HOICHOTHUONGMAI

Nhân quyền và một số kiến thức về nhân quyền

Chủ nhật - 03/12/2017 23:02
Ngày 10 tháng 12 năm 1948 tại Paris, Pháp, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Đây là tuyên ngôn nhân quyền đầu tiên trên thế giới, trong đó liệt kê các quyền cơ bản mà mọi cá nhân được hưởng. Ban tuyên ngôn này có 30 điều được xây dựng trong các Thỏa ước quốc tế, thỏa ước nhân quyền khu vực, hiến pháp và luật pháp quốc gia. Nhân quyền (hay còn gọi quyền con người) và quyền công dân có gì khác nhau, vấn đề về nghĩa vụ quốc gia với điều ước quốc tế về quyền con người, những quy định pháp luật nhân quyền ở nước ta như thế nào, mời các bạn cùng tìm hiểu.
Quyền con người (nhân quyền) là quyền của tất cả mọi người, xuất phát từ nhân phẩm vốn có của con người, được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Tại Việt Nam, quyền con người thường được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong hệ thống pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế.
Quyền công dân là tập hợp những quyền con người được pháp luật của một quốc gia ghi nhận và chỉ những người mang quốc tịch của nước đó thì mới được hưởng các quyền công dân mà pháp luật nước đó quy định. Như vây, quyền công dân của nước CHXHCN Việt Nam là tập hợp những quyền được Hiến pháp và pháp luật nước CHXHCN Việt Nam ghi nhận và chỉ những người mang quốc tịch Việt Nam mới được hưởng.
Quyền con người và quyền công dân có mối liên hệ chặt chẽ, tác động, bổ sung lẫn nhau. Song không đồng nhất với nhau. Quyền con người là quyền tự nhiên, sẵn có; quyền công dân là quyền và nghĩa vụ thực thi pháp luật và chỉ bị hạn chế một phần do luật định. Nhận thức đúng đắn về sự cân bằng giữa các quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức có tầm quan trọng đặc biệt, nó giúp cá nhân, tổ chức có thái độ, hành động đúng đắn, khách quan, tránh những hành động phiến diện, cực đoan trong các vần đề liên quan đến quyền con người.
Việt Nam đã phê chuẩn và gia nhập nhiều Điều ước quốc tế về quyền con người. Việt Nam tôn trọng và cam kết thực hiện các Điều ước quốc tế về quyền con người. Điều ước về quyền con người nhằm thúc đẩy Việt Nam thực hiện nghĩa vụ và có trách nhiệm trong đảm bảo quyền con người.
Các quy định của pháp luật Việt Nam về quyền con người:
Các quyền cơ bản được Hiến pháp năm 2013 quy định
* Quyền dân sự, chính trị  gồm 11 quyền:
- Quyền sống: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng một cách trái pháp luật” (Đ19).
- Quyền không bị phân biệt đối xử và bình đẳng trước pháp luật: Được qui định tại các Điều 16, 26 Hiến pháp 2013, Điều 5 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, Điều 8 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2005, Điều 10 Luật Tố tụng Hành chính, trong đó Điều 16 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người đều có quyền bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”.
- Quyền tự do và an toàn cá nhân, không bị bắt, giam giữ tùy tiện:  Khoản 2, Điều 20 của Hiến pháp năm 2013 qui định: “Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam giữ người do luật định”.
- Quyền không bị tra tấn, được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm: Khoản 1, Điều 20 Hiến pháp năm 2013 qui định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm”.
- Quyền được bảo vệ sự riêng tư và chỗ ở hợp pháp: Được qui định tại Điều 21, 22 Hiến pháp năm 2013, đồng thời được qui định cụ thể trong Bộ luật Hình sự và Tố tụng Hình sự của Việt Nam.
- Quyền xét xử công bằng: Được qui định tại Điều 31 của Hiến pháp năm 2013 tương đối chi tiết, cụ thể. Khoản 2, Điều 31 nhấn mạnh: “Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo qui định của luật thì việc tuyên án phải được công khai”.
 - Quyền được tham gia vào đời sống chính trị: Mọi công dân Việt Nam, đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, đều có quyền tham gia vào việc xây dựng, bảo vệ và quản lý đất nước. Đây là quyền chính trị rất đặc biệt, là quyền của công dân tham gia vào đời sống chính trị, điều hành các công việc của xã hội. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam hiện hành đều ghi nhận và bảo đảm cho các quyền này được thực hiện.       
- Quyền tự do đi lại và cư trú: Quyền tự do đi lại, cư trú là một trong những quyền quan trọng cho sự phát triển cá nhân, đồng thời là tiền đề cho phát triển xã hội. Quyền tự do đi lại bao gồm các quyền: tự do đi lại trong phạm vi lãnh thổ quốc gia; tự do đi khỏi bất kỳ nước nào, kể cả nước mình và trở về nước mình và tự do lựa chọn nơi sinh sống trên lãnh thổ quốc gia. Các quyền này cũng được thể hiện tại Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992, 2013, Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014…
- Quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. (Điều 25 - Hiến pháp năm 2013).
- Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” (Điều 24 -  Hiến pháp năm 2013). 
- Quyền tự do lập hội, hội họp một cách hòa bình: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật” (Điều 25 - Hiến pháp năm 2013). Quyền tự do lập hội, hội họp một cách hòa bình còn được ghi nhận cụ thể trong Điều 129 Bộ luật Hình sự năm 1999, Nghị định 45/2010/NĐ-CP qui định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, Nghị định 38/2005/NĐ-CP qui định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng.
* Quyền kinh tế- xã hội- văn hóa gồm 07 quyền:
- Quyền sở hữu: Hiến pháp năm 2013 qui định quyền sở hữu của cá nhân, theo đó “Mọi người có quyền sở hữu về thu thập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Quyền sở hữu cá nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”. Quyền sở hữu còn được qui định trong Bộ luật Dân sự  (Điều 32 - Hiến pháp 2013).
- Quyền làm việc: Làm việc và được làm việc là đòi hỏi của người lao động với mục đích tạo ra của cải vật chất cho xã hội, đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần của con người: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc” (Điều 35 - Hiến pháp 2013).
 - Quyền được hưởng các điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi: Trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, con người nói chung và người lao động nói riêng luôn đòi hỏi sự công bằng trong việc thụ hưởng kết quả lao động với diều kiện làm việc như nhau.
Trong nền kinh tế  thị trường, việc thừa nhận sức lao động là hang hóa nên tiền lương là hình thái chuẩn hóa của giá trị và giá cả sức lao động, chịu sự tác động của qui luật giá trị và qui luật cung cầu về sức lao động hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động (Bộ luật lao động).
- Quyền thành lập và gia nhập công đoàn: Thành lập và gia nhập công đoàn là một trong các quyền quan trọng của người lao động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình được ghi nhận trong nguyên tắc tự nguyện tham gia tổ chức và hoạt động công đoàn.
- Quyền được hưởng an sinh xã hội: Quy định tại Điều 34- Hiến pháp và các đạo luật có liên quan. Công dân có quyền làm việc, hưởng tiền lương và lựa chọn công việc, nơi làm việc, được bảo hộ và nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng lao động dưới độ tuổi (Điều 35 Hiến pháp năm 2013).
- Quyền được chăm sóc sức khỏe: Sức khỏe là vốn quí của con người, mọi người có quyền được hưởng chế độ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh (Điều 38 Hiến pháp năm 2013).
 - Quyền về giáo dục và văn hóa: Mọi người có quyền học tập và bình đẳng về cơ hội học tập, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, địa vị xã hội…Công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, sang tác phê bình văn học nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hóa khác (Điều 40, 41 - Hiến pháp năm 2013).
Mọi công dân đều có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật và tôn trọng quyền con người; quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (Trích Điều 15 Hiến pháp năm 2013).
Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất (Điều 44 Hiến pháp năm 2013). Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân; có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng (Điều 44 đến Điều 47 Hiến pháp năm 2013).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập596
  • Máy chủ tìm kiếm74
  • Khách viếng thăm522
  • Hôm nay103,317
  • Tháng hiện tại2,694,170
  • Tổng lượt truy cập150,414,646
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây