Trang thông tin điện tử Công an Bắc Kạn

https://conganbackan.vn


Đẩy mạnh xây dựng phong cách, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Hội thảo chuyên đề "xây dựng phong cách, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đã đề cập sâu đến việc xây dựng phong các, tác phong của cán bộ, đảng viên...

Hội thảo chuyên đề cấp tỉnh “xây dựng phong cách, tác phong  công tác của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã đề cập sâu đến việc xây dựng phong các, tác phong của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh và hướng đến nhiều vấn đề cụ thể, sâu sắc, thậm chí gai góc, nhạy cảm. Phóng viên Báo Bắc Kạn đã lược ghi một số ý kiến tham luận trong hội thảo.

 

Đẩy mạnh xây dựng phong cách, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Đồng chí Triệu Đức Lân- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bắc Kạn:

Từ sau Đại hội Đảng bộ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020, Thường trực Thành uỷ luôn chú trọng phát huy vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu. Từ khẩu hiệu hành động là: "Chủ động, sâu sát, chính xác, kịp thời - Đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, kỷ cương - Trung thực, trách nhiệm, gắn bó với nhân dân", Ban Thường vụ Thành uỷ tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình trọng tâm gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Một số nhiệm vụ bước đầu đạt kết quả tốt, cụ thể:

Một là, tập trung chấn chính lề lối làm việc, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với kỷ cương, kỷ luật công vụ.

Trước hết, chúng tôi quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu phải nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, trung thực, chủ động, sâu sát, chính xác, kịp thời trong thực thi công việc. Đối với người đứng đầu phải gương mẫu rèn luyện, xây dựng tác phong làm việc nghiêm túc, khoa học, có chương trình, kế hoạch công tác rõ ràng, thiết thực; bảo đảm phát huy dân chủ,phát huy tính tích cực, tự chủ, sáng tạo của cấp dưới, của công chức trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công, phân cấp.

Trong cải cách hành chính, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khoá VI, nhiệm kỳ 2015-2020 đặt ra mục tiêu: “… phấn đấu xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin và chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) hằng năm dẫn đầu khối huyện, thành phố”, với 4 nhóm giải pháp chính: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chế độ công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả, hướng tới mục đích chung là phục vụ người dân tốt hơn. Xây dựng bộ máy hành chính theo hướng dân chủ, trong sạch, vững mạnh; từng bước hiện đại hóa, thực hiện chính quyền điện tử trong lĩnh vực tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và trong hoạt động điều hành công việc của cơ quan Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong Đảng theo Kết luận số 82-KL/TW ngày 16 tháng 8 năm 2010 của Bộ Chính trị. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Đảng theo Kế hoạch số 198-KH/TU ngày 18 tháng 6 năm 2015 của Tỉnh uỷ Bắc Kạn.

Với nhiệm vụ và giải pháp cơ bản nêu trên, qua ba năm thực hiện, chúng tôi thấy các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra từ đầu nhiệm kỳ đến nay vẫn rất đúng và trúng. Qua đó góp phần góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của thành phố gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết hội TW 4 khóa XI, khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nền nếp kỷ cương, kỷ luật công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức được tăng cường; cải cách hành chính có bước chuyển biến tốt, tạo được không khí làm việc tích cực, trách nhiệm và hiệu quả, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Hai là, xây dựng phong cách làm việc luôn đổi mới, phát triển: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020 đặt ra nhiệm vụ: Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng; phải nhạy bén, kiên quyết, sáng tạo, bám sát thực tiễn của địa phương, đơn vị; khắc phục tình trạng làm việc theo lối mòn cũ, bảo thủ, yếu kém ở một số mặt trong công tác lãnh đạo, quản lý và các biểu hiện trì trệ trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Đối với các cấp uỷ, chính quyền các cấp, chúng tôi đặt ra nhiệm vụ: Đổi mới trong ban hành Nghị quyết. Đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành. Đổi mới phương thức quản lý, lề lối làm việc của cơ quan hành chính. Đối với từng cá nhân cán bộ, công chức và người đứng đầu chúng tôi luôn luôn yêu cầu phải năng động, đổi mới.

Kết quả là, từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI đến nay, công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố có nhiều nhiều đổi mới, cơ bản khắc phục được tình trạng làm việc theo lối mòn cũ, bảo thủ, và các biểu hiện trì trệ trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Thành uỷ không ban hành các nghị quyết chuyên đề mà ban hành 6 Chương trình công tác trọng tâm để tổ chức thực hiện, thành lập Ban chủ nhiệm từng Chương trình do các đồng chí trong Thường trực Thành uỷ, lãnh đạo UBND làm trưởng ban, thành viên là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị liên quan; các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên chỉ đạo thuộc phạm vị thực hiện của chương trình nào do Ban chủ nhiệm đó chịu trách nhiệm. Sau 3 năm thực hiện nghị quyết Đại hội, Thành uỷ chỉ ban hành 08 nghị quyết. Như vậy, đổi mới ở đây không chỉ là hạn chế ban hành nghị quyết, mà các nhiệm vụ trọng tâm theo 6 chương trình công tác có phân công trách nhiệm rõ ràng đến cơ quan, đơn vị, có người đứng đầu chịu trách nhiệm. 

Ba là, xây dựng phong cách làm việc quần chúng, gắn bó với nhân dân.

Học tập và làm theo Bác về cách làm việc, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố, chúng tôi đã cụ thể hoá bằng nhiều biện pháp và đạt một số kết quả, ví dụ: Một trong 4 nhiệm trọng tâm mà Đại hội Đảng bộ thành phố khoáVI đặt ra là Tập trung giải quyết những tồn tại, vướng mắc kéo dài, nhất là về quản lý đất đai, quản lý đô thị, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản, giải quyết đơn thư. Đây là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, không có nhân dân giúp sức thì không xong.

Thực hiện nhiệm vụ này, thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp như: Tổ chức các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với nhân dân theo các nhóm đối tượng;các cơ quan, đơn vị xây dựng lịch tiếp, đối thoại với công dân để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân qua đó tập trung chỉ đạo, giải quyết;chủ động tiếp công dân (ngoài lịch tiếp công dân) và giải quyết đơn thư; công khai đường dây nóng; thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi nhân dân theo Quy định số 14/2016/QĐ-UBND ngày 23/6/2016 của UBND tỉnh; thành lập Tổ tư vấn, phản biện xã hội của MTTQ để tham gia ý kiến vào các chương trình, kế hoạch công tác lớn của thành phố; ban hành quy định về việc lấy ý kiến nhân dân về mức độ hài lòng của người dân đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý của thành phố; Yêu cầu cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các đơn vị phải gần gũi quần chúng, lắng nghe và thấu hiểu mong muốn của quần chúng, thường xuyên đi cơ sở tìm hiểu thực trạng đời sống, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng.Từ cách làm trên, nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc tồn đọng kéo dài trên địa bàn thành phố đã được giải quyết, số đơn thư giảm hẳn.

Những biện pháp trên không chỉ góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị mà còn nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức;đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên ở bất kỳ vị trí công tác nào cũng phải “nêu gương”; cán bộ, đảng viên càng giữ vị trí cao, nhất là người đứng đầu, càng phải nêu gương, nêu gương trở thành mệnh lệnh không lời.

 Đồng chí Đồng Văn Lưu, Bí thư Huyện Ủy Bạch Thông

 

Đẩy mạnh xây dựng phong cách, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Ảnh minh hoạ 2
IMG_0510.JPG

Xây dựng phong cách diễn đạt, ứng xử, sinh hoạt và đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân trong công tác xây dựng Đảng tại huyện Bạch Thông.

Trên cơ sở quán triệt, triển khai, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05-CT/TW. Những năm qua, việc xây dựng phong cách diễn đạt, ứng xử, sinh hoạt và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân của đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Bạch Thông đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chú trọng triển khai thực hiện gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng:

Trước hết về xây dựng phong cách diễn đạt của người cán bộ, đảng viên: Huyện ủy Bạch Thông đã quan tâm rèn luyện kỹ năng diễn đạt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với quần chúng nhân dân; vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện đúng, có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện nâng cao khả năng diễn đạt, từng bước hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Chính vì vậy, việc học tập và làm theo phong cách diễn đạt của Bác đã góp phần khắc phục suy thoái của cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Bạch Thông trong cách nói và viết, nói đi đôi với làm; ngăn chặn, chống lại biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chống lại những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù.

Về phong cách ứng xử: Thông qua việc học tập và làm theo phong cách ứng xử Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Quan tâm thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong cán bộ, đảng viên”. Chỉ đạo đội ngũ cán bộ, đảng viên thực hiện tốt việc ứng xử chân tình, thân thiện, tôn trọng, gần gũi đồng chí, đồng nghiệp; xây dựng được phong cách ứng xử có văn hóa ở các cơ quan, đơn vị; đặc biệt chú trọng quan hệ ứng xử với nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến phản ánh nhân dân. Chủ động trong công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, công chức trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc được phân công, phụ trách, xứng đáng là người công bộc, là đầy tớ của nhân dân. Đội ngũ cán bộ, đảng viên của huyện hiện nay đã và đang thay đổi tác phong làm việc theo hướng tích cực, với phương châm: đúng giờ giấc, công tác đúng mực, đổi mới phương pháp làm việc; thái độ phục vụ nhân dân hòa nhã, tận tụy, gắn bó với nhân dân; cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, gây mất thời gian, tiền của của nhân dân…

Về phong cách sinh hoạt: Các cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở thường xuyên chỉ đạo, giáo dục cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên nên: Sống trong sạch, giản dị, hòa đồng, gần gũi với nhân dân, sẵn sàng giúp đỡ nhân dân khi họ cần, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, đề xuất với cấp ủy, chính quyền giải quyết những vấn đề chính đáng cho nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tích cực tham gia các phong trào của địa phương, cơ quan, đơn vị phát động. Thường xuyên tự phê bình, tự điều chỉnh, sửa chữa những thói hư, tật xấu của bản thân và mạnh dạn, thẳng thắn góp ý cho đồng chí, đồng nghiệp trên tinh thần đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ; không lợi dụng tự phê bình và phê bình để phê phán, nói xấu đồng chí, đồng nghiệp. Trong sinh hoạt hàng ngày từ ăn, mặc, ở, đi lại đều phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Về chống chủ nghĩa cá nhân: Huyện ủy Bạch Thông thường xuyên giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thông qua việc tổ chức học tập chính trị, kết hợp với rèn luyện trong thực tiễn công tác; xây dựng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện tinh thần trách nhiệm và ý thức chính trị, nhận thức rõ về sự nguy hại của chủ nghĩa cá nhân đối với cơ quan, đơn vị và xã hội; tự giác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống; tạo động lực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Phát huy dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, củng cố mối liên hệ mật thiết với nhân dân; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để quần chúng nhân dân tham gia góp ý phê bình cán bộ, đảng viên; qua đó, góp phần phòng ngừa và đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Duy trì và thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, thông qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng đã kịp thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn chủ nghĩa cá nhân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn.

Để Xây dựng phong cách diễn đạt, ứng xử, sinh hoạt và đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân trong công tác xây dựng Đảng một cách thiết thực có hiệu quả. Trong thời gian tới, Huyện ủy Bạch Thông tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung sau: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; Thường xuyên nắm bắt, cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của cấp ủy, chính quyền địa phương đến với quần chúng nhân dân; Thực hiện nghiêm túc Quyết định số 213- QĐ/QĐTU ngày 01 tháng 3 năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về việc ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Quyết định số 214- QĐ/QĐTU ngày 01 tháng 3 năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về việc ban hành Quy định trách nhiện của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tiếp thu góp của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng đảng, chính quyền; Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, thể hiện cụ thể trong suy nghĩ và thực hiện công việc hàng ngày, trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; Nêu cao tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý trong việc triển khai thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, gắn trách nhiệm của từng cá nhân, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh; giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm, bức xúc ngay từ cơ sở…

Đồng chí Tạc Văn Nam- Phó Giám đốc Sở Y tế:

Đẩy mạnh xây dựng phong cách, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Ảnh minh hoạ 3

Thực trạng việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp trước tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế hiện nay.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, xuất phát từ thực tiễn các cơ sở y tế, ngành Y tế Bắc Kạn đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động để giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành. Xây dựng kế hoạch thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”  trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn với mục đích nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, phong cách phục vụ người bệnh của cán bộ y tế, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế, xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ y tế.

Kế hoạch tập trung vào các nội dung: Thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, Ban chỉ đạo của các bệnh viện; tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp cho cán bộ y tế; thành lập phòng công tác xã hội tại các bệnh viện, thành lập đơn vị chăm sóc khách hàng tại khoa khám bệnh; thực hiện nghiêm quy định trang phục ngành y tế; tiếp tục thực hiện đường dây nóng theo Chỉ thị 09, ngày 22 tháng 11 năm 2013 của Bộ Y tế; các đơn vị tiếp tục triển khai hòm thư góp ý đặt tại những nơi người dân dễ tiếp cận; triển khai đề án “Tiếp sức người bệnh trong bệnh viện” nhằm phát huy vai trò của tuổi trẻ ngành y tế trong việc đón tiếp, phục vụ bệnh nhân và người nhà đến khám, điều trị; xây dựng phong cách, thái độ phục vụ, văn minh thân thiện tại các bệnh viện; tổ chức ký cam kết và thực hiện cam kết; tổ chức thanh tra, kiểm tra và giám sát trong quá trình thực hiện.

Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện trên địa bàn tỉnh kế hoạch gồm 12 thành viên do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban; thành lập BCĐ thực hiện kế hoạch của ngành do đồng chí Giám đốc Sở Y tế làm trưởng ban; 100% các bệnh viện thành lập BCĐ.

Sở Y tế mời các chuyên gia của Bộ Y tế tập huấn cho lãnh đạo chủ chốt các đơn vị; các bệnh viện tổ chức tập huấn cho toàn thể cán bộ viên chức, ký cam kết thực hiện theo từng cấp (giữa lãnh đạo Sở Y tế, Công đoàn ngành với lãnh đạo các đơn vị khám chữa bệnh, giữa lãnh đạo đơn vị với các Trưởng khoa và Trưởng khoa với từng cán bộ, viên chức), thành lập tổ, bộ phận chăm sóc khách hàng tại khoa khám bệnh.

Một số đơn vị triển khai đề án “Tiếp sức người bệnh” để hướng dẫn, đón, đưa người bệnh về các khoa điều trị, hướng dẫn thủ tục hành chính, ra vào viện, giúp đỡ các bệnh nhân nặng, bệnh nhân đi lại khó khăn, tạo môi trường bệnh viện thân thiện và tâm lý thoải mái, yên tâm cho người bệnh. Tiếp tục triển khai đường dây nóng theo Chỉ thị 09/CT-BYT, ngày 22 tháng 11 năm 2013 của Bộ Y tế, niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế, Sở Y tế.

Triển khai hòm thư góp ý đặt tại nơi người dân dễ tiếp cận, thực hiện nghiêm quy định trang phục ngành y tế. Thực hiện khẩu hiệu: “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”. Đồng thời, tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện và quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, tất cả vì người bệnh và vì sự phát triển của đơn vị.

Qua hơn 1 năm thực hiện, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế đã có sự thay đổi rõ rệt, trách nhiệm với nghề nghiệp, với người bệnh từng bước được nâng cao. Nhiều dịch vụ y tế mới được triển khai có hiệu quả, người bệnh được tiếp cận một cách thuận lợi hơn với các loại hình dịch vụ y tế, sự hài lòng của người bệnh đối với ngành y tế cũng được thể hiện rõ nét hơn qua thăm dò, phản ánh từ người bệnh, từ dư luận xã hội và đặc biệt qua hòm thư góp ý, đường dây nóng cũng như giảm tuyệt đối đơn thư khiếu nại, tố cáo. Chất lượng khám, chữa bệnh cũng từng bước được nâng lên.

Chúng ta đều biết, nghề y là được xem là một nghề đặc biệt, những người thầy thuốc là những người có trách nhiệm đặc biệt vì liên quan đến tính mạng con người. Bên cạnh trình độ chuyên môn tốt, đòi hỏi người thầy thuốc phải ý thức trách nhiệm cao, lương tâm nghề nghiệp trong sáng, tất cả vì người bệnh, lấy sự hài lòng của người bệnh làm trung tâm phục vụ.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, trong thời gian tới ngành y tế tập trung triển khai một số giải pháp cơ bản như:

Một là, thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, thực hiện Quy tắc ứng xử gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm tạo sự chuyển biến, thay đổi nhận thức, phong cách, kỹ năng giao tiếp, ứng xử đối với người bệnh và nhân dân.

Hai là, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác cải cách hành chính, tập trung cải tiến quy trình khám bệnh nhằm giảm thủ tục, thời gian cho người dân khi đến khám, chữa bênh.

Ba là, tập trung xây dựng bệnh viện “xanh - sạch - an toàn”, để tạo cảnh quan và cải thiện môi trường làm việc của cán bộ y tế, giúp người dân an tâm, thoải mái, thuận tiện khi đến khám, chữa bệnh.

Bốn là, tiếp tục củng cố và thành lập "Phòng công tác xã hội" hoặc bộ phận "Chăm sóc khách hàng” tại các đơn vị để đón tiếp, hướng dẫn, cung cấp thông tin cần thiết, chỉ dẫn các vị trí, các khu vực, khoa phòng,các dịch vụ cần thiết cho người bệnh.

Năm là, tiếp tục triển khai đề án “Tiếp sức người bệnh trong bệnh viện” nhằm giúp đỡ bệnh nhân và người nhà khi đến khám, điều trị.

Sáu là, duy trì thực hiện công khai niêm yết số điện thoại "đường dây nóng", hộp thư điện tử của đơn vị và cá nhân lãnh đạo theo Chỉ thị số 09/CT-BYT ngày 22/11/2013, đồng thời duy trì, củng cố hòm thư góp ý tại các đơn vị khám chữa bệnh. Kịp thời xác minh rõ các trường hợp được phản ánh và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Với lộ trình tính đúng, tính đủ giá các dịch vụ y tế song song với thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, người dân có quyền đòi hỏi chất lượng dịch vụ y tế, trong đó tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế là thước đo chất lượng dịch vụ. Mỗi cán bộ y tế cũng tự ý thức được chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ người bệnh cũng là vấn đề sống còn và phát triển của đơn vị, là địa chỉ tin cậy để bệnh nhân (khách hàng) lựa chọn. Do vậy, việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh của cán bộ y tế là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi cán bộ y tế, vì sự hài lòng của bệnh nhân, vì sự phát triển của ngành y tế./.

Tác giả: Hồng Hạnh (Lược ghi)

Nguồn tin: http://baobackan.org.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây