vì tham gia bỏ phiếu.

Trong bài phát biểu qua video với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổng thống Zelensky nói Ukraine sẽ không đàm phán với Nga sau khi Moscow tổ chức trưng cầu dân ý về sáp nhập 4 vùng lãnh thổ nước này. "Việc Nga công nhận các cuộc trưng cầu dân ý giả là “bình thường”, thực hiện kịch bản giống như ở Crimea trước đây và một nỗ lực khác nhằm sáp nhập lãnh thổ Ukraine đồng nghĩa rằng không còn gì để nói với Tổng thống Nga hiện tại", ông Zelensky nói.

Nhưng, ngoài những tuyên bố phản đối các cuộc trưng cầu dân ý và các thỏa thuận sáp nhập 4 vùng ly khai, liệu Kiev có thể đi xa đến đâu trong những phản ứng đối với động thái này của Moscow?

Ngay trong ngày Tổng thống V.Putin chủ trì lễ sáp nhập 4 vùng lãnh thổ, Tổng thống Zelensky cũng công bố Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO. Đơn này được 9 thành viên trong NATO ủng hộ nhưng đã nhanh chóng bị dội nước lạnh khi Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố Mỹ cam kết thực hiện chính sách "mở cửa" về việc kết nạp các thành viên mới vào NATO nhưng hiện tại chưa phải lúc thích hợp để xem xét đơn xin gia nhập của Ukraine.

Bước ngoặt -0
Hình ảnh lá phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý ở Donetsk. Ảnh: S.t

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói rằng Berlin sẽ làm mọi cách để NATO không trở thành một bên trực tiếp trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Còn Tổng Thư ký NATO Stoltenberg nói rằng NATO ủng hộ quyền lựa chọn liên minh của Ukraine nhưng vấn đề tư cách thành viên sẽ được quyết định bởi sự đồng thuận của tất cả 30 quốc gia thành viên hiện có.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết, Washington đưa ra một dự thảo nghị quyết tại Hội đồng Bảo an, kêu gọi các quốc gia thành viên không công nhận bất kỳ thay đổi nào đối với Ukraine và buộc Nga phải rút quân. Như dự đoán, dự thảo này nhanh chóng bị Nga phủ quyết nên theo quy trình của Liên hợp quốc, Washington cân nhắc đưa vấn đề này lên Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Mỹ biết những phản ứng ở nghị trường như vậy không có tác dụng gì nhiều đối với Nga cũng như không có mấy tác động đối với cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine. Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga "trong những ngày tới" do các cuộc trưng cầu dân ý của Moscow ở 4 khu vực thuộc miền Đông và miền Nam Ukraine về việc sáp nhập vào Nga.

Các quan chức của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trước đó cho biết những biện pháp trừng phạt bổ sung này sẽ nhằm vào lĩnh vực tài chính và công nghệ.

"Tất cả công cụ sẵn có" là gì?

Nhưng, câu chuyện trưng cầu dân ý và sau đó 4 vùng ly khai sáp nhập vào Nga không dừng lại ở những lời phản đối hay thậm chí các "gói trừng phạt" cũng như "phản trừng phạt" giữa Nga với phương Tây. Nó gợi ra tiến trình của các bước leo thang không dừng nổi giữa hai bên mà đích đến nằm ở một viễn cảnh đáng sợ: Đòn tấn công hạt nhân.

Giờ đây, khi Nga đã sáp nhập 4 vùng lãnh thổ, giới chức Nga từng cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào của Ukraine nhằm chiếm lại 4 khu vực này cũng đồng nghĩa với một cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Nga.

Tổng thống Putin từng không chỉ một lần trong các bài phát biểu tuyên bố sử dụng "tất cả công cụ sẵn có" để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Cảnh báo này của ông Putin đủ mơ hồ để cho phép Nga thực hiện những hành động leo thang khác, trong đó có lệnh tổng động viên, mà không nhất thiết phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân.

Nhưng, không ai có thể loại trừ được "tất cả công cụ sẵn có" đó không bao gồm cả đòn tấn công hạt nhân, điều mà Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Medvedev, người nổi tiếng với quan điểm cứng rắn, đã không ít lần công khai khẳng định.

Từ đây, lại đi đến một câu hỏi: Trong trường hợp Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để bảo vệ những vùng mới sáp nhập mà Nga coi đó là lãnh thổ của họ thì Mỹ có thể phản ứng đến mức nào?

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tuyên bố Moscow sẽ phải đối mặt với phản ứng cứng rắn của Washington nếu sử dụng vũ khí hạt nhân. Thế nhưng, "cứng rắn" đến mức nào là một khái niệm khó định lượng. Hầu hết các nhà phân tích cho rằng phản ứng cứng rắn này sẽ không phải là một đòn tấn công đáp trả bằng vũ khí hạt nhân bởi vì Mỹ và cả phương Tây vẫn muốn tránh một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga trên chiến trường.

Thay vào đó, Mỹ và đồng minh chỉ muốn một cuộc chiến ủy nhiệm ở Ukraine bằng cách liên tục bơm khí tài quân sự cho Kiev. Tuy nhiên, nếu nổ ra một đòn tấn công hạt nhân, dù chỉ ở cấp chiến thuật, không một ai biết những hậu quả mà nó gây ra mà một trong số đó là các đám mây phóng xạ có thể phát tán và liệu nó có giới hạn chỉ ở trong lãnh thổ Ukraine hay không?

Hết sức thận trọng!

Chỉ có điều hiển nhiên là quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân luôn đi kèm với những nguy cơ lớn mà bất cứ nhà lãnh đạo chính trị nào cũng phải cân nhắc rất kỹ lợi-hại.

Xét về thực tế chiến trường Ukraine, việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ sẽ không mang lại quá nhiều lợi thế bởi lẽ Ukraine không tập trung nhiều quân tại một địa điểm mà phân tán lực lượng trên chiến tuyến kéo dài hàng ngàn km. Vũ khí hạt nhân sẽ không gây ra thiệt hại lớn trong cùng một thời điểm cho các lực lượng của Ukraine, trong khi những đám bụi phóng xạ trên chiến trường có khả năng sẽ gây tác hại như nhau cho cả hai bên.

Nếu tấn công hạt nhân vào các trung tâm đô thị hay các khu dân cư thì cũng chẳng mang lại lợi ích chiến lược nào ngoài việc mong muốn gây khiếp sợ cho Kiev. Ngay cả điều đó, nếu có diễn ra, cũng chẳng phải là một đảm bảo chắc chắn cho việc kết thúc chiến tranh mà chưa kể là sẽ gây nên sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế cũng như phản ứng đáp trả mạnh mẽ của phương Tây.

Xét trên tất cả mọi khía cạnh, các cuộc trưng cầu dân ý vừa diễn ra ở 4 vùng lãnh thổ Ukraine là một bước ngoặt của cuộc chiến tranh chưa biết đến bao giờ mới kết thúc này. Bước ngoặt ấy có dẫn tới một kết thúc bi thảm hay không, tất cả tùy thuộc vào sự cân nhắc hết sức thận trọng, có lý trí của tất cả các bên tham gia cuộc xung đột.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây