HOICHOTHUONGMAI

“Thủ lĩnh” người mù trên xứ sương mờ

Thứ hai - 22/06/2020 18:02
Phải rời ngành Công an là từ bỏ giấc mơ, niềm kiêu hãnh, khí chất hừng hực của tuổi trẻ, nghĩ đến điều khủng khiếp ấy, không biết bao nhiêu lần, Vũ Xuân Trường gục đầu vào bóng tối khóc nghẹn...


"Định mệnh" nghiệt ngã của người trinh sát trẻ

Chiều Đà Lạt bảng lảng sương, cái lạnh se sẽ ùa về theo từng cơn gió nhẹ, người đàn ông tóc hoa râm lần tìm bậc cầu thang vội vã bước xuống sân đón tôi. Bàn tay anh ấm nóng, sự khỏe khoắn toát ra từ giọng nói trong trẻo.

Mọi thứ sẽ thật tuyệt vời nếu như không phải là đôi mắt. Anh cười, cũng đùa lại rằng: “Biết đâu mắt sáng lại chẳng được vui như ngày hôm nay...”. Tôi thoáng nhận ra, một chút buồn vẫn còn phảng phất trên gương mặt và cả trong sâu thẳm đôi mắt vô thức kia khi anh kể về hành trình thay đổi của số phận.  

“Thủ lĩnh” người mù trên xứ sương mờ
Bà KMăng từ ngày được đưa ra khỏi căn lều giữa núi rừng Lâm Hà trở nên vui vẻ, hoạt bát.

Năm 1987, Vũ Xuân Trường chuyển ngành từ Quân đội sang Công an với công việc của cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng. Mong muốn trang bị thêm kiến thức phục vụ công tác, Xuân Trường thi đậu vào trường Đại học Luật Hà Nội (hệ tại chức). Vừa làm vừa học, trên những cung đường của cao nguyên sương mờ, bước chân của người lính trinh sát chưa bao giờ biết mỏi mệt.

Nhưng rồi, “định mệnh” nghiệt ngã đã cướp mất đôi mắt của người trinh sát trẻ chỉ sau một cơn sốt. Đó là những ngày sau Tết Nguyên đán năm 1993, Vũ Xuân Trường vừa hoàn thành ca trực đêm trở về.

Anh bỗng thấy trong người mệt mỏi, cơ thể nóng ran, cứ nghĩ đó là bệnh thời tiết cảm lạnh thông thường nên anh uống thuốc và nằm ở nhà nghỉ ngơi. 3 ngày sau, tình trạng bệnh không thuyên giảm, gia đình chuyển anh đến bệnh viện, bác sĩ tiêm thuốc giảm đau hạ sốt.

Lúc này, toàn thân Vũ Xuân Trường đỏ tấy phỏng rộp và rơi vào hôn mê sâu. Vũ Xuân Trường không hiểu chuyện gì xảy ra với mình, nghe bác sĩ nói, anh bị Hội chứng Steven-Johnson. Đây là một dạng phản ứng dị ứng, thường là dị ứng với thuốc. Bệnh tuy ít gặp nhưng rất nặng, gây nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh. Tần suất bệnh trong dân số chỉ 2/1.000.000 người, nhưng tỉ lệ tử vong lên tới 5-30%.

Gần 1 tháng mê man bất động, khi tỉnh lại, toàn cơ thể Vũ Xuân Trường là một cái bọng nước. Khi vỡ ra, máu mủ, chất dịch bên trong dính bết vào giường chiếu, mỗi lần cựa mình hoặc thay quần áo là một lần lột da, đau như có ai đó lấy dao rạch từng miếng thịt. Những đầu ngón tay ngón chân của anh đều bị tróc hết da, đầu anh rụng trọc lóc không còn cọng tóc nào.

Những cơn đau dù là khủng khiếp như thế vẫn không bằng sự tuyệt vọng và bất lực của đôi mắt. Lúc này, con trai đầu lòng mới 3 tuổi, vợ sắp đến ngày sinh đứa thứ 2, bất hạnh bủa vây lấy cuộc đời Vũ Xuân Trường. 

Anh nằm điều trị suốt 4 tháng trời từ Bệnh viện 30/4 đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh). Suốt 5 năm trời, Công an tỉnh Lâm Đồng đã tạo điều kiện tốt nhất để anh đi chữa mắt. Anh chưa bao giờ thôi hy vọng vào đôi mắt, lúc nào cũng nghĩ đó chỉ là một căn bệnh tức thời, rồi sẽ khỏi và mắt sẽ sáng.

Tháng 6-1998, tại Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội), bác sĩ điều trị chính đến bên giường bệnh, nắm lấy tay anh rủ rỉ tâm tình, chia sẻ rất nhiều điều trong cuộc sống. Và cuối cùng, bà “chốt” lại một lời: “Thôi, cậu về tìm công việc khác làm đi”. Ngồi chết lặng, tưởng như có một viên đạn găm trúng trái tim mình, Vũ Xuân Trường cảm nhận thế giới xung quanh chao đảo, chưa bao giờ anh cảm giác sốc và đau đớn đến vậy. Cuộc đời mình đã chính thức chìm trong bóng tối. Trước đây hy vọng bao nhiêu thì nay tuyệt vọng gấp trăm lần. Không biết bao nhiêu lần, người đàn ông gục đầu vào bóng tối khóc nghẹn.

“Thủ lĩnh” người mù trên xứ sương mờ - Ảnh minh hoạ 2
Anh Vũ Xuân Trường làm việc thuần thục bằng máy tính.

Cuộc sống không có ánh sáng, cảm giác chông chênh, buồn tủi đeo bám Vũ Xuân Trường suốt thời gian dài. Anh phải tập đi đứng, tập cầm nắm, tập ăn uống và lao động theo chế độ của người mù. Anh trở thành người nội trợ, giúp vợ việc bếp núc, chăm sóc hai đứa con. Ngoài tiền lương bệnh binh ít ỏi của anh, mọi thứ phải trông chờ vào nguồn thu nhập từ sạp hàng tại chợ Đà Lạt của vợ.

Xứng danh thủ lĩnh

Lâm Đồng thời đó chưa có Hội người mù. Vũ Xuân Trường đi tìm hiểu khắp Đà Lạt xem có bao nhiêu người mù, họ đang sống và sinh hoạt như thế nào. Qua kết nối của ngành Lao động- Thương binh và Xã hội, anh tìm được 7 người mù tại Đà Lạt và xin phép chính quyền thành lập Ban vận động. Mọi người chia nhau đi khảo sát, tìm kiếm, tập hợp người mù từ khắp nơi trong tỉnh.

Những con đường quanh co đèo dốc, những ngôi làng của người đồng bào dân tộc thiểu số trên cao nguyên nằm sâu thăm thẳm trong những cánh rừng. Để di chuyển ở địa hình như thế, với người bình thường mắt sáng đã là khó khăn, vất vả thì với người mù là một thử thách của giới hạn chịu đựng và trách nhiệm. Vũ Xuân Trường nhớ rất rõ, vào những tháng ngày đi vận động ấy, từng cảnh đời, từng số phận đã ám thật sâu vào tâm trí anh.

Đó là những ngày Đông giá rét tại thôn RTeing (xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà), Vũ Xuân Trường vào nhà ông KBa tìm hiểu những người mù trong gia đình ông. Tuy con mắt không nhìn thấy, nhưng giác quan nhạy cảm của anh có thể cảm nhận trọn vẹn sự nghèo khó, bần hàn của một gia đình.

Tuy nhiên, bất hạnh của gia đình ông KBa không phải là nghèo mà là bệnh tật di truyền. Trong số 11 người thì có tới 8 người vừa mù vừa khuyết tật. Bao nhiêu năm sống quẩn quanh giữa ngút ngàn mây núi, những số phận này chưa một lần bước chân ra khỏi ngọn đồi. Bóng tối bao trùm cuộc đời, họ mặc nhiên xem đó là lẽ thường của tạo hóa, chẳng biết oán trách ai.

Sau chuyến đi, Vũ Xuân Trường đã quyết định đưa 5 người trong gia đình ông KBa về Hội Người mù để chăm sóc, phát triển và hòa nhập cộng đồng. Anh dạy họ cách ăn ở, đi lại, cách nằm ngủ... rồi đưa vào học chữ. Từ những đứa trẻ hoang sơ, mụ mị, vu vơ, đờ đẫn nơi núi rừng, giờ đây KThúy đã học lớp 11, em trai KKỷ học lớp 7, em út KÁi chuẩn bị vào lớp 1 và người bác KMăng (mắt mờ, chân cụt) là trợ thủ nấu ăn đắc lực trong nhà bếp của Hội.

Tự gắn trách nhiệm cho bản thân mình, tự thôi thúc ý chí và trái tim của mình, Vũ Xuân Trường đã không quản khó nhọc đi tìm kiếm người mù. Anh còn nhớ rõ, chuyến đi xuyên rừng vào nhà của KĐài và KB Riệu ở xã Sơn Điền (huyện Di Linh) vào năm 2002. Khi đi vào tới cửa rừng thì trời nhá nhem tối và đổ mưa rất to, anh lái xe đề xuất quay trở lại nhưng Vũ Xuân Trường không đồng ý.

Quay về thị trấn là 50 cây số, với đường sá như vậy phải nửa đêm mới tới, sáng mai quay lại thì mất rất nhiều thời gian và công sức. Vũ Xuân Trường quyết định đi tiếp. Vậy là một người sáng mắt và một người mù băng vào rừng trong đêm. Đoạn đường để vào nhà hai em là 20 cây số đường rừng, 9 giờ đêm, họ tới buôn làng. Nửa tháng sau, hai đứa trẻ mù nơi thâm sơn cùng cốc được đưa ra thành phố học chữ và hòa nhập cuộc sống hiện đại.

“Thủ lĩnh” người mù trên xứ sương mờ - Ảnh minh hoạ 3
4 chị em KThúy đều được đến trường như bao đứa trẻ bình thường khác.

Suốt hai năm vận động, tìm kiếm, vào tháng 5-2003, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cho phép thành lập Hội Người mù của tỉnh. Chủ tịch Hội là ông Trương Thành Tích, thương binh thời chống Pháp, Phó Chủ tịch là Vũ Xuân Trường. Một năm sau, ông Tích do tuổi cao sức yếu nên xin nghỉ, Vũ Xuân Trường đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội cho đến ngày nay.

Nói là hội nhưng mới chỉ trên giấy tờ, hội vẫn chẳng có gì trong tay, trụ sở phải đi mượn. Để có kinh phí hoạt động, những người chủ chốt trong Hội phải đi vận động, quyên góp từ khắp nơi. Họ xin từng ký gạo để nuôi người mù về học văn hóa và học nghề. Lớp học văn hóa đầu tiên gồm 45 học viên, là những người mù từ khắp các vùng miền của tỉnh Lâm Đồng.

Hội mượn ngôi nhà cũ kỹ, tuềnh toàng của một người dân tốt bụng sau đó phải đi kiếm gỗ về đóng giường, làm bàn, dựng thêm lán để học tập và sinh hoạt. Vừa học chữ nổi, Vũ Xuân Trường vừa tổ chức văn nghệ, đàn hát nhằm khuấy động không khí vui tươi, lạc quan cho người mù.

Khi họ đã quen dần với nếp sống tập thể, họ được học làm chổi, làm tăm, đan lát... chuẩn bị cho việc ra xã hội hòa nhập và sống trên đôi chân của chính mình.    

Đầu năm 2009, tỉnh Lâm Đồng đã cấp cho Hội Người mù lô đất tại số 2 Trần Quang Diệu (TP Đà Lạt) làm trụ sở. Trên nền đất trống, Hội đã dành dụm được một số tiền để xây dựng một nơi sinh hoạt khang trang, đàng hoàng như ngày hôm nay.

Vũ Xuân Trường vẫn còn rất nhiều ý tưởng để đem lại cuộc sống tốt hơn cho những hội viên kém may mắn của mình.

Ngọc Hoa

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập472
  • Máy chủ tìm kiếm82
  • Khách viếng thăm390
  • Hôm nay71,945
  • Tháng hiện tại3,930,052
  • Tổng lượt truy cập151,650,528
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây