Nghẹn ngào chuyện bà mẹ khiếm thị thi hát kiếm tiền mổ tim cho con trai

Thứ năm - 20/07/2017 16:07
Cả 3 vị giám khảo và nhiều khán giả có mặt tại trường quay đã không cầm được nước mắt trước câu chuyện bà mẹ khiếm thị Phạm Thi Cương (60 tuổi) đi hát để kiếm chút tiền mổ tim cho con trai 8 tuổi bị bệnh tim và hội chứng down.

Tập 13 của chương trình “Hát mãi ước mơ” phát sóng tối qua (19/7) đã khiến khán giả rất xúc động với 4 hoàn cảnh hết sức đáng thương. Trong đó, câu chuyện của bà mẹ khiếm thị Phạm Thị Cương ở TPHCM đã khiến rất nhiều người rơi nước mắt.

Bà Cương kể, bà bị mù mắt từ năm 3 tuổi do bệnh ban đỏ, cha mẹ cũng không chăm sóc yêu thương… nên bà đành phải rời quê Đồng Tháp lên TPHCM bán vé số dạo để mưu sinh. Lên đây, bà gặp rồi gá nghĩa vợ chồng với ông Đào Văn Ba, năm nay cũng đã 70 tuổi.

Nghẹn ngào chuyện bà mẹ khiếm thị thi hát kiếm tiền mổ tim cho con trai
Bà Phạm Thị Cương trên sân khấu "Hát mãi ước mơ" tập 13.

Ông Ba cũng bị khiếm thị từ khi lên 4 do mắc bệnh ban đỏ như vợ. Số phận đã không ban cho họ sự may mắn khi sinh được một cậu con trai thì bị mặc bệnh tim bẩm sinh và hội chứng down. Cậu bé đã 8 tuổi nhưng phát triển chậm chạm, còi cọc, hàng ngày vẫn phải nhờ mẹ bón cơm cho ăn.

Thời còn khoẻ, ông Ba đánh đàn cho bà Cương đi bán vé số dạo nhưng từ khi có con bà Cương phải ở nhà chăm con. Ông Ba tuổi ngày càng cao, sức càng yếu nên không đi bán vé số thường xuyên như trước. Riêng bệnh tim của cậu con trai, vì nhà quá nghèo, không có tiền phẫu thuật nên ông bà cũng đành phải để con sống chung với bệnh.

“Bác sỹ bảo, 4 tuổi nếu lành thì không phải mổ, còn sau 4 tuổi mà không lành thì phải mổ. Nhưng do nhà nghèo, không có tiền để mổ tim cho con nên đành phải để con thế”, bà Cương tâm sự.

Bà Cương đi hát với mong muốn kiếm được chút tiền phẫu thuật tim cho con hòng mong con trai được phát triển bình thường như các bạn cùng trang lứa và có thể đi học biết chữ.

Nghẹn ngào chuyện bà mẹ khiếm thị thi hát kiếm tiền mổ tim cho con trai - Ảnh minh hoạ 2
Thí sinh Đức Duy và cậu bé Thiện khiến MC lẫn giám khảo và khán giả không cầm được nước mắt.

Đến với chương trình, bà Cương hát bài “Nỗi buồn hoa phượng”. Giọng hát của bà được ca sĩ Cẩm Ly nhìn nhận: “Nếu con chỉ nghe thôi, không nhìn thì cô có giọng hát trong trẻo như một cô gái. Giọng hát rất ngọt ngào, thánh thót lắm cô ơi”. Trấn Thành cũng cho rằng, bà Cương có giọng hát đẹp, những nốt cao không bị với, giọng vang hát và thánh thót.

Câu chuyện của thí sinh Huỳnh Đức Duy ở TP.HCM đi hát kiếm tiền giúp đỡ hai cụ cháu neo đơn gần nhà cũng khiến bao người rơi nước mắt. Huỳnh Đức Duy hiện đang làm công việc thu âm và ca hát trong một ban nhạc.

Đức Duy tâm sự, cậu rất thương hoàn cảnh của cụ Nguyễn Thị Hai (86 tuổi) và cậu chắt tên Thiện 14 tuổi ở gần nhà. Cả hai cụ cháu phải sống trong một căn chòi dựng tạm, hàng ngày sống nhờ vào sự đùm bọc cưu mang của hàng xóm và khoản tiền trợ cấp dành cho người già.

Bé Thiện là chắt của cụ, được cụ nuôi nấng từ khi 1 tháng tuổi. Cậu bé năm nay đã 14 tuổi nhưng đã phải sớm nghỉ học đi bán vé số. Hiện tại, Thiện ở nhà và thỉnh thoảng làm thuê công việc cho hàng xóm để kiếm tiền phụ giúp cụ. Cậu bé 14 tuổi khiến nhiều người xót xa khi chia sẻ không muốn đi học mà chỉ muốn làm nghề sửa xe kiếm tiền lo cho cố.

Nghẹn ngào chuyện bà mẹ khiếm thị thi hát kiếm tiền mổ tim cho con trai - Ảnh minh hoạ 3
Cụ bà Phạm Thị Hai.

Đức Duy chọn thể hiện ca khúc “Thành thị” được Trấn Thành khen “Sống tình cảm, hát dĩ nhiên tình cảm, hát bằng trái tim”, còn ca sĩ Cẩm Ly khen Đức Duy có quãng trầm hát rất rõ, rất chính xác và hát rất hay. Trấn Thành cũng động viên cậu bé Thiện cố gắng đi học và anh sẽ giúp cậu bé chuyện học hành.

Câu chuyện của chàng khiếm thị Lê Thạnh Phùng quê ở Gia Lai tham gia chương trình để kiếm được số tiền giúp đỡ ông bà ngoại và mẹ cũng gầy nhiều xúc động. Phùng bị bệnh ở mắt từ nhỏ, dù đã được gia đình cho chạy chữa nhiều nơi nhưng cuối cùng cậu vẫn phải đối diện với cuộc sống tăm tối.

Phùng sinh ra không biết mặt cha, sống xa gia đình từ khi mới 4 tuổi rưỡi. Mẹ Phùng hiện sống cùng ông bà ngoại ở Pleiku, làm nghề nông, còn Phùng sau khi học xong lớp 12 được đưa xuống mái ấm dành cho người khiếm thị ở TP.HCM. Do điều kiện quá khó khăn nên nhiều khi mẹ con nhớ nhau nhưng không thể qua lại thăm nhau được.

Nghẹn ngào chuyện bà mẹ khiếm thị thi hát kiếm tiền mổ tim cho con trai - Ảnh minh hoạ 4
Thí sinh khiếm thị Lê Thạnh Phùng đi hát để kiếm tiền giúp mẹ và ông bà ngoại ở quê.

Ước mơ của Phùng là tìm được công việc ổn định để nuôi sống bản thân và chăm sóc cho mẹ cùng ông bà ngoại. Với Phùng, mẹ vừa là mẹ, vừa là cha nên cậu dành hết mọi tình thương cho mẹ.

Hình ảnh chàng thanh niên khiếm thị tay run run cầm míc bước ra sân khấu hát đã khiến các giám khảo và khán giả nghẹn ngào. Trấn Thành bảo, anh rất lo lắng khi thấy Phùng run rẩy trên sân khẩu nhưng rất may cậu đã không bị khớp nhạc, hát tròn đầy, những nốt cao hào sảng.

Trải qua ba vòng thi, bà Phạm Thị Cương và Huỳnh Đức Duy là hai thí sinh sở hữu điểm số cao nhất. Với màn trình diễn được đánh giá ngang sức, giám khảo dành cho bà Cương và Đức Duy số điểm lần lượt là 57 và 56.

Kết quả bất ngờ thay đổi khi trong lượt bình chọn từ khán giả, Đức Duy bất ngờ vươn lên dẫn trước. Như vậy, Đức Duy với số điểm tổng cộng 98 điểm là người giành chiến thắng giải thưởng 50 triệu đồng. Cô Cương về nhì với số điểm 95 và giải thưởng 25 triệu đồng.

Tác giả: Hà Tùng Long

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Chuyên trang
An ninh mạng
Thống kê
  • Đang truy cập441
  • Máy chủ tìm kiếm114
  • Khách viếng thăm327
  • Hôm nay142,386
  • Tháng hiện tại2,251,629
  • Tổng lượt truy cập154,287,233
Liên kết Website
Hộp thư góp ý
Đường dây nóng
THÔNG TIN ĐẦU MỐI HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DVC TT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây