Phóng viên Truyền hình Công an kể chuyện tác nghiệp nơi cao điểm biên giới

Thứ hai - 03/04/2017 11:25
Vui vẻ, cởi mở và rất hay cười là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với Trung uý Đoàn Tiến Mạnh, một trong 20 tấm gương Thanh niên Công an tiêu biểu được Bộ Công an vinh danh vừa qua.


Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất miền Trung nắng gió, sau khi thi đỗ và tốt nghiệp chuyên ngành quay phim truyền hình tại Đại học Sân khấu Điện ảnh, anh về công tác tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình - Điện ảnh CAND để phát huy những kiến thức, kỹ năng đã được học tập, rèn luyện trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Là một phóng viên quay phim, anh luôn tìm tòi, sáng tạo những góc quay, những khuôn hình đẹp, góp phần tạo nên những chương trình có tính hấp dẫn, lôi cuốn người xem.

Anh luôn trăn trở làm sao để có những chương trình mang tính hấp dẫn, hiện đại, kết nối, phối hợp tốt với tất cả các bộ phận liên quan; đáp ứng yêu cầu của tất cả các chương trình phát sóng trên Kênh ANTV, từ tin tức, phóng sự thời sự, fomat chuyên biệt, phim tài liệu, các chương trình ghi hình tường thuật xe màu và tường thuật trực tiếp. Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác chuyên môn, anh luôn chủ động học tập, tìm tòi, cập nhật kỹ thuật máy quay osmo, flycam… và các thiết bị phụ trợ khác để sử dụng và tham mưu cho lãnh đạo đơn vị trang bị mang lại chất lượng và hiệu quả tốt nhất.

Phóng viên Truyền hình Công an kể chuyện tác nghiệp nơi cao điểm biên giới
Trung úy Đoàn Tiến Mạnh tại chương trình vinh danh 20 gương mặt thanh niên Công an tiêu biểu năm 2016.

Năm 2016 là năm nhiều thành công với Trung uý Đoàn Tiến Mạnh khi anh liên tục giành được giải cao trong các cuộc thi Liên hoan phim truyền hình. Tác phẩm “Gửi năm tháng sống tặng đồng đội tôi” do anh cùng đồng nghiệp làm đã đoạt giải Vàng của Liên hoan phim truyền hình toàn quốc lần 36, thể loại phim tài liệu. Tác phẩm được đánh giá cao về chuyên môn cũng như nội dung truyền tải.

Bộ phim khắc họa sâu đậm cuộc sống và chiến đấu của những người lính biên cương, dãi dầu nắng mưa nơi địa đầu Tổ quốc, cùng vào sinh ra tử… Với vai trò là đạo diễn hình hình và quay phim, anh đã dồn tất cả tâm huyết và cảm xúc vào tác phẩm, sử dụng tất cả thiết bị mới nhất như flycam, osmo để mang đến khán giả những hình ảnh và cảm xúc chân thật nhất về người lính Vị Xuyên.

“Để có những hình ảnh chân thật và gặp được những nhân chứng sống, anh em trong đoàn làm phim đã cố gắng tiếp cận gần nhất các địa danh trên đến mức có thể. Ngày nắng thì bụi mù mịt, ngày mưa đường lầy lội, di chuyển đã khó lại thêm thiết bị máy móc. Trong khi đó, ôtô không lên được và phải di chuyển bằng xe máy và đi bộ.

Tôi còn nhớ có một lần để di chuyển từ cao điểm 468 vào sát đường biên giới giữa ta và Trung Quốc để gặp một nhân chứng. Tôi và anh đạo diễn Lê Nam đã phải thuê một chiếc xe máy của dân bản địa, đường đi rất hiểm trở, người dân ở đấy cũng có cảnh báo nếu không quen thì không thể đi được. Nhưng nghĩ về nhiệm vụ, thêm cái máu làm nghề, anh em lại tiếp tục lên đường.

Tôi bị một phen hú hồn khi có những đoạn đường cảm giác chỉ to hơn cái lốp xe máy một tí. Một bên là núi, một bên là vực sâu, đường lại dốc cao, xe máy cài số 1 kéo ga khét lẹt không lên nổi vì máy móc mang theo lỉnh kỉnh, lại nặng. Thỉnh thoảng, bánh trước lại nhấc nổi, nhiều khi chỉ sơ sẩy trong tích tắc thôi, hai anh em đã lao xuống dưới vực rồi”, anh kể.

Anh còn tích cực tham gia và đoạt giải Nhất cuộc thi “Sáng tạo tài năng trẻ” do Đoàn Thanh niên Trung tâm Phát thanh - Truyền hình - Điện ảnh CAND phát động. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, qua đó, có nhiều ý tưởng được áp dụng trong thực tiễn đem lại hiệu quả cao trong công tác chuyên môn như: đưa hình ảnh trực tiếp từ flycam bàn trộn hay trung tâm chỉ huy...

“ANTV là một kênh chuyên biệt phản ảnh những vấn đề nóng về an ninh trật tự, có nhiều trường hợp để tiếp cận hiện trường và truyền hình ảnh trực tiếp về trung tâm bằng máy quay thường rất khó. Ví dụ như các vụ cháy nổ, khủng bố  hay những vụ bắt cóc con tin, lúc đấy mình có thể sử dụng flycam để phục vụ công tác chuyên môn, hay cung cấp các hình ảnh nghiệp vụ cho các đồng nghiệp để nhận định đúng hơn về tính chất vụ việc…”, anh chia sẻ.

Theo Trung uý Đoàn Tiến Mạnh, 2 kiến thức quan trọng nhất một quay phim cần nắm vững đó là góc nhìn của một nhiếp ảnh gia và sự cảm thụ văn học. Người quay phim vừa phải nắm bắt được các kiến thức về máy móc, kỹ thuật, vừa phải có tâm hồn của một người nghệ sĩ đích thực. Để làm được nghề, đòi hỏi người quay phim phải thực sự yêu thích công việc của mình.

Thế nhưng, có những thời điểm nhiều sự kiện xảy ra, một ngày phải quay rất nhiều chương trình thì yêu nghề chưa chắc đã đủ mà còn cần lắm nghị lực cũng như sức khỏe. Có như vậy mới đáp ứng được những yêu cầu về hình ảnh cũng như nội dung của từng chương trình.

Vũ Linh

Tác giả: Vũ Linh

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập442
  • Máy chủ tìm kiếm64
  • Khách viếng thăm378
  • Hôm nay125,927
  • Tháng hiện tại3,312,851
  • Tổng lượt truy cập155,348,455
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây