Thay đổi chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Thứ tư - 12/07/2017 04:23
Với quan điểm nhất quán trong việc bảo vệ trẻ em, Nhà nước Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và đã thúc...

Với quan điểm nhất quán trong việc bảo vệ trẻ em, Nhà nước Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và đã thúc đẩy việc hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ quyền trẻ em, trong đó, đã dành sự quan tâm đặc biệt cho đối tượng trẻ em vi phạm pháp luật, nhất là những trường hợp người chưa thành niên (hay còn gọi là người dưới 18 tuổi) phạm tội.

Chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên là nhằm giúp đỡ, cải tạo, giáo dục để người chưa thành niên nhận ra sai lầm, từ đó sửa chữa những sai lầm của mình, tạo điều kiện để các em có khả năng tái hòa nhập cộng đồng.

Kế thừa nguyên tắc nhân đạo nêu trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi quan trọng trong chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong Bộ luật Hình sự năm 2015 thể hiện ở phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người dưới 18 tuổi và chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi. Những nội dung sửa đổi quan trọng của Bộ luật Hình sự năm 2015 về chính sách hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:

1. Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người dưới 18 tuổi

Kế thừa các quy định trước đây của Bộ luật Hình sự thì người từ đủ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, Bộ luật Hình sự phân loại ra hai nhóm để có chính sách hình sự khác nhau, đó là nhóm từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và nhóm từ đủ 16 tuổi trở lên.

So với Bộ luật hình sự năm 1999 thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015 không sửa đổi về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 16 tuổi trở lên nhưng có sửa đổi lớn về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng đối với bất kỳ tội danh nào. Nay theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong 28 điều, đó là các điều: 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng sửa đổi phạm vi chịu trách nhiệm của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội theo hướng thu hẹp hơn.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về việc chuẩn bị phạm tội nếu tội phạm mà họ chuẩn bị thực hiện là tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc mọi tội danh; nay theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015, họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu chuẩn bị phạm tội thuộc một trong 2 tội danh đó là: giết người (Điều 123) và cướp tài sản (Điều 168).

2. Về chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội tại Chương XII, bao gồm 5 mục, đó là: Mục quy định chung về xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; Mục các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự; Mục biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; Mục hình phạt và Mục quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt, miễn giảm hình phạt, xóa án tích. So với Bộ luật hình sự năm 1999 thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều quy định mới trong chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, cụ thể là:

- Về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội:

+ Bổ sung nguyên tắc: “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi” (khoản 1 Điều 91) và nguyên tắc: “Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa” (khoản 6 Điều 91).

+ Sửa đổi nguyên tắc: “Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Toà án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của Bộ luật này” tại khoản 4 Điều 69 Bộ luật Hình sự năm 1999 thành: “Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương này không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa” (khoản 4).

- Thu hẹp phạm vi miễn trách nhiệm hình sự đối với người người dưới 18 tuổi: theo khoản 2 Điều 69 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng (đối với tất cả các tội danh có loại tội phạm này), gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.

Nay theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015, người chưa thành niên phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật Hình sự năm 2015, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương XII Bộ luật Hình sự năm 2015:

+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

+ Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

- Bổ sung một số biện pháp giám sát, giáo dục đối với người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự: Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự sẽ bị áp dụng biện pháp giám sát của gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ cư trú, học tập, sinh hoạt, lao động. Nay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định có các biện pháp giám sát, giáo dục là: biện pháp khiển trách (Điều 93), hòa giải tại cộng đồng (Điều 94) và giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 95).

- Chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 thành biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự và chỉ giữ lại 1 biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, đó là biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (Điều 96).

- Bổ sung 3 điều luật quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội: quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, tổng hợp hình phạt của nhiều bản án và tha tù trước thời hạn có điều kiện.

- Mở rộng phạm vi không bị coi là có án tích đối với người chưa thành niên phạm tội: Bộ luật Hình sự năm 1999 chỉ coi là không có án tích trong trường hợp người chưa thành niên phạm tội nếu được áp dụng những biện pháp tư pháp thì nay theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015và Bộ luật Hình sự năm 2015, ngoài trường hợp bị áp dụng biện pháp tư pháp, người chưa thành niên là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý cũng không bị coi là có án tích.

- Sửa đổi quy định thời hạn xóa án tích đối với người chưa thành niên bị kết án: Bộ luật hình sự năm 1999 quy định thời hạn để xoá án tích đối với người chưa thành niên là một phần hai thời hạn quy định tại Điều 64 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (1/2 thời hạn xóa án tích của người đã thành niên), nay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì đương nhiên xoá án tích nếu trong thời hạn 3 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới.

Tác giả: Trung tướng, GS, TS. Nguyễn Ngọc Anh

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập426
  • Máy chủ tìm kiếm119
  • Khách viếng thăm307
  • Hôm nay138,924
  • Tháng hiện tại3,327,645
  • Tổng lượt truy cập155,363,249
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây