HOICHOTHUONGMAI

Sẽ tạm dừng 3 lễ hội chọi trâu Phù Ninh, Hải Lựu và Đồ Sơn...?

Thứ sáu - 20/04/2018 13:54
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thuỷ cho rằng, nếu 3 lễ hội chọi trâu Phù Ninh, Hải Lựu và Đồ Sơn không có phương án thay đổi cách thức tổ chức và quản lý sẽ tạm dừng 3 lễ hội này để đảm bảo lễ hội đi vào trật tự.

Biểu hiện lệch lạc trong khai thác hoạt động lễ hội

Sáng 20/4 tại Bộ VHTT&DL đã tổ chức sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội xuân Mậu Thân 2018. Nhận định về những điều đã đạt được trong mùa lễ hội đầu xuân 2018, Cục Văn hóa cơ sở cho rằng, các hoạt động lễ hội đầu năm diễn ra an toàn, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Từ lễ hội có quy mô cấp tỉnh, huyện đến các lễ hội phạm vi làng, xã... được tổ chức trang nghiêm, thành kính, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân.

Các lễ hội mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ như: lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ ba không tổ chức chém lợn giữa sân đình; Hội phết Đình Đông Lai (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ; Hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) đã thay đổi hình thức tổ chức mới, chia đội và giới hạn khu vực chơi đảm bảo cho hoạt động lễ hội diễn ra an toàn; Lễ hội Đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) năm đầu tiên thay đổi hình thức cướp lộc, không xuất hiện cảnh tranh giành cướp giò hoa tre.

Sẽ tạm dừng 3 lễ hội chọi trâu Phù Ninh, Hải Lựu và Đồ Sơn...?
Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ chủ trì sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội xuân Mậu Thân 2018 sáng nay. Ảnh: Tùng Long.

Tuy nhiên, nhìn nhận trên bình diện chung, mùa lễ hội vừa qua vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục. Cụ thể, vẫn còn xảy ra những hiện tượng chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội. Đốt đồ mã, vàng mã vẫn còn nhiều tại các di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn.

Một số cơ quan còn buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật lao động, đi lễ hội trong giờ hành chính như: lãnh đạo và công chức Kho bạc nhà nước TP. Nam Định, lãnh đạo và công chức Điện lực Bình Lục (Hà Nam); Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội).

Hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số di tích lễ hội như: Đền Sóc, Chùa Hương (thành phố Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)...

Một số lễ hội, di tích vẫn để xảy ra tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích; công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích chưa kịp thời...

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, bên cạnh những hạn chế kể trên vẫn còn nhiều lễ hội có biểu hiện lệch lạc trong khai thác hoạt động lễ hội. Từ đó sinh ra việc nâng cấp quy mô, mở rộng phạm vi lễ hội, đưa nhiều nội dung không phù hợp, không có trong hồ sơ di tích - di sản. Chẳng hạn như: phát ấn, phát lộc, sóc thẻ…

“Về nguyên tắc phải tôn trọng những giá trị truyền thống lễ hội. Không xuyên tạc, không bóp méo, không đưa vào lễ hội những hiện tượng lệch lạc... Nếu không quản lý và xiết chặt về tương lai sẽ có hàng chục lễ phát ấn. Như thế là có tội với tổ tiên, với cộng đồng. Việc đưa những hiện tượng không đúng trong hồ sơ di tích – di sản là không đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chỉ rõ.

Sẽ tạm dừng 3 hội chọi trâu nếu không thay đổi

Nói về Hội Phết Hiền Quan, Chủ tịch huyện Tam Nông - Phú Thọ chia sẻ: “Hội Phết Hiền Quan vốn trước đây là đánh phết, trải qua quá trình được chuyển sang cướp thành phết. Vì hội cướp nên phải đông vui. Cướp phết là tất cả mọi người đều muốn mình may mắn, muốn chạm được, cướp được phết để lấy may.

Lúc đầu chỉ cho 100 người cướp thôi nhưng khi ra sân ai cũng muốn cướp nên khó kiểm soát. Tuy nhiên, không có chuyện đánh nhau gây thương tích. BTC đã huy động 70 cảnh sát cơ động của tỉnh tăng cường, 50 cảnh sát của huyện và rất đông dân quân tự vệ để bảo vệ an toàn các hoạt động trong lễ hội”.

Sẽ tạm dừng 3 lễ hội chọi trâu Phù Ninh, Hải Lựu và Đồ Sơn...? - Ảnh minh hoạ 2
Chọi trâu Phù Ninh - Phú Thọ năm 2018. Ảnh: TL.

Tuy nhiên, bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho rằng, nếu để Hiền Quan tiếp tục tổ chức lễ hội cướp phết mà không có phương án thay đổi cụ thể thì có đến 1000 công an cũng không đảm bảo được vấn đề an ninh. Đặc biệt, dù tổ chức ở ruộng nhưng BTC không có phương án nào để người dân xung quanh không chạm vào phết.

“Tại sao không thay đổi thời gian cướp phết. Tại sao cứ phải 15h, trong khi thanh niên làng uống rượu cả buổi sáng đến chiều lao vào cướp phết. Tại sao chúng ta không tuyên truyền cho dân hiểu quả chúi (phết) mang ý nghĩa rủi ro, cần vứt bỏ đi để người dân không lao vào tranh cướp. Nếu không có đề án thay đổi thì không bao giờ thay đổi được tình trạng tranh cướp, đánh nhau.

Công tác bố trí và sắp xếp dịch vụ cực kỳ lộn xộn. Công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, buôn bán trong khuôn viên cũng lộn xộn không kém. Nhất thiết phải có đề án, phải thông qua Bộ để xem xét. Nếu không có phải tạm dừng hội này, bằng không phải quay về với phương thức tổ chức ngày xưa đó là đánh phết”, bà Hương thẳng thắn.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng đồng tình với ý kiến cần phải thay đổi từ cướp phết quay về với đánh phết. Cần xây dựng vài ba phương án để lựa chọn, đặc biệt đảm bảo về an ninh.

“Chúng ta cứ nói chưa có hiện tượng đánh nhau nhưng đó là chưa có sự cố gì xảy ra thôi, chứ có sự cố xảy ra chúng ta không trở tay kịp đâu. 100 cảnh sát chứ 1000 cảnh sát mà không có phương án cụ thể cũng không thể đảm bảo an toàn được”, Thứ trưởng Thủy nhấn mạnh.

Về hội chọi trâu Phù Ninh - Phú Thọ, bà Ninh Thị Thu Hương cũng bày tỏ rằng, trong 3 hội chọi trâu (Phù Ninh (Phú Thọ), Đồ Sơn (Hải Phòng) và Hải Lựu (Vĩnh Phúc) hiện nay thì chọi trâu Phù Ninh là đáng lo ngại nhất. Công tác tổ chức ở hội này rất lởm khởm khiến bản thân bà Hương ngồi dự mà không ít lần “thót” tim. Hàng rào rất đơn sơ, không có lối riêng dẫn trâu vào.

“Tôi theo 2 ngày ở Phù Ninh, công tác trật tự cực kỳ đáng báo động. Hôm đó con trâu số 3 đúng là trâu điên, tôi phải gọi điện cho Chủ tịch huyện đề nghị dắt ngay con trâu số 3 ra không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Vấn đề vệ sinh môi trường bẩn khủng khiếp, khách đến xem hôm trước xả rác la liệt nhưng hôm sau vẫn chưa được dọn. Công tác đảm bảo an ninh phải xem lại. Tổ trọng tài không có kỹ năng gì cả, cứ chạy loăng quăng, không có biện pháp gì khống chế trâu chọi”, bà Hương nói.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng nhấn mạnh, cả Hải Lựu và Phù Ninh cần sớm xây dựng đề án đổi mới mô hình tổ chức lễ hội chọi trâu ở địa phương mình. Rà soát lại hồ sơ của lễ hội này, nếu xác định đây là lễ hội truyền thống, có ý nghĩa và mục đích giáo dục thì sớm hoàn thiện hồ sơ để được xem xét. Trong trường hợp, không có căn cứ để chứng minh tính truyền thống và mang lại những giá trị giáo dục thực sự cho cộng đồng thì phải xem xét dừng những hội này lại để đảm bảo lễ hội đi vào trật tự.

Thứ trưởng Thủy đặt câu hỏi, nếu nói lễ hội có truyền thống đặc sắc vậy năm nay đề nghị không bán vé, không giết thịt trâu chọi… BTC có chấp hành không?

Riêng về Hội chọi trâu Đồ Sơn, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng yêu cầu phải đổi mới phương thức tổ chức. Không thể cứ bảo thay cái này, đổi cái kia mà không chịu thay đổi. Việc thay đổi phải có phương án chi tiết. Bộ VHTT&DL sẽ thành lập hội đồng để thẩm định đề án này một cách kỹ càng nhất.

Tác giả: Hà Tùng Long

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập417
  • Máy chủ tìm kiếm73
  • Khách viếng thăm344
  • Hôm nay86,451
  • Tháng hiện tại4,051,351
  • Tổng lượt truy cập151,771,827
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây