HOICHOTHUONGMAI

CÔNG AN TỈNH BẮC KẠN TÍCH CỰC BẢO ĐẢM THỰC HIỆN QUYỀN ĐƯỢC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ CỦA NGƯỜI DÂN

Thứ sáu - 27/07/2018 23:03
Công tác trợ giúp pháp lý là hoạt động mang đậm ý nghĩa nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Đối với công tác phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Bắc Kạn, sự tham gia tích cực của Công an tỉnh trong thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm quyền con người, cải cách tư pháp trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự.
Với tư cách là thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Bắc Kạn, Công an tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trách nhiệm triển khai các hoạt động phối hợp. Các đơn vị đã phổ biến, quán triệt đến đội ngũ Điều tra viên, cán bộ điều tra pháp luật về trợ giúp pháp lý, đặc biệt là Thông tư liên tịch số 11 04/07/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Yêu cầu khi tiến hành tố tụng, làm việc với người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và các đương sự phải kiểm tra xem có thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý không. Nếu có phải giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý, đồng thời hướng dẫn trình tự thủ tục, tạo điều kiện cho đối tượng tiếp cận với cơ quan thực hiện trợ giúp pháp lý.
Hàng năm, Công an tỉnh tham gia kiểm tra công tác phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại cơ quan tiến hành tố tụng các huyện, thành phố. Nội dung tiến hành kiểm tra về các công tác quán triệt, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý cho cán bộ, chiến sĩ; việc giải thích cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và các đương sự khác về quyền được trợ giúp pháp lý; các điều kiện bảo đảm cho công tác trợ giúp pháp lý; sự phối hợp trong quá trình Trợ giúp viên tham gia bào chữa, bảo vệ cho người được trợ giúp pháp lý trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự… Qua các đợt kiểm tra, đã thẳng thắn rút ra bài học từ những kết quả làm được, đặc biệt chỉ ra những mặt còn hạn chế trong quá trình phối hợp thực hiện (có địa phương số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý chưa nhiều, việc giải thích quyền được trợ giúp pháp lý cho các đối tượng thể hiện trong hồ sơ vụ án đôi khi còn hình thức, chưa cụ thể, đa số vụ việc tập trung vào các vụ án theo khoản 2 điều 57 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 sửa đổi, bổ sung). Để từ đó kiến nghị các cơ quan điều tra khắc phục tồn tại của mình, đưa ra những giải pháp kịp thời, hiệu quả trong quá trình triển khai.
Về công tác truyền thông, Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền nội dung Luật Trợ giúp pháp lý, hướng dẫn người nghèo, người dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa, miền núi là những người có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có trình độ dân trí thấp về quyền được trợ giúp pháp lý đặc biệt trong các vụ án. Bên cạnh đó, đơn vị còn chỉ đạo các cơ quan thực hiện công tác quản lý tạm giữ, tạm giam phối hợp với cơ quan trợ giúp pháp lý để tuyên truyền, phổ biến quyền được trợ giúp pháp lý của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và hướng dẫn họ thực hiện các quyền đó. Hiện nay, tại trụ sở Công an cấp tỉnh, cấp huyện đều niêm yết Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý. Đặc biệt trong thời gian qua, Hộp tin trợ giúp pháp lý đã được lắp đặt, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu, mẫu đơn liên quan đến trợ giúp pháp lý cho người tiến hành tố tụng và người dân khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, các cơ quan cũng đã tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý gặp gỡ người bị tạm giữ, tạm giam, thông báo lịch hỏi cung, làm việc với người được trợ giúp pháp lý; bảo đảm cho người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện trách nhiệm của người bào chữa, bảo vệ của mình.
Cùng với đó, với tư cách là cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan điều tra khi tiến hành các hoạt động tố tụng luôn tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự và quy định của Luật Trợ giúp pháp lý về bảo đảm quyền được bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, bị tạm giam trong tố tụng và bảo đảm quyền của người thực hiện việc bào chữa cho người bị tạm giữ, bị tạm giam. Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra, điều tra viên đã giải thích cho người bị tạm giữ, tạm giam về quyền được bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý (đối với những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý). Đồng thời giúp đỡ, tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền đó một cách cụ thể thông qua việc cơ quan điều tra, điều tra viên chủ động phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý, trợ giúp viên pháp lý… tiến hành các thủ tục cần thiết để trợ giúp pháp lý cho người thuộc diện.
Trên cơ sở tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo sát sao của ngành, công tác phối hợp trợ giúp pháp lý pháp lý trong hoạt động tố tụng ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh. Kết quả số lượng vụ việc có Trợ giúp viên pháp lý tham gia vào giai đoạn điều tra các vụ án hình sự ngày càng tăng dần. Năm 2014 có 34 vụ việc, năm 2016 có 88 vụ việc, năm 2017 có 146 vụ việc, 6 tháng đầu năm có trên 70 vụ việc. Một số địa phương thực hiện phối hợp tốt như Công an huyện Pác Nặm, Ba Bể, Na Rỳ. Về đối tượng tập trung  nhiều nhất vào các đối tượng là hộ nghèo và người dân tộc thiểu số cư trú địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Có thể nói, công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trong lực lượng  Công an các địa phương được duy trì ổn định và từng bước nâng cao, góp phần bảo đảm thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý của đối tượng khi tham gia tố tụng. Sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự cũng góp phần quan trọng trong quá trình điều tra giải quyết các vụ án hình sự; Góp phần giải quyết vụ án khách quan, bảo đảm quyền con người trong giai đoạn đẩy mạnh cải cách tư pháp hiện nay. Để phát huy những kết quả này, trong thời gian tới, các đơn vị chức năng của Công an tỉnh cần tiếp tục chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền và triển khai thi hành một cách đồng bộ, thống nhất Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Chú trọng kiểm tra, giám sát, tạo lập cơ chế thông tin hai chiều để cùng giám sát, đánh giá chất lượng thực hiện công việc được giao của người thực hiện trợ giúp pháp lý và người tiến hành tố tụng. Để khắc phục những khó khăn trong quá trình phối hợp, bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho những đối tượng được trợ giúp pháp lý, nhất là người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng sâu, vùng xa chưa hiểu và sử dụng quyền được trợ giúp pháp lý của mình.
 
 
 

Tác giả: Lê Hồng Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập396
  • Máy chủ tìm kiếm70
  • Khách viếng thăm326
  • Hôm nay106,793
  • Tháng hiện tại4,001,621
  • Tổng lượt truy cập151,722,097
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây