HOICHOTHUONGMAI

Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng Y tế CAND

Thứ hai - 11/07/2022 05:16
Nhân dịp 75 năm Ngày truyền thống lực lượng Y tế CAND (12/7/1947-12/7/2022). Cục Y tế Bộ Công an đã phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương nghiên cứu, biên soạn Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng Y tế CAND nhằm tái hiện lại những chặng đường lịch sử, ôn lại truyền thống vẻ vang, tôn vinh những thành tích, chiến công của lực lượng Y tế CAND trong quá trình xây dựng và trưởng thành. Qua đó, để mỗi cán bộ, chiến sĩ (CBCS) lực lượng Y tế CAND luôn tự hào, gìn giữ và phát huy truyền thống, trí tuệ, bản lĩnh, lòng yêu nghề, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần cùng toàn lực lượng CAND tích cực đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

 
Phần thứ nhất
XÁC ĐỊNH NGÀY TRUYỀN THỐNG CỦA LỰC LƯỢNG Y TẾ CAND
 
Trong suốt quá trình 75 năm xây dựng và trưởng thành của lực lượng CAND, nhất là trong những ngày đầu thành lập lực lượng Y tế Công an, đất nước ta đang trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc còn gặp nhiều khó khăn nên tổ chức lực lượng Y tế Công an chưa có mô hình cụ thể riêng mà chủ yếu được bố trí trong Văn phòng Công an các cấp nhằm đáp ứng những yêu cầu cấp bách cho cán bộ, chiến sĩ Công an trong công cuộc kháng chiến. Do đó việc xác định cụ thể ngày truyền thống lực lượng Y tế CAND là rất khó khăn. Sau khi đất nước ta vừa hoàn thành sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, bước đầu hàn gắn vết thương chiến tranh, trong nhiều năm chúng ta ít quan tâm đến công tác lịch sử y tế. Sau này, khi đất nước được thống nhất và khi Y tế CAND từng bước lớn mạnh và trưởng thành cả về chuyên môn cũng như tổ chức bộ máy, nhất là sau khi có Quyết định số 08/CP ngày 21/01/1977 của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo yêu cầu chuyên sâu hóa công tác hậu cần nói chung và công tác Y tế Công an nói riêng phục vụ công tác chiến đấu, xây dựng lực lượng CAND.

Qua nghiên cứu, sưu tầm, thu thập tư liệu, tài liệu, tổ chức Hội thảo; căn cứ vào cơ sở khoa học và thực tiễn, ngày 12/7/2011, Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định số 2522/QĐ-BCA-X11 xác định ngày 12/7/1947 là ngày truyền thống lực lượng Y tế CAND. Việc xác định ngày truyền thống Lực lượng Y tế CAND có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống và xây dựng lực lượng Y tế CAND ngày càng vững mạnh.
Phần thứ hai
NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ VẺ VANG
 
1. Y tế CAND trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)
Sau Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ nhất (16/5/1947) và sau khi có công văn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Nha Công an Trung ương thấy cần thiết phải có cán bộ chuyên môn y tế của ngành. Tháng 02/1949, Nha Công an Trung ương đã cử đồng chí Lê Hậu Sửu đi học lớp y tá do y tế Liên khu I mở. Kết thúc lớp học, đồng chí Lê Hậu Sửu đã trở lại Nha Công an Trung ương công tác trên cương vị một y tá đã qua lớp đào tạo chuyên môn. Từ đây, cán bộ, chiến sĩ Nha Công an (đóng ở Chiêm Hóa - Tuyên Quang) đã được chăm sóc sức khỏe bằng bàn tay chuyên môn của cán bộ y tế trong ngành. Đồng chí Lê Hậu Sửu cũng đã trực tiếp phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho đoàn cán bộ của Chính phủ Lào do đồng chí Suphanuvông làm Trưởng đoàn sang công tác tại Việt Nam ở chiến khu Việt Bắc.

Để khắc phục những khó khăn ban đầu về trang thiết bị y tế, lực lượng Công an đã có sáng kiến táo bạo là đánh địch, đột nhập vào Bệnh viện Lê Lợi của địch ở Vũng Tàu để lấy thuốc tây dự trữ trong kho của Bệnh viện về phục vụ cho ta. Trận đánh cuối tháng 4/1949, ta thu được khoảng 10 bao tải thuốc, 01 bộ phẫu thuật và một số dụng cụ khác. Số thuốc và trang thiết bị này được trang bị cho Trạm xá của tỉnh Vũng Tàu và một phần dùng để điều trị cho cán bộ, chiến sĩ Công an.

Đầu năm 1950, Y tế Công an vẫn còn muôn vàn khó khăn. Lực lượng vẫn chỉ một mình đồng chí Lê Hậu Sửu, vừa là y tá, văn thư, thủ quỹ. Trang thiết bị hết sức đơn giản, phần nhiều do tự chế. Thuốc men thông thường nhận theo chỉ tiêu của Bộ Y tế, một số thuốc kháng sinh đặc hiệu thì phải vào vùng địch hậu để mua, một số khác như thuốc cầm máu, hạ sốt thì tự chế biến bằng các loại lá cây.

Cùng với sự phát triển của cuộc kháng chiến, đặc biệt là từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (02/1951), tổ chức Công an có những thay đổi, theo đó, bộ phận Y tế cũng có những chuyển biến nhất định.

Từ khi chức năng y tế thuộc công tác quản trị, có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, điều trị, cấp cứu thương binh khi có chiến sự xảy ra, thì Y tế Công an bắt đầu có được “mô hình” hoạt động. Từ Nha Công an Trung ương đến Công an các địa phương, đều có một bộ phận y tế hoạt động, góp phần trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng Công an. 

Nhìn chung, từ sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công và suốt 09 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Y tế Công an tuy chỉ với một lực lượng rất nhỏ và tổ chức còn manh nha, vừa tiếp nhận sự chỉ đạo của Bộ Y tế vừa tự xây dựng lực lượng của mình, nhưng đã có những đóng góp nhất định đảm bảo yêu cầu chiến đấu và xây dựng lực lượng của CAND.       
  
2. Y tế CAND trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ miền Bắc XHCN, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954-1975).
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Giơnevơ, đất nước ta tạm thời chia thành 02 miền. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Miền Nam tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ, thực hiện thống nhất nước nhà.

Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, lực lượng Công an đã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh trật tự trên toàn miền nên quân số ngày càng đông và nhiệm vụ ngày càng nặng nề. Trong những ngày đầu tiếp quản Hà Nội, tuy chưa có một lực lượng y tế độc lập, nhưng hoạt động y tế đã có mặt trong các đơn vị trực thuộc Văn phòng Bộ Công an hoặc Trường Công an Trung ương. Đến giữa năm 1958, công tác y tế và vệ sinh phòng bệnh do Phòng Tài vụ quản trị là đơn vị trực thuộc Văn phòng Bộ quản lý.

Từ ngày 14/9/1961, với Quyết định số 74/QĐ do Thiếu tướng Phạm Kiệt - Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh Công an vũ trang ký, Y tế Công an có Bệnh xá 265 trực thuộc Cục Hậu cần. Biên chế quân số Bệnh xá 265 là 72 người. Từ tháng 9/1962, mạng lưới y tế của lực lượng Công an Sài Gòn - Gia Định (gọi là An ninh T.4) cũng được thành lập nhằm phục vụ, chăm lo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ. Đầu tiên là sự ra đời của Bệnh xá thuộc An ninh T.4 do y sĩ Nguyễn Đình Nghiêm phụ trách.

Ở miền Bắc, với Quyết định 552/CA/QĐ ngày 18/7/1963, Bộ Công an thành lập 2 Bệnh xá do Phòng Tài vụ quản trị chỉ đạo về nghiệp vụ y tế (Bệnh xá số 1 là Bệnh xá Cơ quan Bộ, Bệnh xá số 2 là Bệnh xá Trường Công an).

Sau khi một số Bệnh xá được thành lập, từ ngày 18/9/1963 với Quyết định số 723/CA/QĐ do Thứ trưởng Bộ Công an Ngô Ngọc Du ký, công tác bảo vệ sức khỏe cán bộ, chiến sĩ cơ quan Bộ do Vụ Tổ chức cán bộ quản lý.

Năm 1963, đội ngũ cán bộ y tế đã được bố trí ở hầu hết các đơn vị Công an các tỉnh miền Đông Nam bộ, lúc đó chủ yếu chỉ do một đồng chí y tá thuộc Văn phòng Công an các tỉnh phụ trách.

Tháng 5/1964, Cơ quan An ninh Trung ương Cục miền Nam đã thành lập Bộ phận y tế với số lượng ban đầu là 506 người do Bác sĩ Dương Văn Hiếu (tức Hai Nhỏ) phụ trách.

Từ ngày 08/5/1967, khi Văn phòng Bộ Công an tách thành 03 đơn vị (trong đó Văn phòng Bộ là một đơn vị) thì trong tổ chức bộ máy của Văn phòng Bộ có Phòng Y tế và Bệnh xá cơ quan Bộ. Phòng Y tế có chức năng tham mưu cho lãnh đạo Bộ chỉ đạo mạng lưới y tế các đơn vị về chuyên môn nghiệp vụ.

Ngày 07/11/1967, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quyết ký Quyết định số 837/CA/QĐ thành lập Bệnh viện 367 (quy mô 50 giường bệnh) trực thuộc Văn phòng Bộ Công an. Đây là một thành quả lớn trong việc tổ chức mạng lưới y tế. Bệnh viện có thể đảm nhận được nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ trong ngành, tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ chuyên môn. Bệnh viện 367 là tuyến điều trị cao nhất trong lực lượng Công an, tuyến dưới có 05 Bệnh xá ở các đơn vị cơ sở với 80 giường bệnh và 51 đơn vị có y tế cơ quan.
Năm 1967, cơ quan Bộ có Phòng khám thuộc Văn phòng Bộ. Năm 1968, Trạm xá Ban An ninh miền Nam được nâng cấp lên thành Bệnh xá với số lượng 20 người, đóng tại căn cứ Trung ương Cục ở Tây Ninh. Ngày 20/6/1968, Bộ trưởng Bộ Công an ra Quyết định số 724/CA/QĐ thành lập Nhà điều dưỡng 368 trực thuộc Văn phòng Bộ. Như vậy, trong mạng lưới chăm sóc sức khỏe của Y tế Công an đã có thêm Nhà điều dưỡng.

Ở miền Nam, Phòng Y tế thuộc Tiểu ban Hậu cần của Ban An ninh Trung ương Cục được thành lập. Với biên chế 40-50 người, có bác sĩ, dược sĩ, dược tá. Phòng Y tế đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe cho Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam.
Ngày 31/5/1969, Bộ Công an có quyết định thành lập Trường Đào tạo Y tá. Khi các loại Trường Phổ thông Công - Nông nghiệp ra đời ở các tỉnh Miền núi và Trung du, Bộ Công an quyết định thành lập 03 Bệnh xá ở các Trường với 10 giường bệnh nhằm kịp thời chăm sóc sức khỏe cho học sinh, cán bộ, công nhân viên của nhà trường.

Đầu năm 1971, lãnh đạo Bộ Công an đã quyết định thành lập Ban bảo vệ sức khỏe trực thuộc Vụ Tổ chức cán bộ có nhiệm vụ tham mưu cho Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ thực hiện các chủ trương, chính sách, chế độ do Bộ Y tế quy định cho lực lượng CAND.

Khi cuộc Tổng tiến công Mùa xuân năm 1975 đang ở đỉnh cao, ngày 14/4/1975, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 704/BCA-QĐ thành lập Nhà điều dưỡng 375 với quy mô 30 giường.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 01/05/1975 lực lượng CAND đã tiếp quản Bệnh viện Cảnh sát quốc gia ngụy Sài Gòn. Bệnh viện có 450 giường nhanh chóng được đưa vào hoạt động.

Trong giai đoạn này song song với việc xây dựng hệ thống tổ chức mạng lưới y tế, lực lượng y tế CAND còn chủ động đảm bảo thuốc phục vụ chiến đấu, cứu chữa thương bệnh binh.

Trong cuộc chiến đấu ác liệt ở miền Nam, với điều kiện ăn, ở, sinh hoạt vô cùng khó khăn, thiếu thốn, bệnh sốt rét dễ phát sinh, mạng lưới y tế phía Nam đã có nhiều thành tích đáng kể. Bệnh xá An ninh T.4 ra đời đã kịp thời cứu chữa thương, bệnh binh. Từ khi trong bộ phận Văn phòng của Công an các tỉnh miền Đông Nam Bộ có biên chế y tá, nuôi quân, thì việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe chung cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị có nhiều thuận lợi. Đặc biệt, số cán bộ, chiến sĩ ốm đau hoặc bị thương trong chiến đấu có điều kiện được chăm sóc kịp thời, chu đáo.

Tháng 5/1964, Bộ phận y tế thuộc cơ quan An ninh Trung ương Cục miền Nam được thành lập. Việc chăm sóc sức khỏe, chữa trị vết thương, bệnh tật cho cán bộ, chiến sĩ được thực hiện tại căn cứ của Trung ương Cục. Vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, bộ phận y tế Trung ương Cục miền Nam đã dựa vào sự giúp đỡ của đồng bào sống trong “ấp chiến lược” và cán bộ hoạt động nội thành mua thuốc điều trị gửi ra. Đồng bào, công nhân các đồn điền cao su giúp thuốc sốt rét, kháng sinh, bông băng.

Khi đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, Y tế Công an ở miền Bắc đã tổ chức và bảo vệ nhân dân đi sơ tán, cứu người bị sập hầm, góp phần hạn chế thiệt hại về người và của. Ở miền Nam, khi đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ, chiến trường miền Nam phải chịu một lượng chất độc hóa học có sức hủy diệt cao. Lực lượng Công an Bình Thuận, Ninh Thuận đã có nhiều sáng kiến, biện pháp tích cực như chặt các thân cây khoai, sắn vừa bị nhiễm chất độc, đảm bảo giữ cho củ an toàn. Đặc biệt, An ninh Bình Thuận đã phá thế khó khăn bằng cách mở cửa khẩu để giải quyết vấn đề thuốc chữa bệnh. Cán bộ, chiến sĩ đã khai thác cây, gỗ bán lấy tiền, rồi qua cơ sở của ta mua hiện vật như vải, thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm, hoặc trao đổi gỗ lấy thuốc.

Trong thời kỳ tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng, Y tế Công an hai miền vừa hoạt động độc lập, vừa hỗ trợ nhau trong phục vụ chiến đấu. Từ khi ra đời (tháng 9/1969), Phòng Y tế thuộc Tiểu ban Hậu cần của Ban An ninh Trung ương cục miền Nam đóng giữa rừng núi Tây Ninh vẫn tự lo toan được thuốc chữa bệnh và bước đầu đáp ứng được nhu cầu của một Bệnh xá tiền phương. Điểm nổi bật trong việc sản xuất thuốc chữa bệnh ở Bệnh xá Trung ương Cục miền Nam là lấy việc kết hợp đông tây y làm phương châm hoạt động chính. Phòng Y tế đã tổ chức sản xuất các loại thuốc hoàn tán, dập viên thủ công, nấu thuốc nước dạng xiro, cao xoa, sản xuất viên Trường Sơn uống phòng chống sốt rét. Thuốc viên Trường Sơn có hiệu quả cao, góp phần đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm đang rất phổ biến ở các căn cứ trong rừng của lực lượng vũ trang. Phòng Y tế cũng khắc phục được tình trạng thiếu thốn về bao bì đóng gói bằng cách tận dụng lọ Penicillin hoặc ống tiêm đã sử dụng, rửa sạch nhiều lần, sấy khô, hàn bịt đầu, tiệt trùng lại lần cuối để bảo quản, lưu cất thuốc khi pha chế.

Trong đợt bị đánh bom tháng 5/1970, Bệnh xá An ninh Trung ương Cục đã tự sơ cứu cho các thương binh, chữa trị cho khoảng 100 cán bộ, chiến sĩ an ninh và bộ đội thuộc Sư đoàn 9, Sư đoàn 5, đồng bào khu vực bị địch tấn công, dân thường Campuchia bị thương.

Sau trận càn Đông Dương của Mỹ - Ngụy, Bệnh xá An ninh Trung ương Cục lại tập trung giải quyết vấn đề thuốc men và dụng cụ y tế. Trên cơ sở kinh nghiệm những năm trước đây khi sản xuất, pha chế các loại thuốc sử dụng lọ Penixilin, ống tiêm đã qua sử dụng, lần này, để có lò sấy tiệt khuẩn dụng cụ y tế và phục vụ sản suất, đội ngũ cán bộ y tế Bệnh xá phải dùng đến 100 ngọn đèn dầu thay nhau để duy trì nhiệt độ cần thiết. Đồng chí Hai Tấn đã có sáng kiến dùng cáctút, cacbin để làm khuôn dập viên thuốc dạng nén, dùng vỏ bom napan gò thuyền tán thuốc, đồng chí Tư Phánh đã cải tiến bình hút thai và bơm hút chân không để kéo thai thành dụng cụ cho thuốc vào ống thay cho việc phải làm bằng tay, vừa lâu vừa hao thuốc.

Bệnh xá đã nghiên cứu sản xuất thuốc Subtilus dạng viên và dạng tiêm dưới da, sản xuất thuốc Presnau lấy từ nguồn dược liệu trong rừng và cây khiêu liêu ở rừng Campuchia. Dược liệu được tán thành bột bằng một dụng cụ sáng tạo là thành xe M113, thuốc có tác dụng điều trị bệnh tiêu chảy. Từ dược liệu, Bệnh xá đã sản xuất các loại thuốc Stricnin, Vitamin B1, B6, B12 và Quinin để điều trị bệnh sốt rét ở dạng tiêm. Sản xuất được dụng cụ truyền thay thế Glucoza để truyền cho bệnh nhân sốt cao bằng cách dùng đường tinh chế kết hợp với Vitamin C.

Sau khi tiếp quản Bệnh viện Cảnh sát quốc gia ngụy Sài Gòn, cán bộ, chiến sĩ y tế bắt tay ngay vào việc điều trị và chăm sóc sức khỏe cho các đồng chí bộ đội bị địch bắt, các chiến sĩ Công an vũ trang và một số tù chính trị bị địch giam.

Nhờ bước đầu phát triển hệ thống mạng lưới cũng như chủ động đảm bảo thuốc mà lực lượng y tế CAND đã thu được nhiều kết quả tích cực trong công tác chăm sóc, điều dưỡng sức khỏe, phòng chống dịch bệnh.

Những năm đầu sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản, Bộ Nội vụ đã có Nghị định tạm thời về chế độ bồi dưỡng cho cán bộ, công nhân viên đau ốm nằm ở bệnh viện với các mức ăn khác nhau. Từ khi các Bệnh xá, Bệnh viện được thành lập, công tác phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức được tăng cường.

Từ mùa Hè năm 1970, cùng với thành tích trong công tác phòng, chữa bệnh, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, Y tế Công an đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phòng chống dịch tả, lỵ, thương hàn. Tháng 6/1970, chấp hành chủ trương của Bộ Y tế, Y tế Công an đã tổ chức uống và tiêm phòng các loại vacxin phòng tả, lỵ, thương hàn cho 100% cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, không để sót một người nào, kể cả cháu nhỏ dưới 01 tuổi. Việc tiêm phòng cũng được thực hiện với những người trong quá trình tuyển dụng, hợp đồng, cán bộ nơi khác chuyển đến.

Đầu năm 1971, tình hình dịch bệnh có xu hướng trở lại, Y tế Công an đã kịp thời triển khai kế hoạch của Bộ Y tế, hoàn thành nhiệm vụ phòng chống các bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván cho các cháu nhỏ trong các Nhà trẻ mẫu giáo thuộc Bộ Công an quản lý, không để xảy ra tai biến.
Sau đợt lũ năm 1971, Y tế Công an cũng đạt được thành tích lớn trong việc phòng chống dịch bệnh, đã hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vệ sinh môi trường trong và sau lũ lụt, vệ sinh nguồn nước, về sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo 100% số người tiêm nhắc lại vacxin phòng bệnh, tiêm đủ liều cơ bản cho những người chưa tiêm đủ, không để sót trường hợp nào. Thành tích này góp phần to lớn khắc phục hậu quả lũ lụt, tạo điều kiện nhanh chóng ổn định cuộc sống, không để xảy ra dịch bệnh.

Đầu năm 1972, Y tế Công an cũng đã triển khai công tác chống dịch cúm, dịch tả, tiêu chảy bằng việc thực hiện phong trào vệ sinh trong các nhà ăn tập thể, nhà ở. Các nhà ăn tập thể đã quán triệt tới từng người, nâng cao ý thức vệ sinh trong tất cả các khâu, đảm bảo vệ sinh đối với nhân viên phục vụ, phòng ăn, dụng cụ cấp dưỡng, vệ sinh môi trường, xử lý nước, rác thải, công trình vệ sinh... Nhờ nhiều biện pháp tích cực, Y tế Công an đã ngăn được các dịch bệnh, đảm bảo được sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng.

Với một mạng lưới Bệnh xá, Bệnh viện, Nhà điều dưỡng từng bước được hoàn thiện, Y tế CAND đã thực hiện có hiệu quả việc chăm sóc nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho lực lượng Công an, qua đó gián tiếp đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

3. Công tác y tế đảm bảo cho lực lượng CAND thực hiện nhiệm vụ chiến lược thời kì đầu xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc (1975-1986)
Hòa bình lập lại, lực lượng y tế CAND đã tập trung xây dựng hệ thống tổ chức mạng lưới; bồi dưỡng đào tạo cán bộ y tế đủ điều kiện đảm bảo thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Trước khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mạng lưới Y tế Công an từng bước được hình thành. Sau tháng 4/1975, hệ thống tổ chức mạng lưới tiếp tục được hoàn thiện.

Trong năm 1975, tổ Dược tách khỏi Bệnh viện 367 thành tổ riêng trực thuộc Văn phòng Bộ, làm nhiệm vụ cung cấp thuốc tại chỗ cho cán bộ, chiến sĩ và bổ sung thêm một số thuốc, y cụ cho Công an tỉnh.

Ngày 02/01/1976, Bộ Nội vụ hợp nhất Trường Đào tạo y tế với “Lớp C” (lớp Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Công an Lào) thành Trường bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ y tế toàn ngành và đào tạo cán bộ y tế có trình độ Trung cấp.

Ngày 26/8/1976, Bộ Nội Vụ quyết định hợp nhất hai Bệnh viện là Quân y viện 265 thuộc Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Công an vũ trang với Bệnh viện 367 thành Bệnh viện 19/8 có quy mô 300 - 350 giường. Ngày 10/10/1977, Bộ Nội Vụ ký Quyết định ấn định số giường bệnh cho các Bệnh viện, Nhà điều dưỡng và Bệnh xá trong toàn ngành CAND. Quyết định này đã góp phần hạn chế sự quá tải về giường bệnh ở các cơ sở điều trị, điều dưỡng, tạo điều kiện tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ.

Ngày 21/01/1977, Thủ Tướng Chính phủ có Quyết định số 08/CP tách Vụ Tài Vụ - Vật tư thành 05 Vụ, Cục, trong đó có Cục bảo vệ sức khỏe (nay là Cục Y tế).

Hơn một năm sau, ngày 18/4/1978, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký Quyết định số 57/QĐ - BNV quy định nhiệm vụ, tổ chức của Cục Bảo vệ sức khỏe trực thuộc Bộ Nội vụ có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng nghiên cứu, chỉ đạo công tác y tế, công tác bảo vệ bà mẹ, trẻ em trong toàn lực lượng CAND, tổ chức tốt mạng lưới y tế, mạng lưới nhà trẻ nhằm không ngừng nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu của Ngành.

Ngày 20/12/1981, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký Quyết định số 105/QĐ-BNV quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Cục Y tế. Theo quyết định này, Cục Y tế trực thuộc Tổng cục Hậu cần CAND thống nhất quản lý và chỉ đạo công tác y tế trong toàn lực lượng CAND theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng vũ trang, nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, đáp ứng yêu cầu chiến đấu, công tác của lực lượng CAND.

Ngày 28/06/1986, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký Quyết định 1930/QĐ-BNV thành lập thêm phòng Nghiên cứu chẩn trị Y học dân tộc thuộc Cục Y tế. Sau khi được thành lập, các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ Cục Y tế đã không ngừng xây dựng, phát triển, củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế trực thuộc Cục Y tế.

Từ Cục Y tế tới các đơn vị cơ sở tạo nên một hệ thống y tế gồm: Cục Y tế, các Bệnh viện, Ban Y tế - Bệnh xá thuộc Công an tỉnh, thành phố, Bệnh xá của các Trại giam, Trại tạm giam, Trường giáo dưỡng, các Trường đào tạo cán bộ Công an và ở các đơn vị độc lập, cùng hệ thống các Nhà nghỉ, Viện điều dưỡng, các cơ sở sản xuất thuốc. Cục Y tế với chức năng quản lý nhà nước về công tác y tế từ Bộ đến các đơn vị cơ sở, đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo thống nhất toàn bộ hệ thống y tế. Cục Y tế có 04 phòng tham mưu gồm: Phòng Tổng hợp, Phòng Vệ sinh phòng dịch, Phòng Nghiệp vụ Y, Phòng Nghiệp vụ Dược, Các Bệnh viện, Bệnh xá, Nhà điều dưỡng, Xưởng dược từng bước được nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu phục vụ bệnh nhân và nâng cao sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ.

Song song với việc xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức mạng lưới, Y tế CAND đã chú trọng đào tạo các thế hệ cán bộ, nhân viên làm công tác y tế. Cuối năm 1977, đã tổ chức đào tạo lớp Y tá trung cấp với 85 học viên. Tháng 6/1978, tổ chức lớp vệ sinh viên với 32 học viên. Y tế CAND đã trực tiếp mở các lớp đào tạo cán bộ chuyên môn có trình độ sơ cấp và các lớp đào tạo dược tá trên phạm vi cả nước, kết hợp với các Trường Trung học Y tế ở các địa phương đào tạo cán bộ chuyên môn có trình độ Trung cấp, tiếp nhận đội ngũ bác sĩ, dược sĩ được đào tạo tại Học viện Quân y và Đại học Y Hà Nội. Đây là nguồn lực quan trọng, đóng góp tích cực vào sự trưởng thành của y tế CAND.

Nhờ những bước phát triển vượt bậc về hệ thống mạng lưới, Y tế CAND đã góp phần không nhỏ vào quá trình cải tạo xã hội sau chiến tranh, phục vụ chiến đấu, cứu chữa thương bệnh binh.

Sau ngày miền Nam giải phóng, lực lượng Công an tham gia tích cực vào Công tác bảo vệ an ninh trật tự ở thành phố Hồ Chí Minh, góp phần vào công cuộc cải tạo, xây dựng thành phố, ổn định tình hình trật tự xã hội, xây dựng thành phố. Y tế Công an đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc chữa bệnh cho gái mại dâm, thanh niên nghiện xì ke, ma tuý, trẻ em bụi đời. Tại các cơ sở tập trung, trại "phục hồi nhân phẩm", Y tế Công an đã phối hợp chặt chẽ với các bộ phận chức năng như Đoàn thanh niên, ngành thương binh xã hội, ngành giáo dục, Hội liên hiệp phụ nữ... giúp hàng ngàn gái mại dâm, người nghiện ma tuý trở lại với cuộc sống của người lao động lương thiện. Công việc có tính nhân đạo cao cả này của y tế Công an đã góp phần đắc lực trong việc khắc phục tệ nạn xã hội sau chiến tranh.

Trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc xảy ra, Y tế Công an phát huy truyền thống tốt đẹp trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, tiếp tục lập thành tích mới trong công tác phục vụ chiến đấu. Năm 1978, Y tế Công an đã phục vụ đắc lực các đơn vị chiến đấu chống sự lấn chiếm của các thế lực thù địch ở biên giới Tây Nam. Năm 1979, ngay sau khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, ngày 18/02/1979, Cục Bảo vệ sức khoẻ đã kịp thời cử 02 đoàn cán bộ y tế chi viện thuốc men, y cụ, dụng cụ cứu thương cho Công an tỉnh Lạng Sơn và Hà Tuyên. Nguồn chi viện kịp thời của Cục Bảo vệ sức khoẻ đã hỗ trợ, cứu chữa thương binh, động viên khích lệ tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ CAND trên mặt trận chống quân xâm lược.

Cùng với việc chi viện trực tiếp, khẩn cấp cho các đơn vị Công an biên giới, Cục Bảo vệ sức khoẻ còn chỉ đạo các phòng chức năng đem thuốc, bông băng, dụng cụ y tế cho các chốt phòng thủ, nhận thương binh về tuyến sau điều trị. Cục trang bị xe cứu thương, cáng thương, túi cứu thương, túi y tá, bộ tiểu phẫu cho các đơn vị tuyến 1 và tuyến 2. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, mặt trận Campuchia, Lào, truy quét Fulro ở các tỉnh Tây Nguyên, Cục Bảo vệ sức khoẻ đã đảm bảo cung cấp đủ cơ số thuốc, y cụ cho các đơn vị trực tiếp chiến đấu.

Sau ngày miền Nam giải phóng, sự chuyển giao giữa hai miền Nam - Bắc đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có việc phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ Công an. Những tháng cuối năm 1975, việc tổ chức uống và tiêm chủng vacxin phòng tả TAB và chủng đậu cơ bản hoàn thành trong lực lượng Công an trên địa bàn Hà Nội.Trong khoảng 10 năm (1976-1986), Y tế CAND đã tập trung xử lý các trường hợp về dịch bệnh ở các đơn vị, trại cải tạo như: dập tắt dịch lỵ ở Trại cải tạo Hà Nam (đầu năm 1976); dịch cúm, dịch lỵ ở Trường sỹ quan - Hạ sỹ quan Suối Hai, Trường An ninh B, Trường Công an 3, Trại cải tạo số 3; sốt xuất huyết, sốt rét ở Công an Hải Phòng, Hà Nội, Đắc Lắk, Đồng Nai, Kiên Giang (tháng 3/1977); khống chế bệnh sốt cao, da vàng ở Trại giam Phong Quang (Hoàng Liên Sơn) thuộc Cục KH6 (mùa hè năm 1977); giải quyết dứt điểm vụ dịch hơn 100 người đi lỏng tại Phòng hậu cần Công an TP Hồ Chí Minh (tháng 8/1977); vụ dịch lỵ trực trùng ở Trại cải tạo Hoàn Cát thuộc Công an Bình Trị Thiên (cuối năm 1977). Trong năm 1977, Cục Bảo vệ sức khoẻ đã tổ chức tiêm vacxin phòng tả TAB đạt 80%; vacxin phòng dịch hạch đạt 70% cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an.

Những năm tiếp theo, kết quả đạt được trong công tác phòng chống dịch của Y tế Công an vẫn tiếp tục được duy trì. Nhiều dịch bệnh xảy ra ở các đơn vị Công an, đối tượng phạm nhân phía Nam đều được xử lý tốt, không để xảy ra tử vong. Cục Y tế đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Phòng Vệ sinh phòng dịch đã phối hợp với y tế Cục Quản trị, Trường sĩ quan An ninh, Trường sĩ quan Cảnh sát, các Trại, Công an các tỉnh và các Vụ, Cục diệt côn trùng để đảm bảo vệ sinh môi trường, thu nhiều kết quả tốt. Công tác tiêm phòng được đẩy mạnh thường xuyên, như phòng dịch hạch, tả, thương hàn... thường đạt từ 80% đến 85%. Thành tích phòng chống dịch bệnh góp phần quan trọng giữ gìn sức khoẻ cho toàn lực lượng Công an. Trực tiếp hơn là công tác khám chữa bệnh, quản lý sức khoẻ, Cục Y tế đã phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo y tế cơ sở, các Bệnh viện khám chữa bệnh, phẫu thuật cho hàng chục vạn lượt cán bộ, chiến sĩ. Các đơn vị y tế cơ sở đều tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho cán bộ, chiến sĩ, trên cơ sở đó quản lý tốt tình trạng sức khoẻ và bệnh tật, tổ chức điều trị kịp thời. Trong điều trị, đã kết hợp chặt chẽ Tây y với Đông y, chú trọng điều trị bằng các phương pháp y học dân tộc cổ truyền, thuốc nam.

Nhờ sự phát triển hơn về cơ sở vật chất trong thời bình, Y tế CAND đã quan tâm chú trọng nâng cao sức khoẻ bằng chế độ điều dưỡng, nghỉ mát.

Y tế CAND chú trọng đến việc nâng cao sức cho cán bộ, chiến sĩ bằng cách mở rộng và phát triển hệ thống các Nhà điều dưỡng vừa do Bộ trực tiếp quản lý vừa do Công an các địa phương quản lý. Cục Bảo vệ sức khoẻ đã tổ chức Hội nghị về công tác điều dưỡng, đánh giá công tác điều dưỡng trong thời gian qua, bàn phương hướng nâng cao chất lượng công tác điều dưỡng trong những năm tiếp theo. Được sự chỉ đạo của Bộ, Cục Bảo vệ sức khoẻ đã nghiên cứu từng bước phát triển hệ thống, kết hợp cơ sở nghỉ mát, nhà điều dưỡng và cao hơn là viện điều dưỡng. Viện điều dưỡng có chức năng vừa bồi dưỡng, nâng cao sức khoẻ vừa phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Các cơ sở nghỉ mát và điều dưỡng thuộc Bộ và địa phương từng bước được đầu tư nâng cấp trang thiết bị nội thất, có phương tiện chăm sóc sức khoẻ, nghỉ ngơi, vui chơi. Chế độ ăn uống, điều trị đảm bảo theo quy định chung. Tinh thần, thái độ phục vụ tốt, tận tình, chu đáo. Cùng với việc chăm lo điều dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ trong ngành còn phục vụ một số lượt khách quốc tế là cán bộ an ninh nước bạn Lào. Trong giai đoạn 1986, Y tế CAND đã xây dựng được 05 Nhà điều dưỡng và 05 cơ sở nghỉ mát (không kể Nhà điều dưỡng Lạch Quèn ở Nghệ Tĩnh, chưa kịp đưa vào hoạt động, đã bị mùa bão năm 1980 tàn phá).

Bộ máy tổ chức và năng lực công tác y tế thời kỳ này đã có những bước phát triển mạnh mẽ theo hướng tập trung chuyên sâu, bước đầu phát huy được sức mạnh, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý dược chính, đảm bảo cung cấp thuốc, trang thiết bị, dụng cụ y tế cho các Bệnh viện, Bệnh xá.
Ngay trong năm 1975, theo yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới, Tổ Dược thuộc Bệnh viện 367 được tách thành một Tổ Dược riêng đặt trực thuộc Văn phòng Bộ, không làm nhiệm vụ cung cấp thuốc cho chiến trường nữa mà làm nhiệm vụ cung cấp thuốc bồi dưỡng tại chỗ cho cán bộ, chiến sĩ và bổ sung thêm một số thuốc, y cụ cho Công an tỉnh. Để tăng cường vai trò của ngành Dược, một nhiệm vụ mới được đặt ra là chỉ đạo Dược chính cho các đơn vị. Sự ra đời của Phòng Dược chính thuộc Cục cũng như các đơn vị trong thời gian này đã thúc đẩy hoạt động của ngành dược, góp phần đắc lực vào việc duy trì và bảo vệ sức khỏe cho lực lượng Công an.

Ngay từ những năm đầu sau khi miền Nam vừa giải phóng, Y tế Công an đã rất chú trọng đẩy mạnh phát triển thuốc đông nam dược, trồng, thu hái, chế biến dược liệu ở các Bệnh xá, Trại cải tạo. Công việc này ngày càng phát triển, đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài của ngành dược.

Nhờ được tăng cường lực lượng có trình độ đại học, Phòng Dược chính đảm đương nhiều nhiệm vụ nặng nề hơn, vừa chỉ đạo dược chính toàn mạng lưới y tế, vừa lo công tác vật tư. Phòng tiếp nhận thuốc và các dụng cụ y tế từ các Công ty của nhà nước cung cấp cho các Bệnh viện, Bệnh xá. Phòng Dược chính cũng chịu trách nhịêm gia công dụng cụ y tế, cáng và túi cứu thương, phục vụ chiến đấu. Phòng cũng đảm nhận kế hoạch cấp phát, công tác dược liệu sản xuất, công tác bảo quản kho... Phòng Dược chính đã hoàn thành tốt một khối lượng công việc lớn, giúp cho Y tế Công an vượt qua khó khăn, từng bước phát triển.

Sau sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc, công tác Dược chính vẫn đảm bảo cung cấp kịp thời thuốc men, y cụ cho mặt trận đồng thời đã xây dựng được bản dự trù chi tiết xin viện trợ khẩn cấp dụng cụ y tế ở một số nước xã hội chủ nghĩa. Tiếp đó, Cục Bảo vệ sức khoẻ đã tổ chức tốt việc tiếp nhận thuốc men, dụng cụ y tế của các nước và kịp thời cấp phát cho các tỉnh. Hàng trăm tấn hàng hoá của các nước đã được tiếp nhận, bảo quản tốt và kịp thời phân phối, chi viện cho y tế toàn ngành. Số thuốc men hoá chất được bổ sung kịp thời cho các đơn vị, tăng cường khả năng chiến đấu ở các mặt trận.

Y tế Công an đã chủ động phối hợp với Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương I Hà Nội sản xuất, đóng gói axít Glutamic, chỉ đạo y tế Công an các tỉnh sản xuất các loại thuốc nam, dược liệu, cao, tinh dầu... phục vụ tích cực, có hiệu quả công tác điều trị, đề xuất lãnh đạo Bộ thành lập các Xưởng Dược ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh góp phần đắc lực vào việc tự sản xuất các loại thuốc phòng bệnh, chữa bệnh thông thường, một số rượu sâm, cao xương, mật ong, hỗ trợ tích cực vào việc nâng cao sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ …

4. Y tế CAND trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN và từng bước hội nhập quốc tế (Giai đoạn 1986 đến 2016)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) quyết định thực hiện đường lối đổi mới, chuyển đổi cơ chế kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đại hội xác định nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong thời kỳ đổi mới là “CAND phải được xây dựng thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy và tiến lên hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có cơ sở vững chắc trong quần chúng, có trình độ nghiệp vụ ngày càng cao, thật sự là công cụ tin cậy, sắc bén của Đảng và Nhà nước xã hội chủ nghĩa”.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 42 (tháng 02/1987) đã xác định: “Phải đổi mới toàn diện các mặt công tác Công an, đặc biệt là đổi mới tổ chức, cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo chỉ huy và phong cách làm việc, tăng cường củng cố tổ chức cán bộ làm công tác tham mưu, an ninh, cảnh sát, xây dựng lực lượng, hậu cần…” và chỉ rõ “Công tác hậu cần CAND phải bám sát các quan điểm, 5 mục tiêu kinh tế - xã hội; 3 chương trình kinh tế lớn của Đảng để bố trí kế hoạch thật năng động, sáng tạo, đảm bảo phục vụ công tác, chiến đấu và xây dựng lực lực lượng…”.

Qua 30 năm đổi mới, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, lực lượng Y tế CAND đã từng bước lớn mạnh. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị y tế trong toàn ngành tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ làm công tác y tế triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nghị định của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của các Bộ, Ban, Ngành về công tác y tế. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý, đổi mới toàn diện các mặt công tác y tế từ quản lý nhà nước đến nâng cao trình độ khám, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh, tăng cường đầu tư nâng cấp trang thiết bị, xây dựng hạ tầng cơ sở.... nhằm xây dựng hệ thống y tế CAND lớn mạnh, có trình độ chuyên môn cao đáp ứng mọi yêu cầu công tác và chiến đấu của lực lượng CAND, đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới và tham gia chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Sau 30 năm đổi mới, nhờ tranh thủ tối đa các nguồn lực, mạng lưới Y tế CAND từ Bộ đến cơ sở cơ bản hoàn thiện và từng bước phát triển, đảm bảo chuyên môn chăm sóc sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ phục vụ công tác và chiến đấu, tham gia các chương trình y tế quốc gia chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.

Thời gian này, tổ chức biên chế y tế Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được kiện toàn với quan điểm ở đâu có cán bộ, chiến sĩ Công an thì ở đó có cán bộ y tế để thực hiện công tác đảm bảo. Các Trại tạm giam, Trại giam đã thành lập Bệnh xá. Các Phòng, Ban y tế và Bệnh xá Công an tỉnh, thành phố đã có những quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Được sự quan tâm của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, mạng lưới y tế ngày càng được củng cố và tăng cường, dần hình thành tuyến chuyên môn tương đối rõ rệt từ Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương. Hầu hết các đơn vị đóng quân độc lập đều có nhân viên y tế.

Ngày 22/10/2010, Cục Y tế đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 4210/QĐ phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống y tế CAND đến năm 2020.  Theo đó, tổ chức Y tế CAND gồm: 04 Bệnh viện hạng I trực thuộc Tổng cục IV (Bệnh viện 19/8, Bệnh viện 30/4, Bệnh viện 199, Bệnh viện Y học cổ truyền); các Bệnh viện Công an tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Bệnh viện trại tạm giam Chí Hoà Công an TP Hồ Chí Minh (tương đương Bệnh viện hạng III), hệ thống Bệnh xá Công an tỉnh, hệ thống y tế khối Trại giam, Trại tạm giam, Y tế khối Tổng cục, Bộ Tư lệnh, Vụ, Cục, Trường, hệ thống Nhà nghỉ dưỡng của Bộ và địa phương làm nhiệm vụ điều dưỡng, chăm sóc, phục hồi sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ sau khi điều trị hay phục vụ cán bộ, chiến sĩ sau các đợt công tác đặc biệt, cũng như thực hiện chế độ nghỉ dưỡng hàng năm. Ngoài ra, còn có Ban bảo vệ sức khoẻ cán bộ của Bộ Công an với nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho cán bộ lãnh đạo cao cấp của Bộ Công an.


Mạng lưới khám, chữa bệnh, nghỉ dưỡng, điều dưỡng phục hồi sức khoẻ được đầu tư nâng cấp tương đối hiện đại như hệ thống chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính, siêu âm màu; đã tiếp nhận và triển khai nhiều kỹ thuật cao như: ghép thận, ghép tủy, mổ tim hở, phẫu thuật nội soi; nghiên cứu ứng dụng thành công nhiều bài thuốc hay, kinh nghiệm quý trong dân gian, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại phục vụ cán bộ, chiến sĩ… Qua đó, tổ chức đảm bảo y tế phục vụ chiến đấu, ứng cứu bão lụt, thiên tai kịp thời, góp phần giảm thiểu thương vong cho cán bộ, chiến sĩ; thường xuyên duy trì đủ quân số khoẻ phục vụ công tác, chiến đấu.

Cùng với sự phát triển mạng lưới y tế, đội ngũ cán bộ y tế cũng không ngừng tăng lên cả số lượng và chất lượng. Đặc biệt, số cán bộ y tế có trình độ cao như: Tiến sỹ, Thạc sỹ, Bác sĩ chuyên khoa I, Bác sĩ chuyên khoa II… cũng dần được tăng lên về số lượng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Trên cơ sở những bước tiến vượt bậc về hệ thống mạng lưới và chất lượng nguồn nhân lực, lực lượng y tế CAND đã đạt được nhiều thành tích trong công tác phục vụ chiến đấu cũng như quản lý, chăm sóc, điều trị, nâng cao sức khoẻ.

Thực hiện diễn biến hoà bình, các thế lực thù địch vẫn ráo riết chống phá cách mạng Việt Nam với phương thức và thủ đoạn ngày càng thâm độc, xảo quyệt nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tại Tây Nguyên, hoạt động của một số phần tử ly khai phục hồi tổ chức Fulro và Nhà nước Đề Ga kích động đồng bào dân tộc biểu tình, bạo loạn. Y tế Công an đã thành lập Bệnh viện khu vực miền Trung giải quyết cấp cứu và cứu chữa thương binh kịp thời khi xảy ra bạo loạn tại địa bàn Tây Nguyên.

Tháng 5/2011, bọn phản động đã lợi dụng dân tộc Mông hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chỉ đạo một số đối tượng trong nước móc nối, tuyên truyền, tập hợp lực lượng thành lập Vương quốc Mông tự trị… Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục IV, Cục Y tế đã chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan huy động và cấp phát hàng hóa (12 cơ số chiến đấu, 34 túi thuốc tổ đội, 140 túi thuốc cá nhân, 06 bình lọc nước, 02 cáng thương) cho lực lượng Y tế Công an phục vụ công tác chiến đấu tại huyện Mường Nhé - Điện Biên. Bên cạnh đó, Y tế Công an các địa phương cũng chủ động chuẩn bị thuốc và trang thiết bị y tế, y bác sĩ,…phục vụ chiến đấu khi có việc xảy ra tại địa bàn, như tại Hòa Bình, Hải Phòng, Nghệ An… Công tác tập huấn cấp cứu chấn thương được tích cực triển khai, Cục Y tế đã phối hợp với Cảnh sát New Zealand tổ chức khóa tập huấn y tế cứu thương chiến thuật cho Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động (K20) và Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, nâng cao khả năng cấp cứu chấn thương cho lực lượng trực tiếp chiến đấu. Hệ thống Bệnh viện, Bệnh xá, y tế cơ sở cơ bản đã thực hiện tốt quy chế chuyên môn.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Cục Y tế đã xây dựng tiêu chuẩn bảng điểm Bệnh xá để chấn chỉnh thực hiện quy chế chuyên môn, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, góp phần nâng cao chất lượng công tác khám và điều trị, công tác quản lý sức khoẻ ở các cơ sở y tế Ngành. Chất lượng công tác khám, chữa bệnh được nâng cao, tạo được niềm tin cho những người trực tiếp đến điều trị. Công suất giường bệnh hàng năm đạt trung bình trên 70%. Công tác quản lý sức khoẻ, khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe tuyển sinh tuyển dụng, chứng nhận sức khỏe, quản lý bệnh mãn tính được thực hiện tốt ở hầu hết các đơn vị y tế, tổ chức kiểm tra sức khoẻ định kỳ hàng năm, phát hiện và điều trị ngay từ sớm, từ đó công tác chăm sóc, quản lý sức khỏe cán bộ, chiến sĩ ngày càng thu được kết quả tích cực, quân số khỏe hàng năm đạt tỷ lệ 99,5 - 99,8%.

Trong công tác phòng chống thiên tai, bão lụt, Y tế CAND đã tích cực chủ động đảm bảo thuốc, hóa chất, dụng cụ y tế, cùng nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt, cứu chữa người bị nạn, phòng chống dịch bệnh trong và sau lũ lụt. Y tế Công an cũng thực hiện tốt việc bảo quản, quản lý thuốc. Một nhiệm vụ đặc thù và rất nặng nề của lực lượng y tế Công an là đảm bảo khám, chữa bệnh cho can, phạm nhân, trại viên, học sinh tại trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng do Bộ Công an quản lý. Cán bộ y tế tại các trại tạm giam, trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng không ngại khó khăn gian khổ, luôn nêu cao tinh thần hết lòng phục vụ người bệnh, trực tiếp thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với can phạm nhân, trung bình hằng năm khám chữa bệnh cho 30 vạn lượt can, phạm nhân, đây là những đối tượng rất phức tạp, tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS, mắc lao và các bệnh truyền nhiễm khác rất cao.

Thực hiện có hiệu quả công tác y tế dự phòng; tích cực, chủ động tham gia các chương trình mục tiêu y tế quốc gia.

Y tế CAND đã xây dựng tiêu chuẩn vệ sinh 5 tốt để làm tốt vệ sinh nơi đóng quân, xử lý các nguồn phân, rác thải, nước thải, đảm bảo phòng dịch theo mùa. Cục Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế phối hợp với lực lượng quân, dân y bao vây khống chế, dập tắt được nhiều ổ dịch, như dịch lỵ, dịch tả, dịch xoắn khuẩn Leptospira ở các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng. Khi tình hình bão lụt xảy ra thường xuyên và ngày càng nặng nề ở các tỉnh Miền núi, Đồng bằng sông Cửu Long, Y tế Công an đã tích cực tham gia, hướng dẫn cán bộ và nhân dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường sau lũ lụt, khử trùng nước phục vụ ăn uống và sinh hoạt, xử lý chất thải theo quy định, nên đã hạn chế được dịch bệnh. 

Trong công cuộc đổi mới đất nước, Y tế Công an tích cực tham gia các chương trình mục tiêu y tế quốc gia như: Chương trình phòng chống sốt rét, cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường, dân số - kế hoạch hóa gia đình, Vệ sinh an toàn thực phẩm, Phòng chống HIV/AIDS, Phòng chống Lao, Phòng chống rối loạn do thiếu iốt… bằng các hoạt động đa dạng, phong phú như triển khai hoạt động thông tin giáo dục truyền thông hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm, Ngày thế giới chống Lao, Tuần lễ nước sạch vệ sinh môi trường, Ngày toàn dân đi mua và dùng muối iốt, Ngày Thế giới phòng chống AIDS….; tổ chức đào tạo tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế cơ sở, thành lập các Phòng tư vấn giáo dục sức khỏe, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong Công an, triển khai hoạt động dự phòng chăm sóc điều trị HIV/AIDS, lao cho các đối tượng can, phạm nhân do Bộ Công an quản lý.

Chủ động triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng bệnh và phòng chống dịch, kịp thời khống chế và xử lý một số dịch bệnh nguy hiểm SARS, tiêu chảy cấp nguy hiểm, cúm A (H5N1,H1N1), cúm A(H7N9), dịch bệnh do virus Ebola, dịch bệnh do virut Zika, dịch bệnh sốt xuất huyết...; triển khai rộng khắp và có hiệu quả các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học, vệ sinh bệnh viện, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Kịp thời xử lý ổ dịch, khống chế ngăn không để dịch lan rộng, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do dịch, phối kết hợp chặt chẽ với y tế quân dân y địa bàn đóng quân trong công tác phòng, chống dịch.

Công tác cung ứng thuốc dần đi vào nề nếp, có quy định thống nhất về cung ứng thuốc trong lực lượng CAND; 100% các cơ sở có đủ thuốc thiết yếu. Từ 2006 đến 2015, chương trình Chính sách quốc gia về thuốc trong CAND được triển khai sâu rộng đến từng đơn vị y tế CAND với nhiều nội dung tập huấn, hội thảo, kiểm tra, hướng dẫn, cung cấp tài liệu phương tiện nhằm đảm bảo thực hiện 02 mục tiêu: (1) Đảm bảo cung ứng đủ thuốc chủ yếu có chất lượng cho CBCS; (2) Sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả. Triển khai chiến lược quốc gia dược nhằm tăng cường chuyên môn cho cán bộ y tế và cung ứng thuốc tốt cho người bệnh.

Hòa chung trong quá trình đổi mới của đất nước, lực lượng Y tế CAND đã chủ động đổi mới không ngừng về mô hình hoạt động, chủ động trong công tác xã hội hóa y tế và hội nhập quốc tế.

Giai đoạn này, Cục Y tế đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư số 14/2001/TT - BCA, ngày 30/3/2011 quy định việc thực hiện xã hội hóa y tế trong CAND. Xã hội hóa công tác y tế là hình thức liên doanh, liên kết giữa các cơ sở khám và chữa bệnh của CAND với các cơ sở y tế khác trên cùng địa bàn để thực hiện các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân khi có nhu cầu và từng bước góp phần nâng cao trình độ chuyên môn của y bác sĩ, nâng cấp các cơ sở khám, chữa bệnh trong CAND.

Thực hiện chủ trương của Bộ, các Bệnh viện hạng I đã triển khai hiệu quả các đề án, dự án xã hội hóa, tiêu biểu như: Đề án “Liên doanh, liên kết lắp đặt, sử dụng hệ thống chụp cắt lớp vi tính 2 lát tại Bệnh viện 19/8 "; Đề án “Lắp đặt máy khảo sát vữa xơ động mạch ngoại biên không xâm lấn tại Bệnh viện 19/8 "; Đề án “Xã hội hóa lắp đặt máy điều trị U ung thư bằng sóng VIBA (MICROWAVE) tại Bệnh viện 19/8 "; Đề án thành lập "Đơn vị mắt kỹ thuật cao tại Bệnh viện 30/4"; Đề án “Phát triển khu liên kết với Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh tại Bệnh viện 30/4"; Đề án “Khu liên kết Y khoa Quốc tế Việt Xuân tại Bệnh viện Y học cổ truyền " …

Tại các Bệnh viện, Bệnh xá Công an các đơn vị, địa phương đã triển khai công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh cho nhân dân theo diện thu một phần viện phí, dịch vụ khám, chữa bệnh tại nhà; khám sức khỏe định kỳ cho các cơ quan, xí nghiệp trên địa bàn, khám sức khỏe lái xe, khám tuyển sinh ngành ngoài, tư vấn sức khỏe; hợp tác với bệnh viện quân, dân y thành lập khu liên kết điều trị, mời chuyên gia y tế, thầy thuốc giỏi đến khám, điều trị; tổ chức cung ứng thuốc, vật tư thiết bị y tế cho các đối tượng là dịch vụ đến khám bệnh, chữa bệnh bằng hình thức hợp đồng với dược sĩ đại học, mở nhà thuốc tại bệnh viện; Liên kết đầu tư máy móc, trang thiết bị y tế, lắp đặt máy thận nhân tạo, phục vụ khám, chữa bệnh với các công ty; liên kết để các công ty đặt máy móc, thiết bị y tế bằng hình thức sử dụng hóa chất của công ty để thực hiện kỹ thuật xét nghiệm phục vụ bệnh nhân…

Sau nhiều năm thực hiện công tác xã hội hóa y tế, hệ thống Y tế Công an đã có sự phát triển về quy mô, cùng với sự phát triển về quy mô thì các bệnh viện đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến, hiện đại. Công tác khám, chữa bệnh đã thu hút được số lượng lớn thẻ bảo hiểm y tế, quá trình khám chữa bệnh luôn đảm bảo, trình độ chuyên môn của cán bộ nhân viên được nâng lên một bước, thu được lượng kinh phí đáng kể để đầu tư lại, góp phần cải thiện đời sống một phần cho cán bộ nhân viên. Đồng thời, chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ CAND cũng được nâng cao. Số lượng cán bộ, chiến sĩ và người dân đến khám và điều trị nội trú tại các Bệnh viện, Bệnh xá Công an ngày càng tăng, có những đơn vị tăng rất cao. Điều đó phản ánh sự tin tưởng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đối với trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ y, bác sỹ, cũng như chất lượng trang thiết bị, chất lượng dịch vụ các bệnh viện, bệnh xá Công an. Đây là một điểm mới toàn diện của y tế CAND trong giai đoạn này.

Thời kì đổi mới, Cục Y tế cũng đã tập trung tham mưu thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế với các nước có nền y tế tiên tiến, hiện đại với phương châm chủ động, tích cực, đa dạng nhằm tranh thủ sự ủng hộ để phát triển và nâng cao trình độ chuyên môn của Y tế CAND, đáp ứng tốt yêu cầu chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ.

Y tế Công an đã liên kết với các Bệnh viện nước ngoài như Bệnh viện Cộng hòa dân chủ Đức cũ, Bệnh viện Cathay - Đài Loan, Bệnh viện Hoàng gia Hawai, Bệnh viện Hoàng gia Vương quốc Bỉ, Bệnh viện quốc gia Singapore và Trung tâm nghiên cứu ung thư và dị ứng Bang Caliphornia của Mỹ…. để học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng chuyên môn trong việc khám chữa bệnh và sử dụng các trang thiết bị hiện đại. Cử chuyên gia xây dựng tổ chức y tế, chăm sóc sức khỏe, đào tạo cán bộ y tế và tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân là cán bộ Công an Lào và Campuchia. Tổ chức đoàn công tác cán bộ y tế các Bệnh viện sang học tập chuyên môn tại Đài Loan, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên.. Phối hợp với các Tổ chức quốc tế như: Tổ chức liên hợp quốc (UNAIDS, UNODC), Quỹ toàn cầu, Quỹ dân số thế giới, Tổ chức sức khỏe và gia đình thế giới... để triển khai các hoạt động dự phòng, điều trị, chăm sóc HIV/AIDS, Lao.. cho phạm nhân, trại viên, học sinh tại các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an quản lý.

Có thể khẳng định, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ, công tác đảm bảo y tế trong CAND đã đổi mới trên mọi mặt công tác, đạt được những thành tựu to lớn, có những bước trưởng thành vượt bậc, góp phần xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.

5. Y tế CAND giai đoạn 2016 đến nay

Trong điều kiện thế giới, khu vực, nhất là tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, tình hình dịch bệnh, thời tiết, khí hậu bất thường; nhiệm vụ công tác Công an có bước phát triển mới, yêu cầu công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ phục vụ công tác, chiến đấu ngày càng cao. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Y tế CAND đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những bước tiến quan trọng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, điều trị, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, thực hiện chính sách y tế với các đối tượng giam giữ. Chất lượng công tác chăm sóc, quản lý sức khỏe cán bộ, chiến sĩ không ngừng được nâng cao, có nhiều tiến bộ trong công tác chăm sóc bệnh nhân toàn diện. Thu dung điều trị bệnh nhân ngày càng cao, năm sau cao hơn năm trước. Các cơ sở y tế trong CAND đã hoàn thành tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh, trở thành địa chỉ tin cậy, yêu mến của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Công tác điều dưỡng, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và người có công trong CAND từng bước được quan tâm và nâng cao chất lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở điều dưỡng được đầu tư, nâng cấp khang trang, hiện đại. Chế độ điều dưỡng được nâng lên, đối tượng điều dưỡng được mở rộng. Cán bộ, chiến sĩ đi điều dưỡng đã được kết hợp chăm sóc y tế bằng các phương pháp nghỉ ngơi, dinh dưỡng, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, đáp ứng tốt yêu cầu phục hồi, nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ phục vụ công tác, chiến đấu và thực hiện tốt chế độ chính sách của Ngành đối với cán bộ, chiến sĩ.

Các tuyến y tế trong CAND đã vận hành, khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và các trang thiết bị hiện có, triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu vào thăm khám và điều trị bệnh nhân như: ghép thận, phẫu thuật tim hở, can thiệp mạch, xạ trị và triển khai hệ thống máy chụp PET/CT...  góp phần nâng cao thêm một bước, tham gia tích cực hơn, sâu rộng hơn hòa nhập cùng sự phát triển của Ngành y tế cả nước. 100% cơ sở y tế đủ điều kiện đã được cấp Giấy phép hoạt động và ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. 100% cán bộ y tế đã được cấp chứng chỉ hành nghề, hàng trăm nghìn thẻ bảo hiểm y tế cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở khám, chữa bệnh Công an.

Đặc biệt, trên mặt trận phòng chống đại dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay, với vai trò chủ công, tuyến đầu trong phòng chống dịch, Y tế CAND đã triển khai các phương án, biện pháp phòng chống dịch kịp thời, đồng bộ, chặt chẽ, ngăn ngừa dịch lây lan trong lực lượng Công an. Phối hợp tốt với y tế địa phương khoanh vùng, dập dịch, truy vết, cách ly, xét nghiệm, điều trị, tiêm phòng, góp phần quan trọng vào thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 của cả nước, cụ thể: Đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh từ Bộ tới các địa phương, đã tham mưu với lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch đáp ứng với 3 cấp độ dịch, 5 cấp độ dịch Covid-19, Kế hoạch thiết lập cơ sở cách ly tập trung, Kế hoạch thiết lập hệ thống thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 trong toàn lực lượng theo phân tầng kỹ thuật từ các Bệnh viện hạng I tới các Bệnh viện, Bệnh xá các đơn vị.

Thành lập các Đội cơ động phản ứng nhanh, đường dây nóng thường trực 24h/24h để tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh, hướng dẫn y tế cho CBCS, các đơn vị; triển khai tổ chức xét nghiệm lưu động đảm bảo chủ động, kịp thời phục vụ có hiệu quả công tác chiến đấu của lực lượng CAND trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Đã có gần 2.000 cán bộ y tế Công an được điều động tham gia tăng cường, chi viện công tác phòng, chống dịch, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh Bắc Giang, Bệnh viện dã chiến Phước Lộc (TP Hồ Chí Minh), Công an các tỉnh/TP: Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Trà Vinh, cơ sở cách ly y tế của Bộ tại T05. Đã tham mưu với lãnh đạo Bộ thành lập 24 cơ sở cách ly y tế tập trung với quy mô trên 5.200 giường, tham mưu với lãnh đạo Công an các địa phương thiết lập 92 cơ sở cách ly y tế cho CBCS, 72 cơ sở cách ly y tế cho can, phạm nhân, đáp ứng kịp thời công tác cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đã thành lập phòng xét nghiệm khẳng định tại Bệnh viện 199, Bệnh viện 30/4, Bệnh viện 19/8 và Viện Khoa học và công nghệ (H09). Y tế Công an đã chủ động triển khai xét nghiệm test nhanh kháng nguyên để sàng lọc định kỳ và khoanh vùng ổ dịch. Đã thành lập Bệnh viện dã chiến tại Bệnh viện 30/4, Bệnh viện dã chiến Phước Lộc tại TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện dã chiến K02 tại Hà Nội, thiết lập cơ sở thu dung điều trị tại các Bệnh viện hạng I, Công an các đơn vị, địa phương để thu dung, điều trị bệnh nhân ngay từ cơ sở. Đã tham mưu Bộ Công an ban hành Quyết định số 1918/QĐ-BCA-H06 ngày 24/3/2021 về triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021 - 2022 trong lực lượng CAND và các Kế hoạch tiêm vắc xin theo các đợt phân bổ của Bộ Y tế. Tính tới tháng 01/2022, đã tiêm mũi 3 đối với 100% CBCS đủ điều kiện tiêm chủng, triển khai tiêm chủng đủ liều cơ bản và liều tăng cường đối với can, phạm nhân đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Chủ động thuốc, hóa chất, phương tiện vật tư, test nhanh, thuốc điều trị và cấp hỗ trợ kịp thời đối với trên 1.500 lượt đơn vị trong giai đoạn dịch bệnh năm 2020 - 2021.

Bên cạnh việc chủ động, tích cực phòng chống dịch bệnh; Y tế CAND còn không ngừng tìm tòi, phát huy những sáng kiến xuất phát từ thực tiễn công tác phòng chống dịch; nhiều sáng kiến hay, thiết thực đã ra đời trong đó có sáng kiến “Áo chống sốc nhiệt”, “Buồng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19” của Bệnh viện Y học cổ truyền đã giúp đảm bảo sức khỏe, an toàn cho đội ngũ cán bộ y tế tham gia phòng chống dịch.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ về nghiên cứu, sản xuất sản phẩm thuốc y học cổ truyền trong phòng và điều trị Covid-19, Bệnh viện Y học cổ truyền đã kịp thời nghiên cứu đưa ra sản phẩm “Ngọc bình phong gia xuyên tâm liên” đã được kiểm chứng qua thực tế có hiệu quả tốt, giúp nâng cao sức đề kháng, phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 cho CBCS Công an và nhân dân.

Có thể khẳng định rằng, lực lượng Y tế CAND đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp đáng kể vào chiến công của lực lượng Công an trong sự nghiệp bảo vệ An ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Mọi chiến công của lực lượng CAND đều có sự đóng góp thầm lặng của lực lượng Y tế CAND.
Phần thứ ba
NHỮNG DANH HIỆU VÀ PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ
 
Nhìn lại chặng đường 75 năm qua, có thể khẳng định quá trình hình thành và phát triển của Y tế CAND gắn liền với lịch sử phát triển của lực lượng CAND. Dưới sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Y tế CAND luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đã có những bước trưởng thành vượt bậc trong đảm bảo, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ phục vụ công tác và chiến đấu, góp phần xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.

Với những thành tích trong suốt 75 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng Y tế CAND đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước như:

(1) Huân chương Chiến công hạng Ba (1992), Huân chương Chiến công hạng Nhất (1998), Huân chương Quân công hạng Ba (2012), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (2017), Huân chương Lao động hạng Ba (2021) cho Cục Y tế.

(2) Huân chương Quân công hạng Ba (1990), Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2001), Huân chương Chiến công hạng Nhì (2021) cho Bệnh viện 30/4.

(3) Huân chương Quân công hạng Nhất (2011), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (2016), Huân chương Lao động hạng Ba (2021) cho Bệnh viện 19/8.

Nhân dịp  này, Y tế CAND trân trọng bày tỏ cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, sự phối hợp chặt chẽ của Công an các đơn vị, địa phương trong CAND; trân trọng cảm ơn giúp đỡ của các Bộ, Ban, ngành, Y tế Quân đội nhân dân; cấp ủy và chính quyền các tỉnh, thành phố và nhân dân, cùng bạn bè quốc tế đã chăm lo, giúp đỡ, tạo điều kiện cho Y tế CAND trưởng thành và phát triển; cảm ơn các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên y tế CAND đã hết lòng, hết sức vượt qua khó khăn, tậm tâm và trách nhiệm với công việc để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập434
  • Máy chủ tìm kiếm41
  • Khách viếng thăm393
  • Hôm nay92,786
  • Tháng hiện tại4,057,686
  • Tổng lượt truy cập151,778,162
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây